Trong khủng hoảng, đại công ty địa ốc Bích Quế Viên của Trung Quốc tái cấu trúc nợ ngoại quốc
Kể từ khi rơi vào khủng hoảng nợ, đại công ty phát triển địa ốc tư nhân Trung Quốc Bích Quế Viên (Country Garden) đã thông báo hôm 10/10 rằng họ có 470 triệu HKD (khoảng 60 triệu USD) đến hạn và dự kiến sẽ không thể hoàn trả tất cả các khoản nợ ngoại quốc ngay cả sau khi đã được gia hạn.
Theo thông báo, Bích Quế Viên đã thuê công ty luật nổi tiếng Sidley Austin LLP để đánh giá cấu trúc vốn và vị thế thanh khoản của công ty nhằm đề ra giải pháp toàn diện.
Hành động này đồng nghĩa với việc công việc tái cấu trúc nợ ngoại quốc của Bích Quế Viên đã chính thức được khai triển. Công ty cho biết họ hy vọng sẽ giải quyết hoàn toàn cuộc khủng hoảng nợ ngoại quốc hiện tại.
Bích Quế Viên có 15 trái phiếu đại chúng phát hành bằng USD với tổng số tiền gốc xấp xỉ 9.3 tỷ USD đáo hạn. Trong đó, có 2 trái phiếu đáo hạn vào năm 2024 là 965 triệu USD và 537 triệu USD. Năm nay, Bích Quế Viên đang gặp khó khăn với việc thanh toán lãi trái phiếu bằng USD, vốn chưa đến hạn thanh toán gốc.
Bích Quế Viên cho biết doanh số bán hàng của họ đã chịu áp lực đáng kể trong năm 2023, với doanh số bán vốn cổ phần từ tháng 01-09/2023 ở vào khoảng 154.98 tỷ nhân dân tệ (21.2 tỷ USD), giảm 43.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do sự suy giảm địa ốc hiện nay của Trung Quốc.
Bích Quế Viên đã dựa vào thời gian ân hạn để tránh vỡ nợ. Hôm 05/09, công ty đã hoàn tất thanh toán lãi cho hai trái phiếu ngoại quốc với tổng trị giá 22.5 triệu USD. Hai khoản lãi vay này lẽ ra phải được thực hiện hôm 07/08 nhưng lại không được thanh toán theo đúng kế hoạch. Cả hai khoản thanh toán lãi trái phiếu đều có thời gian ân hạn 30 ngày, ngăn chặn tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng.
Hồi tháng Tám, Bích Quế Viên lần đầu tiên đã thừa nhận công khai rằng công ty đã gặp phải cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi thành lập.
Theo cảnh báo về lợi nhuận của công ty, khoản lỗ ròng nửa đầu năm nay sẽ vào khoảng 45 tỷ đến 55 tỷ nhân dân tệ (6.16-7.52 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng cùng thời kỳ năm ngoái vẫn là 1.91 tỷ nhân dân tệ (260 triệu USD).
Trì hoãn ngày trả nợ
Nhà phân tích kinh tế và chính trị sống tại Hoa Kỳ Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 13/10 rằng các khoản nợ trong và ngoại quốc của Bích Quế Viên không thể trả được, và họ chỉ dựa vào việc đảo nợ, khoản nợ gần đây đã được phê duyệt cho ba năm, để trì hoãn điều không thể tránh khỏi.
Tính đến ngày 30/09, Bích Quế Viên đã giao khoảng 420,000 căn nhà mới ở Trung Quốc, và khoảng 280,000 căn vẫn chưa được giao.
Ông Lục chỉ ra rằng việc bàn giao tài sản cũng cần có đủ vốn. “Có rất nhiều dự án đang được Bích Quế Viên xây dựng. Để hoàn công cho những dự án này tốn rất nhiều tiền,” ông nói. “Vậy Country Garden có đủ vốn để bảo đảm hoàn thành không? Giờ đây có vẻ khá khó khăn.”
Ông Lục cho biết nếu Bích Quế Viên không giao được nhà, thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một vấn đề lớn vì người mua nhà đã trả trước rồi và đã ghi danh vay nợ mua nhà. Người dân sẽ phải trả các khoản vay nợ mua nhà mà không được sở hữu nhà, dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội đáng kể. Người mua nhà ở nhiều nơi trên cả nước đã biểu tình để bảo vệ quyền lợi của mình nhưng hầu hết đều bị chính quyền Trung Quốc đàn áp dã man.
Ngoài ra, doanh số bán hàng vẫn sẽ là một vấn đề ngay cả khi Bích Quế Viên hoàn thành mọi dự án theo đúng tiến độ. “Không thể bán nhà để có vốn. Mặc dù Bích Quế Viên đã gia hạn nợ lần này, nhưng trong năm tới và năm sau đó, vẫn sẽ có nợ đến hạn. Chỉ dựa vào việc gia hạn nợ không là không khả thi.”
Khủng hoảng có khả năng tác động tới ngành ngân hàng
Là công ty địa ốc hàng đầu Trung Quốc, tác động thị trường của cuộc khủng hoảng nợ của Bích Quế Viên sẽ rất lớn và có thể sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng của nước này.
Ông Lục cho biết hầu hết các công ty địa ốc ở Trung Quốc đều đạt được sự mở rộng nhanh chóng nhờ vay vốn ngân hàng, nhưng một phần lớn số vốn này đã lọt vào túi cá nhân do tham nhũng.
“Ví dụ, trong quá trình cho vay, các công ty địa ốc, quan chức chính phủ, và ngân hàng thường thông đồng với nhau thông qua hối lộ và các nhóm lợi ích đặc biệt khác nhau. Vì vậy, rất nhiều tiền đã vào túi giới giám đốc điều hành thượng lưu ở Trung Quốc.”
Ông cũng cho biết một số hoạt động của Bích Quế Viên trong giai đoạn đầu cho thấy họ đang tiến hành chuyển tiền.
Ông khẳng định, “Chủ tịch Hội đồng Bích Quế Viên Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan) đã quyên góp một khoản lớn cho một số quỹ tín thác từ thiện ở ngoại quốc. Trên thực tế, họ đang chuyển vốn ra ngoại quốc và cuối cùng số vốn đó sẽ rơi vào túi họ.”
Tác động kinh tế rộng hơn
Ông Davy Jun Huang, một nhà kinh tế sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 13/10 rằng tác động của khoản nợ của Bích Quế Viên khác với Evergrande, một đại công ty địa ốc khác của Trung Quốc đang gặp khó khăn tài chính sâu sắc.
Ông Huang cho biết Bích Quế Viên đã luôn được xem như là hình mẫu trong lĩnh vực địa ốc Trung Quốc và luôn duy trì được hình ảnh tích cực. Công ty có nhiều dự án trên khắp Trung Quốc hơn Evergrande. Điều này có nghĩa là Bích Quế Viên sẽ có tác động rộng hơn nhiều đến Trung Quốc nếu công ty rơi vào tình trạng bất ổn tài chính.
Ông nói rằng những khó khăn tài chính của Bích Quế Viên và Evergrande, kết hợp với xu hướng đi xuống hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc và mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Liên minh Âu Châu, sẽ khiến các nhà đầu tư tích cực điều chỉnh tỷ lệ đầu tư của họ vào các thị trường mới nổi ở Trung Quốc.
Cùng với rủi ro gia tăng tại các thị trường mới nổi, các quỹ đầu tư có thể sẽ giảm tỷ trọng đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Do đó, họ sẽ giảm tiếp xúc với Trung Quốc trong tương lai, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến sự nhiệt tình và quy mô đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Ông Huang nói, “Xét về mặt dư luận, Evergrande bị chú ý tới hơn Country Garden rất nhiều, nhưng tác động của Bích Quế Viên và Evergrande là khác nhau.”