Trong sâu thẳm U Minh đã có định số, Phò mã Lý Mông của nhà Đường cuối cùng khó tránh khỏi vận hạn
Người đời thường cảm khái vận mệnh vô thường, kỳ thực phía sau cái gọi là “vô thường” hoàn toàn đã được định sẵn trong số mệnh. Tại thế gian, có người liều mạng muốn thăng quan phát tài, nhưng bất luận họ có cố gắng thế nào đều khó có thể đạt thành tâm nguyện; có người rõ ràng không muốn thăng quan tiến chức nhanh chóng, lại trong lúc lơ đãng gặt hái tràn đầy; có người nhìn tiền đồ như gấm, lại khó thoát vạn hạn; có người tựa hồ vận mệnh nhiều thăng trầm, nhưng luôn có thể gặp dữ hóa lành. Có thể nói, vận mệnh con người khi sinh ra đã căn cứ theo phúc phận của kiếp trước mà định sẵn, cuộc đời mỗi người bất luận là có gập ghềnh hay không gập ghềnh, đều dựa theo quỹ đạo đã định trước mà tiến.
Thiên tượng báo trước cái chết của 30 vị tiến sĩ
Mùa xuân năm Khai Nguyên thứ năm triều Đường, quan viên phụ trách quan sát thiên tượng báo với Huyền Tông rằng: “Thiên tượng báo trước có tai nạn sắp xảy ra, tai nạn này vô cùng nghiêm trọng”. Huyền Tông hết sức kinh hãi, bèn hỏi: “Ứng nghiệm ở nơi nào?” Quan viên trả lời: “Là khi có 30 danh sĩ chết oan cùng ngày, tiến sĩ thi đỗ tân khoa năm nay vừa đúng 30 người”.
Một vị phò mã của Huyền Tông có tên là Lý Mông, cũng là một trong những tân khoa tiến sĩ năm đó. Huyền Tông gọi nàng công chúa được gả cho Lý Mông đến, không nói cho nàng chuyện cụ thể, chỉ dặn dò nàng rằng nếu như sắp tới có ra khỏi cung hoặc yến hội gì lớn, nhất định phải giữ phò mã ở trong cung, không nên để cho phò mã rời khỏi cung.
Lúc ấy công chúa ở tại Chiêu quốc, là một tên phường ở huyện Vạn Niên, Tây Kinh của Đại Đường, phía tây bắc của Khúc Giang Trì. Một ngày, ở gần đó tổ chức lễ hội nhạc nước rất lớn, nhạc khúc du dương đã truyền đến tai Lý Mông. Trong lòng Lý Mông ngứa ngáy, Lý Mông biết nếu nói với công chúa, nàng chắc chắn sẽ ngăn cản, vì thế trèo tường ra khỏi phủ đệ, đi tới du thuyền trên Khúc Giang tìm bằng hữu.
Khi đó trên Khúc Giang có mười mấy chiếc du thuyền, các vị tiến sĩ tụ tập, không có người nào chú ý đến nước của Khúc Giang đang dâng lên cao. Đến khi Lý Mông lên thuyền, đột nhiên một trận gió lớn thổi tới, tất cả du thuyền đều bị lật nghiêng, toàn bộ ba mươi vị tiến sĩ mất mạng, những người khác như ca kỹ, vũ nữ, nhạc công, phu thuyền … đều mất mạng trong dòng nước chảy xiết.
Ngoài ra theo “Định mệnh lục” ghi lại, Lý Mông sau khi thi đậu tiến sĩ đến kinh thành, đi qua huyện Hoa Âm, thăm viếng Huyện lệnh. Nơi đó có người giỏi xem tướng tên là Xa Tam. Huyện lệnh mời Xa Tam đến xem tướng cho Lý Mông. Lúc đầu Huyện lệnh không nói tên họ thật của Lý Mông, chỉ nói anh ta tên là Lý Ích, sau khi Xa Tam xem tướng nói Lý Mông “Không cách nào hưởng thụ được bổng lộc của triều đình”. Đây đương nhiên là lời nói không may mắn.
Những quan viên khác có mặt ở đó nói, “Bởi vì anh ta không nói ra tên họ thật cho nên Xa Tam xem không đúng. Vị này kỳ thực tên là Lý Mông, đã đỗ tiến sĩ, đang vào kinh đợi bổ nhiệm chức quan, ông nhìn xem một chút anh ta có thể được bổ nhiệm làm chức quan gì”.
Xa Tam hỏi Lý Mông: “Cậu muốn làm quan gì?” Lý Mông nói: “Tôi muốn đến huyện Hoa Âm nhận chức”. Xa Tam nói: “Cậu nhất định sẽ được an bài đến huyện Hoa Âm nhận chức. Có điều, từ tướng mạo của cậu mà xem, cậu cũng không có mệnh hưởng bổng lộc quan lại ở huyện Hoa Âm thôi”.
Hai lần xem tướng đều nhận được lời nói không may mắn, xong mọi người đều không quá tin tưởng, bởi vì Lý Mông đang trong thời điểm tuổi trẻ tài cao. Đợi sau khi Lý Mông đến kinh thành, quả nhiên được phong làm Huyện úy huyện Hoa Âm. Nhưng sau đó không lâu, trong một lần dự yến hội trên sông ngay tại Khúc Giang vì bị lật thuyền mà mất mạng. Lời của Xa Tam quả nhiên ứng nghiệm.
Quan viên Lại bộ ngồi chưa ấm chỗ
Triều Đường có vị tên là Thẩm Quân Lượng, có thể nhìn thấy được sự tình ở chốn u minh, biết trước việc sinh tử của một người. Vào một ngày của năm Thượng Nguyên thời vua Đường Túc Tông, khi Viên ngoại lang Lại bộ Trương Nhân Huy gặp Thẩm Quân Lượng trong một lần tham gia tiệc rượu, bèn hỏi rằng: “Minh công nhìn xem tôi lúc nào thì có thể thăng chức?” Thẩm Quân Lượng đáp rằng: “Chức quan của tiên sinh ở Lại bộ còn ngồi chưa ấm chỗ, cần gì lo nghĩ đến việc không thể lên chức?”
Một lúc sau, Trương Nhân Huy đi vệ sinh, Thẩm Quân Lượng nói với mọi người rằng: “Trương Viên ngoại lang còn có thể sống nhiều nhất là mười ngày, nào có thời gian suy nghĩ có thăng quan hay không chứ?”
Quả nhiên không sai, bảy ngày sau Trương Nhân Huy đột nhiên qua đời.
Ngự y nhìn thấy quỷ, số mạng của Phượng các Thị lang chẳng còn bao lâu nữa
Thời kỳ Đường Võ Chu, Chu Doãn Nguyên từng đảm nhiệm chức tể tướng trong thời gian ngắn. Một hôm, Chu Doãn Nguyên sau khi hạ triều thì đến Nội các. Lúc này một vị ngự y được Thái Bình Công Chúa truyền gọi từ Chính Quang môn tiến cung, đã gặp Chu Doãn Nguyên. Ngự y thấy một tên quỷ đang lấy đầu của Chu Doãn Nguyên, còn có hai tên quỷ trong tay cầm gậy gỗ đi theo phía sau Chu Doãn Nguyên, cùng đi thẳng vào Cảnh Vận môn. Ngự y đem việc này nói cho Thái Bình Công Chúa, Thái Bình Công Chúa lại báo lên Thiên Hậu Võ Tắc Thiên. Thiên Hậu lập tức phái người đi xem xét hỏi thăm, người được phái đi trở về báo rằng, Chu Doãn Nguyên ở trong Các cũng không có gì khác thường.
Sau đó, Chu Doãn Nguyên dùng bữa xong trở về phòng nghỉ ngơi, buổi chiều đi đến nhà vệ sinh, qua thời gian rất lâu rồi cũng chưa trở về phòng. Vị Tham điển trưởng cảm thấy có chút kỳ quái, đến nhà vệ sinh tìm Chu Doãn Nguyên, thấy Chu Doãn Nguyên đã ngã trong nhà vệ sinh. Tham điển trưởng vội vàng nâng Chu Doãn Nguyên dậy, Chu Doãn Nguyên lúc này mắt đã trợn ngược, miệng chảy nước miếng.
Các quan viên lập tức báo cáo tình huống cho Thiên Hậu Võ Tắc Thiên. Bà hỏi ngự y: “Ông ấy còn có thể kiên trì bao lâu?” Ngự y thưa: “Nhiều nhất là hai, ba ngày, nhanh thì cũng chỉ một ngày.” Võ Tắc Thiên sai người lấy chăn đắp lên cho Chu Doãn Nguyên, rồi nâng luôn cả giường lẫn người đưa về phủ, đến nửa đêm thì Chu Doãn Nguyên chết.
Tư liệu tham khảo: “Triều dã thiêm tái”
Lý Tinh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: