Trận ‘Đại thủy ngàn năm’ ở Trịnh Châu, phải chờ chỉ thị của Tập Cận Bình
Trịnh Châu đang xảy ra lũ lụt nghiêm trọng, ai có thể cứu người dân khỏi nạn hồng thủy này? Các con đập của Trung Quốc đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm, chính quyền thường bí mật xả lũ. Điều đáng sợ hơn nữa là với chính quyền ở Trung Quốc hiện tại, khi tai họa ập đến, các quan chức địa phương không dám lập tức hành động, tầng tầng báo lên trên, tầng tầng đùn đẩy trách nhiệm.
Thành phố Trịnh Châu báo cáo lên chính quyền tỉnh, chính quyền tỉnh báo cáo lên Quốc vụ viện, Quốc vụ viện báo cáo lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ở Ban Chấp hành Trung ương Đảng ông Tập Cận Bình là cao nhất, ai cũng không dám ra lệnh. Khi ông Tập Cận Bình đưa ra chỉ thị thì đã quá muộn, thảm họa đã xảy ra rồi.
Kể từ ngày 17/7, mưa lớn đã đổ xuống khắp tỉnh Hà Nam, gây ra lũ lụt và rất nhiều thương vong. Vào ngày 20/7, đường tàu điện ngầm số 5 ở thành phố Trịnh Châu đã bị ngập nước, hành khách bị mắc kẹt nhiều giờ trong nước lũ, đã có nhiều người thiệt mạng. Đến tối ngày 20/7, đường hầm Kinh Quảng ở thành phố Trịnh Châu đã chìm trong nước chỉ trong 5 phút, hàng trăm người và phương tiện trong nháy mắt lâm vào cảnh khốn đốn. Nước tích lại đến tận ngày 22 mới rút đi, xe hơi bị lật chồng chất như núi, cảnh tượng rất kinh hoàng. Những gì chính quyền làm là bận rộn xóa các bài viết trên mạng, phong tỏa khu vực thiên tai và tô vẽ cảnh thái bình.
Nhật báo Hà Nam, một kênh truyền thông của Trung Cộng, đã nói rằng trận mưa xối xả ở Trịnh Châu là “ngàn năm có một”, lượng mưa giáng xuống trong ba ngày hôm đó bằng với cả năm trước. Sở Thủy Lợi tỉnh Hà Nam cũng đưa ra thông báo vào ngày 21 rằng, lượng mưa ở Hà Nam lần này là “hơn 5000 năm có một”, với hàm ý đổ lỗi cho thiên tai.
Các quan chức đã công bố con số thương vong vào hôm thứ Sáu (24/7) ở Trịnh Châu là hơn 50 người. Tuy nhiên, số lượng thông báo tìm người mất tích ở thành phố Trịnh Châu trên mạng xã hội Trung Quốc lại lớn hơn nhiều, có cả một trang web đã liệt kê hơn 130 người mất tích. Những người đó vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, như một người vợ từ Thượng Hải đến đường tàu điện ngầm số 5 để tìm chồng, những người mẹ đứng ở cửa đường hầm Kinh Quảng cả đêm để chờ đứa con trai mất tích, v.v.
Chính quyền bí mật xả lũ
Có cư dân mạng nghi ngờ rằng trận lũ lụt lần này là một thảm họa nhân tạo do chính quyền bí mật xả lũ. Theo thông báo vào lúc 1 giờ sáng ngày 21 của Bộ phận Phòng chống Thiên tai thành phố Trịnh Châu, hồ chứa nước Thường Trang đã bắt đầu xả lũ ở hạ lưu vào hồi 10h30 ngày 20/7. Tuy nhiên, chính quyền đã không đưa ra cảnh báo trước, mà sau khi xả lũ được 14 tiếng mới bắt đầu thông báo.
Ông Vương Duy Lạc, một chuyên gia thủy lợi sống ở Đức, nói với Epoch Times rằng rất nhiều trận lũ ở Trung Quốc là do con người tạo ra chứ không phải tự nhiên hình thành.
Ông cho biết, Trịnh Châu nằm ở hạ lưu của sông Hoàng Hà, tất cả nước ở sông Hoàng Hà đều đi qua các cửa của đập Tam Môn Hạ, mà các cửa này là được kiểm soát bằng tay. Lượng nước xả ra được điều chỉnh nhân tạo, xả bao nhiêu là do con người khống chế.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trịnh Châu cũng nói rằng, do hồ chứa Thường Trang có nguy cơ bị vỡ đường ống, nên phải cấp tốc xả lũ.
Chính quyền xả lũ bí mật, không nói cho dân biết, không cảnh báo trước cho dân sơ tán. Đây là vấn đề thường thấy ở Trung Cộng. Tại sao nó lại làm như vậy?
Vào tháng 7 năm ngoái, có quan chức đã nói trong một video trên mạng rằng, không thể nói trước với người dân về việc xả lũ, người dân có thể đồng ý sau khi nói với họ không? Họ sẽ đòi bồi thường nhà cửa, ruộng vườn, cây trồng, vật nuôi,… trị giá hàng chục tỷ đồng. Nếu nói là thiên tai, họ sẽ rất biết ơn vì đã cho họ hai gói mì.
Các con đập ở Trung Quốc rất nguy hiểm
“Các con đập ở Trung Quốc thường không đưa ra cảnh báo sớm khi xả nước trong mùa không lũ, khi xả nước trong mùa lũ thì thường cảnh báo muộn, không coi trọng tính mạng con người”, đây là báo cáo trong chuyên đề tin tức “The Other Side” của NetEase vào năm 2015. Báo cáo nói rằng các con đập của Trung Quốc thường xả lũ mà không báo trước, dẫn đến tai nạn hoặc thậm chí là tử vong. Luật phòng chống lũ hay các luật khác đều không đưa việc cảnh báo sớm khi xả nước trong mùa không lũ vào phạm vi pháp luật. Nó không được đưa vào luật, vậy nên các quan chức cứ mặc sức xả lũ gây ra tai nạn mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
NetEase còn từng báo cáo trong chuyên đề tin tức này vào ngày 22/8/2013 rằng, các con đập ở Trung Quốc về cơ bản đều đã lâu chưa được tu sửa, và gần một nửa số đập hoạt động đang “bị bệnh”. Một phần tư các quận và thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ đập, hơn nữa đập chứa nước thải được báo cáo là không có người trông coi, tỷ lệ vỡ đập là cao. Tiêu đề của báo cáo là “Sự nguy hiểm của những con đập ở Trung Quốc: 68 con đập bị vỡ mỗi năm”.
Đó là năm 2013, đến bây giờ đã gần mười năm, tình huống có thể còn tệ hơn. Mạng Năng lượng Quốc tế Trung Quốc vào ngày 17/3 năm nay đã trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Môi trường Yale rằng, có 19,000 con đập trên khắp thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề lão hóa và cần được sửa chữa hoặc phá bỏ, nếu không chúng có thể gây ra các nguy cơ về an toàn. Trung Quốc và Ấn Độ là những khu vực có nguy cơ nghiêm trọng nhất. Trung Quốc có 23,841 đập, chiếm 40% tổng số đập trên thế giới.
Vì vậy những con đập ở Trung Quốc rất nguy hiểm. Nhưng ai cũng biết rằng, việc sửa đập khó đạt được thành tích chính trị nên các cán bộ đều không làm. Khi tai họa đến, chính người dân là người phải gánh chịu.
Tại sao hệ thống chỉ huy bị tê liệt
Trên thực tế, điều nguy hiểm hơn ở đây là chế độ hiện tại ở Trung Quốc. Các bộ phận giống như các lãnh địa độc lập, chúng không liên kết với nhau và không thể sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả. Tất cả đều chờ đợi cấp cao nhất ra quyết định, điều này khiến toàn bộ xã hội dễ bị tê liệt.
Trong trận lũ lụt này, Cục khí tượng Trịnh Châu đã 5 lần đưa ra cảnh báo mưa bão ở mức đỏ, theo quy định, các ngành nghề và trường học lẽ ra đã phải tạm dừng từ lâu, nhưng không ai quản việc này, chính quyền không hành động. Ngay sau khi trận lụt xảy ra, hệ thống chỉ huy ở Trịnh Châu gần như tê liệt. Giống như việc giám đốc Cục khí tượng Củng Nghĩa bị lũ cuốn trôi, trang web của cục khí tượng liền không được cập nhật trong vòng 10 giờ.
Trong số 500 hành khách bị mắc kẹt nhiều giờ trong tàu điện ngầm, có ít nhất 12 người đã thiệt mạng. Tại sao ga tàu điện ngầm không đóng cửa? Theo báo cáo của tờ Southern Weekend, công ty tàu điện ngầm Trịnh Châu không có thẩm quyền đóng cửa ga tàu điện ngầm vì đây là một “sự cố xã hội”, bắt buộc phải báo cáo lên để chờ hướng dẫn.
Một cư dân mạng tự xưng là nhân viên tàu điện ngầm đã đăng bài lên mạng, chỉ trích lãnh đạo không dám đưa ra quyết định, để giữ mũ ô sa đã nhất quyết cho ga hoạt động trong khi có cảnh báo ở mức đỏ, dẫn đến tình huống không thể cứu vãn.
Nhân viên này tố cáo người ra quyết định là ”kẻ sát nhân”, “họ đều chiếu theo quy củ mà không dám vượt qua giới hạn, mong muốn yên bình, đều là những kẻ sát nhân!”
Cả nước trên dưới đều chờ chỉ thị của ông Tập Cận Bình
Nhà văn Hồng Kông Nhan Thuần Câu đã viết một bài báo rất sinh động để minh họa vấn đề này, tiêu đề là: Tất cả đều là lỗi của “quyền lực tối cao”. Bài báo nói rằng, việc chính quyền Trịnh Châu lần này không hành động cũng tương tự như đợt bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán. Phàm là những thảm họa xã hội lớn, chính quyền địa phương không được thực hiện các biện pháp khẩn cấp trừ phi có sự chấp thuận của cấp trên, để tránh gây hỗn loạn xã hội. Nếu quan chức địa phương đưa ra các quyết định mà không thuộc thẩm quyền, gây ra tình trạng bất ổn xã hội và thiệt hại kinh tế thì đều sẽ bị ghi lại, ảnh hưởng đến con đường làm quan. Vì vậy các quan chức thà không hành động. Đây cũng là lời phàn nàn của Tập Cận Bình tại cuộc họp của các quan chức cấp cao gần đây: “Lẽ nào tôi không ra chỉ thị, các vị đều không cần làm gì nữa sao?”
Ông Nhan còn đưa ra một suy đoán rất thú vị. Chính quyền Trịnh Châu đã báo cáo lên cho chính quyền tỉnh tình huống thời tiết bất thường, đương nhiên chính quyền tỉnh không dám đưa ra quyết định nên đã báo cáo lên Quốc vụ viện. Các bộ liên quan của Quốc vụ viện không muốn nhận trách nhiệm, thế là báo cáo lên Thủ tướng Lý Khắc Cường, Lý Khắc Cường biết sự việc này lớn nên đã báo cáo với ông Tập Cận Bình, người nắm “quyền lực tối cao”. Tập Cận Bình đối nội đối ngoại đều đang gặp khó, ông ta cũng không phải chuyên gia, ông ta sẽ ra quyết định thế nào đây? Kết quả là, từng cấp từng cấp đều chờ chỉ thị từ Tập Cận Bình, chỉ thị không đến thì chưa ai dám động, toàn bộ chính quyền ngưng lại chờ chỉ thị cho đến khi thảm họa bùng phát.
Đây chính là lỗi do hệ thống “quyền lực tối cao” gây ra, nhưng cả nước trên dưới không ai dám nói.
Do Đường Thanh, Tôn Vân thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo thêm bài gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: