Trịnh Tuệ – Trạng Nguyên cuối cùng của danh hiệu tam khôi
Nếu Nguyễn Quan Quang là vị Trạng nguyên đầu tiên của danh hiệu Tam khôi thì Trịnh Huệ (hay còn gọi là Trịnh Tuệ) thời Lê mạt là vị Trạng nguyên cuối cùng của tôn xưng này.
Cháu của chúa Trịnh, gia đình khoa bảng truyền thống
Trịnh Tuệ (chữ Hán: 鄭橞; 1701 – năm mất không rõ) tên gốc là Trịnh Huệ, sau vì trùng tên với Tuyên Phi Đặng Thị Huệ nên đổi sang là Trịnh Tuệ, hiệu là Cúc Lam. Ông quê ở Biện Thượng (nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), trú quán tại xã Bất Quần (nay là xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).
Theo Kim Giám Thực Lục (1802) và Kim Giám Tục Biên (1869), thì Trịnh Huệ là cháu 5 đời của chúa Trịnh Tùng, thuộc dòng của Thuần Nghĩa Công Trịnh Dương. Gia đình ông đều có những người đỗ đạt. Anh ruột là Trịnh Côn và các con ông là Trịnh Đức, Trịnh Sa đều đỗ hương cống và làm quan dưới triều Lê – Trịnh. (nguồn: wikipedia)
Trạng nguyên cuối cùng, sự nghiệp không như ý
Trịnh Tuệ bước chân vào quan trường trước khi đỗ Trạng nguyên. Khi đi thi Hương đỗ Tứ trường, ông đã được bổ làm việc ở Phủ Tôn Nhân, giữ chức Phó hình phiên. Đến khoa Bính Thìn (1736), ông đỗ đầu thi Hội và vào thi Đình thì đỗ luôn Trạng nguyên.
“Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh: Trịnh Huệ, làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, trú quán xã Bất Quần, huyện Quảng Xương… Ra lệnh khắc tên vào đá để truyền mãi mai sau”. (Trích Bia Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736) ở Văn Miếu, Hà Nội, nguồn: Wikipedia)
Nhờ đỗ đầu Trạng nguyên, nên Trịnh Tuệ nhanh chóng được phong Đông các đại học sĩ, rồi sau lên tới chức Tham tụng Thượng thư bộ Hình (tước Quận Công). Tuy nhiên vì bản thân ông là thân thuộc chúa Trịnh nên trong sử cũ vẫn lưu truyền nghi án chúa Trịnh thiên vị để ông đỗ đầu. Việc này được chép như sau:
“Giang tự thi tiến sĩ ở phủ đường, lấy Trịnh Tuệ đỗ trạng nguyên.
Theo chế độ cũ, cử nhân thi hội ở bộ Lễ được trúng cách, lại vào thi đình. Thể lệ thi đình: Chính thiên tử thân hành ra bài văn sách, rồi lấy đỗ và cho truyền lô xướng danh từng người được đỗ, cứ 3 năm mở một khoa. Thi đình là điển lễ long trọng trong việc tân hưng.
Nhưng một hồi lâu, chiếu nhất của khoa thi nam cung vẫn còn trống chỗ. Khoa này Trịnh Giang nghe lời nội giám Hoàng Công Phụ cho triệu sĩ tử vào thi ở phủ đường, cất nhắc Trịnh Tuệ đỗ cập đệ đệ nhất danh, còn các sĩ tử khác đỗ cập đệ và xuất thân có người cao người thấp khác nhau. Tuệ, người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, thuộc Thanh Hoa, là tộc thuộc họ Trịnh, Tuệ vẫn có tiếng hay chữ, nhưng vì việc thi này, nên người ta bàn tán chê bai”. (Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục)
Tuy nhiên sự đời không như là mơ, Trịnh Tuệ dẫu thi đỗ Trạng nguyên, quan chức cũng lên cao khá nhanh nhưng lại không hoàn toàn như ý, vì sau đó ông bị nghi phản nghịch mà mất chức:
“Tha tội cho Trịnh Tuệ và dùng làm tế tửu ở Quốc Tử giám.
Trước kia, Tuệ giữ chức thượng thư và tham tụng. Khi Trịnh Doanh nối ngôi, nhận thấy Tuệ vào bè đảng với Công Phụ, nên bắt giam vào ngục. Đến nay triều đình bàn luận, cho rằng Tuệ ở trong sổ tộc thuộc họ Trịnh, có lẽ không dự biết mưu phản nghịch, nên phân biệt xét rõ để lục dụng. Vì thế, Tuệ lại được bổ dùng”. (Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục)
Lời bàn:
Nói đến Trịnh Tuệ, sử cũ hầu như không nhắc gì đến tài năng của ông mà chỉ ghi chép rất rõ nghi vấn ông được chúa thiên vị mà đỗ Trạng nguyên. Theo như người viết hiểu thì thời vua Lê chúa Trịnh là thời mà Nho giáo đã suy thoái lắm, nước đã có vua còn có chúa nắm quyền, quả thực là cương thường đảo lộn hết cả. Khoan bàn đến việc Trịnh Tuệ có bị nghi oan là được chúa Trịnh nâng đỡ hay không, chỉ bằng vào việc thi Đình chọn Trạng nguyên mà nay ngang nhiên diễn ra ở phủ Chúa chứ không phải cung Vua thì đủ thấy họ Trịnh thao túng quốc gia đến mức nào.
Khổng Tử giảng Chính Danh và nói về Lễ Nghĩa quân thần cũng như Trung Hiếu là cột trụ của luân lý Nho giáo. Than ôi, cái Lễ nghĩa của chúa Trịnh đã tệ như thế thì cái danh Trạng nguyên kia làm sao mà Chính Danh được, nó có còn chút gì là tuyển dụng nhân tài Nho học để kinh bang tế thế đâu, chẳng qua là kiếm người giúp việc cho cái ban bệ nhà chúa mà thôi. Trịnh Tuệ nếu quả thực là một nhà Nho chân chính thì vào thời ấy có lẽ là không nên đi thi để giữ tròn tiết tháo thì hơn. Và quả thực vậy, khi danh không chính thì hành sẽ không thông, trong sử cũ vẫn còn chép cách làm quan của ông:
“Bổ Trịnh Tuệ làm thượng thư bộ Hình, vào phủ đường giữ chức tham tụng.
Tuệ nóng sốt về đường làm quan, nhờ được Công Phụ tiến cử, thi đỗ không đầy vài năm, lấy địa vị thượng thư vào đứng các quan trong phủ chúa. Sau khi đã được giữ chính quyền, Tuệ cùng bọn hoạn quan, kẻ trong, người ngoài, xướng họa với nhau. Một lũ tiểu nhân không còn kiêng kỵ sợ hãi gì cả: chính lệnh phiền nhiễu tế toái, thưởng phạt lầm lẫn rối ren. Từ đấy trong nước mới sinh ra nhiều việc”. (Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục)
Thế mới thấy, lúc Thi Đình ông đã bỏ mặc Thiên tử một bên, quỳ bái chúa Trịnh để lấy cái hiệu Trạng nguyên thì cũng chẳng tốt hơn bọn tham quan đương thời là mấy. Trịnh Tuệ ơi là Trịnh Tuệ! tiếc cho ông mà cũng là tiếc cho cái chữ Trạng nguyên, vinh dự của Nho gia nghìn năm mà đến ông lại bị sổ toẹt mất rồi, thật đáng buồn thay.