Tối cao Pháp viện sẽ xét xử kháng cáo về quyền miễn trừ tổng thống của cựu TT Trump
Việc biện hộ về quyền miễn trừ của tổng thống đã khiến vụ án bị trì hoãn gần ba tháng và sẽ bỏ lỡ ngày xét xử dự kiến ban đầu 04/03.
Tối cao Pháp viện đã ban lệnh xét lại khiếu nại của cựu Tổng thống Donald Trump về quyền miễn trừ tổng thống trong vụ án hình sự liên bang buộc tội ông về các hành động trong ngày 06/01/2021.
Việc biện hộ về quyền miễn trừ của tổng thống đã khiến vụ án trên bị trì hoãn gần ba tháng và sẽ bỏ lỡ ngày xét xử dự kiến ban đầu 04/03.
Quyết định của tòa án cấp cao này tự động ngăn cản các tòa án cấp dưới tiếp tục xét xử vụ án.
Tối cao Pháp viện cũng chấp nhận yêu cầu của biện lý đặc biệt Jack Smith rằng đơn xin trì hoãn vụ án của cựu Tổng thống Trump được coi là đơn kiến nghị cần xem xét lại.
Lệnh của tòa án này cho biết: “Vụ án sẽ được đưa ra tranh luận bằng miệng trong tuần [bắt đầu từ] ngày 22/04.”
Các bên đã được lệnh chỉ giới hạn tranh luận trong phạm vi vấn đề: “Liệu một cựu Tổng thống có được hưởng quyền miễn trừ của tổng thống khỏi việc bị truy tố hình sự đối với hành vi bị cáo buộc liên quan đến các hành động theo thẩm quyền trong nhiệm kỳ của ông ấy hay không, và nếu có thì ở mức độ nào.”
Khung tranh luận của Tối cao Pháp viện kết hợp nhiều vấn đề khác nhau mà cựu tổng thống và biện lý đặc biệt đã trình bày trước tòa án này.
Phía công tố viên lập luận rằng các tổng thống không được hưởng quyền miễn trừ truy tố hình sự, trong khi phía luật sư bào chữa thì lập luận rằng các hành động theo thẩm quyền của một tổng thống trong nhiệm kỳ của ông được bảo vệ bởi quyền miễn trừ của tổng thống.
Mốc thời gian
Năm ngoái (2023), cựu Tổng thống Trump ban đầu đã đệ trình một kiến nghị bác bỏ vụ án dựa trên quyền miễn trừ của tổng thống.
Hồi tháng 12/2023, khi Thẩm phán Tòa án Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan bác bỏ kiến nghị này, bên luật sư bào chữa đã đưa vụ việc lên tòa phúc thẩm, khiến lịch trình tiền xét xử trước đó bị trì hoãn.
Hôm 06/02, một hội đồng của tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ lời bào chữa trên, và theo một lệnh bất thường đã hoãn án lệnh của mình với điều kiện cựu Tổng thống Trump sẽ đưa vụ việc của mình lên Tối cao Pháp viện trước ngày 12/02.
Thông thường, những người kháng cáo sẽ được phép yêu cầu xét xử lại với toàn bộ quan tòa của tòa phúc thẩm, việc này có thể kéo dài quá trình xét xử thêm vài tháng nữa. Hội đồng tòa phúc thẩm đã ra lệnh rõ ràng rằng đơn yêu cầu xét xử lại sẽ không được làm trì hoãn vụ án.
Khi đó, các luật sư của cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu Tối cao Pháp viện hoãn lại tất cả các thủ tục tố tụng của tòa cấp dưới trong một đơn kiến nghị gửi lên Chánh án, và phía công tố viên đã phản hồi bằng cách yêu cầu Tối cao Pháp viện bác bỏ thỉnh cầu trì hoãn vụ án.
Phía công tố viên lập luận rằng Pháp viện khó có thể ban lệnh xét lại vụ án, vì năm ngoái họ đã từ chối tiếp nhận chính vụ án này khi vị biện lý đặc biệt đệ đơn lên Tối cao Pháp viện hồi tháng 12/2023 sau khi có đơn kháng cáo của cựu Tổng thống Trump.
Họ cũng yêu cầu Pháp viện lên lịch xét xử vào tháng Ba nếu tòa án này ban lệnh xem xét lại vụ án, hoặc xem xét các quyết định của tòa án cấp dưới.
Tối cao Pháp viện đã bác bỏ đơn yêu cầu trì hoãn và coi là hành động vô nghĩa vì việc ban lệnh xem xét lại vụ án trên thực tế sẽ ngăn chặn các thủ tục tố tụng của tòa án cấp dưới.
“Không cần xét đến bản chất đúng sai, Tòa án này chỉ thị cho Tòa phúc thẩm tiếp tục hoãn án lệnh đó cho đến khi Tòa án này ra phán quyết,” lệnh mới viết.
Bản tóm tắt của cựu Tổng thống Trump và bất kỳ bản tóm tắt thân hữu của tòa án (amicus curiae) nào cần phải được đệ trình trước ngày 19/03, và các công tố viên phải trả lời trước thời hạn là ngày 08/04. Sau đó, cựu Tổng thống Trump có thể đệ trình một bản tóm tắt phúc đáp trước ngày 15/04, và tòa sẽ lắng nghe các tranh luận vào tuần [bắt đầu từ] ngày 22/04. Ngày cụ thể cho phiên điều trần xét xử chưa được ấn định.
Đây là vụ án thứ hai cựu Tổng thống Trump đưa ra trước Tối cao Pháp viện trong năm nay. Tòa án cấp cao này cũng sẽ ra phán quyết về việc liệu cựu Tổng thống Trump có đủ tư cách xuất hiện trên lá phiếu hay không sau khi Tòa án Tối cao Colorado ra phán quyết rằng ông không đủ tư cách theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14, tuyên bố vụ xâm phạm Tòa nhà Quốc hội ngày 06/01/2021 là một “cuộc nổi dậy.”
Quyền miễn trừ của tổng thống
Khái niệm về quyền miễn trừ của tổng thống đã được Tối cao Pháp viện định rõ trong một vụ kiện năm 1982, trong đó một nhà thầu quân sự bị sa thải đã kiện cựu Tổng thống Richard Nixon với cáo buộc việc sa thải này là do các chính sách của vị tổng thống này.
Pháp viện phán quyết quyền miễn trừ khỏi vụ kiện dân sự của một tổng thống là “tuyệt đối” và quyền miễn trừ này mở rộng đến “chu vi bên ngoài” văn phòng của ông.
Các luật sư của cựu Tổng thống Trump lập luận rằng những hành động của ông trong ngày 06/01 là một phần nhiệm vụ theo thẩm quyền của ông với tư cách là tổng thống, đề cập đến việc từ trước đến nay ông luôn coi trọng tính liêm chính trong bầu cử.
Phía công tố viên cho rằng cựu Tổng thống Trump không có quyền miễn trừ trong vụ án này vì đây là một vụ án hình sự.
Tối cao Pháp viện chưa bao giờ đề cập đến việc liệu các tổng thống có được miễn trừ truy tố hình sự hay không, khiến vấn đề này chưa được kiểm chứng về mặt pháp lý.
Các luật sư của cựu Tổng thống Trump nói rằng việc truy tố hình sự các tổng thống theo cách này sẽ chỉ dẫn đến sự trả thù mang tính đảng phái của các chính phủ đối lập và khiến các cựu tổng thống bị truy tố vì các hành động theo thẩm quyền.
Họ lập luận trong hồ sơ tòa án rằng việc truy tố hình sự chưa bao giờ được tiến hành đối với các tổng thống dù là đương nhiệm hay không còn đương nhiệm vì việc này được hiểu là nhằm “làm suy yếu” chức vụ này giống như một vụ kiện dân sự sẽ gây ra. Họ nói thêm rằng tòa án này đã nói rằng cách cải chính thích hợp sẽ là thông qua đàn hặc.
Trong khi đó, phía công tố viên lập luận rằng chưa có vụ truy tố hình sự nào từng được đưa ra đối với các tổng thống khác vì sự kiện ngày 06/01 là chỉ có một, nhưng người ta đã có thể đưa một vụ kiện đối với Tổng thống Nixon, người [sau đó] đã được ân xá.
Cựu Tổng thống Trump tuyên bố rằng nếu không có quyền miễn trừ của tổng thống, thì chức vụ này như chúng ta biết sẽ “không còn tồn tại nữa.”
“Nếu không có Quyền miễn trừ của Tổng thống, thì một Tổng thống sẽ không thể hoạt động bình thường, hoặc đưa ra các quyết định, vì lợi ích tốt nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,” ông nói sau thông cáo của Tối cao Pháp viện. “Các tổng thống sẽ luôn lo ngại, thậm chí không hoạt động bình thường được, trước viễn cảnh bị truy tố oan và trả thù sai trái sau khi họ rời nhiệm sở. Điều này thực sự có thể dẫn đến việc bức cung và tống tiền một Tổng thống.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times