Tối cao Pháp viện bác bỏ đơn kiện của ông Gohmert về việc kiểm phiếu đại cử tri
Tối cao Pháp viện đã tóm tắt bác bỏ đơn kiện khẩn cấp của một nghị sỹ Đảng Cộng Hòa mà nếu được chấp thuận kịp thời, có thể đã cho phép Phó Tổng thống Mike Pence bác bỏ phiếu bầu của Đại cử tri đoàn từ các tiểu bang mà các đảng viên Đảng Cộng Hòa đang tranh tụng, từ đó có thể trao cho Tổng thống Donald Trump một nhiệm kỳ thứ hai.
Quyết định chưa được ký của Tối cao Pháp viện về vụ ông Gohmert kiện PTT Pence, hồ sơ tòa án số 20A115, đã được công bố vào khoảng 1 giờ chiều hôm 07/01, [tức là] chín giờ sau khi Quốc hội chính thức chứng nhận ứng cử viên Đảng Dân Chủ Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Việc chứng nhận này diễn ra sau khi các quy trình của Quốc hội đã bị tạm dừng trong nhiều giờ khi những người biểu tình mang cờ của chiến dịch tranh cử của TT Trump và các vật dụng đã xông vào Điện Capitol Hoa Kỳ, phá hủy tài sản và đụng độ với cảnh sát.
Luật sư Sidney Powell, luật sư đại diện cho Dân biểu Louie Gohmert (Cộng Hòa-Texas), đã nói với The Epoch Times rằng bà không hài lòng với phán quyết trên, đồng thời mô tả điều này trong một email là “cực kỳ gây thất vọng và đáng lo ngại cho tương lai của nền Cộng hòa.”
Đơn kiện nói trên đã được gửi đến Thẩm phán Samuel Alito, người đã chuyển nó lên toàn bộ Tối cao Pháp viện, sau đó đến lượt mình, các thẩm phán ở đây đã bác bỏ nó. Theo thông lệ thông thường thì khi bác các đơn kiện khẩn cấp, Tối cao Pháp viện sẽ không đưa ra lời giải thích nào về quyết định của họ. Không có thẩm phán nào biểu thị rằng họ không đồng ý với phán quyết này.
Đơn kháng cáo khẩn cấp này đã được đệ trình lên Tối cao Pháp viện vào chiều hôm 06/01 khi Quốc hội đang xem xét các phản đối từ các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đối với các phiếu bầu của Đại cử tri đoàn thuộc các tiểu bang mà TT Trump tuyên bố là đã có những biểu hiện bất thường về bầu cử đủ nghiêm trọng để làm hỏng các kết quả bầu cử.
Đơn kiện này của Dân biểu Gohmert đã trải qua một chặng đường dài trong hệ thống tư pháp. Nó đã bị một thẩm phán của Tòa án Quận Hoa Kỳ bác bỏ và sau đó đơn kháng cáo được Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 5 xem xét lại.
Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri (ECA) năm 1887 đã chuyển phần lớn trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về phiếu bầu đại cử tri tổng thống cho các tiểu bang. Nếu một tiểu bang tuân theo các tiêu chuẩn về “bến cảng an toàn” của đạo luật này và thống đốc của tiểu bang đó đệ trình đầy đủ một nhóm phiếu đại cử tri, thì luật này quy định rằng quyết định “cuối cùng” sẽ thắng thế. Quốc hội chỉ có khả năng từ chối các phiếu đại cử tri do có những khiếm khuyết cụ thể hoặc nếu các phiếu bầu đó bị coi là không được “bầu chọn một cách thông thường.”
Theo Tu chính án thứ 12, Phó Tổng thống với tư cách là Chủ tọa của Thượng viện sẽ mở các giấy chứng nhận phiếu bầu đại cử tri của các tiểu bang và chủ trì việc kiểm đếm.
PTT Pence đã nói rõ trong một bức thư được công bố ngay trước khi diễn ra Phiên họp chung của Quốc hội rằng ông không tin là mình có “quyền đơn phương” để bác bỏ các phiếu đại cử tri.
Lưỡng viện của Quốc hội đều có thể phủ nhận quyết định của phó tổng thống về việc tính vào hay loại trừ các phiếu bầu, tuy nhiên, ông Gohmert và các Nguyên đơn khác đã lập luận rằng Đạo luật Kiểm phiếu đại cử tri đã bó buộc quyền của Phó Tổng thống một cách vi hiến, người được quyền tùy ý bác bỏ các phiếu đại cử tri.
Đơn kiện pháp lý trên đã nêu rõ rằng việc kiểm đếm phiếu đại cử tri trong Quốc hội sau cuộc bầu cử tổng thống thường ít được quan tâm, nhưng lần này, “đất nước của chúng ta đang đứng trước ngã ba của một cuộc khủng hoảng Hiến pháp đầy hỗn loạn và bất ổn được đưa đến bởi một loại dịch bệnh lây lan, bởi sự can thiệp từ các thế lực trong và ngoài nước chống lại nền dân chủ, và bởi các biện pháp bỏ phiếu được các tiểu bang ban hành một cách vội vã với lý do trên bề mặt là để bảo vệ các cử tri khỏi nhiễm phải dịch bệnh.”
“Niềm tin của người dân Hoa Kỳ vào tính liêm chính của hệ thống bầu cử và các cơ cấu chính phủ của họ đang bị đe dọa—chứ chưa nói đến các kết quả của bản thân cuộc bầu cử này,” đơn kiện này nêu rõ.
Matthew Vadum
Nguyệt Minh biên dịch
Xem thêm: