Trẻ em được chẩn đoán tiểu đường sau khi chích vaccine COVID-19 của Trung Quốc
Những giọt nước mắt chực trào trên đôi mắt của đứa trẻ mẫu giáo năm tuổi mỗi khi nhìn thấy những bạn nhỏ khác ăn quà vặt — một điều đơn giản bỗng trở thành xa xỉ đối với cậu bé kể từ khi bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tiểu đường type 1 hồi cuối tháng Một. Chẩn đoán này được đưa ra sau một tháng rưỡi sau khi bé nhận mũi vaccine COVID-19 thứ hai của Trung Quốc.
Theo lời người cha, do phải thường xuyên chích ngón tay để theo dõi lượng đường trong máu, nên các ngón tay trên đôi bàn tay bé nhỏ của em chi chít những vết kim châm. Cậu bé được chích bốn liều insulin mỗi ngày, và mỗi bữa ăn đều được cân chỉnh và tính toán lượng carbohydrate (để kiểm soát lượng đường trong máu).
Cậu bé này nằm trong nhóm từ 600 đến 1,000 trẻ em Trung Quốc được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1 trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 05/2022, theo một bức thư cầu cứu có chữ ký của các bậc cha mẹ trong nhóm này. Bắc Kinh đã bắt đầu một chiến dịch chích ngừa cho trẻ em từ 3 đến 11 tuổi trên toàn quốc vào cuối tháng Mười — hầu hết các bệnh nhân tiểu đường nói trên đều nằm trong độ tuổi này.
Đêm 31/05, chỉ còn vài giờ nữa là bước sang Ngày Quốc tế Thiếu nhi, cha mẹ của các em đã viết một bức thư cầu cứu kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ của dư luận.
“Ban đầu chúng tôi không nghĩ rằng căn bệnh này có liên quan tới vaccine, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, con chúng tôi không có bất kỳ thay đổi nào trong sinh hoạt hoặc chế độ ăn uống, chỉ có một thay đổi duy nhất là đã chích vaccine, rồi sau đó các cháu xuất hiện biến chứng sau khi chích ngừa,” họ viết trong một bức thư lần đầu tiên được xuất bản trên một trang web do anh Vệ Bách Hưng (Wei Boxing), một nhà hoạt động y tế Trung Quốc, quản lý.
Tính đến hôm 11/06, bức thư này đã thu hút được hơn 300,000 lượt xem và 800 bình luận. Nhiều người bình luận đã tỏ ra lo lắng cho các bậc cha mẹ nói rằng họ có cùng cảnh ngộ. Họ để lại số điện thoại và yêu cầu được thêm vào một nhóm trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat, nơi có những người cho biết họ hoặc một thành viên trong gia đình đã gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi chích vaccine COVID-19 của Trung Quốc.
Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra khi hệ thống miễn dịch tự tấn công và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy, nơi sản xuất insulin, có tác dụng điều chỉnh và kiểm soát lượng đường trong máu. Các dấu hiệu nhận biết căn bệnh này là: Khát nước và uống nước nhiều; đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu tăng cao; thèm ăn, ăn nhiều nhưng sụt cân; mệt mỏi thường xuyên, cơ thể yếu kém; tầm nhìn giảm sút. Bệnh này thường phát triển ở trẻ em và thanh niên, đặc biệt là những người trong độ tuổi 13-14, mặc dù căn bệnh này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Cả yếu tố di tuyền, tiếp xúc với các loại virus, và các yếu tố môi trường khác đều có thể [là nguyên nhân] gây bệnh.
Lá thư của nhiều bậc cha mẹ này được đăng tải vài tháng sau khi hàng trăm cha mẹ khác cáo buộc rằng vaccine COVID-19 khiến con cái của họ bị mắc bệnh ung thư máu (leukemia, còn gọi là bệnh bạch cầu). Nhiều trẻ trong số những trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu đều nằm trong khoảng từ 3 đến 11 tuổi.
Ở Trung Quốc, tính đến giữa tháng Hai, khoảng 86.4% trẻ em trong độ tuổi 3 đến 11, và tất cả những người trong độ tuổi từ 12 đến 17, đều đã được chích ngừa đầy đủ.
Cha mẹ của những em nhỏ mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường cho biết ban đầu họ lập một nhóm trên WeChat để chia sẻ các mẹo điều trị. Họ bắt đầu lập thêm hai nhóm sau khi số lượng thành viên của nhóm đầu tiên tăng lên 500 thành viên, giới hạn tối đa cho phép đối với một nhóm WeChat. Theo bức thư cầu cứu, khoảng 600 người trong số họ đã ghi danh vào nhóm bằng tên thật của họ.
Tuổi thơ nay còn đâu
Cậu bé 5 tuổi này đã được trường mẫu giáo cho chích liều đầu tiên vào ngày 05/11/2021, tiếp theo là liều thứ hai cách nhau một tháng. Cậu bé bắt đầu cảm thấy khát nước và đi tiểu thường xuyên hơn từ ngày 15/01, cha cậu bé cho biết.
Những niềm vui nho nhỏ mà cậu bé này và các bạn đồng trang lứa từng coi là điều hiển nhiên giờ đây lại bị khước từ, làm sao con trẻ có thể bằng lòng, đặc biệt là vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/06, khi tất cả học sinh mẫu giáo đều ăn mừng bằng cách thưởng thức tiệc buffet tự chọn.
“Con tôi đã khóc rất nhiều vì chúng tôi đưa cháu về nhà ăn cơm,” cha của cậu bé này là anh Uông Bân (Wang Bin, hóa danh), đến từ thành phố cảng Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày hôm sau. Để an ủi con trai, vợ của anh Vương đã mua cho cậu bé cánh gà rán và bánh ngọt cho bữa tối.
Sau đó, mức đường huyết của cậu bé đã tăng vọt lên 306 mg/dL, mức nguy hiểm mà họ đã được thông báo là có thể khiến cậu bé bị hôn mê.
Mẹ của cậu bé, người đã chọn nghỉ việc sau khi biết bệnh tình của con, đã vội vàng chích insulin cho cậu bé. Sau đó, cô liên tục theo dõi sự thay đổi đường huyết của con và gần như cả đêm không chợp mắt vì lo lắng.
Anh Uông, một tài xế giao hàng, đã nghĩ đến việc mua một chiếc máy đo đường huyết để con trai anh đỡ phải xét nghiệm máu, nhưng chi phí của máy đo đó — 450 nhân dân tệ (67 USD) nửa tháng một lần — là quá nhiều đối với gia đình anh, bởi vì anh Uông đang là trụ cột duy nhất trong gia đình và họ cũng đang phải trang trải một khoản vay mua xe hơi và một khoản vay thế chấp.
Hầu hết các gia đình Trung Quốc, giống với trường hợp nhà anh Uông, chỉ có một đứa con duy nhất vì phải tuân thủ chính sách một con kéo dài hàng thập niên của chế độ này, một quy định mà đến năm 2016 mới bị bãi bỏ. Đối với các bậc cha mẹ, con cái của họ là “mục đích sống và là tất cả những gì mà họ có,” họ viết trong bức thư này.
“Mỗi lần có một thành viên mới tham gia [nhóm WeChat này], trái tim chúng tôi thắt lại,” các bậc cha mẹ viết. “Bệnh tiểu đường type 1 là một căn bệnh theo ta đi suốt cuộc đời. Con cái chúng tôi đã mất đi những niềm vui thời thơ ấu và cũng như niềm vui của tuổi trẻ. Các con đã trở thành một nhóm bệnh nhân.”
‘Trùng hợp ngẫu nhiên’
Anh Vệ, nhà hoạt động y tế, cho biết trên trang web của mình rằng anh đã nhận được thông tin về hơn 300 trường hợp mắc bệnh tiểu đường xuất hiện các triệu chứng sau khi chích vaccine được sản xuất trong nước của Trung Quốc.
Anh nói, hầu hết trong số những người đó đều đã dùng vaccine của Sinopharm và Sinovac, hai trong số các nhà sản xuất vaccine COVID-19 lớn nhất của Trung Quốc. Một số ít bệnh nhân đã được chích vaccine của Công ty Dược phẩm sinh học Trí Phi Longcom An Huy (Anhui Zhifei Longcom Biopharmaceutical), đã được chấp thuận để sử dụng ở Colombia, Indonesia, và Uzbekistan cùng với Trung Quốc. Hai loại đầu tiên là vaccine bất hoạt, có nghĩa là chúng chứa các bản sao của virus đã bị tiêu diệt, trong khi vaccine đề cập sau là vaccine tiểu đơn vị protein, được tạo ra từ các mảnh (protein) vô hại của loại virus gây bệnh để làm kháng nguyên.
Trong số các mẫu bệnh phẩm mà anh Vệ phân tích, khoảng 2/3 là ở nhóm trẻ 3-12 tuổi.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã không xác nhận cũng không phủ nhận liệu vaccine có gây ra một số tác dụng phụ nhất định hay không.
“Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu các phản ứng bất thường của vaccine và chẩn đoán của nó. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng cải thiện,” ông Vương Hoa Khánh (Wang Huaqing), trưởng nhóm chuyên gia dẫn đầu chương trình chích ngừa quốc gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng Năm. Ông nói rằng bất cứ ai nghi ngờ mình đang gặp phải tác dụng phụ liên quan đến vaccine thì phải báo cáo lên cơ quan y tế, sau đó cơ quan này sẽ lập một nhóm chuyên gia đa ngành để điều tra các trường hợp đó trước khi đưa ra ý kiến.
Ông nói: “Nếu quý vị cảm thấy không khỏe sau khi chích ngừa, đặc biệt là nếu có các triệu chứng dai dẳng và nghiêm trọng, thì hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.”
Nhưng bất chấp những lời quả quyết chính thức như vậy, cơ quan chích ngừa địa phương đều phủ nhận những lo lắng của các bậc cha mẹ, trong các báo cáo đánh giá “gần như giống hệt nhau,” rằng bệnh tiểu đường là “trùng hợp ngẫu nhiên” hoặc “không có liên quan” gì đến vaccine, họ cho biết trong thư. Chính quyền cũng rập khuôn y như vậy với các bậc cha mẹ, những người có con được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu sau khi chích ngừa.
Hôm 30/05, trong văn bản hồi đáp một trường hợp, trong đó một đứa trẻ đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 ba ngày sau khi được chích vaccine COVID-19 vào năm 2021, các quan chức y tế tỉnh Quảng Đông cho biết điều đó “không loại trừ mối liên hệ nhân quả với việc chích ngừa,” nhưng cho biết trường hợp này “có khả năng không phải là một phản ứng bất lợi của chích ngừa.” Họ lưu ý rằng đứa trẻ này đã có mức đường huyết cao trước khi chích ngừa.
“Thành thật mà nói, chúng tôi nghĩ chính quyền địa phương không nên vội vàng đưa ra kết luận như vậy,” cha mẹ có con bị bệnh tiểu đường viết. “Sự phát triển của y học là kết quả của các nghiên cứu lâm sàng. Vì con của chúng tôi mắc bệnh tiểu đường type 1 sau khi chích vaccine, và các con thuộc một nhóm đặc thù, ngay cả khi không có bằng chứng trước nào cho thấy bệnh đó và vaccine là có liên quan, thì những gì đã xảy ra với những đứa trẻ này cần được chú ý nghiêm túc.”
Bà Đồng Vũ Hồng (Dong Yuhong), người trước đây từng là một chuyên gia y tế cao cấp về phát triển thuốc kháng virus tại công ty dược phẩm quốc tế Novartis, cũng đã bày tỏ sự không đồng tình với lời phủ nhận lấp liếm của chính quyền.
Bà Đồng, hiện là một giám đốc khoa học của một công ty công nghệ sinh học Thụy Sĩ, nói với The Epoch Times: “Việc khẳng định rằng ‘vaccine COVID-19 không liên quan gì đến bệnh ung thư máu và bệnh tiểu đường type 1’ mà không có phân tích y tế cẩn thận là vô trách nhiệm. Bà nói, những tuyên bố như vậy về vấn đề này là “quá độc đoán.”
Theo một nghiên cứu dựa trên dân số năm 2018 của BMJ, Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 1 thấp nhất trên toàn cầu: trung bình cứ 100,000 người thì có 1.01 bệnh nhân, và khoảng 1.93 bệnh nhân nằm trong nhóm tuổi 0-14.
Bà Đồng đã dẫn chứng nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu tình huống cảnh báo về khả năng viêm cơ tim do vaccine COVID-19 dựa trên protein và vaccine mRNA, cũng như báo trước nguy cơ viêm gan cấp tính do các loại vaccine mRNA. Cả hai khả năng này đều là tình trạng tự miễn* mà protein gai (spike protein) của vaccine dường như là nguyên nhân gây ra, bà cho biết.
Theo cách tương tự, “về lý thuyết, vaccine này có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch nhắm mục tiêu vào các tế bào beta sản xuất insulin,” bà nói. “Điều này không phải là không thể.”
Bà nói thêm, điều này có thể áp dụng cho bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào, bao gồm vaccine mRNA, vaccine bất hoạt, và vaccine dựa trên protein.
Một nghiên cứu hồi tháng Ba của tạp chí Lancet trên 181,280 bệnh nhân COVID-19 đã cho thấy những người bị nhiễm virus này đều có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn 40%. Ông Francis Collins, lúc đó là giám đốc của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Bộ gene Người, đã viết trong một bài đăng trên blog vào tháng 06/2021 nêu bật ”mối liên hệ nguy hại” giữa bệnh tiểu đường và bệnh COVID-19 cấp tính, đồng thời trích dẫn hai nghiên cứu do NIH tài trợ đã xác nhận có tình trạng nhiễm trùng tế bào beta tuyến tụy trong những trường hợp tử vong vì COVID-19.
Bà Đồng nói, điều này cũng làm dấy lên cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của vaccine.
“Cho dù đó là vaccine hay là virus, cả hai đều chứa protein gai có thể gây ra bệnh tiểu đường,” cô nói.
“Bị nhiễm bệnh và chích vaccine đều có thể dẫn đến các cuộc tấn công tự miễn và viêm mãn tính, và dẫn đến tổn thương các tế bào insulin.”
‘Vaccine chính là nguyên nhân’
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rằng chích vaccine không phải là điều bắt buộc, nhưng các bậc cha mẹ vẫn phải chịu áp lực đáng kể trong việc đưa con họ đi chích ngừa. Cậu con trai 12 tuổi của cô Dương Di (Yang Yi, hóa danh) vừa hoàn thành ca phẫu thuật cắt ruột thừa khi giáo viên yêu cầu cả lớp chích mũi thứ hai. Cả hai con trai của cô Dương và anh Uông đều chích vaccine Sinovac.
Cô Dương nói với The Epoch Times: “Giáo viên nói rằng bọn trẻ không thể đến trường nếu không chích ngừa, vì vậy ai cũng phải chích ngừa.” Cô đã trì hoãn việc chích ngừa trong một tháng trước khi đồng ý cho con chích ngừa vào giữa tháng Mười Hai (2021).
Ngay sau đó, cô Dương đã bắt đầu thấy cậu bé ăn uống nhiều hơn bình thường nhưng cân nặng lại không tăng, thậm chí sụt cân. Đến tháng Ba thì cậu bé được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1.
“Lịch sử gia đình chúng tôi không có ai bị bệnh tiểu đường cả,” cô nói. Cô Dương tin rằng nhiều người đã không công khai chẩn đoán bệnh tiểu đường của họ. Tại thành phố Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, cô biết có ít nhất 30 trường hợp như vậy. “Họ [chính quyền] trả lời bằng văn bản rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không một cơ quan tổ chức nào dám ám chỉ rằng vaccine có thể là nguyên nhân gây bệnh, nhưng trong thâm tâm họ đều biết rõ,” cô nói. “Vaccine chính là nguyên nhân.”
Rất ít chủ đề được thảo luận trên các tờ báo của Trung Quốc về những tác dụng phụ tiềm ẩn của các loại vaccine nội địa, ngay cả khi những lo ngại ngày càng gia tăng trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngoại trừ các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên kết giữa các loại vaccine COVID-19 với bệnh tiểu đường.
Tại Nhật Bản, ít nhất hai phụ nữ, lần lượt ở độ tuổi 51 và 73, đã phát triển bệnh tiểu đường type 1 sau khi dùng vaccine Moderna mRNA. Những người thân của hai người phụ nữ này đều không có ai mắc bệnh rối loạn miễn dịch, theo nghiên cứu tình huống.
Ngay cả đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, các yếu tố bên ngoài như chích ngừa cũng có khả năng đẩy nhanh sự phát triển của căn bệnh này, mặc dù rất khó để đánh giá vai trò của mỗi yếu tố, bà Đồng cho biết.
Cô Ngô Minh (Wu Ming, hóa danh) đến từ tỉnh Phúc Kiến, vùng duyên hải đông nam Trung Quốc, giống như các bậc cha mẹ khác đã nói chuyện với The Epoch Times, tin rằng các trường hợp mắc bệnh tiểu đường không phải là sự cố cá biệt. Đứa con 3 tuổi của cô, hiện đang phải phụ thuộc vào insulin, bắt đầu bị đi tiểu nhiều lần vào ban đêm kể từ tháng Ba, một tháng sau liều vaccine COVID-19 đầu tiên của cậu bé. Sau khi chích mũi vaccine Sinovac vào tháng Ba, cháu có chích một mũi vaccine viêm não mô cầu, cậu bé đã được đưa đến bệnh viện trong hai tuần vì nhiễm ceton acid (hay nhiễm toan ceton) – một biến chứng của bệnh tiểu đường. Quá trình tích tụ cáci acid trong máu được gọi là nhiễm toan ceton này có thể đe dọa đến tính mạng.
Cô nói, “Khi chúng tôi đi mua thiết bị kiểm tra đường huyết, một người bán hàng đã ngạc nhiên hỏi chúng tôi: ‘Mấy người mùa cho con à? Có phải là do vaccine không?’ Thậm chí họ đã có sự cảnh giác như vậy đối với [vấn đề này].”
Chúng tôi không thể liên lạc qua điện thoại với Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cũng như các chi nhánh y tế cấp tỉnh ở Chiết Giang, Hà Nam, và Phúc Kiến để xin bình luận. The Epoch Times đã liên lạc với Sinovac và Sinopharm về cáo buộc của các bậc cha mẹ.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Chú thích: (*) tự miễn là tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch khiến nó sản xuất ra kháng thể để tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.