Triều Tiên khốn đốn đến mức phải huy động kho lương thực dự trữ quốc gia, người nhà quan chức cũng phải chịu đói
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán vẫn đang lan rộng khắp thế giới, gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của nhiều quốc gia và khiến các nước không dám nới lỏng chính sách biên giới của mình. Người đào thoát khỏi Triều Tiên và từng là nhà ngoại giao của Triều Tiên tiết lộ rằng, Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới Triều Tiên – Trung Quốc từ sớm để ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, nhưng vì nền kinh tế dân sinh bị phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc nên Triều Tiên vẫn bị ảnh hưởng nặng và dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, cuối cùng đành phải tạm ngừng phân phối gạo trắng cho gia đình của các quan chức Đảng Lao động.
Vài ngày trước, ông Ko Young-hwan, cựu Phó giám đốc của Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc và là người đào thoát khỏi Triều Tiên, đã nói với tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản rằng, gia đình của các cán bộ Đảng Lao động Triều Tiên và các cán bộ quân sự ở trung tâm Bình Nhưỡng đã không nhận được gạo phân phối kể từ khoảng sau tháng 3.
Ông nói rằng, chính quyền chỉ ngừng cung ứng cho gia đình của các quan chức, còn bản thân các quan chức vẫn có thể được lĩnh nhận, tuy nhiên chính vì thế mà họ đã phải huy động đến kho lương thực dự trữ quốc gia được chuẩn bị cho thời chiến. Dưới ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Triều Tiên đã nhanh chóng áp dụng chính sách bế quan toả cảng, nhưng lương thực và nhu yếu phẩm hàng ngày của họ lại thiếu trầm trọng, và nguồn cung chỉ bằng 1/3 năm ngoái.
Ông Ko Young-hwan đề cập rằng, nếu bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát trở lại trên diện rộng, Triều Tiên sẽ không thể mở cửa biên giới, e rằng họ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thể chế. Nếu mức độ bất bình trong nội bộ tăng cao, dự kiến Bình Nhưỡng có khả năng sẽ gây hấn với các quốc gia khác để dập tắt sự bất mãn của người dân trong nước.
Theo phân tích của ông Ko, gần đây Triều Tiên nhận định Hàn Quốc là nước thù địch, chủ yếu là do Bình Nhưỡng xảy ra hỗn loạn, và vì để chuyển hướng sự tức giận của người dân đối với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sang Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nên chính quyền Bình Nhưỡng đã cao giọng công kích Hàn Quốc.
Tầng lớp ưu tú của Bình Nhưỡng: Vì vũ khí hạt nhân mà làm cả nước chết đói sao?
Có tin đồn rằng Triều Tiên vì bị trừng phạt kinh tế, thêm vào đó là chịu ảnh hưởng của dịch viêm phổi của Vũ Hán, nên những người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng đã không nhận được vật tư phân phối của chính phủ trong 3 tháng liên tiếp, thậm chí có người dân ở các thành phố như Chongjin, Hamhung, v.v đã chết đói trên đường. Hoàn cảnh khốn khổ do suy thoái kinh tế có thể được ví như “Nạn đói Bắc Triều Tiên” những năm 90. Ngay cả tầng lớp ưu tú sống ở Bình Nhưỡng cũng đặt câu hỏi rằng, liệu có cần thiết phải vì phát triển vũ khí hạt nhân rồi bị quốc tế trừng phạt mà khiến cho cả nước chết đói không? Việc này dường như đã đe dọa nghiêm trọng đến uy tín của Kim Jong-un.
Theo điều tra, hầu hết cư dân sống ở Bình Nhưỡng là lãnh đạo cấp cao của đảng, chính phủ, quân đội và gia đình của họ. Họ từ lâu đã được chính phủ chăm sóc đặc biệt và thậm chí còn được gọi là “Cộng hòa Bình Nhưỡng”. Nếu ngay cả lòng dân ở thủ đô cũng xáo động thì đây có lẽ sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc duy trì chế độ của Kim Jong-un.
Người dân chỉ ăn hai bữa mỗi ngày hoặc tệ hơn
Hôm 9/6, chuyên gia của Tổ chức Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng đã tồn tại từ lâu ở Triều Tiên; và vào đầu năm nay, vì để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, họ đã đóng cửa biên giới Triều Tiên – Trung Quốc, do đó tình trạng trên lại càng phổ biến và nghiêm trọng. Vị chuyên gia này nói rằng: “Hiện tại, Triều Tiên đang có người chết đói”.
Ông Tomas Ojea Quintana, một nhân viên báo cáo của Tổ chức nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên, cho biết kể từ khi Triều Tiên đóng cửa biên giới Trung – Triều, không có trường hợp viêm phổi Vũ Hán nào được báo cáo, và cho đến nay nước này vẫn tuyên bố là quốc gia “không có người nhiễm bệnh”. Vào tháng 3 và tháng 4, thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên giảm 90%, dẫn đến thu nhập của người dân biên giới giảm mạnh và ảnh hưởng đến sinh kế trong nước.
Đông Phương