Trung Cộng trừng phạt các nhà lập pháp Hoa Kỳ nhằm đáp trả vấn đề Hồng Kông
Ngày 10 tháng 8 Trung Cộng đã thông báo rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 công dân Hoa Kỳ, bao gồm cả một số nhà lập pháp, nhằm đáp lại các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt vào tuần trước.
Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiên quyết phản đối và kịch liệt lên án hành động của chính phủ Trump.
“Trước những hành động sai lầm của Hoa Kỳ, chính phủ Trung Cộng đã quyết định trừng phạt, có hiệu lực từ hôm nay, những người có hành vi không tốt trong các vấn đề liên quan đến Hồng Kông”, ông Triệu nói.
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn sau đó vào ngày 10 tháng 8 rằng chính phủ đã biết về các lệnh trừng phạt.
Bà McEnany phát biểu: “Thay vì thực hiện những hành động có ý nghĩa như lập tức bãi bỏ luật an ninh quốc gia và dừng ngay đàn áp có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ, Trung Cộng đã lựa chọn đáp trả bằng một hành động mang tính tượng trưng và một hành động vô ích. Ngày càng nhiều quốc gia đang đòi hỏi Bắc Kinh có động thái thiết thực. Trách nhiệm này thuộc về đảng Trung Cộng”.
Trung Cộng sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Hạ nghị sỹ Chris Smith (RN.J.), cùng với các Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Marco Rubio (R-Fla.), Ted Cruz (R-Texas), Josh Hawley (R-Mo.) và Pat Toomey (R -Penn.).
Tất cả họ đều lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả việc Trung Cộng đối xử tàn bạo với khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung. Người Duy Ngô Nhĩ là một nhóm dân tộc thiểu số người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Tân Cương, một khu vực mà Trung Cộng đã tiếp quản vào năm 1949.
Chế độ này cũng đang nhắm vào Carl Gershman, chủ tịch Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy); Derek Mitchell, chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia (National Democratic Institute); Ken Roth, giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch); Daniel Twining, chủ tịch Viện Cộng hòa Quốc tế (International Republican Institute); và Michael Abramowitz, chủ tịch của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House).
Tổng thống Donald Trump ngày 7/8 đã trừng phạt bà Carrie Lam, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông và 10 quan chức khác vì phá hoại quyền tự trị của thành phố.
11 quan chức này đã hỗ trợ một đạo luật an ninh quốc gia được thông qua vào tháng 7, mang tới sự kiểm soát độc tài hơn lên người dân Hồng Kông.
“Hoa Kỳ đứng về phía người dân Hồng Kông và chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ và thẩm quyền của mình để nhắm vào những kẻ phá hoại quyền tự trị của chính họ”, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết trong một tuyên bố liên quan đến các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Trump vào tháng 7 đã chấm dứt ưu đãi đặc biệt của Hoa Kỳ với Hồng Kông vì các quan chức đứng đầu cho rằng thành phố không còn giữ được sự tự trị đối với Trung Quốc đại lục. Cùng ngày, ông đã ký thông qua một dự luật xử phạt các quan chức và giới ngân hàng liên quan đến việc phá hủy các quyền tự do của thành phố.
Các quan chức tình báo Mỹ cho biết trong một phân tích gần đây, chế độ Trung Cộng muốn Trump thất bại trong cuộc tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11.
Trong những tháng gần đây, chính phủ Trump đã có những hành động leo thang xung đột đối với chế độ Trung Cộng. Trung Cộng trước đó đã đáp trả.
Vào ngày 13 tháng 7, Trung Cộng thông cáo rằng họ sẽ trừng phạt bốn quan chức Mỹ, bao gồm cả Rubio và Cruz, và một cơ quan của Hoa Kỳ, Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc, trong một động thái rõ ràng chống lại việc Hoa Kỳ thực hiện các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng có dính líu tới vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
“Tháng trước Trung Quốc đã cấm tôi. Hôm nay họ trừng phạt tôi. Tôi không muốn trở thành người hoang tưởng nhưng tôi bắt đầu nghĩ rằng họ không thích tôi”, ông Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, viết trên Twitter vào ngày 10 tháng 8.
Ông Roth, Giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết các biện pháp trừng phạt của Trung Cộng không chỉ là một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc tấn công toàn lực của nó đối với quyền của người dân Hồng Kông.
“Bắt giữ các nhà xuất bản, cản trở các ứng cử viên ủng hộ dân chủ, trì hoãn bầu cử vô thời hạn — đó là đặc trưng của Trung Cộng. Trừng phạt tôi chỉ là một dòng chú thích hú họa mà thôi”, ông cho biết trong một phát biểu trên mạng xã hội.
Biên dịch: Hạo Nhiên