Tổng thống Biden ký ban hành Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân
Hôm 13/12, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành một dự luật tuyên bố hôn nhân có thể diễn ra giữa những người đồng giới.
“Hôm nay là một ngày tốt lành. Hôm nay nước Mỹ thực hiện bước cuối cùng hướng tới bình đẳng, hướng tới tự do và công lý — không chỉ cho một số người mà cho tất cả mọi người,” ông Biden trình bày bên ngoài Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn trước khi ký dự luật. “Hướng tới việc tạo ra một quốc gia mà sự khuôn phép, nhân phẩm, và tình yêu thương được công nhận, tôn vinh, và bảo vệ.”
Dự luật này mang số hiệu H.R. 8404 bãi bỏ Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân, một luật năm 1996 định nghĩa hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Đạo luật cũ đã được Tổng thống Bill Clinton, một thành viên Đảng Dân Chủ, ký ban hành và được lưỡng đảng ủng hộ rộng rãi.
Kể từ đó, hầu hết các thành viên Đảng Dân Chủ và một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã trở nên ủng hộ hôn nhân đồng tính và các nhà lập pháp ở cả hai đảng đã giúp thông qua luật mới.
H.R. 8404, được gọi là Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân, đã soạn thành luật đối với một phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho vụ Obergefell kiện Hodges, trong đó Pháp viện nhận định điều khoản về hôn nhân đồng giới trong Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân là vi hiến. Vụ Obergefell đã buộc các tiểu bang phải cho phép các cặp đôi đồng tính được kết hôn.
Những người ủng hộ cho biết luật này là cần thiết sau khi hồi tháng Sáu, pháp viện tối cao của quốc gia đã bác bỏ vụ Roe kiện Wade. Năm 1973 phán quyết trong vụ kiện này đã kết luận rằng quyền phá thai được bảo vệ theo Hiến Pháp.
Hồi tháng Sáu, nhóm đa số bỏ phiếu thuận [trong Pháp viện] cho biết phán quyết của họ không gây nguy hiểm cho phán quyết về hôn nhân hoặc bất kỳ tiền lệ nào khác không liên quan đến quyền phá thai. Tuy nhiên, Thẩm phán Clarence Thomas, trong một bản ý kiến đồng tình, nói rằng Pháp viện nên “xem xét lại tất cả các án lệ tuân theo đúng luật của Pháp viện này,” bao gồm cả vụ Obergefell. Ông Thomas đã không đề cập đến phán quyết của Pháp viện hồi năm 1967 tuyên bố các luật cấm hôn nhân giữa các chủng tộc là bất hợp pháp, nhưng việc bảo vệ hôn nhân giữa các chủng tộc đã được đưa vào dự luật mới nói trên.
Tổng thống Biden cho biết việc quyết định kết hôn với ai là “một trong những quyết định trọng đại nhất” mà một người có thể đưa ra và người đó xem đây là vấn đề mình yêu ai và sẽ chung thủy với ai. Ông nói: “Luật pháp công nhận rằng mọi người nên có quyền tự trả lời những câu hỏi đó mà không cần sự can thiệp của chính phủ.”
Hôm 29/11, Thượng viện đã bỏ phiếu thông qua luật trên với tỷ lệ 61–36. Tiếp đó, hôm 08/12, Hạ viện đã thông qua dự luật với tỷ lệ phiếu 258–169.
Một nhóm gồm có ông Matthew Haynes, chủ sở hữu của câu lạc bộ Colorado, nơi một người đàn ông đã xả súng khiến năm người thiệt mạng hồi tháng Mười Một; Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California); và ca sĩ Cyndi Lauper đã cùng chứng kiến Tổng thống Biden ký ban hành dự luật này.
Cảnh báo về mối đe dọa đối với tự do tôn giáo
Một số người nói rằng luật mới này sẽ gây nguy hiểm cho quyền tự do tôn giáo.
“Điều đó sẽ mang đến cho chính phủ liên bang có quyền lực mới mở rộng hơn để có thể truy đuổi các tổ chức tôn giáo và những người có đức tin vẫn giữ quan điểm rằng hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người phụ nữ,” ông Matt Sharp, cố vấn cao cấp của Alliance Defending Freedom (Liên minh Bảo vệ Tự do), nói với NTD. “Quý vị có thể thấy điều này diễn ra với một nhà cung cấp dịch vụ nhận con nuôi dựa trên đức tin tin rằng trẻ thơ xứng đáng có một mái ấm gồm cha và mẹ kết hôn với nhau đang bị chính phủ trừng phạt vì niềm tin của mình.”
Các nhà phê bình nói rằng dự luật này cũng mở ra cơ hội cho các vụ kiện chống lại các nhóm có quan điểm truyền thống về hôn nhân.
Mặc dù luật này có một số biện pháp bảo vệ về mặt pháp lý, chẳng hạn như quy định mục sư không phải cử hành hôn lễ đồng giới, nhưng chính vị mục sư đó có thể bị buộc phải để cho một đôi đồng tính nam kết hôn tại nhà thờ của mình, bà Emma Waters, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Richard and Helen DeVos vì Cuộc sống, Tôn giáo, và Gia đình thuộc Heritage Foundation (Quỹ Di sản) nói với The Epoch Times.
Những mối lo ngại đó đã khiến một số nghị sĩ Đảng Cộng Hòa thay đổi phiếu bầu của họ vào lần bỏ phiếu thứ hai, vốn dành cho một phiên bản đã được Thượng viện sửa đổi, so với lần thông qua đầu tiên ở Hạ viện. Dân biểu Maria Elvira Salazar (Cộng Hòa-Florida), người đã bỏ phiếu chống cho phiên bản dự luật cuối cùng, nói rằng dự luật này không có “các biện pháp bảo vệ đầy đủ cho các nhà thờ và người Mỹ nào vốn giữ vững các đức tin tôn giáo một cách chân thành.”
Những người ủng hộ đạo luật cho biết đạo luật này có các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Các Thượng nghị sĩ Tammy Baldwin (Dân Chủ-Wisconsin), Susan Collins (Cộng Hòa-Maine), Rob Portman (Cộng Hòa-Ohio), Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona), và Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina) cho biết trong một tuyên bố chung, “Dự luật phù hợp với lương tri này mang lại tính vững chắc cho hàng triệu đôi yêu nhau trong hôn nhân đồng giới và khác chủng tộc, những người sẽ tiếp tục được hưởng các quyền tự do, quyền, và trách nhiệm dành cho tất cả các cuộc hôn nhân khác. Đồng thời, luật pháp của chúng ta hoàn toàn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo cũng như các đức tin đa dạng về hôn nhân.”
Bản tin có sự đóng góp của anh Jackson Elliott
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times