Triển lãm nghệ thuật điêu khắc tâm linh Hispanic
Triển lãm “Nhục thân được làm từ gỗ và đất sét” đang diễn ra tại Bảo Tàng & Thư Viện Hội Hispanic ở New York và kéo dài đến hết ngày 09/01/2022 với những tác phẩm điêu khắc Hispanic từ năm 1500 đến năm 1800.
Các tác phẩm điêu khắc bằng đá, cẩm thạch hoặc đồng không được sơn màu chiếm vị thế quan trọng trong nghệ thuật tâm linh phương Tây, phần lớn là nhờ công của những nghệ sĩ lớn thời Phục Hưng như Donatello và Michelangelo, Gian Lorenzo Bernini với phong cách Baroque, và nhà điêu khắc tân cổ điển Antonio Canova.
Do đó, khi bàn về nghệ thuật tâm linh, các tác phẩm điêu khắc nhiều màu sắc có thể không hiện diện trong tâm trí chúng ta, trừ những ai đã dành thời gian tại Mỹ Latinh hoặc Bán đảo Iberia, tức là Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha.
Trong thế giới Hispanic (1), các tác phẩm điêu khắc tâm linh được sơn nhiều màu. Mỗi tác phẩm truyền tải một cách có chủ đích những cảm xúc và những cử chỉ sống động. Tất cả đều dành cho mục đích giảng Kinh thánh, chiêm ngưỡng và truyền cảm hứng cho niềm tôn kính Đức Chúa. Và những tín đồ đã hình thành mối liên kết chặt chẽ với những tác phẩm siêu thường này.
Cảm xúc mãnh liệt được truyền tải trong nghệ thuật tâm linh Hispanic có thể khá xa lạ với nhiều người trong chúng ta. Thật vậy, gần đây các học giả mới quan tâm nhiều hơn đến hình thức nghệ thuật này. Patrick Lenaghan nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng sự quan tâm đó được khơi dậy thông qua cuộc triển lãm năm 2009 có tên là “The Sacred Made Real.” do Phòng Tranh Quốc Gia ở London và Washington tổ chức. Lenaghan là giám tuyển chính cho các bản in, ảnh và tác phẩm điêu khắc tại Bảo Tàng & Thư Viện Hội Hispanic (HSM & L) ở New York.
Các tác phẩm điêu khắc Hispanic đa sắc có từ năm 1500 đến năm 1800 là trọng tâm của cuộc triển lãm vừa khai mạc gần đây mang tên “Những bức tượng mạ vàng: Nhục thân được tạo tác từ gỗ và đất sét”. Triển lãm quy tụ hơn 20 tác phẩm điêu khắc bằng gỗ và đất sét, hầu như đều thuộc sở hữu của HSM & L và được Lenaghan và đồng nghiệp Hélène Fontoira-Marzin, người đứng đầu bộ phận bảo tồn của HSM & L giám tuyển.
Tại đây, người xem có cơ hội khám phá các loại hình nghệ thuật tâm linh khác nhau thuộc sở hữu công và tư nhân của Tây Ban Nha và tìm hiểu về sự ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc này đến nghệ thuật điêu khắc của Mỹ Latinh như thế nào.
Hiện thân của những tín đồ trong tác phẩm điêu khắc
Các tác phẩm điêu khắc của của thế giới Hispanic đóng vai trò truyền tải và lòng mộ đạo. Lenaghan nói rằng các tác phẩm điêu khắc được tạo ra để các tín đồ có thể tương tác và là “một phần của nền văn hóa sống động.”
Một trong những cách tương tác chính là những tín đồ này xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật.
Trong tác phẩm “Chúa phục sinh”, một bức phù điêu bằng vàng rực rỡ của nhà điêu khắc nổi tiếng người Tây Ban Nha Gil de Siloé, Chúa Kitô sống lại và đứng ở trung tâm trên lăng mộ của Ngài. Bên phải Ngài là các môn đệ đang trên đường đến Emmaus. Bên trái là ba bà Mary đến tìm Chúa Kitô phục sinh. Chung quanh lăng mộ, các binh lính đang chìm sâu trong giấc ngủ. Chỉ có một người trong số họ chứng kiến huyền năng của Chúa. Ông quỳ gối và ngước nhìn Chúa bằng lòng sùng kính ngoan đạo.
Lenaghan cho biết, “Gil de Siloé đã rất tinh tế trong cách bố cục các phân cảnh khiến cho sắc thái thần học và những chi tiết phù hợp với bối cảnh và chủ đề được nổi bật.” Ông nói thêm rằng tác phẩm này biểu đạt sự am tường về thần học, nhưng để có thể chuyển kiến thức này thành một thứ gì đó trực quan lại thì là một chuyện khác.
Trang trí các bức tượng một cách nghiêm cẩn
Thông thường, những người bảo trợ thường nhận về các tác phẩm mà họ đặt hàng chưa được sơn vẽ. Họ phải sắp xếp để một họa sĩ trang trí để cho tác phẩm này trở nên trông sống động như thật. Để có được dáng vẻ tự nhiên, họ thường trang trí đôi mắt bằng thủy tinh, răng bằng ngà và gắn lông mi thật. Trong một số trường hợp, các tác phẩm còn được mặc trang phục.
Một vài nhà điêu khắc đã tự tô màu các tác phẩm của họ. Ví dụ, em rể của nhà điêu khắc hoàng gia Luisa Roldán đã tô màu các tác phẩm điêu khắc và mang lại tính thẩm mỹ nhất quán cho các tác phẩm. Tuy nhiên, một khi tác phẩm rời khỏi xưởng của bà, màu sắc và hình dáng của chúng có thể bị thay đổi thường xuyên.
Việc tô màu lại để phù hợp với cảm quan của số đông là rất phổ biến. Trong triển lãm, một vài tác phẩm điêu khắc bằng đất nung của nghệ sĩ Roldán đã thể hiện rõ ràng điều này.
Lenaghan giải thích rằng những tác phẩm của Roldán đã mang một diện mạo hoàn toàn khác sau khi rời khỏi xưởng. Những gam màu tươi sáng rực rỡ ban đầu đã được thay thế bằng những màu sắc trang nhã hơn.
Nhà bảo tồn Fontoira-Marzin theo xu hướng truyền thống của Hội Hispanic đã dành ra 20 năm khôi phục những tác phẩm này về trạng thái nguyên thủy. Và vì thế, giờ đây khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những khối đất nung với màu sắc gần với ban đầu nhất.
Nỗi khổ của những kẻ tử vì đạo, nỗi khổ của những bức tượng
Nhìn kỹ một số tác phẩm điêu khắc trong triển lãm và bạn có thể thấy “những vết sẹo thời gian,” Lenaghan nói. Tác phẩm “Mừng Chúa Hài Đồng” của Alonso Martínez có vết xước trên cổ và cánh tay. Qua nhiều năm, bức tượng đã được mặc những bộ trang phục khác nhau, khiến lớp sơn bị mài mòn ở những nơi quần áo được cởi ra và mặc vào.
Cách mà chủ nhân thường xuyên thay đổi diện mạo những tác phẩm này khá thú vị. Trong triển lãm, bức tượng bán thân tuyệt đẹp của Pedro de Mena tinh tế với đôi mắt thủy tinh, bộ ria mép cắt tỉa và khuôn miệng hơi mở. Khi nhìn kỹ hơn, có thể thấy rằng cổ của ‘anh ta’ đã bị rạch và ‘anh ta’ đang rất kinh hoàng với nét mặt hoảng hốt và tuyệt vọng. Bức tượng bán thân này là Thánh Acisclus, một cựu binh La Mã đã tử vì đạo vào thế kỷ thứ Tư vì luôn trung thành với đức tin của mình.
Bức tượng bán thân ban đầu là một bức tượng đầy đủ hình dáng. Một bức ảnh cũ cho thấy bức tượng hoàn chỉnh với cánh tay và thân và những giọt nước mắt thủy tinh rơi xuống khuôn mặt người đàn ông và máu chảy ra từ cổ nhiều hơn nữa. “Bản gốc khắc họa rõ nét hơn ý tưởng đức tin kiên định khi đối mặt với thống khổ,” Lenaghan nói. Ông tin rằng bức tượng hiện tại đã được giảm bớt kịch tính và là tượng bán thân, có lẽ là để phù hợp với những bức tượng bán thân thời cổ đại và hấp dẫn người mua hơn.
Một trường hợp khác là tác phẩm Chúa bị đóng đinh. Đó là một tác phẩm khiến Lenaghan hoàn toàn bối rối không biết nhà điêu khắc là ai. Chúa Kitô ở trên thập giá và Đức Mẹ Đồng trinh ở dưới chân Ngài. Hội Hispanic đã mua được tác phẩm không rõ mô tả chi tiết trong một cuộc đấu giá.
Lenaghan sớm nhận ra phần tượng Đức Mẹ là của nhà điêu khắc người Tây Ban Nha thế kỷ 19 Manuel González Santos, nhưng phần tượng Chúa bị đóng đinh hoàn toàn không phản ánh phong cách của nhà điêu khắc này.
Lenaghan đã vô cùng sửng sốt khi một người bạn cho rằng tác phẩm là của Pablo de Rojas, một nhà điêu khắc lớn người Tây Ban Nha thế kỷ 17. “Tôi đã rất ngạc nhiên bởi vì có được một bức tượng của Pablo de Rojas là một bước ngoặt quan trọng,” ông nói. Lenaghan tin rằng phần tượng Đức Mẹ đã được một vị chủ nhân nào đó thêm vào khoảng 200 năm sau.
Ảnh hưởng đến Tân Thế Giới
Khi người Tây Ban Nha đến Tân Thế Giới, các tác phẩm điêu khắc tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người bản xứ tiếp cận với Công giáo. Bất cứ nơi nào có thể, các nhà điêu khắc Tây Ban Nha đã truyền lại các kỹ thuật Tây phương cho các nhà điêu khắc địa phương, kết quả là các tác phẩm sùng đạo của người Mỹ Latinh có được phong cách Tây Ban Nha. Ví dụ, hai tác phẩm trong triển lãm, “Thánh Francis ”và“ Mater Dolorosa”, từng được cho là các tác phẩm của Tây Ban Nha cho đến gần đây, khi chúng được xác nhận là của các nghệ sĩ Mexico.
Đôi khi các nghệ sĩ Mỹ Latinh phỏng theo phong cách Tây Ban Nha, và các tác phẩm điêu khắc sẽ mang dấu ấn địa phương. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, vàng thường được dùng làm nền cho các tác phẩm điêu khắc tô màu. Các nghệ sĩ sau đó sẽ cào phần sơn đi để lộ lớp vàng bên dưới. Một số chỗ vàng ẩn dưới lớp sơn càng làm tăng thêm sắc tố cho sơn.
Lenaghan giải thích rằng các nghệ sĩ ở Quito, Ecuador, đã sử dụng vàng và bạc trong các bức tượng của họ. Tục lệ này đã từng có ở Tây Ban Nha, nhưng các nhà điêu khắc Ecuador đã sử dụng nó để tạo hiệu ứng ấn tượng hơn, họ thường sơn phủ bên cạnh vàng.
Lenaghan giải thích rằng Quito là thành phố lớn thứ tư ở Tân Thế giới, sau Lima, Havana và Mexico City, giàu có nhờ vô số mỏ bạc.
Tác phẩm “Đức Trinh Nữ thành Quito” và “Tổng lãnh thiên thần Michael” là một vài ví dụ về tay nghề của các nghệ sĩ Quito trong triển lãm, nơi cả vàng và bạc đều được sử dụng. Việc sử dụng bạc làm nền tăng cường sắc đỏ và xanh lam khiến cho tác phẩm trở nên kịch tính.
Một trong những điểm nổi bật của triển lãm cũng là từ Quito. Tác phẩm “Bốn số phận của con người,” do nghệ sĩ Manuel Chili, hay còn được biết đến với cái tên Caspicara, sáng tác. Tác phẩm khiến người xem cảm động vì ý tưởng về những hậu quả của lối sống vô luân thay vì đức hạnh và tuân theo các giới luật. Tuy nhiên, có khá ít thông tin về các tác phẩm này; không có hình thức điêu khắc nào được biết đến như thế này cả.
Lenaghan giải thích, các tác phẩm nghệ thuật và tư tưởng thần học của Caspicara có thể đã bị ảnh hưởng bởi các bức tượng sáp của người Neapolitan mô tả các linh hồn trong địa ngục. Ông ấn tượng với những chi tiết trên một bộ tượng nhỏ biểu thị tài năng và sự khéo léo của nhà điều khắc.
Lenaghan cho biết: “Thế kỷ 18 phát triển với những tiêu chuẩn và thẩm mỹ của nghệ thuật tân cổ điển bắt đầu xâm nhập vào Tây Ban Nha, có nhiều sự kiềm chế hơn và có lẽ ít cảm xúc bộc lộ hơn trong một số bức tượng. … Nhưng cảm xúc của những bức tượng … không bao giờ phai nhạt, bởi vì trong thế giới tiền hiện đại này, tôi tin rằng, thành quả đi kèm với sức chịu đựng. Kết quả là, bạn đánh giá sự thánh thiện dựa trên sự gánh chịu và đức tin của chính mình.
Để tìm hiểu thêm về triển lãm này, hãy truy cập HispanicSociety.org
- Thuật ngữ Hispanic dùng để chỉ con người, văn hóa hoặc các quốc gia liên quan đến Tây Ban Nha, ngôn ngữ Tây Ban Nha
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: