Trí tuệ trong những cuốn sách xưa: Đừng quên phẩm chất đàn ông
Trong thư viện nhà tôi có một số cuốn sách nói về đàn ông. Tất cả chúng đều có một điểm chung: chúng bắt đầu bằng cách chỉ ra sự ác cảm của nền văn hóa của chúng ta đối với các khái niệm về “đàn ông” và “sự nam tính”.
Những cuốn sách dưới đây khuyến khích những người đàn ông, từ trẻ đến già, theo đuổi “đỉnh cao” hoặc sự xuất sắc. (Ảnh: Branislav Nenin/Shutterstock)
Chẳng hạn, trong những trang đầu tiên của cuốn “Manliness” (Bản lĩnh đàn ông), tác giả Harvey Mansfield, giáo sư Đại học Harvard, đã kể lại sự việc này như sau:
‘Gần đây tôi nhận một cuộc gọi từ tạp chí sinh viên cũ của trường đại học nơi tôi làm việc, yêu cầu tôi nhận xét về một vị giáo sư trước đây của chúng tôi hiện đang được vinh danh. Tôi đáp lại rất nhanh: ‘Điều khiến tất cả chúng tôi ấn tượng về ông ấy là bản lĩnh đàn ông.’ Đầu dây bên kia im lặng, và cuối cùng giọng nữ cất lên: ‘Ông có thể nghĩ ra từ khác được không?’”
“Manliness” được xuất bản vào năm 2006. Kể từ đó, nỗ lực của chúng ta để trở thành một xã hội trung hoà về giới tính, để xóa bỏ ranh giới giữa nam và nữ, đã thay đổi với tốc độ chóng mặt. Nhiều người trong xã hội của chúng ta cho rằng sự trưởng thành và bản lĩnh đàn ông đã lỗi thời và do đó không còn phù hợp nữa; những người khác chế nhạo những khái niệm đó; một số khác thì cho rằng chúng mang tính xúc phạm.
Tác giả của những cuốn sách đó tin rằng chúng ta đang đi sai đường, vì vậy họ thúc đẩy việc quay trở lại lý tưởng và đức hạnh của một người đàn ông chân chính. Sử dụng các nguồn tài liệu cũ và mới, họ tìm cách chỉ cho chúng ta thấy rằng trở nên nam tính cả về đức hạnh và tính cách đã từng là mục tiêu cố hữu của con người, một mục tiêu theo đuổi điều thiện, tìm kiếm con đường cao cả hơn.
Chúng ta hãy cùng nhau xem qua một số cuốn sách sau đây.
Đức hạnh vượt thời gian (Timeless Virtues)
Trong cuốn sách 785 trang của mình, “Thế nào là một người đàn ông? Trí tuệ 3000 năm về nghệ thuật thực hành sự nam tính”, tác giả Waller Newell cho độc giả thấy kết quả lựa chọn về các chủ đề như “Người đàn ông của lòng can đảm”, “Anh hùng Hoa Kỳ”, “Chàng trai trở thành người đàn ông”, “Nổi loạn và Tuyệt vọng”. Trong bộ sách ấn tượng này là những suy ngẫm về sự trưởng thành từ các tác giả xưa và nay dưới hình thức thơ ca, triết lý sống, những tác phẩm văn học và tiểu luận chọn lọc.
Nó cũng là một “dipper book” (một cách đọc chọn lọc những phần người đọc cảm thấy thu hút), nghĩa là tôi không đọc từ đầu tới cuối cuốn “Thế nào là một người đàn ông?” nhưng thay vào đó tôi đọc kỹ bất cứ nơi nào ngón tay và mắt tôi dẫn lối. Ví dụ, trong lần gần đây nhất, tôi đã đọc bài diễn văn, “We Few, We Happy Few,” từ Henry V của Shakespeare; trong đó, Vua Henry đang cố gắng truyền cảm hứng cho những người lính bằng cách nói rằng họ tuy có ít người nhưng nhuệ khí thì rất tuyệt vời. Tôi cũng đọc những suy nghĩ cay đắng của Trung tá Dave Grossman về vụ xả súng ở sân trường Jonesboro; và một đoạn trích từ câu chuyện ngắn của Raymond Carver về hai cha con, “Xe đạp, cơ bắp, thuốc lá”.
Một ví dụ khác về “dipper book”
Cuốn sách “Thế nào là một người đàn ông?” dày 546 trang của William Bennett” là một tuyển chọn của các nhà văn xưa và nay. “Lời cầu nguyện của Cha” của Douglas MacArthur, lá thư của Nathaniel Hawthorne gửi cho con gái, Navy SEAL Creed và hồ sơ của nạn nhân Unabomber năm 1993 David Gelernter, là những phần mà tôi đã đọc và ngưỡng mộ. Bennett cũng kể về những nhân vật của giới thể thao và những người Hoa Kỳ mà tên tuổi của họ có thể xa lạ với chúng ta nhưng lại được vinh danh vì hành động của mình.
Bennett đặc biệt lo ngại về những chàng trai trẻ ngày nay, những người dường như lạc lối và không có la bàn đạo đức. Trong phần giới thiệu, Bennett viết rằng “chỉ một trăm năm trước, đàn ông không thể lãng phí khoảng thời gian giữa tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành; anh ta phải trưởng thành để tồn tại. Ngày nay, nhiều cơ hội đến với anh ta hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, càng nhiều cơ hội, họ càng cảm thấy bối rối và có những phản ứng không như mong đợi.”
Những quan sát của Bennett khiến tôi liên tưởng đến ông nội của tôi, sống cách đây một thế kỷ. Ông đã rời trường học ở tuổi 13 để đi làm sau khi cha ông qua đời. Tôi cũng nghĩ về cha tôi, 20 tuổi phục vụ quân đội với tư cách là một trung sĩ bộ binh ở Ý trong cuộc chiến với quân Đức. Sau chiến tranh ông đã hoàn thành chương trình đại học cấp tốc, vào trường y và trở thành một bác sĩ. Tôi thấy một số thanh niên trẻ ngày nay cũng đạt được những bước tiến như vậy, đối mặt với những thách thức trong cuộc sống, nhưng tôi cũng biết một số người khác “vô trách nhiệm, không có động cơ, vô lễ, ích kỷ, lười biếng như Bennett nói”.
Đổ lỗi cho các chàng trai trẻ này vì những sai sót thật dễ dàng. Nhưng như một số đoạn trong “Cuốn sách của người đàn ông” và “Thế nào là một người đàn ông?”, chúng ta cũng có thể buộc tội nền văn hóa của mình: các phương tiện truyền thông thống trị, hệ thống giáo dục thất bại, gia đình suy thoái, vai trò của người cha được thay thế bằng các chương trình phúc lợi, văn hóa hôn nhân và tình phụ tử không được công nhận.
Nghệ thuật của bản lĩnh đàn ông
Vợ chồng Brett và Kate McKay điều hành trang web nổi tiếng “Nghệ thuật của bản lĩnh đàn ông”, nơi họ khơi nguồn cảm hứng cho những người đàn ông và đưa ra lời khuyên thiết thực về mọi thứ từ tài chính cho đến việc câu cá.
Họ cũng đã cùng sáng tác một số cuốn sách, bao gồm “Nghệ thuật của bản lĩnh đàn ông – Manvotionals: Trí tuệ vượt thời gian và sống theo 7 đức tính đàn ông”. Theo Newell và Bennett, họ đã thu thập kho báu từ những cuốn sách trước đây về con người — thơ, bài diễn văn, văn học — với vô số nguồn tư liệu có từ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và một số lượng lớn hình minh họa cùng thời kỳ đó.
Câu nói yêu thích của tôi trong “Manvotionals” là của Epictetus, “Nếu bạn thấy ai đó than vãn và phàn nàn, hãy gọi anh ta là một nô lệ, mặc dù anh ta khoác trên mình bộ đồ màu tím.”
Còn phụ nữ thì thế nào?
Điều khó khăn đối với cả nam giới và phụ nữ ngày nay là chúng ta tin rằng chúng ta phải pha trộn các giới tính với nhau, xóa bỏ mọi sự khác biệt ngay cả khi chúng là tự nhiên hoặc hữu ích.
Nhà McKays đưa ra một quan điểm thú vị hơn về những khác biệt này, họ viết rằng, “Phụ nữ và nam giới hướng đến những đức tính giống nhau, nhưng thường đạt được chúng và thể hiện chúng theo những cách khác nhau. Các đức tính sẽ được biểu hiện trong đời sống của một người chị, người em, người mẹ và người vợ khác với của một người anh, người chồng và người cha. … Hai nhạc cụ khác nhau, chơi cùng một nốt nhạc, sẽ tạo ra hai âm thanh khác nhau. … Không nhạc cụ nào tốt hơn nhạc cụ nào; trong bàn tay của những người siêng năng và tận tâm, mỗi nhạc cụ sẽ lấp đầy tinh thần và tô điểm thêm vẻ đẹp cho thế giới. ”
Ở phần cuối của “Manliness”, Harvey Mansfield cũng nói về quan điểm này: “Phụ nữ nên được tự do tham gia vào sự nghiệp chứ không phải bị ép buộc – nhưng họ cũng nên được kỳ vọng là một người phụ nữ. Và đàn ông không chỉ đơn thuần tự do, mà còn có nam tính. Một xã hội tự do không thể tồn tại nếu chúng ta tự do đến mức chúng ta không có kỳ vọng nào”.
Nỗ lực hướng đến sự xuất sắc
Tất cả những cuốn sách này đều khuyến khích nam giới dù già hay trẻ theo đuổi “arete”, hay sự xuất sắc, để thực hành các đức tính và do đó đạt được những cột mốc của sự trưởng thành như sức mạnh, danh dự, trí tuệ và lòng dũng cảm. Lời khuyên nghe có vẻ đơn giản; và đối với một số người, những câu chuyện, bài thơ và câu châm ngôn này sẽ vang lên một cách sai lệch, nghe có vẻ quá cao siêu hoặc quá lỗi thời đối với thế kỷ 21 của chúng ta. Họ quên rằng những đức tính này đã tồn tại hàng ngàn năm, rằng chúng được rèn giũa để giúp chúng ta trở thành những con người tốt hơn.
Charles Sumner, một nghị sĩ Massachusetts nổi tiếng vì bị Preston Brooks của Nam Carolina đánh trên sàn Thượng viện trước cuộc Nội Chiến, đã từng có một suy nghĩ có thể tổng hợp tất cả những bài viết này: “Hãy ôm tham vọng để được nhớ đến, không phải là một luật sư, bác sĩ, thương gia, nhà khoa học, nhà sản xuất, hoặc học giả vĩ đại, mà là một vĩ nhân, một vị vua đích thực.”
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết, “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” tạm dịch Chiếc chuông của Amanda và Bụi trên đôi cánh của họ, và hai tác phẩm phi hư cấu, “Learning as I Go,” và “Movies Make the Man,” tạm dịch Học hỏi khi tôi đi và Những bộ phim tạo nên người đàn ông. Hiện tại, ông sống và làm việc ở Front Royal, Va. Truy cập trang JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick
Trúc Đoàn biên dịch
Xem thêm: