Trung Quốc: 229 tỷ phú rớt khỏi danh sách người giàu toàn cầu, trong đó có cả các ông trùm địa ốc
Theo Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận, 229 tỷ phú Trung Quốc đã rớt khỏi danh sách người giàu toàn cầu năm nay, chiếm hơn một nửa số người bị loại khỏi danh sách này. Tài sản của các ông trùm địa ốc giảm ở mức báo động, với hơn 10 người trong danh sách năm ngoái hoàn toàn rớt khỏi bảng xếp hạng năm nay.
Theo Hồ Nhuận, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, tổng số người bị rớt khỏi danh sách trên toàn thế giới lên tới 445, con số lớn nhất trong lịch sử.
Nhiều ông trùm địa ốc chứng kiến giá trị tài sản giảm
Các nhà phát triển địa ốc đã rớt khỏi “Danh sách Người giàu Toàn cầu Hồ Nhuận năm 2023” bao gồm huynh đệ nhà họ Lâm của Tập đoàn CIFI, ông Lâm Đằng Giao (Lin Tengjiao) của Tập đoàn Dương Quang (Yango Group), ông Thẩm Thiên Tình (Shen Tianqing), chủ tịch công ty Quốc tế Giai Nguyên (Jiayuan International), ông Trương Diệu Viên (Zhang Yaoyuan), ông Tô Nhữ Pha (Su Rupo) và ông Âu Học Minh (Ou Xueming) của công ty Bích Quế Viên (Country Garden), và ông Trần Nhuận Quang (Chen Runguang) và ông Trần Kiện Dân (Chen Jianmin) của Tập đoàn Everbright.
Hơn nữa, những tỷ phú này đã tụt hạng đáng kể trong bảng xếp hạng năm ngoái. Trong số ba huynh đệ nhà họ Lâm của Tập đoàn CIFI, thứ hạng của ông Lâm Trung (Lin Zhong) đã giảm 428 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái, trong khi ông Lâm Phong (Lin Feng) và ông Lâm Vỹ (Lin Wei) lần lượt giảm xuống thứ hạng 664 và 570. Ông Lâm Đằng Giao giảm 428 bậc, ông Thẩm Thiên Tình giảm 521 bậc, và ông Trương Diệu Viên giảm 793 bậc. Ông Tô Nhữ Pha và ông Âu Học Minh đều giảm 824 bậc, ông Trần Nhuận Quang và ông Trần Kiện Dân đều giảm 521 bậc.
Ngoài các nhà phát triển địa ốc đã rớt khỏi danh sách người giàu toàn cầu, các ông trùm địa ốc Trung Quốc Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) và Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), những người vẫn có tên trong danh sách, cũng chứng kiến giá trị tài sản ròng của họ sụt giảm. Thứ hạng của ông Vương đã giảm tám bậc trong năm nay, hiện đang đứng ở vị trí thứ 121, với giá trị tài sản ròng ước tính là 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14.5 tỷ USD). Thứ hạng của ông Hứa rớt mạnh 712 bậc, khi giá trị tài sản ròng của ông giảm từ 48 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.9 tỷ USD) vào năm 2022 xuống còn 20 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.9 tỷ USD) trong năm nay.
Lĩnh vực địa ốc gặp khó khăn
Tập đoàn CIFI từng được xem là công ty hoạt động kiểu mẫu trong ngành địa ốc của Trung Quốc. Năm 2021, doanh thu bán hàng của tập đoàn này là gần 250 tỷ nhân dân tệ (khoảng 36.4 tỷ USD), trở thành doanh nghiệp địa ốc hàng đầu. Tuy nhiên, CIFI đã hai lần rơi vào khủng hoảng thanh khoản chỉ trong nửa tháng, hôm 27/09 và 13/10 năm ngoái (2022).
Hôm 01/11/2022, chuỗi tài trợ vốn của CIFI bị phá vỡ. Hôm đó, tập đoàn này đã thông báo tạm dừng thanh toán lãi trái phiếu ở ngoại quốc, với số lượng lên tới khoảng 414 triệu USD. Tổng số nợ ngoại quốc của CIFI là khoảng 6.85 tỷ USD vào thời điểm đó.
CIFI cho biết trong một tuyên bố rằng “kể từ tháng 09/2022, thị trường địa ốc ngày càng xấu đi, doanh số bán hàng yếu, nguồn tài chính trong ngành ngày càng khó khăn, và tình trạng khủng hoảng dòng tiền của CIFI trở nên tồi tệ hơn dự kiến.” Đồng thời, một phần nguồn tài chính của công ty đã kích hoạt các điều khoản đáo hạn sớm do bị hạ xếp hạng, do đó, dẫn đến sự gia tăng đáng kể áp lực của các khoản thanh toán ngắn hạn ở ngoại quốc.
Tập đoàn Dương Quang từng được ca ngợi là một trong những công ty địa ốc phát triển nhanh nhất trong giai đoạn đầu. Từ năm 2006 đến 2019, doanh thu bán hàng của Dương Quang tăng vọt từ 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 29 triệu USD) lên hơn 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 29.1 tỷ USD).
Tuy nhiên, dự báo hiệu quả năm 2022 của công ty này đã ước tính khoản lỗ ròng đối với các cổ đông của công ty đã niêm yết này là từ 8 tỷ đến 11 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.1 tỷ đến 1.6 tỷ USD).
Hôm 30/01 năm nay, Dương Quang đã chính thức tuyên bố vỡ nợ đối với trái phiếu “21 Yango 01” do không thể hoàn trả tổng số tiền nợ gốc và nợ lãi mua lại trái phiếu từ ngày 22/01/2021 đến ngày 21/01/2023. Sự việc này xảy ra sau khi Dương Quang trước đó đã tuyên bố vỡ nợ đối với trái phiếu ngoại quốc trị giá hàng triệu dollar vào tháng 02/2022.
Tính đến tháng 03/2023, khoản nợ chưa thanh toán của Yango đã lên tới 46.258 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.735 tỷ USD).
Sau sự sụp đổ của đại tập đoàn địa ốc Evergrande Group của Trung Quốc vào năm 2021, hơn 10 công ty địa ốc niêm yết hàng đầu tại Trung Quốc đã gặp khó khăn về thanh khoản trong năm 2022.
Trong nửa cuối năm 2022—do khó khăn về các kênh tài chính cho lĩnh vực địa ốc và sự liên tục suy giảm của dòng tiền, kết hợp với đỉnh điểm của việc trả nợ — một làn sóng các công ty địa ốc sụp đổ mới đã xuất hiện, ảnh hưởng đến nhiều công ty. Trong bối cảnh khủng hoảng này, các ông trùm địa ốc trước đây trong Danh sách Hồ Nhuận cũng trải qua sự sụp đổ tương tự hoặc rơi vào khủng hoảng nợ.
Theo Viện Thông tin Địa ốc Trung Quốc (China Real Estate Information Corp.), năm 2023 vẫn là “năm trả nợ” của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc, và áp lực trả nợ vẫn rất lớn. Dữ liệu từ viện nghiên cứu này cho thấy trong ba quý đầu năm 2023, các công ty địa ốc sẽ phải đối mặt với làn sóng trả nợ quy mô lớn, với tổng số trái phiếu đáo hạn lên tới 552.8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 80.4 tỷ USD), tăng 6% tính theo năm.
Hồi tháng Một, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, và chính quyền địa phương tiếp tục đưa ra các chính sách để kích thích ngành địa ốc đang trì trệ và thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của 100 công ty địa ốc hàng đầu Trung Quốc vẫn lẹt đẹt, kém hơn so với cùng thời kỳ năm 2022.
Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 17/01 cho thấy diện tích bán nhà ở thương mại ở Trung Quốc là 1.358 tỷ mét vuông vào năm 2022, giảm 24.3% so với cùng thời kỳ năm trước, chạm mức thấp mới trong gần bảy năm; doanh số bán nhà ở thương mại là 13.33 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.97 nghìn tỷ USD), giảm 26.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái, chạm mức thấp mới trong gần sáu năm.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times