Tổng thống Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Latinh để chống lại ‘ngoại giao bẫy nợ’ của Trung Quốc
Hôm thứ Sáu (03/11), Tổng thống (TT) Joe Biden đã chào đón các nhà lãnh đạo từ Tây bán cầu tới Tòa Bạch Ốc tham dự một hội nghị thượng đỉnh nhằm thảo luận các vấn đề trong khu vực bao gồm di cư, chuỗi cung ứng, và đầu tư cơ sở hạ tầng trong bối cảnh lo ngại về phạm vi hoạt động quân sự và thương mại ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo Tòa Bạch Ốc, 9 trong số 11 nhà lãnh đạo của hội nghị thượng đỉnh sẽ tham gia, trong đó có thủ tướng Canada và tổng thống các nước Barbados, Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Peru, và Uruguay. Ngoại trưởng Mexico và Panama cũng sẽ tham dự.
Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị, TT Biden cho biết các nhà lãnh đạo đang tập trung để tham dự phiên họp về Mối quan hệ đối tác Mỹ Châu thuộc Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Nền kinh tế Thịnh vượng, nhằm mục đích mở rộng bang giao kinh tế và “biến Tây bán cầu trở thành khu vực cạnh tranh về kinh tế nhất trên thế giới.”
Để đạt được mục tiêu đó, TT Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ và các đối tác đang tăng cường nỗ lực điều động các giải pháp tài chính ở châu Mỹ.
“Cho đến nay, Hoa Kỳ đã là nguồn đầu tư lớn nhất trên khắp Châu Mỹ Latinh và Caribbean, và chúng tôi muốn bảo đảm rằng các nước láng giềng gần nhất của chúng tôi biết rằng họ có một sự lựa chọn thiết thực giữa ngoại giao bẫy nợ và các cách tiếp cận minh bạch, hảo hạng đối với cơ sở hạ tầng và phát triển,” TT Biden nói, đề cập đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn được coi là “bẫy nợ” đối với nhiều quốc gia đang phát triển.
TT Biden tuyên bố ra mắt một chương trình hoạt động đầu tư mới của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (Inter-American Development Bank). Chương trình này sẽ đầu tư hàng tỷ dollar vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững ở bán cầu và cải thiện chuỗi cung ứng quan trọng, cảng hiện đại, mạng lưới năng lượng sạch, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Cuộc họp mặt lần đầu tiên được công bố vào năm ngoái tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Los Angeles, California, như một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tăng cường các mối liên kết kinh tế trong khu vực và giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
TT Biden còn cho biết Hoa Kỳ đang hợp tác với Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ để mở rộng các giải pháp tài chính cho các dự án về môi trường hoặc biến đổi khí hậu, chẳng hạn như chương trình “hoán đổi nợ lấy thiên nhiên cũng như trái phiếu xanh lam và xanh lục.”
Một thông báo khác tại hội nghị thượng đỉnh là việc ra mắt “Kế hoạch thúc đẩy Mối quan hệ đối tác Mỹ Châu,” một chương trình kéo dài nhiều năm nhằm trợ giúp các doanh nhân mới trong việc phát triển và tài trợ cho các ý tưởng kinh doanh của họ. Theo TT Biden, chương trình này sẽ kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm từ khắp nơi trên thế giới cho các công ty khởi nghiệp trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo cũng đồng thuận hợp tác để giải quyết những thách thức của dòng người di cư chưa từng có.
Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby, hội nghị thượng đỉnh này có thể là một “cơ hội ngàn năm có một” để chuyển chuỗi cung ứng sang Tây bán cầu.
“Nhìn chung, hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày này cho thấy biểu hiện mạnh mẽ về sự cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác với các đối tác của chúng tôi nhằm tận dụng cơ hội ngàn năm có một này để xây dựng lại các chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng ở châu Mỹ, tiếp tục giải quyết những khó khăn về di cư chung của chúng ta, và xây dựng cơ hội kinh tế có ý nghĩa trên khắp bán cầu,” ông nói với các phóng viên hôm 02/11.
Trong hơn hai thập niên, Trung Quốc đã thiết lập các mối liên kết chặt chẽ với nhiều quốc gia Mỹ Latinh, và ảnh hưởng ngày càng mở rộng của nước này trong khu vực trong những năm gần đây đã gây ra những lo ngại ở Hoa Thịnh Đốn.
Với Sáng kiến Vành đai và Con đường đồ sộ, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư và cho vay cơ sở hạ tầng chính của Nam Mỹ. Nước này cũng đã tăng cường các mối liên kết về quân sự với nhiều quốc gia, đặc biệt là Venezuela.
Trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm 08/03, hai chỉ huy quân sự cao cấp của Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự hiện diện quân sự và công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh.
Tướng Laura Richardson thuộc Bộ chỉ huy miền Nam Hoa Kỳ nói với ủy ban rằng các hoạt động của Trung Quốc là một “cuộc hành quân không ngừng nghỉ” nhắm vào vị thế bá chủ của Mỹ ở Tây bán cầu.
Bà Richardson nói: “Đây là một nguy cơ mà chúng ta không thể chấp nhận hoặc bỏ qua.”
Theo bà Irina Tsukerman, nhà phân tích an ninh và là người sáng lập Scarab Rising, vị thế vượt trội về những khoản đầu tư công nghệ của Trung Quốc vào Mỹ Latinh cho thấy tham vọng vượt ra ngoài “ngoại giao bẫy nợ.”
Bản tin có sự đóng góp của Autumn Spredemann
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times