Trung Cộng đe dọa bằng vaccine, ép Ukraine rút khỏi Tuyên bố về nhân quyền ở Tân Cương
Đã có hai nhà ngoại giao từ các nước phương Tây nói với hãng tin AP vào hôm thứ Sáu (25/6) rằng, Trung Cộng đã uy hiếp Ukraine, yêu cầu nước này rút khỏi tuyên bố ủng hộ một cuộc điều tra về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, nếu không vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất và chuyển đến Ukraine sẽ bị giữ lại.
Vào ngày 22/6, tại Hội đồng Nhân quyền được tổ chức ở Geneva, Canada đã đi đầu trong việc tuyên bố và kêu gọi Trung Cộng cho phép các nhân viên phụ trách vấn đề nhân quyền của Liên Hợp Quốc được tiến vào Tân Cương ngay lập tức, để điều tra các tin tức báo cáo về hơn một triệu người bị giam giữ bất hợp pháp, bị tra tấn hoặc cưỡng bức lao động. Hơn bốn mươi quốc gia đã tham gia vào bản tuyên bố này, bao gồm cả Ukraine.
Các nhà ngoại giao đến từ hai nước phương Tây nói với hãng tin AP rằng, chính quyền Trung Cộng đe dọa Ukraine bằng cách nói: trừ khi Ukraine rút lại sự ủng hộ đối với tuyên bố này, nếu không Bắc Kinh sẽ giữ lại ít nhất 500,000 liều vaccine COVID-19 sẽ được chuyển đến Ukraine. Ukraine đã buộc phải rút khỏi tuyên bố này vào hôm thứ Năm (24/6).
Ukraine đã đồng ý mua 1.9 triệu liều vaccine Kexing do công ty Sinovac Biotech sản xuất. Vào đầu tháng 5, Bộ trưởng Y tế của Ukraine, ông Maxim Stepanov nói rằng Ukraine đã nhận được 1.2 triệu liều vaccine.
Hãng tin AP cho biết trong quá khứ, chính quyền Trung Cộng cũng đã từng gây áp lực ép những nước khác ủng hộ cho các tuyên bố của Trung Cộng, hoặc thúc giục họ không ủng hộ bất kỳ tuyên bố nào chỉ trích, chất vấn hoặc tìm cách điều tra về các vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao cho rằng, những áp lực đối với Ukraine này đánh dấu sự leo thang gần đây của Bắc Kinh trong việc chống lại những lời chỉ trích từ bên ngoài về hồ sơ nhân quyền của họ, nhằm giảm bớt sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Nhưng lần này, nó đã sử dụng đến biện pháp có khả năng gây nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân nước khác, để gây sức ép lên Ukraine.
Một nhà ngoại giao phương Tây gọi đây là dấu hiệu cho chính sách ngoại giao “trần trụi” của Trung Cộng. Một nhà ngoại giao khác đã trích dẫn “báo cáo về áp lực cự đại mà Kiev đối diện”, và bổ sung thêm rằng, “Đêm qua phái đoàn (Ukraine) đã nói với chúng tôi rằng họ cần phải rút lui”.
Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể phát sinh thay đổi. Theo thông lệ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc gồm 47 thành viên, các quốc gia có thể thêm tên của mình vào các tuyên bố hoặc nghị quyết trong vòng hai tuần sau khi cuộc họp thường kỳ kết thúc. Cuộc họp thường kỳ lần này kéo dài 3 tuần rưỡi, bắt đầu vào hôm thứ Hai (21/6) và sẽ kéo dài cho đến ngày 13/7.
Tuyên bố lần này của Canada đã đề cập đến các báo cáo về tra tấn, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và ép buộc trẻ em phải tách khỏi cha mẹ của chúng. Tuyên bố ban đầu được 41 quốc gia ủng hộ, và cho đến giờ đã là 44. Ukraine từng là quốc gia thứ 45 trong một thời gian.
Tuyên bố viết, “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc cho phép các quan sát viên độc lập, bao gồm cả chuyên viên của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ được vào Tân Cương ngay lập tức, được thực thi vai trò và không chịu hạn chế”. Michelle Bachelet, là chuyên viên của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ được nhắc đến ở đây.
Do Trương Đình, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa Ngữ
Xem thêm: