Tranh luận nóng lên về cách các quốc gia đánh thuế các công ty công nghệ lớn
Một cuộc tranh luận tầm cỡ quốc tế về cách các quốc gia đánh thuế các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Google, Amazon và Facebook đang nóng lên, mang lại một thử thách đối với chính quyền mới của Tổng thống (TT) Joe Biden.
Thời hạn giữa năm sắp tới cho các cuộc đàm phán về một thỏa thuận toàn cầu nhằm xoa dịu các tranh chấp thương mại với Pháp và các quốc gia khác, những nơi đang áp đặt thuế kinh doanh kỹ thuật số (go-it-alone digital taxes) mà Hoa Kỳ coi là phân biệt đối xử.
Pháp đã áp mức thuế 3% trên doanh thu kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn, thực tế là áp dụng riêng đối với những đại công ty công nghệ của Hoa Kỳ. Chính phủ Pháp cho biết họ sẽ thu thuế phù hợp với một thỏa thuận quốc tế đang được đàm phán dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một tổ chức quốc tế gồm 37 nền kinh tế tiên tiến có trụ sở tại Paris.
Các chuyên gia và quan chức nói rằng thời gian đang không còn nhiều. Bà Manal Corwin, người đứng đầu mảng thuế tại công ty dịch vụ chuyên môn KPMG và là cựu quan chức Bộ Tài chính trong chính phủ cựu TT Obama, cho biết việc tăng thuế kỹ thuật số lên nhiều lần bên ngoài quy trình của OECD “đang đe dọa gây ra một cuộc chiến thương mại”.
Các quan chức thương mại Hoa Kỳ đã coi việc đơn phương áp thuế kỹ thuật số là không công bằng và đe dọa trả đũa thương mại đối với hàng hóa của Pháp, tuy nhiên họ đã ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Các quan chức ngành tài chính từ hơn 130 quốc gia đã nhóm họp trực tuyến hôm 27/01, nối lại các cuộc đàm phán nhằm tìm cách tốt nhất để bảo đảm các công ty đa quốc gia không trốn thuế bằng cách chuyển hoạt động và lợi tức của họ giữa các quốc gia. Một câu hỏi quan trọng là làm thế nào để đánh thuế một cách hợp lý lên các công ty như các công ty công nghệ, những chủ thể có thể không hiện diện tại một quốc gia nhưng vẫn có hoạt động kinh doanh kỹ thuật số đáng kể ở quốc gia đó dưới hình thức quảng cáo trực tuyến, bán dữ liệu người dùng, công cụ tìm kiếm hoặc nền tảng truyền thông xã hội.
Chủ đề các cuộc đàm phán là về cách phân bổ một phần doanh thu của công ty tới quốc gia nơi dịch vụ của công ty được sử dụng để chính phủ của quốc gia đó có thể thu được thuế. Cuộc họp kéo dài hai ngày nhằm để đánh giá hiện trạng chứ không kỳ vọng đưa ra được một quyết định cuối cùng nào.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thư ký OECD Angel Gurria cho biết điều quan trọng là phải đạt được một thỏa thuận vào giữa năm 2021.
“Tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận đang tăng lên từng ngày,” ông Gurria nói. Hơn 40 quốc gia đang xem xét hoặc lập kế hoạch đơn phương đánh thuế kỹ thuật số, và nếu họ áp thuế, “sẽ có sự trả đũa, chúng ta sẽ biến xung đột thuế này thành xung đột thương mại, có thể thành chiến tranh thương mại … trong khi chúng ta đang cần điều ngược lại,” ông nói.
Đại dịch virus corona đơn thuần chỉ đưa ra một tình trạng rõ ràng hơn với vấn đề đánh thuế lên hoạt động kinh doanh kỹ thuật số. Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình số hóa thông qua làm việc từ xa và các hoạt động không tiếp xúc, và trong một số trường hợp, đem đến lợi tức cao cho các công ty kỹ thuật số; trong khi đó, ngân sách chính phủ chịu áp lực do tăng thêm chi tiêu và nguồn thu thuế ít hơn.
Bà Corwin làm việc tại công ty KMPG cho biết: “Rất nhiều quốc gia đã tuyên bố, ‘Chúng tôi đang chờ OECD đạt được một thỏa thuận,’ nhưng kết hợp giữa chính trị trên cơ sở muốn áp đặt các loại thuế này, cũng như các yêu cầu tài khóa phục vụ hoạt động chi tiêu tài chính do đại dịch, đang gây áp lực hơn nữa đòi hỏi các chính phủ phải hành động.”
Bà nói, hầu hết những người tham gia đều muốn có một thỏa thuận quốc tế hơn là chạy riêng các biện pháp đơn phương, “nhưng áp lực chính trị và các nhu cầu tài chính không cho phép khả năng chờ đợi quá tháng 6”.
Đã không có thỏa thuận trong một số lĩnh vực chính. Một câu hỏi mở là liệu có nên tách riêng các công ty công nghệ ra hay không, vì công nghệ kỹ thuật số đang lan rộng khắp nền kinh tế? Dưới áp lực của Hoa Kỳ, các cuộc đàm phán đã mở rộng phạm vi để có thể bao gồm các loại hình kinh doanh có gặp gỡ/ tiếp xúc với người tiêu dùng (consumer-facing businesses) và cũng thu lợi nhuận xuyên biên giới, chẳng hạn như các thương hiệu cao cấp.
Bà Barbara Angus, người đứng đầu mảng chính sách thuế toàn cầu của công ty dịch vụ chuyên môn EY, cho biết câu hỏi chính xác về đối tượng bị áp thuế kỹ thuật số mới đã là “vấn đề chính trị lớn nhất duy nhất cần được giải quyết” trong các cuộc đàm phán.
“Nếu quý vị đưa thêm các doanh nghiệp có phục vụ/tiếp xúc khách hàng, Hoa Kỳ với tư cách là một thị trường lớn sẽ thu được thuế từ một số doanh nghiệp ở nước ngoài vốn đang phục vụ thị trường Hoa Kỳ trong khi có khả năng mất một số quyền thu thuế đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số có trụ sở tại Hoa Kỳ,” bà nói.
Ông Karan Bhatia, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và chính sách công của Google, cho biết trong một bài đăng trên blog rằng nhu cầu cập nhật hệ thống thuế quốc tế “không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ. Hầu hết các công ty đa quốc gia đều sử dụng dữ liệu, máy điện toán và kết nối internet để phục vụ cho các sản phẩm và dịch vụ của họ.”
Ông Bhatia cho biết Google “ủng hộ mạnh mẽ” thỏa thuận của OECD và phản đối “các loại thuế đơn phương mang tính phân biệt đối xử.”
Ông Mark Zuckerberg của Facebook nói rằng công ty muốn quy trình của OECD thành công “để chúng tôi có một hệ thống ổn định và đáng tin cậy trong tương lai.” Amazon cho biết trong một tuyên bố rằng “chúng tôi tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ và nhất quán cũng như đóng góp vào thoả thuận của OECD” và kêu gọi một thỏa thuận quốc tế rộng rãi sẽ hạn chế “các biện pháp đơn phương lệch lạc.”
Ngoài ra, các cuộc đàm phán của OECD cũng nhằm xác định rằng các công ty đa quốc gia phải trả ít nhất một khoản thuế tối thiểu. Nội dung này của cuộc đàm phán ít gây tranh cãi hơn.
Theo ước tính của OECD, thuế kỹ thuật số có thể chuyển quyền đánh thuế lên thành 100 tỷ USD áp lên lợi tức ở các quốc gia là thị trường tiêu thụ, dẫn đến việc tăng phải tăng từ nguồn thu thuế. Tổng hợp lại, thuế kỹ thuật số và thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm tăng nguồn thu từ thuế toàn cầu thêm 60 tỷ – 100 tỷ USD hoặc tăng 4%. Cả hai (loại thuế này) đều là một phần trong những nỗ lực quốc tế đang diễn ra nhằm giảm bớt các động cơ khuyến khích các công ty lớn chuyển lợi nhuận sang các nước có thuế suất thấp.
Tân Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, khi được hỏi về các cuộc đàm phán trong phiên điều trần phê chuẩn trước Thượng viện, không đưa ra quan điểm chi tiết về các vấn đề quan trọng chưa được quyết định. Bà cho biết chính phủ TT Biden đã “cam kết với nỗ lực đa phương” thông qua OECD và “ngăn chặn cuộc đua kịch sàn về thuế doanh nghiệp”.
Theo David McHugh
Minh Trí biên dịch
Xem thêm: