Trung Cộng và diễn tiến cuộc chiến không giới hạn chống lại Hoa Kỳ
Việc Ngũ Giác Đài phát hành Bản Đánh giá Vị thế Toàn cầu là một cơ hội để người ta thừa nhận rằng cuộc chiến không giới hạn mà chính quyền Trung Quốc dùng để chống lại Hoa Kỳ đang diễn tiến. Cuộc chiến này đang chuyển biến là do năng lực của Trung Quốc đang ngày một lớn mạnh.
Ba điểm chính sau đây được coi là quan trọng:
Trước tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) xưa nay đều đang tấn công Hoa Kỳ kể từ khi họ lên nắm quyền vào năm 1949. Mục tiêu của họ là chiến thắng Hoa Kỳ. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, từ sau khi Tổng thống Richard Nixon đến thăm Trung Quốc vào năm 1972 đến khi cuộc chiến này kết thúc, chỉ có duy nhất một hiệp định đình chiến tạm thời. Sự tan rã của Liên Xô, chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991, và vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 ở Bắc Kinh, đã thuyết phục giới lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc rằng họ đã giành được chiến thắng trước Hoa Kỳ bằng cách tấn công nước này mà không có một sự đáp trả thích đáng nào từ phía Hoa Thịnh Đốn. Quyết tâm sắt đá của chính quyền Trung Quốc là đạt được chiến thắng bằng mọi giá.
Thứ hai, cuộc tấn công của chính quyền Trung Quốc là toàn diện, tổng lực, và tàn nhẫn. Cuộc chiến này được hai đại tá của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) mô tả trong một cuốn sách mà họ viết có nhan đề “Chiến tranh không hạn chế” (bản Anh ngữ được xuất bản năm 1999). Chiến tranh không hạn chế đang tấn công Hoa Kỳ một cách gián tiếp và thông qua những cách thức đa dạng. Không có con đường tấn công nào đủ để gây ra hoặc kích động một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Có vô số hình thức tấn công, bao gồm những hình thức sau:
1) Chiến tranh chính trị: Gây ảnh hưởng đến hệ thống chính trị nội bộ của các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, đồng thời cũng thành công trong việc truyền tải luận điệu trên toàn cầu để Chủ nghĩa Cộng sản được coi là xu thế của tương lai;
2) Chiến tranh pháp lý hay chiến tranh pháp luật: Cản trở hoặc tước bỏ tính hợp pháp của các cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia;
3) Chiến tranh mạng: Gồm các cuộc tấn công vào các mạng lưới máy điện toán, cũng như các mạng lưới truyền thông và cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như lưới điện của Hoa Kỳ;
4) Sử dụng hoặc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố chống lại Hoa Kỳ hoặc các lợi ích trên toàn cầu của Hoa Kỳ;
5) Chiến tranh kinh tế: Điều này bao gồm việc làm suy yếu hoặc chiếm đoạt nền kinh tế và thị trường tài chính của địch thủ, để hỗ trợ sự tăng trưởng của Trung Quốc;
6) Chiến tranh chủ động: Là hoạt động khai triển lực lượng quân sự.
Mục tiêu chiến lược của những kế sách này là làm suy yếu, gây nhầm lẫn, và công phá địch thủ từ bên trong để đối phương gục ngã mà không cần đến đối đầu quân sự — điều này có nghĩa là mục tiêu của chính quyền Trung Quốc không chỉ là quân đội, ngành công nghiệp, các trung tâm công nghệ của Mỹ, mà còn là toàn bộ dân chúng, tinh thần, hệ tư tưởng, và bản sắc của nước này.
Mặc dù tất cả các phương thức chiến tranh không giới hạn đều quan trọng, nhưng Hoa Kỳ không nên đánh giá thấp chiến tranh chủ động cũng như tầm quan trọng của cuộc chiến này đối với chính quyền Trung Quốc. Điều quan trọng đối với người dân Hoa Kỳ là phải luôn ghi nhớ rằng quân đội Hoa Kỳ và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã giao chiến với nhau trong Chiến tranh Triều Tiên. Họ lại gián tiếp lặp lại điều đó trong Chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc xung đột này, sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho miền Bắc Việt Nam bao gồm, điều động lực lượng đến các trận địa pháo phòng không để nhắm bắn vào phi cơ của Mỹ và sửa chữa cơ sở hạ tầng của miền Bắc nước này trong chiến dịch không kích Sấm Rền (Rolling Thunder). Trung Quốc đã chiến đấu với Hoa Kỳ khi nước này yếu thế hơn nhiều so với sức mạnh của Hoa Kỳ.
Công cụ quân sự ngày càng trở nên quan trọng đối với quân đội Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng các công nghệ để đánh bại Hoa Kỳ, bằng cách khai thác các điểm yếu của họ.
Điều đã thay đổi kể từ năm 1999 đó là phần tác chiến chủ động của chiến tranh không giới hạn đã phát triển lớn mạnh hơn và ngày càng rõ nét hơn, khi chứng kiến sự mở rộng của các khả năng [tấn công] thông thường, kho vũ khí hạt nhân, và sự phát triển của các hệ thống vũ khí mới, bao gồm cả hỏa tiễn siêu thanh. Trung Quốc càng phô trương sức mạnh quân sự của mình một cách công khai hơn có nghĩa là nhà cầm quyền này tự cho rằng bản thân họ có thể thách thức Hoa Kỳ trong lĩnh vực chiến tranh chủ động. Đổi lại, điều này có nghĩa là biện pháp răn đe mở rộng của Hoa Kỳ [để bảo vệ] các đồng minh và các quốc gia thân thiện khác, như Đài Loan, có thể sẽ bị thách thức.
Thứ ba, Trung Cộng cho rằng Hoa Kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh không giới hạn vì Hoa Thịnh Đốn không nhận thức được các hướng tấn công [của Trung Cộng]. Phần lớn quan niệm chiến lược của Hoa Kỳ liên quan đến việc sử dụng phương tiện quân sự. Do đó, Hoa Kỳ chú trọng vào các phương tiện chiến tranh chủ động, điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Hoa Kỳ nên tập trung vào chiến lược và coi đó là lý do để chiến thắng. Đó là cách mà Trung Cộng hiểu về chiến lược. Vì chiến tranh không giới hạn đòi hỏi rằng chiến thắng đó sẽ đạt được bằng mọi cách: kinh tế, hệ tư tưởng, luật pháp, và quân sự. Thật vậy, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt về mọi mặt ngoại trừ tên gọi — cuộc khủng hoảng opioid nên được coi là một hình thức sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ thiếu một sự phản ứng đồng bộ đối với nhiều phương thức mà chính quyền Trung Quốc đang tấn công vào nước này. Điều này vẫn đúng cho đến ngày nay, nhiều thập niên sau khi chính quyền này cho biết họ sẽ làm gì. Trong nhiều thập niên qua, các nhà phân tích an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã khá lạc quan về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng giờ đây họ bắt đầu lo lắng. Chính quyền Trung Quốc đã lợi dụng điểm tiếp giáp giữa các lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ. Các chiến lược gia Hoa Kỳ đã thực sự lơ là trước sự chuyển đổi này, trong khi Wall Street đã đón nhận, ca ngợi, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Ngay cả khi các chiến lược gia Hoa Kỳ có tỉnh táo đi chăng nữa, thì không rõ liệu họ có đủ khả năng để phá vỡ sự phụ thuộc của Wall Street vào Trung Quốc hay không.
Theo đó, Trung Cộng vẫn tồn tại một lợi thế lớn trước Hoa Kỳ. Người Mỹ cần phải nhận ra rằng Hoa Kỳ đã bị tấn công bởi một địch thủ trỗi dậy ngay trước mặt Uncle Sam (biểu tượng của đất nước Hoa Kỳ). Thật không may và đáng tiếc là sự tăng trưởng này về căn bản đã có thể thực hiện được, bởi vì Tây phương đã cho phép Trung Cộng xâm nhập vào hệ sinh thái kinh tế của mình. Trái ngược với chiến tranh chủ động, các hình thức khác của chiến tranh không giới hạn vẫn hữu ích, nhưng các hình thức đó có thể đạt được lợi suất giảm dần. Kiểu hình quân sự này ngày càng hữu ích, được thể hiện một cách công khai, và có nhiều khả năng được sử dụng để chống lại lợi ích của Hoa Kỳ.
Nghĩ kỹ lại, trong các thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, tất cả những gì Hoa Kỳ đã làm là làm giàu cho Trung Quốc, giúp cho quốc gia này trở nên hùng mạnh hơn, và thực hiện mục tiêu chiến tranh không giới hạn. Trong khi các chiến lược gia Mỹ còn đang say giấc, thì các nhà kinh tế học đã khiến cho chiến tranh dễ xảy ra hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Bradley A. Thayer là thành viên sáng lập của Ủy ban về Mối Nguy hiểm Hiện tại: Trung Quốc (CPDC) và là đồng tác giả cuốn “Cách Trung Quốc Nhìn Thế Giới: Chủ Nghĩa Trọng Tâm Và Cán Cân Quyền Lực Trong Chính Trị Quốc Tế.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: