Trung Cộng xây dựng quân đội nhằm đánh bay lực lượng Hoa Kỳ khỏi Tây Thái Bình Dương
Sự bành trướng của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) ở tây Thái Bình Dương nhằm mục đích đánh bay các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực này về lâu dài để Trung Cộng có thể dễ dàng khẳng định quyền kiểm soát và ảnh hưởng đối với các khu vực lân cận, theo một viện nghiên cứu chính sách của Úc.
Viện Lowy, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Sydney, đã phát hành một tài liệu khảo sát hành động tăng cường xây dựng năng lực hàng hải và hàng không vũ trụ của PLA. Tài liệu này cũng cho thấy rằng Úc không còn có thể dựa vào khoảng cách đơn thuần với Á Châu như một [biện pháp] phòng thủ, và các nhà chức trách Úc cần chuẩn bị các phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra xung đột.
“Trung Quốc dường như đang xây dựng một lực lượng dự định đặc biệt có thể đuổi quân đội Hoa Kỳ ra khỏi khu vực tây Thái Bình Dương bằng vũ lực, để quấy rối họ trong một cuộc khủng hoảng hoặc khuyến khích Hoa Kỳ từ bỏ các cam kết hiện tại của mình do quá căng thẳng, tin tưởng vào thất bại, hoặc thất vọng về các đồng minh,” tác giả Thomas Shugart, một thành viên cao cấp hỗ trợ tại Chương trình Quốc phòng của Trung tâm vì một Nền An ninh Mới của Hoa Kỳ, đã viết.
“Trong khi mức độ của bất kỳ diễn tiến nào như vậy có thể gây ra những biến đổi trên diện rộng, thậm chí việc rút một phần sức mạnh của Hoa Kỳ ra khỏi tây Thái Bình Dương sẽ đẩy nhanh sự suy thoái đang diễn ra trong cán cân quân sự của khu vực này, kéo theo những hậu quả sâu rộng đối với quyền tự do hành động của các quốc gia trong khu vực như Úc.”
Ông Shugart lưu ý rằng trong trường hợp xấu nhất nếu Hoa Kỳ phải rời khỏi khu vực này, họ có thể khuyến khích các quốc gia như Nhật Bản và Nam Hàn chấp nhận một vai trò trung lập. Điều này sẽ cho phép Bắc Kinh tập trung nỗ lực của họ ở những vùng biển xa xôi hơn nữa.
Báo cáo trên chỉ ra rằng hoạt động tăng cường xây dựng lực lượng của Bắc Kinh bao gồm sản xuất hàng loạt chiến hạm hải quân, hỏa tiễn đạn đạo và những tiến bộ về oanh tạc cơ trong thời gian gần đây. Các căn cứ không quân mới ở Biển Đông cũng mở rộng tầm hoạt động của các oanh tạc cơ của PLA hiện tại.
PLA cũng đã đang cho mở rộng hạm đội các bệ phóng hỏa tiễn đạn đạo tầm trung DF-26 của họ. Chính phủ Hoa Kỳ ước tính trong năm 2018, PLA có từ 16 đến 30 bệ phóng. Đến năm 2020, con số đó đã tăng lên hơn 200.
Oanh tạc cơ của Bắc Kinh, H-6, cũng đã được nâng cấp nhanh chóng và ra nhiều mẫu mới. Từ năm 2009, Lực lượng Không quân PLA đã sản xuất H-6K, H-6J và H-6N, thế hệ sau của chúng có phạm vi tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Úc, ngay cả khi chúng được điều động từ Trung Quốc đại lục.
Nỗ lực tổng thể của Bắc Kinh trong ngành đóng tàu đã vượt xa Hoa Kỳ trong những năm gần đây, với việc Bắc Kinh đã đóng được 38 triệu tấn tàu (khoảng 42 triệu tấn của Hoa Kỳ), so với 70,000 tấn của Hoa Kỳ vào năm 2020.
Về phần khí tài hải quân mới, Hoa Kỳ và PLA vẫn đang đứng ngang hàng.
Ông Shugart viết: “Nếu Trung Quốc xây dựng một quân đội thực sự tập trung vào phần lớn các mục tiêu phòng thủ, thì người ta sẽ kỳ vọng thấy sự chú trọng vào các hộ tống hạm nhỏ hơn, hỏa tiễn phòng thủ bờ biển, chiến đấu cơ và những thứ tương tự.”
“Thay vào đó, Trung Quốc đã tham gia vào việc mở rộng một cách nhiều nhất và nhanh nhất sức mạnh hàng hải và hàng không trong nhiều thế hệ. Dựa trên phạm vi, quy mô và năng lực cụ thể của mình, việc xây dựng lực lượng này dường như trước hết là nhằm để đe dọa Hoa Kỳ bằng việc hất cẳng họ ra khỏi tây Thái Bình Dương, và sau đó đạt được sự thống trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
“Nói đúng hơn, lực lượng hỏa tiễn của PLA không phải là bất khả chiến bại hoặc không thể bị ngăn cản.”
Ông Shugart lưu ý rằng các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ có khả năng đang phát triển các biện pháp đối phó để phá vỡ hoạt động của các vệ tinh liên lạc và do thám của Bắc Kinh, và tiếp đó ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công tiềm năng nào.
Ông nói: “Người ta cũng có thể hình dung ra những nỗ lực mạnh mẽ để phá vỡ, dù là thông qua các phương tiện động học hay thứ gì khác, các đường liên kết và điểm nút trong mạng lưới chỉ huy và kiểm soát của Trung Quốc cần thiết để truyền thông tin mục tiêu từ mạng lưới cảm biến tới các đơn vị hỏa tiễn của họ.”
Hồi tháng Bảy, người ta đã phát hiện ra 120 hầm chứa hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ở thành phố Ngọc Môn, vùng tây bắc Trung Quốc, cho thấy một hành động mở rộng kho vũ khí nguyên tử của Trung Cộng.
Trong khi đó, các lực lượng dân chủ và Hoa Kỳ vẫn không lùi bước và tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong khu vực này.
Ông Joseph Siracusa, giáo sư giảng dạy về ngoại giao quốc tế tại Đại học Curtin, cho biết chìa khóa của Úc là duy trì Hiệp ước An ninh Úc, New Zealand, Hoa Kỳ (ANZUS).
Ông nói với The Epoch Times: “Bất kể chính phủ nào lên nắm quyền, trong hơn 70 năm qua, mục tiêu chính của chính sách ngoại giao của Úc luôn là phải giữ cho Hoa Kỳ tham gia vào khu vực này, với tư cách là người bảo đảm sau cùng cho nền an ninh của Úc.
“Đối với Hoa Thịnh Đốn, trong cùng khoảng thời gian này, Úc vẫn là ‘mỏ neo phía nam’ của các thỏa thuận an ninh Á Châu-Thái Bình Dương của Mỹ (với Nhật Bản là ‘mỏ neo phía bắc’), trải dài qua cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và là điểm trung gian giữa California và Đông Nam Á.”
Do Daniel Y. Teng thực hiện
Nguyệt Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: