Triết lý về luân hồi: Nhân duyên trời định
Vào thời nhà Tống có một thư sinh trẻ tuổi, không những có vẻ ngoài anh tú mà còn rất tài hoa. Mọi người xung quanh đều cho rằng anh về sau sẽ trở thành một người xuất chúng. Trong vùng còn có một người rất tài giỏi, muốn dồn hết tâm huyết để bồi dưỡng thư sinh này. Ông muốn tương lai về sau khi chàng thư sinh công thành danh toại thì sẽ gả con gái mình cho anh ta.
Chàng thư sinh đã ở trong nhà người đàn ông tài giỏi này được chừng 4-5 năm. Sau khi học được sâu sắc tất cả các vốn liếng tri thức, anh đã vào kinh tham gia khảo thí, kết quả tất nhiên là “áo gấm về làng.” Anh được ban thưởng chức quan huyện lệnh, triều đình còn nói: Tuy có hơi ủy khuất nhưng đầu tiên hãy để anh ta đảm nhận chức quan này một thời gian, đợi đến khi có một vị trí khác quan trọng hơn trống khuyết thì sẽ đề bạt anh ta.
Người đàn ông tài giỏi kia vô cùng vui mừng, lập tức muốn gả con gái của mình cho anh ta. Con gái của ông xinh đẹp như tiên nữ, mọi người trong làng, ai ai cũng đều ngưỡng mộ anh.
Bởi vì chỉ còn ba ngày nữa là sẽ thành hôn, anh nhất thời hứng khởi, bèn dẫn theo một thư đồng ra ngoài chợ tản bộ. Tại đây, anh bắt gặp một bà lão mù lòa. Bà lão nghe tin vị thư sinh này đi tới, lập tức cầm tay, bảo muốn xem số mệnh cho anh một chút.
Chàng thư sinh không suy nghĩ nhiều, liền đồng ý. Nào ngờ, bà lão lại nói: “Vận mệnh làm quan của cậu không dài. Cả đời cậu sẽ làm cường đạo. Vả lại vợ của cậu không phải là con gái của người đàn ông có học vấn kia, mà là một nữ nhân thấp bé, đen nhẻm và có một khuôn mặt đầy những vết sẹo.”
Thư sinh nghe xong rất không vui, trách bà lão nói xằng bậy, cảm thấy mất hứng bèn trở về nhà.
Ngày hôm sau, anh đến thăm nhà nhạc phụ, xem xem có gì cần chuẩn bị nữa không. Khi anh đến nhà thì đột nhiên chết lặng: Chỉ nhìn thấy người vợ sắp cưới của mình nằm bất động trong sân. Người nhà của nhạc phụ thấy anh đi tới, liền nức nở khóc: “Buổi tối ngày hôm qua, tiểu thư đột nhiên kêu đau tim, một lúc sau thì qua đời.”
Trong cơn tuyệt vọng, anh quay về nha huyện của mình. Khoảng một năm sau, một ngày nọ, khi anh đang ngồi rầu rĩ, có một người bạn nhiều năm không gặp đến thăm hỏi. Sau khi người bạn này ngồi xuống, hàn huyên trò chuyện về những kỉ niệm xưa, đột nhiên đề nghị muốn được xem con dấu của anh. Anh nghĩ rằng người bạn chỉ là đang tò mò, cũng không suy nghĩ nhiều, liền cầm con dấu ra đưa cho người bạn đó xem thử một chút. Người đó cầm con dấu trong tay tỉ mỉ xem xét một hồi. Ngay lúc này anh lại buồn đi vệ sinh, nên bèn đi ra ngoài để giải quyết.
Khi anh quay lại thì thấy người bạn đã đặt con dấu vào hộp. Anh cũng chẳng để ý nhiều, hai người họ tiếp tục hàn huyên. Sáng sớm ngày hôm sau, người bạn cáo từ rồi rời đi.
Mấy ngày sau, triều đình cần anh trình báo công văn. Khi anh viết xong công văn thì cũng đã vào lúc chiều tà, trời chạng vạng tối. Theo thói quen anh lấy con dấu trong hộp ra, cũng chẳng chú ý xem con chữ được đóng lên giấy như thế nào, liền phái người phi ngựa chạy nhanh gửi về kinh thành.
Bởi vì học vấn của anh quả thật rất giỏi, nên vừa mới nhậm chức liền quản lý huyện rất tốt, dân tình trong vùng đều thuần hậu, chất phác. Chính vì thế, anh nhận được rất nhiều ái mộ của bách tính. Nhiều người nhìn thấy được tiền đồ của anh, cũng có rất nhiều người bắt đầu giúp anh tìm kiếm đối tượng để thành thân.
* * *
Chỉ sau khoảng hai mươi ngày, triều đình phái thuộc hạ đến, nói rằng muốn điều tra để cách chức anh. Việc này khiến anh và dân chúng địa phương đều vô cùng sửng sốt. Mọi người đều lũ lượt đi đến nghe ngóng nguyên do.
Người thuộc hạ do triều đình phái đến chỉ cười nhạt rồi nói: “Tại sao ngươi dám sỉ nhục triều đình?” Vị thư sinh hoang mang rối bời, không biết phải trả lời ra sao. Người kia thấy anh vẫn không hiểu ý mình nói, bèn lấy ra bản công văn mà anh đã trình lên. Cuối cùng anh cũng đã thấy con dấu đóng trên giấy có mấy chữ triện là: “Long Sơn đại đạo” (Đạo tặc lớn ở Long Sơn). Anh vừa nhìn thấy thì vô cùng kinh ngạc, lập tức sai người lấy hộp con dấu ra. Khi thấy con dấu đã bị đánh tráo, anh lập tức ngã xuống đất ngất xỉu.
Mọi người xung quanh vội vàng gọi anh tỉnh dậy. Anh thầm nghĩ người bạn đã đến thăm vào ngày hôm ấy chính là mối hiềm nghi lớn nhất. Vì vậy, anh đã đem hết ngọn nguồn sự tình nói với người được triều đình phái tới điều tra.
Kết quả người kia vẫn kiên quyết cách chức và bắt anh lưu đày đến nơi khác. Khi dân chúng nơi đây biết sự tình này đều đồng loạt quỳ xuống cầu xin giúp anh ta. Người thuộc hạ của triều đình thấy anh rất được lòng dân như vậy, liền nói: “Mọi người hãy yên tâm, tôi sẽ không để anh ta phải chịu quá nhiều gian khổ đâu.”
Ngày hôm sau, một đội quân của triều đình đến áp giải vị thư sinh đến nơi lưu đày. Nơi đó cũng không quá xa, chỉ hơn 500 dặm. Khi đi được nửa đoạn đường thì trời bắt đầu đổ mưa, tất cả mọi người đều đến dịch trạm để uống rượu. Vị quan viên của triều đình kia phát hiện trên đường đi có một người mắc bệnh nguy kịch, tướng mạo lại rất giống với thư sinh nọ, trong lòng liền sinh kế, có ý muốn thả anh. Anh cũng nhân cơ hội đó tẩu thoát.
Sau khi vị quan viên trong triều đình cố ý thả anh đi, liền tìm người bị bệnh kia, đưa người đó đến nơi lưu đày. Kết quả, người đó chưa đến nơi lưu đày thì đã đổ bệnh qua đời. Vị quan viên liền lấy lý do vị quan huyện làm mất ấn kia đã bị bệnh qua đời, báo lên triều đình. Sự việc cũng kết thúc tại đây.
Khi vị thư sinh đi đến dưới chân một ngọn núi, anh bắt gặp một nhóm thương nhân đang vận chuyển hàng hóa đi ngang qua. Bởi vì có tài ăn nói, lại giỏi tính toán, anh liền thương lượng với những thương nhân này để họ dẫn anh theo. Nhóm thương nhân cũng thấy anh tài giỏi, vậy nên đã đưa theo anh lên đường.
Khi họ đi đến một bờ hồ lớn thì gặp phải đạo tặc đến cướp hàng hóa. Anh cũng trở thành tù nhân của toán đạo tặc đó.
Khi anh bị bắt đến sơn trại, ban đầu trại chủ đối xử với anh rất tệ. Mặc dù xuất thân là một thư sinh, nhưng anh cũng có chút nghĩa khí, dường như sống hay chết đều không làm anh để tâm. Cũng thật trùng hợp, lúc này các sơn trại khác đưa ra một số việc, muốn cùng làm vài giao dịch buôn bán. Vấn đề này rất phức tạp, không ai có thể đứng ra tính toán rõ ràng là sẽ thu được lời hay lỗ. Anh đứng ra xung phong đảm nhận, giúp họ tính toán rõ ràng minh bạch, cũng đưa ra một số cách giải quyết vấn đề tốt hơn.
Chủ trại sau khi nghe xong, thái độ cũng trở nên hòa hoãn. Về sau, những người khác cũng đề nghị với chủ trại nên giữ anh lại, đồng thời để anh cùng với một nữ thủ lĩnh phụ trách công việc buôn bán này.
Chủ trại nhắc nhở, hi vọng anh sẽ không bỏ trốn, nếu không sẽ không khách khí. Vị thư sinh cười khổ, nói: “Bản thân tôi bỏ trốn đến nơi đây, quay về thì chỉ có con đường chết.”
Đến khi xuất phát, trong lòng anh suy nghĩ về những chuyện này. Anh thầm nghĩ, nếu là nữ thủ lĩnh thì chắc hẳn tướng mạo cũng không quá khó coi. Tại sao anh lại có những suy nghĩ này? Bởi vì ngay lúc này anh đã mơ hồ nghĩ tới lời của bà lão mù năm xưa nói, nó thật sự đang diễn ra đúng như vậy. Trong lòng anh thấp thỏm chờ đợi kết quả của mối nhân duyên này.
Không ngoài dự đoán, khi nữ thủ lĩnh xuất hiện, anh hoảng sợ tới mức thiếu chút nữa ngã sấp xuống đất. Khuôn mặt nàng có vết sẹo rất lớn do từng bị bỏng, dáng người thấp bé, nước da ngăm đen. Sau lưng nàng đeo một con dao cong hình lá liễu, trông rất uy phong.
Nữ thủ lĩnh xem xét kỹ lưỡng cả nửa ngày, nói rằng: “Ngươi chính là người mà chủ trại đã sắp xếp để cùng ta làm công việc buôn bán này sao?” Thư sinh sợ hãi đáp: “Chính là tại hạ.” Nữ thủ lĩnh hô to: “Vậy thì xuất phát thôi!” Ngay lúc này, tâm trạng anh trong phút chốc như rơi vào vực thẳm.
Nói chung, lần đi buôn bán này diễn ra rất thuận lợi, thu được rất nhiều lợi nhuận. Sau khi bọn họ quay về sơn trại, không lâu sau đó, nữ thủ lĩnh đích thân tới tìm vị thư sinh, nàng bộc trực nói: “Trên đường đi, tôi rất nể phục học vấn của anh, anh hãy làm chồng tôi đi!” Vừa dứt lời, nàng ta đặt tay lên cán dao. Anh chưa từng nhìn thấy khí thế đó bao giờ, mặc dù miệng nói rằng “Không phải cô đang ép hôn chứ?”, nhưng cuối cùng anh cũng bất đắc dĩ thành hôn với nữ thủ lĩnh vào ngày thứ ba.
Lúc mới kết hôn, trong lòng anh cảm thấy rất khổ não! Nhưng dần dần về sau, khi hiểu được những nỗi thống khổ mà nữ thủ lĩnh này từng trải qua, chàng thư sinh cũng dần đồng cảm với nàng ấy. Một phần vì lời nói của bà lão mù trước đó, anh cũng đành chấp nhận vận mệnh của mình.
Sau đó anh gặp lại người bạn đã hoán đổi con dấu trước kia. Người bạn đó cười nói: “Đổi được một nhân tài trong toán cường đạo, thật xứng đáng.” Nghe vậy, chàng thư sinh cũng chỉ biết cười gượng.
Cuối cùng, chàng thư sinh thật sự đã cùng nàng thủ lĩnh thấp bé, da đen, khuôn mặt đầy những vết thương kia làm cường đạo cả đời. Khi về già, có một lần khi hai người đang nói chuyện phiếm với nhau, nữ thủ lĩnh thâm tình nói rằng: “Đời này thiếp là một người phụ nữ như vậy, cảm thấy dường như có lỗi với chàng. Chỉ tiếc rằng khi nhìn thấy chàng, thiếp không khỏi hi vọng sẽ có được chàng bên cạnh. Chàng hãy đợi thiếp trong tương lai nhé! Nếu có kiếp sau, ở một thế giới nào đó, chúng ta vẫn có thể là người cùng một nhà. Thiếp nhất định sẽ trở thành người xứng với chàng!”
Trong kiếp sống hiện tại, anh là một chàng trai tuấn tú, lại rất tài hoa, sau khi tốt nghiệp đại học đã đến phương Nam. Vì chu cấp cho anh ăn học nên gia cảnh rất khó khăn. Bởi vì anh quá tuấn tú nên tất nhiên cũng có không ít cô gái vây quanh. Thế nhưng, hôn sự không biết vì lẽ gì mà không thành. Còn nàng ấy, kiếp này sinh ra đã vô cùng xinh đẹp, đến từ một tỉnh nào đó ở Trung Nguyên, gia cảnh rất giàu có. Hai người họ lại không biết vì lẽ gì mà gặp được nhau ở đất nam này. Có lẽ tất cả là do nguyện vọng và nhân duyên ở một kiếp nào đó kết thành, kiếp này cô ấy không nhìn vào hiện thực gia cảnh bần hàn của anh, và đã nguyện ý kết hôn với anh. Sau khi được gả cho anh, cô ấy đã bỏ ra rất nhiều tiền để cùng anh xây dựng một gia đình ấm áp và hạnh phúc.
Bởi vì quê anh ở Đông Bắc, còn quê cô ấy ở Trung Nguyên, hai người họ lại lập gia đình ở miền Nam, thế nên mỗi năm, dù là đi về thăm cha mẹ họ hàng hai bên, hay là cha mẹ họ hàng hai bên đi thăm gia đình họ, thì đều tốn rất nhiều phí đi lại. Một lần nọ, cô nói với cha mẹ chồng rằng: “Con thấy con trai của cha mẹ mỗi lần đi lại đều cần phải tiêu tốn rất nhiều tiền!” Mẹ anh trách mắng và bất đắc dĩ nói: “Ai đã đặt định nhân duyên của nó ở nơi đó chứ?”
Đúng vậy! Duyên phận là thứ không thể chạm vào hay nhìn thấy được. Dù ở đâu thì nó cũng đều đã được đặt định từ trước, ai có thể thay đổi được đây?
Thật đúng là: