Trực giác: Giác quan thách thức thế giới vật chất
Albert Einstein đã từng nói, “Điều duy nhất có giá trị thực sự chính là trực giác.”
Dù không thể nhìn thấy nhưng khi được cho xem những bức ảnh về các biểu cảm của khuôn mặt như sợ hãi, hạnh phúc và các loại biểu cảm khác, bệnh nhân X vẫn nhận biết được các trạng thái cảm xúc với tỷ lệ phần trăm chính xác cao hơn nhiều so với xác suất ngẫu nhiên. Đây có thể là một phương cách “nhìn” vượt ngoài khả năng nhìn của cơ quan thị giác? Hay đơn giản nó chỉ là một sự cảm thụ chưa được biết đến?
Tiến sĩ Alan Pegna từ Đại học New South Wales ở Úc và nhóm nghiên cứu của ông ở Geneva, Thụy Sĩ đã rất kinh ngạc trước kết quả nghiên cứu. Trong suốt quá trình soi chiếu, não của bệnh nhân X có hoạt động rõ rệt ở khu vực hạch hạnh nhân bên phải. Kết quả điện não đồ của ông giống hệt chỉ số đọc được từ một cá nhân có bộ não không hề bị tổn thương cùng thực hiện hành động tương tự.
Đối với nhiều nhà thần kinh học, trải nghiệm với Bệnh nhân X cho thấy một giả thuyết thú vị – có tồn tại một giác quan khác ngoài năm giác quan phổ biến. Còn đối với những người khác, điều này mở màn cho việc nghiên cứu về trực giác – một khái niệm mà nhiều người đã biết đến và tin tưởng.
Giới khoa học ít khi thừa nhận sự tồn tại của trực giác trong thế kỷ trước, nhưng lĩnh vực sinh lý thần kinh đã thúc đẩy sự công nhận về giác quan này. Trực giác là khả năng có thể nhận biết các sự kiện còn chưa xảy ra, những sự kiện ở rất xa, hoặc những thay đổi sắp xảy đến trong môi trường xung quanh. Tất cả các cư dân bản địa trên khắp thế giới đều biết đến nó trong nhiều thiên niên kỷ – bất chấp giới khoa học hoài nghi đã bác bỏ nó từ lâu.
Sự nhạy cảm hay giác quan thứ sáu?
“Biển đã nuốt chửng hàng trăm xác người, nhưng không hề có xác chết của một con voi nào. Cũng không tìm thấy xác của một con mèo hay là xác một con thỏ rừng… điều kỳ lạ là không có trường hợp động vật tử vong nào được ghi nhận”. Một quan chức chính phủ Sri Lanka đã quan sát thấy điều này sau trận sóng thần Châu Á vào năm 2004, và nó đặt ra một vài nghi vấn thú vị.
Những câu hỏi đáng chú ý là, liệu động vật có khả năng nhận biết được nguy hiểm sắp xảy ra không? Làm thế nào mà chúng thoát khỏi đợt sóng thần này? Chỉ vài phút trước khi nước biển dâng lên, xé toạc hơn hai dặm đất liền, các loài động vật đã tháo chạy bạt mạng về phía những vùng cao trên đảo.
Cùng lúc đó, các bộ lạc thổ dân trong khu vực, đã có 60,000 năm tiếp xúc với môi trường tự nhiên, cũng bắt chước động vật chạy trốn lên vùng đất cao hơn. Kết quả là hầu như tất cả cư dân bản địa đều sống sót sau đợt tấn công khốc liệt của biển cả.
Nhưng chính xác thì thổ dân và động vật bản địa đã nhận biết được mối đe dọa sắp xảy đến bằng cách nào? Có hợp lý không khi cho rằng đó là do trực giác đã phát huy tác dụng? Và nếu vậy thì, cơ chế sinh học bí ẩn này hoạt động như thế nào?
Câu trả lời tất nhiên là khó có thể giải thích rõ ràng. Theo một số nhà nghiên cứu, những người thổ dân trên đảo thuận theo năm tháng đã rút ra được những bài học quan trọng từ việc sống gần gũi với thế giới tự nhiên.
Ví dụ, họ cảm nhận được tiếng bước chân của đám voi rừng khi chúng tháo chạy về phía bên trong hòn đảo, đồng thời họ cũng nhận thấy hành vi kỳ lạ của lũ cá heo, cự đà và sự hoảng loạn của các bầy chim trên đảo. Họ vận dụng khả năng cảm quan một cách hiệu quả để nhận biết được những điều mà những hệ thống radar hiện đại không thể nhận ra, và những hệ thống radar này cũng không phát huy tác dụng vào ngày xảy ra sóng thần.
Theo một bài báo trên ấn phẩm nổi tiếng Science, các nhà nghiên cứu từ đại học Washington, St. Louis cho biết rằng điểm mấu chốt trong khả năng tiên đoán của những người thổ dân nằm ở vùng não được gọi là vùng đai trước của vỏ não (anterior cingulate). Phần khu vực não bộ này được kích hoạt trong tình huống người ta không thể cảm nhận được sự thay đổi của môi trường khi tỉnh táo, nhưng lại cần thiết cho sự tồn vong của một cá nhân.
Tuy nhiên, để hiểu được làm thế nào các loài động vật ngay từ đầu đã có thể trực cảm về cơn sóng thần sắp xảy ra là một nhiệm vụ khó khăn hơn. Một số nhà nghiên cứu động vật cho rằng những dấu hiệu như sự thay đổi áp suất không khí, những rung lắc nhẹ nhàng phát ra từ lòng đất, hoặc âm thanh yếu ớt của những con sóng đang đến gần – những dấu hiệu khác mà giác quan của con người không thể nhận thấy – có thể giúp một số sinh vật nhận biết mối nguy hiểm sắp xảy ra.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tin rằng, trong trường hợp này cũng như trường hợp của bệnh nhân X, phải tồn tại một phương cách khác mà qua đó các thực thể sống nhận thức được môi trường của chúng – mà không phải là thông qua âm thanh, rung động, mùi hương, hình ảnh hoặc mùi vị. Người ta ghi nhận rằng chim và các loài động vật khác đã rời bỏ khỏi khu vực chúng đang sống ngay trước khi núi lửa phun trào.
Tương tự như vậy, các nhà sinh vật học Trung Quốc đã thực hiện các nghiên cuộc cứu và họ xác nhận rằng vài phút trước khi xảy ra động đất, mèo, chó và các loài thú nuôi khác trong khu vực trở nên khá hoảng loạn và trong một số trường hợp thậm chí còn hú, sủa hoặc kêu gào bấn loạn. Các nhà điều tra mô tả rằng trong những thời điểm này, rắn tháo chạy khỏi hang, chim bay loạn xạ trong lồng và chuột chạy điên loạn xung quanh.
Năng lực tiềm tàng
Thử nghiệm ban đầu rất đơn giản, bao gồm 40 tình nguyện viên và một cặp nhiếp ảnh gia cho mỗi thử nghiệm. Giám đốc thử nghiệm, ông Ronald Rensink, Trợ lý Giáo sư về Khoa học Máy tính và Tâm lý học tại Đại học British Columbia, diễn tả lại cảnh tai nạn ô tô đã xảy ra như thế nào trong trường hợp những người lái xe gây ra vụ va chạm không nhìn thấy chiếc xe mà họ đâm vào. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý.
Ban đầu, các tình nguyện viên được cho xem một bức ảnh chụp một con đường, và định kỳ xem lại một bức ảnh y hệt. Tại một thời điểm ngẫu nhiên trong quá trình xem lại, hình ảnh sẽ có một thay đổi — ví dụ: một số chỗ đã bị xóa, thay đổi hoặc thêm vào — và những thay đổi này, ngay cả khi nó là một thay đổi quan trọng, thường khá khó để nhận ra.
Bài kiểm tra yêu cầu các đối tượng nhấn một bộ còi ngay lúc họ thấy sự thay đổi trong chuỗi hình ảnh. Có một bất ngờ lớn là khi một số tình nguyện viên hỏi Rensink rằng liệu họ chỉ có thể nhấn còi khi nhìn thấy sự thay đổi, hay họ có thể nhấn khi trực giác mách bảo họ rằng một sự thay đổi sắp xảy ra.
Điều này khiến công trình nghiên cứu có một bước ngoặt lớn. Rensink nhận thấy rằng không chỉ phần lớn tình nguyện viên nhận ra chính xác thời điểm xuất hiện sự thay đổi, mà hơn nữa, một phần ba đối tượng nghiên cứu đã rung còi ngay trước lúc hình ảnh thay đổi được hiển thị cho họ.
Nghiên cứu này chứng minh rằng trực giác có thể là một cách ngoại cảm để phát hiện những thay đổi nhỏ trong môi trường. Nó cho thấy rằng chúng ta có khả năng nhận thức những kích thích mà các thiết bị công nghệ tiên tiến không phát hiện được.
Vậy chúng ta có thể làm gì để cải thiện khả năng trực giác của mình? Điều này sẽ yêu cầu những gì? Và tại sao động vật dường như có trực giác tốt hơn chúng ta?
Người cổ đại gắn bó mật thiết với các chu kỳ của tự nhiên, họ rất tự hào về tầm nhìn và trực giác của mình. Một số ý kiến cho rằng khi con người đương đại ngày càng phụ thuộc vào công nghệ để hiểu biết về thế giới, thì trực giác của họ sẽ bị thui chột. Trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta, các quan niệm mang tính trực giác thường bị phủ nhận, thay vào đó người ta ủng hộ những điều mà họ dễ dàng xác minh.
Khi khoa học đang vật lộn trong việc thừa nhận khả năng đáng kinh ngạc này của con người, thì môi trường công nghệ tiên tiến có cản trở trực giác bẩm sinh của chúng ta hay không? Đây là một câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Leonardo Vintini
Ngọc Anh biên dịch
Xem thêm: