Toronto: Học viên Pháp Luân Công tưởng nhớ 22 năm bị Trung Quốc Cộng sản bức hại
Các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một buổi tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto hôm 15/07 để đánh dấu 22 năm cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) và để tưởng nhớ các học viên đã bị bức hại đến chết ở Trung Quốc kể từ năm 1999 đến nay.
“Hôm nay tôi ở đây để thay cho tiếng nói của những người đã mất hoặc đang phải bỏ mạng vì cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Trung Quốc của … Đảng Cộng sản Trung Quốc,” cô Elnaz Hajikhani, đến Canada từ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019, nói với The Epoch Times.
“Họ đang sát nhân – bất kỳ ai có tín ngưỡng – ở Trung Quốc, cho dù là người Hồi giáo hay Cơ đốc giáo hay là các học viên Pháp Luân Công,” cô nói, chỉ ra cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với những người có đức tin.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần bắt nguồn từ truyền thống Trung Hoa cổ đại bao gồm các bài tập thiền định cùng các bài giảng dựa trên nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn. Còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, môn tu luyện này được truyền ra vào năm 1992 tại Trung Quốc, tại đây môn tập nhanh chóng được lan tỏa do những lợi ích về sức khỏe và tinh thần của người tập. Theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, đến năm 1999, môn tu luyện này đã thu hút được 70-100 triệu người theo học.
Lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân coi sự phổ biến đó là mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của Trung Cộng, vốn chính thức là một chế độ vô thần. Vào ngày 20/07/1999, Giang đã phát động một chiến dịch thù hận theo kiểu Cách mạng Văn hóa và đàn áp bạo lực nhằm tiêu diệt môn tu luyện này.
Nhiều báo cáo của các tổ chức nhân quyền, phương tiện truyền thông và các cơ quan chính phủ, bao gồm cả Liên Hiệp Quốc, đã ghi nhận tình cảnh của các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng sự tra tấn và các hành vi ngược đãi khác kể từ thời điểm đó, trong đó có cả việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn.
“Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã tiếp diễn được 22 năm. Điều đó đã dẫn đến việc ít nhất hàng ngàn người đã bị bức hại đến chết, cũng như hàng triệu người bị tống giam, tra tấn và ngược đãi,” học viên Pháp Luân Công Ngôn Thừa Húc (Jerry Yan) nói.
Anh Yan nói rằng khi anh còn là một đứa trẻ sống ở Trung Quốc, các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đã đưa mẹ anh, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đến một trung tâm giam giữ nơi các học viên khác cũng đang bị giam giữ tại đó.
“Khi bà ấy ở đó, một học viên khác [bên cạnh] bà vào thời điểm đó đã bị cảnh sát đưa vào một căn phòng, và sau đó bà ấy nghe thấy … học viên đó la hét, do [cảnh sát đã dùng] dùi cui điện giật điện cô ấy,” anh Yan nói.
Anh Yan cho biết cha anh, làm việc tại một trường đại học, đã tìm cách để mẹ anh được ra tù, nhưng hai học viên Pháp Luân Công khác bị giam cùng với bà đã bị tra tấn và đưa đến trại lao động.
Anh Yan lưu ý rằng sự trợ giúp từ các nước ngoại bang như Canada “thực sự quan trọng” trong việc gây áp lực lên nhà cầm quyền Trung Cộng và có thể làm giảm thiểu đáng kể sự bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Trung Quốc đại lục.
Cô Masi Khosravi, một học viên Pháp Luân Công khác tham gia buổi lễ, là một giáo viên, đã kêu gọi chính phủ Canada gây áp lực lên Trung Cộng thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại.
“Canada rất nổi tiếng trong việc ủng hộ nhân quyền. Tôi yêu cầu … chính phủ Canada trợ giúp chúng tôi, để … ngăn chặn cuộc đàn áp ở Trung Quốc,” cô Khosravi nói. Là con người, “chúng ta nên quan tâm đến nhau và tương trợ lẫn nhau.”
Do Andrew Chen thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: