Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ nỗ lực của tiểu bang Alabama về việc sử dụng bản đồ Quốc hội
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ nỗ lực thứ hai của Đảng Cộng Hòa ở Alabama để sử dụng một bản đồ quốc hội bao gồm một địa hạt bầu cử Quốc hội có đa số người Mỹ gốc Phi Châu
Hôm thứ Ba (26/09), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã từ chối một yêu cầu của Đảng Cộng Hòa ở Alabama về việc sử dụng một bản đồ Quốc hội bao gồm một địa hạt bầu cử Quốc hội có đa số người Mỹ gốc Phi Châu.
Phán quyết một chiều của Pháp viện hôm thứ Ba vẫn giữ phán quyết ngày 05/09 của hội đồng ba thẩm phán liên bang ở Birmingham, Alabama, cho biết bản đồ, vốn đã được cơ quan lập pháp do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo của tiểu bang phê chuẩn để phân định ranh giới của bảy địa hạt bầu cử Hạ viện của Alabama, là có thành kiến bất hợp pháp đối với cử tri Mỹ gốc Phi Châu và phải được vẽ lại.
Hồi đầu năm nay, bản đồ mới này đã được đưa ra trong hai phán quyết khác nhau của tòa án cấp dưới, trong đó các thẩm phán cho rằng cần có thêm một địa hạt bầu cử dành cho cử tri Mỹ gốc Phi Châu thiểu số, phù hợp với phán quyết hồi tháng Sáu của Tối cao Pháp viện.
Trước khi bản đồ này được đưa lên Tối cao Pháp viện lần thứ hai, hội đồng ba thẩm phán ở Birmingham viết: “Chúng tôi vô cùng lo ngại khi Tiểu bang ban hành một bản đồ mà Tiểu bang sẵn sàng thừa nhận là không cung cấp biện pháp khắc phục mà chúng tôi cho rằng luật liên bang yêu cầu.”
Các thẩm phán nói thêm rằng họ “không biết có bất kỳ vụ kiện nào khác mà một cơ quan lập pháp của tiểu bang … phản ứng bằng một kế hoạch mà tiểu bang đó thừa nhận không cung cấp biện pháp khắc phục cho địa hạt bầu cử đó.”
Các thẩm phán viết rằng (pdf) một biện lý đặc biệt bây giờ phải được chỉ định để tạo ra một “bản đồ khắc phục hậu quả để bảo đảm rằng một kế hoạch có thể được thực hiện như một phần của một tiến trình có trật tự trước cuộc bầu cử, trong đó Tiểu bang được trao một cơ hội để tạo ra một bản đồ tuân theo phán quyết, nhưng đã không được thực hiện.”
Điều đó đã khiến Tổng Chưởng lý Alabama Steve Marshall đưa ra tuyên bố. Hồi đầu tháng này, ông cho biết tiểu bang của ông sẽ kháng cáo lệnh này.
Hôm 05/09, văn phòng vị tổng chưởng lý Đảng Cộng Hòa này cho biết rằng “mặc dù chúng tôi thất vọng về phán quyết ngày hôm nay, nhưng chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng bản đồ của Cơ quan lập pháp tuân thủ Đạo luật về Quyền Bầu cử và phán quyết gần đây của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Chúng tôi dự định sẽ nhanh chóng yêu cầu xem xét lại từ Tối cao Pháp viện để bảo đảm rằng Tiểu bang có thể sử dụng các địa hạt bầu Quốc hội hợp pháp của mình vào năm 2024 và hơn thế nữa.”
Nhưng hôm thứ Ba, Tối cao Pháp viện đã hồi đáp bằng cách ban hành một lệnh không có chữ ký: “Đơn đề nghị tạm hoãn được trình lên Thẩm phán Thomas và được ông chuyển lên Pháp viện đã bị từ chối.” Tối cao Pháp viện đã không đưa ra lý do bằng văn bản nào cho phán quyết của họ.
Sau hành động của Tối cao Pháp viện hôm thứ Ba, ông Marshall vẫn chưa đưa ra bình luận nào trước công chúng.
Phán quyết trước
Hồi tháng Sáu, trong phán quyết với tỷ lệ 5 phiếu thuận – 4 phiếu chống, Tối cao Pháp viện đã khẳng định lệnh của tòa án cấp dưới yêu cầu tiểu bang vẽ lại bản đồ Quốc hội của mình để tính cả địa hạt bầu cử Quốc hội thứ hai có đa số cử tri Mỹ gốc Phi Châu. Nhiều tuần sau, các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa ở Alabama đã thông qua một bản đồ Quốc hội mới vẫn chỉ có một địa hạt có đa số cử tri Mỹ gốc Phi Châu, tuyên bố rằng bản đồ của họ đã vi phạm một phần Đạo luật về Quyền bầu cử.
Trong bản kiến nghị thứ hai gửi lên Tối cao Pháp viện, Tổng Chưởng lý Alabama lập luận rằng bản đồ Quốc hội mới giữ nguyên các cộng đồng và hợp nhất cái gọi là “Vành đai đen” trong tiểu bang.
“Kế hoạch năm 2023 bắt nguồn từ các ranh giới địa hạt hiện tại để hợp nhất Vành đai Đen, phân chia số ranh giới quận tối thiểu cần thiết để cân bằng dân số giữa các địa hạt và làm cho bản đồ trở nên chặt chẽ hơn nhiều thông qua những thay đổi đối với từng địa hạt,” ông Marshall, một thành viên Đảng Cộng Hòa, viết trong đơn đệ trình của mình.
Tòa án cấp dưới vốn đã bác bỏ bản đồ của họ một lần nữa đã phạm sai sót trong việc quy định cho địa hạt thứ hai. Ông nói: “Tòa án đã hủy bỏ quyền quyết định của Tiểu bang trong việc áp dụng các nguyên tắc tái phân chia địa hạt bầu cử truyền thống vào năm 2023, bằng cách rõ ràng từ chối trì hoãn những nguyên tắc đó khi những nguyên tắc này không mang lại kết quả ‘đúng đắn’ về chủng tộc.”
Cử tri Mỹ gốc Phi Châu chiếm 27% dân số Alabama nhưng chiếm đa số chỉ ở một trong bảy địa hạt bầu cử Hạ viện được cơ quan lập pháp tiểu bang vẽ ra trong cả hai bản đồ mà cơ quan này đã phê chuẩn kể từ cuộc điều tra dân số năm 2020.
Các khu vực bầu cử được vẽ lại mỗi thập niên để phản ánh những thay đổi về dân số học được đo lường bằng một cuộc điều tra dân số quốc gia. Ở hầu hết các tiểu bang, đảng cầm quyền thực hiện việc tái phân chia địa hạt bầu cử này, mà điều này có thể dẫn đến việc thao túng bản đồ cho mục đích đảng phái. Các vụ kiện tụng về quyền bầu cử có thể dẫn đến việc thiết lập các bản đồ mới cho các địa hạt bầu cử Quốc hội đang diễn ra ở một số tiểu bang.
Phán quyết hồi tháng Sáu của Tối cao Pháp viện do Chánh án John Roberts đưa ra và có sự tham gia đầy đủ của các thẩm phán do Đảng Dân Chủ bổ nhiệm gồm Thẩm phán Sonia Sotomayor, Thẩm phán Elena Kagan, và Thẩm phán Ketanji Brown Jackson. Thẩm phán Brett Kavanaugh, người được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, tham gia phán quyết này với một quan điểm riêng.
Cơ quan lập pháp do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã đưa ra một bản đồ mới sau phán quyết của Tối cao Pháp viện hồi đầu năm nay. Theo nhiều bản tin, Hạ viện và Thượng viện Alabama đều thông qua bản đồ mới này với đa số phiếu đáng kể.
Bản đồ này sau đó đã được Thống đốc tiểu bang Alabama Kay Ivey, một thành viên Đảng Cộng Hòa, ký thành luật hồi tháng Bảy.
“Theo lệnh của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, tôi đã triệu tập một phiên họp đặc biệt của Cơ quan lập pháp Alabama để thiết lập lại bản đồ Quốc hội của chúng tôi,” bà Ivey nói hồi tháng Bảy sau khi ký tên vào bản đồ. “Cơ quan lập pháp hiểu rõ tiểu bang, người dân, và các địa hạt bầu cử của chúng tôi hơn các tòa án liên bang hoặc các nhóm hoạt động, và tôi rất vui vì họ đã đáp lại lời kêu gọi, vẫn tập trung và thành lập các địa hạt mới trước thời hạn của tòa án.”