Tổng thống Biden đón tiếp Tổng thống Kenya khi Nga, Trung Quốc xâm nhập châu Phi
Tổng thống đang tìm cách tăng cường bang giao ở châu Phi trong bối cảnh tràn ngập mối đe dọa của các địch thủ.
Hôm 22/05, Tổng thống Joe Biden đón tiếp Tổng thống Kenya William Ruto tới Tòa Bạch Ốc trong chuyến thăm cấp quốc gia đầu tiên của một nhà lãnh đạo Phi Châu kể từ năm 2008.
Khi ông Ruto đến, hai vị tổng thống đã nhanh chóng chụp ảnh bên ngoài trước khi bước vào cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của cả hai nước.
Cuộc thảo luận bàn tròn sẽ tập trung vào việc hai quốc gia có thể hợp tác như thế nào về công nghệ và sáng kiến. Các chủ đề khác mà hai nhà lãnh đạo này dự kiến sẽ đề cập trong tuần này bao gồm giảm nợ, hòa bình, và an ninh toàn cầu.
Chuyến công du kéo dài bốn ngày của ông Ruto — bắt đầu hôm 21/05 tại Atlanta — diễn ra khi Kenya chuẩn bị lãnh đạo một sứ mệnh trợ giúp an ninh do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn nhằm chống lại cuộc chiến tranh băng đảng ở Haiti.
Hôm 22/05, bình luận về sứ mệnh an ninh, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Hoa Kỳ cũng “cam kết chắc chắn” trợ giúp Kenya trong những nỗ lực của nước này. Ông nói thêm rằng chính phủ cũng đánh giá cao “lập trường mạnh mẽ, có nguyên tắc, và nhất quán” của Kenya về chủ quyền của Ukraine trong bối cảnh nước này đang có chiến tranh với Nga.
Các mối đe dọa ngập tràn
Nhận xét của ông Sullivan ám chỉ một vấn đề mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ngày càng quan tâm: châu Phi đang tăng cường bang giao với Nga và Trung Quốc.
Với sự chú ý của các quan chức Hoa Kỳ chuyển hướng tới Ukraine và Trung Đông, cả Nga và Trung Quốc đều đã và đang bận rộn xâm nhập vào châu Phi, lợi dụng tình trạng bất ổn do sự lan rộng nhanh chóng của các nhóm khủng bố trên khắp lục địa này.
Chẳng hạn, chính quyền quân sự Niger đã chấm dứt các thỏa thuận an ninh với các đối tác Âu Châu và quay sang Nga vì mục đích đó. Quốc gia Phi Châu này là nước đứng thứ bảy trên thế giới về sản xuất uranium được sử dụng để tạo ra vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường trong khi mở rộng ảnh hưởng quân sự của mình trong khu vực này.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga ở châu Phi đã khiến Dân biểu Jimmy Panetta (Dân Chủ-California) lo lắng. Năm ngoái, ông đã tới châu Phi với tư cách là một thành viên của phái đoàn quốc hội.
Hồi tháng 12/2023, ông Panetta cho biết hầu hết các quốc gia sau đảo chính ở châu Phi đã quay lưng lại với Hoa Kỳ và châu Âu vì không có sự cam kết.
Tổng thống Biden đã hứa đến thăm châu Phi Cận Sahara hồi năm ngoái, nhưng chuyến đi chưa bao giờ thành hiện thực.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke, Darren Taylor, và The Associated Press
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times