Tổng thống Biden ký sắc lệnh nhắm đến tình trạng ‘Thiếu cạnh tranh’ trong nền kinh tế Hoa Kỳ
Hôm 09/07, Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký một sắc lệnh nhằm gia tăng sự cạnh tranh trong nền kinh tế Hoa Kỳ.
“Trong nhiều thập kỷ, quá trình hợp nhất doanh nghiệp đã được tăng tốc. Trong hơn 75% các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ, một số ít các công ty lớn hiện kiểm soát nhiều hoạt động kinh doanh hơn so với 20 năm trước. Điều này đúng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, nông nghiệp và hơn thế nữa,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong một bản tin được công bố trước lễ ký kết.
“Sự thiếu cạnh tranh đó làm tăng giá đối với người tiêu dùng. Vì ngày càng ít người chơi lớn kiểm soát thị trường nhiều hơn, các khoản tăng giá (tính theo chi phí) đã tăng gấp ba lần (pdf). Các gia đình đang trả giá cao hơn cho các nhu yếu phẩm – những thứ như thuốc theo toa, máy trợ thính và dịch vụ internet.”
Chính phủ TT Biden cho biết lệnh này bao gồm 72 sáng kiến của hơn một chục cơ quan liên bang sẽ giúp thúc đẩy sự cạnh tranh.
Điều đó bao gồm việc giúp dễ dàng thay đổi công việc và tăng lương bằng cách cấm hoặc hạn chế các thỏa thuận không cạnh tranh và các yêu cầu cấp phép hành nghề được coi là không cần thiết, giảm giá thuốc theo toa, để máy trợ thính được bán tự do tại các cửa hàng thuốc (không cần kê đơn), yêu cầu các hãng hàng không công khai các phí phụ thu, và cấm các nhà cung cấp dịch vụ internet thu phí kết thúc hợp đồng sớm được cho là cao quá mức.
Tòa Bạch Ốc cho biết: “Tổng thống Biden đang thực hiện hành động quyết đoán để giảm xu hướng hợp nhất doanh nghiệp, tăng sự cạnh tranh, và mang lại lợi ích cụ thể cho người tiêu dùng, công nhân, nông dân và các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ.”
Một lĩnh vực quan trọng là giải quyết các đại công ty công nghệ (big tech), bao gồm Facebook và công ty mẹ của Google là Alphabet. Lệnh này nhằm vào cái gọi là các vụ mua lại sát thủ, hoặc cách các đại công ty công nghệ mua lại các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, bằng cách tăng cường giám sát các thương vụ mua bán hoặc sáp nhập như vậy. Chính phủ cũng cáo buộc các nền tảng công nghệ lớn thu thập quá nhiều thông tin cá nhân và đang chỉ đạo Ủy ban Thương mại Liên bang thiết lập các quy tắc về giám sát và tích lũy dữ liệu.
Việc phản đối chống lại Big Tech là một trong số ít các lĩnh vực mà Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đồng ý là cần phải có hành động, mặc dù đôi khi họ khác nhau về cách tiếp cận vấn đề.
Ông Aurelien Portuese, giám đốc chính sách chống độc quyền và đổi mới tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF), cho biết lệnh này cho thấy “Tòa Bạch Ốc đang cố gắng can thiệp vào công việc của các cơ quan chống độc quyền liên bang” và thúc giục chính phủ bảo đảm các cơ quan thực thi đúng các luật hiện hành thay vì cố gắng thực hiện các quy tắc mới.
Bà Monica Crowley, cựu phụ tá Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết trong một lần xuất hiện trên chương trình Friday của đài Fox News rằng bà rất ngạc nhiên khi thấy “các biện pháp ủng hộ cạnh tranh” và hài lòng vì lệnh này bao gồm hành động đối với Big Tech, vận tải biển và đường sắt.
“Tôi hy vọng. Mối quan tâm duy nhất của tôi là bất cứ lúc nào chính phủ can thiệp vào bất kỳ khía cạnh nào của nền kinh tế, nó có xu hướng làm ảnh hưởng đến thị trường và gây ra những hậu quả không lường trước được,” bà cho biết sau đó.
Trong khi chính phủ TT Biden cáo buộc sự độc quyền ở Hoa Kỳ đang gia tăng, thúc đẩy các sáng kiến, thì ITIF, một tổ chức tư vấn chính sách, cho biết các ngành công nghiệp [trong thực tế] không trở nên tập trung hơn.
Ông Portuese cho biết trong một tuyên bố rằng, “Chỉ có 4% các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ có mức độ tập trung cao, và tỷ trọng của các ngành có mức độ tập trung thấp đã tăng khoảng 25% từ năm 2002 đến năm 2017.”
Do Zachary Stieber thực hiện
Chánh Tín thực hiện
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: