Tổng thống Sri Lanka sẽ từ chức giữa làn sóng các cuộc biểu tình
COLOMBO – Hôm thứ Bảy (09/07), chủ tịch quốc hội của Sri Lanka cho biết, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức vào thứ Tư (13/07) tới, đầu hàng trước áp lực của người dân sau một ngày diễn ra các cuộc biểu tình bạo lực, trong đó người biểu tình đã xông vào dinh thự chính thức của tổng thống và phóng hỏa nhà của thủ tướng ở Colombo.
Thông báo này được đưa ra sau sự leo thang mạnh mẽ trong nhiều tháng của các cuộc biểu tình chống chính phủ chủ yếu trong hòa bình vì một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trên hòn đảo 22 triệu dân này ở Ấn Độ Dương.
Hiện không có tuyên bố ngay lập tức từ chính tổng thống.
Chủ tịch Mahinda Yapa Abeywardena cho biết trong một tuyên bố video về việc ông Rajapaksa đã thông báo với ông rằng ông ấy sẽ từ chức.
“Quyết định từ chức vào ngày 13/07 được đưa ra để bảo đảm một cuộc bàn giao quyền lực một cách hòa bình,” ông Abeywardena cho biết. “Do đó, tôi yêu cầu công chúng tôn trọng luật pháp và duy trì hòa bình,” ông nói.
Tin tức về quyết định của tổng thống này đã khiến các khu vực của Colombo nổ pháo hoa ăn mừng.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng cho biết ông sẵn sàng từ chức để nhường chỗ cho một chính phủ đa đảng, văn phòng của ông cho biết trong một tuyên bố vào tối thứ Bảy.
Vẫn chưa rõ liệu điều này có làm dịu được cơn giận dữ của dân chúng hay không.
Trong suốt cả ngày, binh lính và cảnh sát đã không thể kiềm chế đám đông người biểu tình hô hào đòi ông Rajapaksa từ chức và đổ lỗi cho ông về cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước này trong bảy thập niên qua.
Cả ông Rajapaksa và ông Wickremesinghe đều không ở trong dinh thự của họ khi các tòa nhà này bị tấn công.
Bên trong ngôi nhà của tổng thống trong cuộc biểu tình hôm thứ Bảy, một buổi phát trực tiếp trên Facebook cho thấy hàng trăm người biểu tình, một số người khoác trên mình quốc kỳ, tràn vào các phòng và hành lang.
Đoạn video cho thấy một số người trong số họ bắn nước tung tóe trong bể bơi, trong khi những người khác ngồi trên giường và ghế sofa. Một số người có thể được trông thấy đang vơ vét đồ đạc trong những ngăn kéo trong những bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Hàng trăm người đứng tràn ngập trong khuôn viên của dinh thự quét vôi trắng từ thời thuộc địa này, cùng với một vài nhân viên an ninh trong khung cảnh.
Ông Rajapaksa đã rời khỏi nơi ở chính thức này hôm thứ Sáu (08/07) như một biện pháp giữ an toàn trước cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch vào cuối tuần này, hai nguồn tin của Bộ Quốc phòng cho biết.
Reuters không thể xác nhận ngay nơi ở của ông.
Cuối hôm thứ Bảy, đoạn video trên các kênh tin tức địa phương cho thấy một đám cháy lớn và khói bốc ra từ nhà riêng của ông Wickremesinghe trong một khu phố giàu có ở Colombo. Văn phòng của ông nói rằng những người biểu tình đã bắt đầu phóng hỏa.
Không có báo cáo ngay lập tức về thương tích trong vụ cháy này. Ông Wickremesinghe đã chuyển đến một địa điểm an toàn, một nguồn tin của chính phủ nói với Reuters vào đầu ngày hôm đó.
Có ít nhất 39 người, bao gồm hai cảnh sát, đã bị thương và phải nhập viện trong cuộc biểu tình này, các nguồn tin bệnh viện nói với Reuters.
Nước này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt ngoại hối trầm trọng khiến việc nhập cảng nhiên liệu, thực phẩm và thuốc thiết yếu bị hạn chế, đẩy họ rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948.
Lạm phát tăng vọt, đạt mức kỷ lục 54.6% vào tháng Sáu và dự kiến sẽ đạt 70% trong những tháng tới, đã gây ra một loạt khó khăn cho người dân.
Các cuộc hội đàm của Đảng
Quyết định của tổng thống và thủ tướng về việc từ bỏ vị trí để người khác đảm nhiệm được đưa ra sau khi ông Wickremesinghe hội đàm với một số lãnh đạo đảng chính trị để quyết định những bước cần thực hiện theo sau tình trạng bất ổn.
“Ông Wickremesinghe đã nói với các nhà lãnh đạo đảng rằng ông ấy sẵn sàng từ chức Thủ tướng và dọn đường cho một chính phủ đa đảng lên nắm quyền,” văn phòng của ông cho biết trong một tuyên bố.
Chủ tịch của quốc hội, ông Abeywardena, cho biết trong một bức thư gửi ông Rajapaksa rằng một số quyết định đã được đưa ra tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo đảng — bao gồm tổng thống và thủ tướng từ chức càng sớm càng tốt và quốc hội sẽ được triệu tập trong vòng bảy ngày để chọn một tổng thống tạm quyền.
“Với một tổng thống tạm quyền, quốc hội hiện tại có thể bổ nhiệm một thủ tướng mới và một chính phủ lâm thời,” bức thư này được công bố bởi văn phòng của Chủ tịch.
“Sau đó trong một thời gian nhất định, một cuộc bầu cử có thể được tổ chức để người dân bầu ra một quốc hội mới,” họ nói thêm.
Lãnh đạo một số đảng đối lập cũng kêu gọi ông Rajapaksa từ chức.
“Tổng thống và thủ tướng phải từ chức ngay lập tức. Nếu điều đó không xảy ra, bất ổn chính trị sẽ trầm trọng hơn,” lãnh đạo Đảng Tự Do Sri Lanka và cựu tổng thống Maithripala Sirisena, đã tuyên bố trước khi ông Wickremesinghe đề nghị từ chức và trước thông tin tổng thống dự định từ chức.
“Đây là một tình huống éo le. Nếu một quá trình chuyển đổi rõ ràng không được thực hiện thì việc tổng thống và thủ tướng từ chức sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực có thể gây nguy hiểm. Chủ tịch có thể chỉ định một chính phủ mới đa đảng nhưng liệu họ có được những người biểu tình này chấp nhận hay không vẫn còn phải chờ xem,” nhà phân tích chính trị Kusal Perera cho biết.
Khủng hoảng kinh tế
Bất ổn chính trị có thể làm suy yếu các cuộc đàm phán của Sri Lanka với Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi nước này đang tìm kiếm khoản cứu trợ 3 tỷ USD, nhằm cơ cấu lại một số khoản nợ ngoại quốc và huy động vốn từ các nguồn đa phương và song phương để giảm bớt tình trạng khan hiếm đồng dollar.
Cuộc khủng hoảng kinh tế này đã phát triển sau khi đại dịch COVID-19 tác động xấu đến nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và cắt giảm lượng kiều hối từ những người lao động ở ngoại quốc.
Tình trạng này đã được cộng thêm bởi nợ chính phủ chồng chất, giá dầu tăng, và lệnh cấm nhập cảng phân bón hóa học vào năm ngoái đã tàn phá nền nông nghiệp. Lệnh cấm phân bón đã được đảo ngược vào tháng 11/2021.
Tuy nhiên, nhiều người đổ lỗi cho sự suy giảm của đất nước này là do ông Rajapaksa quản lý kinh tế yếu kém nên đã có nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình ôn hòa đòi ông từ chức.
Trước khi đột nhập vào các tòa nhà chính phủ hôm thứ Bảy, những người biểu tình đã phá dỡ một số rào chắn của cảnh sát trong khu vực chính phủ của Colombo.
Một nhân chứng cho biết cảnh sát đã nổ súng từ trên không nhưng không thể ngăn được đám đông đang vây quanh dinh thự của tổng thống.
Sự bất mãn đã gia tăng trong những tuần gần đây khi quốc gia thiếu tiền mặt này cho ngừng nhận các chuyến hàng nhiên liệu, buộc đóng cửa trường học và phân chia lượng xăng và dầu diesel cho các dịch vụ thiết yếu.
Do Uditha Jayasinghe của Reuters thực hiện