Trăn trở của một cựu chiến binh Mỹ: Tại sao các hãng thông tấn luôn cứ mãi dùng từ ‘dân quân’ thay vì ‘khủng bố’ và ‘hành quyết’ thay vì ‘sát hại’?
‘Thưa các ký giả, đó là quý vị đang tự đặt ra các quy tắc thôi. Không ai buộc quý vị phải sử dụng ngôn ngữ mà chúng tôi sử dụng để mô tả những kẻ ác và những hành động mà họ làm ra.’
Có nhiều xu hướng đáng lo ngại mà tôi nhận thấy sau cuộc tấn công khủng bố gần đây của Hamas nhắm vào Israel. Một trong những vấn đề chính đó là ngôn ngữ được sử dụng để mô tả sự kiện đó.
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas có yếu tố chiến tranh thông tin rất nặng nề — một yếu tố mà Hamas dường như đang thắng thế, phần lớn là do sự thông đồng tràn lan của các hãng thông tấn phương Tây. Hãy lấy ví dụ về những từ ngữ được sử dụng để mô tả chuyện đã xảy ra. Những thủ phạm được mô tả là “những chiến binh” hoặc “tay súng,” mà không phải là “những kẻ khủng bố.” Khi ai đó thiệt mạng dưới tay họ, thì là họ “bị hành quyết” chứ không phải “bị sát hại.”
Trong một cuộc chiến ngôn từ, từ ngữ là vũ khí quyết định. Vì vậy, những từ chúng ta chọn sử dụng để mô tả những gì đang xảy ra giữa Israel và Hamas đều trọng yếu. Có vẻ như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có thể làm điều đó một cách đúng đắn. Vậy tại sao các hãng thông tấn lớn lại không thể? Phần lớn là do chính trị cấp tiến. Những người “bị áp bức,” giống như người Palestine, không bao giờ có thể là kẻ xâm lược. Họ chỉ có thể là nạn nhân, bất kể họ làm gì hay người khác làm gì nhân danh họ. “Những kẻ áp bức,” giống như người Israel, là đối tượng nghiễm nhiên bị chỉ trích trong bất cứ điều gì, theo đúng nghĩa trên mặt chữ của từ này.
“Kẻ khủng bố đối với người này lại là người đấu tranh vì tự do đối với người khác.” Chắc chắn rồi, tôi đoán vậy, nhưng tôi cho rằng hầu hết những ai có lý trí sẽ gọi những kẻ sát nhân, hãm hiếp, thiêu đốt, bắn phá, và bắt cóc thường dân là “những kẻ khủng bố.” Và hầu hết chúng ta đều không ngại nói ra điều này… nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm như vậy, đặc biệt là trong giới báo chí thiên tả. Ví dụ, gần đây khi BBC bị chỉ trích vì lựa chọn từ chối dùng từ “khủng bố” để mô tả … vâng … những kẻ khủng bố, họ đã quyết định kiên quyết giữ vững lập trường.
Đó là bởi vì, quý vị thấy đấy, “Công việc của BBC hoàn toàn không phải là nói cho mọi người biết nên ủng hộ hay lên án ai.” Thế nhưng điều đó dường như chỉ đúng với những người hoặc tổ chức mà BBC ưa thích, hoặc ít nhất là với những người mà họ cho là có không thích cũng chẳng sao thì sự việc quả thật là như vậy. Họ chắc chắn không hề hối hận về việc chỉ trích cựu Tổng thống Trump, và đã làm như vậy ngay từ đầu và thường xuyên dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump. Họ vui vẻ hợp lý hóa cách họ thiếu khách quan khi đưa tin và lên án những người đang làm những việc họ không thích, bằng cách nói những điều chẳng hạn như tổng thống Hoa Kỳ đương thời đã “phá hoại nền dân chủ.” Tuy nhiên, như thế cũng không vấn đề gì, bởi vì các quy tắc chỉ dành cho những ai quý vị không thích. Đây là phản ứng của họ trước những cáo buộc cho rằng họ đang tích cực vận động ủng hộ cho các đối thủ chính trị của cựu Tổng thống Trump:
“BBC cho biết ngôn ngữ được sử dụng đạt yêu cầu biên tập của họ về tính khách quan hợp lý vì Tổng thống [Trump] đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh được cho tuyên bố của ông về ‘sự lừa đảo đối với người dân Mỹ’”, một bài báo về BBC cho biết.
Vậy là, không có bằng chứng nào trong tuyên bố của cựu Tổng thống Trump. Nhưng trong những trường hợp quả thật là hành động khủng bố, do những kẻ khủng bố thực sự gây ra, BBC lại nói rằng “công việc của họ không phải là” đưa tin chính xác. Hiểu rồi, hóa ra là vậy.
Tương tự, tờ Yale Daily News, vốn đã quá quen thuộc với những bài báo mang tính gây tranh cãi, mới đây đã đăng một bài báo có nhan đề “Yalies4Palestine có phải là một nhóm thù ghét không?” (Is Yalies4Palestine a hate group?) cũng như một bài báo khác có tên “Hãy ngừng biện minh cho chủ nghĩa khủng bố” (Stop justifying terrorism). Trong cả hai bài báo, các tác giả, mỗi người đều là sinh viên Đại học Yale, đã cung cấp danh sách những hành động tàn bạo mà những kẻ khủng bố chiến binh Hamas đã gây ra, trong số đó có việc cưỡng gian. Trong một hành động không thể giải thích và không thể chấp nhận được, các biên tập viên của Yale Daily News đầu tiên đã quyết định chỉnh sửa các tài liệu tham chiếu về cưỡng gian với lý do “không có bằng chứng” cho thấy các vụ cưỡng gian đã xảy ra, mặc dù có bằng chứng dễ dàng tìm thấy cho thấy điều này đã xảy ra.
Tờ Yale Daily News sau đó đã đăng tải một lời cáo lỗi chân thành vì đã thay đổi các bài viết gốc. Quyết định chỉnh sửa nội dung trong một bài viết nêu ý kiến như vậy thật khó hiểu. Có thực sự quá khó để chấp nhận rằng các tổ chức khủng bố vốn không ngừng sát hại bất kỳ ai mà bọn họ gặp phải, và cam kết về mặt giáo lý để hành quyết sát hại tất cả người Do Thái, lại có liên quan đến những việc như cưỡng gian? Và tại sao quý vị lại chỉnh sửa ý kiến bình luận của ai đó … chẳng phải việc nêu lên quan điểm ngay từ đầu đã là mục đích của một bài bình luận sao?
Sẽ tốt biết bao nếu ít nhất các cơ quan báo chí có sự nhất quán trong việc đưa tin của họ. Tuy nhiên, cũng chính những hãng thông tấn ngần ngại đưa tin về những tin tức có thể xác minh dễ dàng về các hành động tàn bạo như chặt đầu và cưỡng gian, trong khi nhất quyết chống lại “thực dân” Israel này, lại rất sẵn lòng chớp lấy thời cơ để đưa tin về một “cuộc tấn công của Israel” đã sát hại “hàng trăm” người Palestine ra sao, chỉ để phát hiện ra rằng toàn bộ sự việc là — ngạc nhiên chưa — một lời nói dối do Hamas bịa đặt ra. Thực tế là chưa có bệnh viện nào bị phá hủy, và con số thương vong (chắc chắn không phải là 500 người như được báo cáo), mà là do … chờ đã … một hỏa tiễn đi chệch hướng của chính quân khủng bố.
Sự khác biệt giữa hai điều này rất rõ ràng — một mặt, quý vị có các hãng thông tấn mù quáng tin vào một câu chuyện tường thuật có lợi cho bản thân đến từ bộ phận tuyên truyền của một tổ chức đã biết là khủng bố mà không có bất kỳ bằng chứng nào (câu chuyện về bệnh viện). Và mặt khác, quý vị có những cơ quan báo chí từ chối tin vào những bằng chứng ngay trước mắt họ (các vụ cưỡng gian được báo cáo).
Vì vậy, những “chiến binh” hay “dân quân” sẽ thực hiện “hành quyết” những người vô tội, nhưng họ không cưỡng gian hay nói dối. Và họ chắc chắn, chắc chắn không làm những điều như vậy với phụ nữ, trẻ em hay người cao niên. Một thành viên cao cấp của Hamas đã nói như vậy. Vậy thì đó ắt hẳn là sự thật. Ra là vậy.
Để không ai nghĩ rằng “đây chỉ là chuyện của phe chính trị Cánh Tả,” đây là đoạn trích từ một bài báo của Fox News có nhan đề “Lực lượng không quân Israel tiết lộ mảnh giấy được cho là của một chiến binh Hamas đã mang theo trong cuộc tấn công ngày 07/10” (Israel air force reveals note Hamas fighter allegedly carried during Oct 7 attack):
“Buổi ghi hình bản tin diễn ra ở Israel vào sáng thứ Hai (23/10/2023). Theo phóng viên Mike Tobin của Fox News, một số nội dung trong đó, bao gồm việc người dân Israel bị phục kích trong xe hơi của họ, một cô gái bị hành quyết sau khi những kẻ khủng bố Hamas tìm thấy cô đang trốn dưới gầm bàn và một người cha bị thiệt mạng sau khi một chiến binh Hamas ném lựu đạn vào hầm trú bom nơi ông và hai người con đang tìm chỗ ẩn nấp.”
Như vậy là mặc dù nhan đề này đã mô tả không chính xác cá nhân thuộc lực lượng Hamas đó là một “chiến binh”, nhưng họ đã làm đúng trong bài báo này khi sử dụng chuẩn xác cụm từ “những kẻ khủng bố.” Tuy nhiên sau đó bài báo đã đề cập đến “một cô gái bị hành quyết.” Quý vị ơi, cô gái đó — cầu Chúa phù hộ cho linh hồn cô ấy được an nghỉ — không “bị hành quyết.” Cô ấy đã không được xét xử, phán quyết, hay kết án bởi một cơ quan pháp luật chính thường nào. Cô đã bị một tên khủng bố sát hại một cách máu lạnh. Vậy thì, một lần nữa, tại sao tất cả các hãng thông tấn này, bao gồm cả những hãng thông tấn như Fox vốn được cho là có khuynh hướng chính trị thiên hữu, lại ngại sử dụng những từ ngữ đúng và chính xác để mô tả các sự kiện như những kẻ khủng bố Hamas tiến hành các vụ sát nhân?
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times