Trung Cộng chưa từng xem Hoa Kỳ là bằng hữu trong suốt 70 năm qua
Trung Cộng luôn xem Hoa Kỳ là kẻ thù và lợi dụng lòng tốt của người Mỹ để chiếm dụng tài nguyên và phát triển bản thân, theo lời một giáo sư kỳ cựu về hệ tư tưởng tại Trường Đảng Trung Ương.
“Từ năm 1949 đến nay, Trung Cộng liên tục giáo dục người dân căm thù Hoa Kỳ, thúc đẩy tình cảm chống Mỹ,” một đảng viên Trung Cộng đồng thời là giáo sư đã về hưu Thái Hà (Cai Xia) viết trong một bài báo được Viện Hoover xuất bản hôm 29/06. “Những từ ngữ mà tôi quen thuộc nhất kể từ khi học mẫu giáo và tiểu học là những cụm từ như ‘ngăn chặn lũ lang sói đế quốc Mỹ,’” bà nói về trải nghiệm của mình khi lớn lên ở đất nước Trung Quốc cộng sản.
Tiếp đó, bà Thái đưa ra một dẫn chứng về kết quả của nền giáo dục chống Mỹ của Trung Cộng. “Có một lần, tôi mua một khẩu súng lục đồ chơi và tặng cho một cậu bé sáu tuổi. Cậu bé chơi nghịch với khẩu súng và thốt lên: “Giết chết bọn Mỹ.”
Luôn coi Hoa Kỳ là kẻ thù, Trung Cộng sử dụng mọi cách thức để có thể trục lợi từ Hoa Kỳ.
Bà Thái tin rằng “không bao giờ có đủ lừa dối trong chiến tranh.” Bà viết, “Trung Cộng đã lợi dụng các cơ hội giao lưu kinh tế và văn hóa để lén lút thu thập thông tin tình báo về kinh tế, thương mại, công nghệ, chính trị và quân sự. Đặc biệt, hoạt động đánh cắp kết quả nghiên cứu công nghệ cao không chỉ được thực hiện ở các công ty ngoại quốc tại Trung Quốc, mà còn được thực hiện bởi các sinh viên và học giả Trung Quốc ở ngoại quốc và họ có thể được yêu cầu ‘hợp tác’ với một số cơ quan nhất định nhằm đánh cắp nhiều thông tin khác nhau.”
Tuy nhiên, mặc dù người Mỹ đã bị Trung Cộng lừa gạt suốt hơn 40 năm qua, nhiều người trong giới tinh hoa của Hoa Kỳ “vẫn chỉ coi Trung Cộng là một chế độ độc tài,” bà Thái thừa nhận.
Bà cảnh báo rằng họ đã không nhận ra “Trung Cộng đã biến thành một hình thức chủ nghĩa tân toàn trị tinh vi.”
“Dựa vào những mong muốn tốt đẹp cùng những ảo tưởng đơn phương, họ đã trung thành với những lời cam kết, khiến chính sách của họ mang tác dụng ‘xoa dịu’ nhất định trên thực tế”, bà Thái nói về cách tiếp cận phổ biến của chính phủ Hoa Kỳ.
Bà cảnh báo rằng “hệ thống toàn trị” của Trung Cộng là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Hoa Kỳ và hòa bình thế giới, đồng thời Trung Cộng không hề có kim chỉ nam đạo đức” bởi vì “Trung Cộng bất chấp mọi giá để đạt được mục đích của mình.”
“Trung Cộng nghĩ rằng, miễn là đạt được mục đích, thì bất kỳ phương kế nào cũng đều có thể được dùng đến (mục đích biện minh cho phương tiện),” bà Thái viết.
Bà thúc giục Hoa Thịnh Đốn nhìn rõ bộ mặt thật của Trung Cộng để có thể giúp đất nước và người dân Hoa Kỳ có hành động đúng đắn để bảo vệ chính mình cũng như người dân trên toàn thế giới.
Đồng thời, bà Thái tin rằng “Trung Cộng có nguy cơ sụp đổ đột ngột” bởi nhà cầm quyền này “mang tham vọng của một con rồng đói, nhưng thực chất bên trong lại chỉ là một con hổ giấy.” Bà cho rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra dưới sự cai trị của một chế độ toàn trị.
70 năm hận thù, 40 năm lừa gạt
Bài luận của bà Thái có nhan đề “Mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc trong mắt Trung Cộng.” Bà đã dành phần lớn nội dung trong 28 trang này để nói về mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc từ góc nhìn của Trung Cộng. Là một giáo sư từng thuyết giảng về tư tưởng cộng sản cho các quan chức cao cấp của Trung Cộng, bà Thái kết luận rằng Trung Cộng đã căm ghét Hoa Kỳ hơn 70 năm và đã lừa gạt Hoa Kỳ hơn 40 năm qua.
Từ năm 1949, thời điểm Trung Cộng giành quyền kiểm soát Trung Quốc đại lục, cho đến năm 1969, thì mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc rất tồi tệ, mặc dù đôi bên đã gặp nhau hơn 100 lần tại các cuộc hội đàm cấp đại sứ tại Geneva, Thụy Sĩ và Warsaw, Ba Lan.
Tại Trung Quốc, nền giáo dục của Trung Cộng đã dạy cho người dân tư duy rằng Hoa Kỳ là kẻ thù lớn nhất của đất nước và người dân Trung Quốc, bà Thái cũng đã cảnh báo về những nỗ lực tuyên truyền của chế độ này.
Năm 1958, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi đồng minh cộng sản thân cận nhất của Bắc Kinh là Liên Xô, bắt đầu thách thức trung Cộng, khi mà hai nhà lãnh đạo lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông và người đứng đầu Liên Xô, ông Nikita Khrushchev, bất đồng trong nhiều vấn đề. Vào tháng 03/1969, Liên Xô và Trung Quốc đã xung đột vì một hòn đảo nhỏ trên sông Ussuri—nơi mà Trung Quốc gọi là đảo Trân Bảo (Zhenbao) còn Liên Xô gọi là đảo Damansky. Sự kiện này đã đánh dấu một khởi đầu ngày càng tồi tệ của mối bang giao Xô-Trung.
“Việc chọn về phe Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô tại thời điểm đó, đã tạo cơ hội để Trung Cộng có thể dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ để giảm bớt các mối đe dọa từ Liên xô,” bà Thái viết. Về mặt ngoại giao, Trung Cộng đã tích cực xây dựng mối bang giao với Hoa Kỳ trong suốt những năm 1960, mặc dù nhà cầm quyền này không ngừng nhồi sọ người dân rằng Hoa Kỳ vẫn là kẻ thù.
Vào ngày 01/01/1979, Hoa Kỳ và Trung Quốc chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao, và Hoa Kỳ đã giúp Trung Quốc phát triển kinh tế với hy vọng rằng một “Trung Quốc dưới sự cai trị của Trung Cộng sẽ trở nên tự do hơn, thậm chí sẽ trở thành một nước dân chủ và là một cường quốc ‘có trách nhiệm’ đối với thế giới,” bà Thái viết.
Mười năm sau đó, Trung Cộng đã ra tay tàn sát những người dân đòi dân chủ và tự do tại Bắc Kinh, dẫn đến cuộc Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn. Bà Thái cho biết, khi đó lãnh đạo của Trung Cộng là Đặng Tiểu Bình đã lệnh cho nhà cầm quyền “che giấu tiềm lực, ẩn mình chờ thời,” khi giải quyết các vấn đề ngoại giao. Ông ta nỗ lực thuyết phục Hoa Thịnh Đốn rằng thị trường Trung Quốc là khổng lồ và hứa hẹn rằng nhà cầm quyền này hoan nghênh các doanh nghiệp ngoại quốc tham gia vào thị trường này.
Kể từ đó, đây là quy tắc căn bản mà Trung Cộng luôn tuân theo, bà Thái viết. Bà đã đưa ra một thí dụ về cách mà Trung Cộng đã lừa gạt người Mỹ thông qua việc bán lời hứa hẹn này.
“Cũng chính vì Trung Cộng đã nhìn thấu những ham muốn mạnh mẽ của các nhà tư bản Mỹ đối với thị trường Trung Quốc, họ thừa biết các doanh nghiệp lớn sẽ sẵn sàng gây áp lực buộc chính phủ Mỹ phải nhượng bộ. Do đó, Trung Cộng không thèm quan tâm đến những lời chỉ trích về vi phạm nhân quyền và sự đàn áp ở trong nước ngày càng mạnh mẽ hơn,” bà Thái viết.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cùng các doanh nhân Mỹ đã không nhận được sự đối đãi mà họ mong đợi ở Trung Quốc.
“[Trung Cộng] sẽ sử dụng những ngôn từ mê hoặc để lôi kéo các doanh nghiệp đa quốc gia vào Trung Quốc. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp này sẽ sớm nhận ra rằng họ đã sập bẫy: họ phải chuyển giao công nghệ của mình hoặc đối mặt với việc đóng cửa. Sau khi có được công nghệ ngoại quốc, Trung Cộng thường tìm cách buộc các doanh nghiệp này rời khỏi thị trường Trung Quốc,” bà Thái cho biết. “Công ty Tesla của Elon Musk hiện đang nếm trải tình cảnh này.”
Đồng thời, Trung Cộng vẫn tiếp tục tẩy não người dân Trung Quốc, kể cả các quan chức của nhà cầm quyền này, để khiến họ luôn trung thành với đảng và coi Hoa Kỳ như kẻ thù vậy.
“Sau năm 1989, Trung Cộng tiếp tục tăng cường ‘giáo dục về khủng hoảng’ trong nội bộ đảng, nhấn mạnh rằng nếu Trung Cộng đánh mất quyền lực như ở các quốc gia cộng sản trước đây, thì hàng chục ngàn cán bộ có thể bị giam giữ hoặc bị sát hại, và hầu hết các đảng viên và cán bộ sẽ đối mặt với tình trạng thất nghiệp và vật lộn để mưu sinh,” bà Thái viết.
Những mối đe dọa & Sự tham vọng
Bà Thái cho biết, Trung Cộng bắt đầu có tham vọng kiểm soát thế giới vào năm 2008, khi “Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Olympic” và Hoa Kỳ “rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính dưới chuẩn.”
Kể từ đó, Trung Cộng đã nỗ lực tham gia vào việc xây dựng quy tắc toàn cầu như tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhà cầm quyền này cũng miệt mài với việc xây dựng một quân đội tân tiến “nhắm vào Hoa Kỳ,” mở rộng các hoạt động tuyên truyền ở hải ngoại và thâm nhập vào “các kênh truyền thông, tài chính, kinh tế, công nghệ, giáo dục, các tổ chức tư vấn, bảo tàng cùng các lĩnh vực và thể chế khác.”
Bà Thái chỉ ra, Trung Cộng đã hạn chế các học giả ngoại quốc vào Trung Quốc, ngăn cản họ chia sẻ tinh thần tự do tư tưởng tại nước này. Nhà cầm quyền này kiểm soát liên lạc giữa các học giả Trung Quốc và các quan chức ngoại quốc. Đồng thời, “‘cánh tay dài quyền lực’ của Trung Cộng cũng đã vươn ra để kiểm soát các sinh viên Trung Quốc và các tổ chức của Trung Quốc trên khắp Hoa Kỳ, và Trung Cộng thậm chí còn thành lập các chi nhánh của đảng trong các trường đại học của Hoa Kỳ [để ăn cắp bí quyết và gây ảnh hưởng đối với thế giới tự do],” bà Thái viết.
Bà Thái cũng chỉ ra rằng lãnh đạo hiện tại của Trung Cộng Tập Cận Bình là người hiếu chiến nhất, rõ ràng ông ta đang nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ.
Trung Cộng đã sửa đổi Luật Quốc phòng vào ngày 01/01. Bà Thái đã chỉ ra một mục trong đó nêu rõ rằng, “Các hoạt động quân sự của Nhà nước là để ngăn chặn và chống xâm lược, ngăn chặn sự lật đổ và chia rẽ có vũ trang, bảo vệ chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và các lợi ích phát triển,” mục này có một ý nghĩa đặc biệt ẩn chứa đằng sau.
“Hai thuật ngữ chính, ‘chia rẽ’ và ‘lợi ích phát triển,’ mang hàm ý sâu sắc: từ thứ nhất là dành cho Đài Loan; thuật ngữ còn lại là một tín hiệu đe dọa đối với tất cả các quốc gia, mà chủ yếu nhất là Hoa Kỳ, rằng quân đội của Trung Quốc sẽ gây chiến với bất kỳ ai ngăn cản Trung Cộng thống nhất Đài Loan và bất kỳ ai dám ảnh hưởng lợi ích phát triển của Trung Quốc,” bà Thái viết.
Bà Thái, năm nay 68 tuổi, lớn lên trong một gia đình quân nhân và gia nhập quân đội năm 1969. Sau khi giải ngũ, bà trở thành đảng viên Trung Cộng vào năm 1978. Năm 1992, bà Thái bắt đầu cuộc đời của một sinh viên sau Đại học tại Trường Đảng Trung ương.
Năm 1997, bà Thái trở thành một giảng viên tại Trường Đảng Trung ương, giảng dạy về hệ tư tưởng và chính trị của Trung Cộng. Năm 2000, bà nhận bằng Tiến sĩ Luật của trường này và trở thành giáo sư. Bà về hưu năm 2012.
Vào năm 2020, khi đại dịch virus Trung Cộng hoành hành tại Trung Quốc, bà Thái đang du lịch đến Hoa Kỳ và không thể quay trở lại Trung Quốc theo dự định.
Vào tháng 06/2020, một đoạn ghi âm của bà Thái chỉ trích Tập Cận Bình đã bị rò rỉ trên mạng. Hai tháng sau, Trung Cộng tuyên bố tước thẻ đảng và hủy tư cách đảng viên của bà Thái và ngừng trợ cấp lương hưu cho bà. Bà Thái đã ở lại Hoa Kỳ kể từ đó.
Do Nicole Hao thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: