Tốc độ của âm thanh và nền văn minh
Những suy ngẫm của nghệ sĩ violon Lý Phàm về Âm nhạc Thời kỳ đầu, về nhịp sống hiện đại, và sự phục hưng văn hóa truyền thống
Cô Lý Phàm (Li Fan), một chuyên gia về âm nhạc baroque và Âm nhạc Thời kỳ đầu [âm nhạc Âu Châu từ thời kỳ Trung cổ, thời kỳ Phục Hưng], gần đây đã quay trở lại chơi đàn violin hiện đại. Đó là cả một sự điều chỉnh lớn so những gì cô dự tính, đặc biệt là khi nghiệp vĩ cầm của cô rất thành công trước khi đến với nhạc cổ. Trải nghiệm này đã thôi thúc cô suy ngẫm nhiều điều về sự thay đổi của tốc độ trong âm nhạc, văn hóa, và cuộc sống trong suốt quá trình của lịch sử.
“Chúng ta có thể thấy được quá trình phát triển của nền văn minh thông qua sự thay đổi của những loại nhạc cụ,” cô chia sẻ.
Trong một cuộc phỏng vấn, cô Lý đã nói về quá trình phát triển của đàn violin từ tổ tiên của nó là fiddle cho đến cây đàn violin hiện đại (cây đàn của cô do người thợ đương đại Jörg Wunderlich chế tác), một tiến trình tương ứng với những thay đổi cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa. Trong vài năm qua, sự nghiệp của cô đã thực sự viên mãn, tính nghệ thuật trong cô đã trở nên sâu sắc hơn nhờ những kiến giải mới về truyền thống và đức tin.
Độ nén của thời gian
Có một chút ẩn ý khi điều chỉnh tần số đến 432 hertz, như thể đó là một con số kỳ diệu. Hertz là một đơn vị đo tần số — là số lượng của các chu kỳ trong một giây — và con số này càng lớn, thì âm vực càng cao.
Trong thời đại của các nhà soạn nhạc như Haydn, Mozart và Beethoven, khi âm nhạc đạt đến vị trí mà nhiều người đều xem đó là đỉnh cao, những nhạc cụ khi ấy đều được chỉnh đến tần số 432 hertz. Đó chính là Kỷ Nguyên Khai Sáng, một thời đại của những tiến bộ và khám phá, và nhịp điệu của mọi thứ đã thay đổi. Những chiếc đàn piano mà nhà soạn nhạc Beethoven sử dụng vào giai đoạn cuối sự nghiệp đã khác biệt hoàn toàn so với những chiếc mà ông từng chơi khi còn bé.
Đối với cô Lý, sự thay đổi trong việc điều chỉnh tần số không chỉ đơn giản là một vấn đề thị hiếu. Điều đó liên quan với nhịp sống xã hội nói chung.
Âm nhạc Baroque (của nhà soạn nhạc Bach và Handel) thường được điều chỉnh đến tần số 415 Hertz, và nhạc cổ điển (của nhà soạn Haydn và Mozart) thì có tần số đâu đó trong khoảng 427 đến 432 hertz. Thời nay, nhiều dàn nhạc giao hưởng ở Mỹ điều chỉnh đến 440 hertz, mặc dù cũng có một số dàn nhạc đã điều chỉnh tần số lên 442 hoặc 444 hertz.
Để tìm hiểu về giai đoạn ban đầu của lịch sử âm nhạc phương Tây, người ta thường bắt đầu với những bài thánh ca Gregorian của những tu viện thời trung cổ.
“Âm nhạc thời trung cổ rất chậm rãi, vô cùng chậm rãi.” Nếu bạn mới bắt đầu nghe dòng nhạc này, bạn thậm chí có thể tự nhủ tại sao loại nhạc này chậm đến như vậy, cô nói. “Tuy nhiên có rất nhiều hàm nghĩa bên trong đó”.
“Loại âm nhạc này gợi cho tôi nhớ đến một bài thơ; có thể ngắn gọn, nhưng hàm chứa bên trong rất nhiều tầng nghĩa,” cô Lý nói. Là một người gốc Trung Quốc, cô Lý đề cập đến những bài thơ đời Đường và các tác phẩm của những nhà hiền triết cổ đại. Chỉ với năm từ, họ đã biểu đạt được những điều cần phải dùng đến hàng trăm từ thời hiện đại mới có thể diễn tả hết ý nghĩa của câu thơ ấy.
Văn hóa cổ xưa tràn đầy những thành ngữ và lời minh triết.
Nhịp điệu của nhạc thời kỳ đầu cần phải phù hợp với người thời xưa, những người có “trái tim thanh tĩnh hơn để nghe nhạc,” thứ âm nhạc có thể bị xem là chậm chạp đối với người hiện đại với lối sống bận rộn. Tuy nhiên, nếu bạn để trái tim và tâm trí lắng đọng, thanh tỉnh và chú tâm, thì bạn sẽ thấy trân trọng giá trị đạo đức và hàm nghĩa của loại âm nhạc cổ xưa này, cô nói.
Trong suốt thời kỳ trung cổ, đàn vĩ cầm fiddle (cũng còn được gọi là vielle) rất thịnh hành. Giống như nhạc cụ viol ở cuối thế kỷ 15, loại đàn này không phải là một nhạc cụ đơn lẻ mà thuộc cùng một họ với các loại nhạc cụ có dây cung và phím đàn. Những cây đàn này có thể trông rất giống như violin, hoặc đôi khi có hình dáng hoàn toàn khác biệt, thậm chí là hình hộp hoặc giống một ngôi sao. Trong nhiều bức tranh thời Phục Hưng, bạn có thể bắt gặp hình ảnh những thiên thần mang theo những nhạc cụ trông giống như đàn violin.
“Chiếc đàn phẳng cả ở hai mặt; không có phần eo cong như violin,” cô Lý giải thích về sự khác biệt chủ yếu giữa hai loại đàn này. “Có rất nhiều loại đàn và kiểu dáng khác nhau, và bạn có thể bắt gặp nhiều loại khác nhau trong các tác phẩm hội họa hoặc trong các bảo tàng.”
Đàn violin baroque được tiêu chuẩn hóa nhiều hơn so với đàn vĩ cầm fiddle, nhưng vẫn rộng và phẳng hơn so với đàn violin như chúng ta biết. Cả hai loại nhạc cụ cổ xưa này đều sử dụng dây làm từ ruột động vật, không phải dây kim loại mà thính giả ngày nay thường thấy. Do đó, các phiên bản đàn cổ xưa hơn không tạo ra âm thanh lớn và vang xa như các cây đàn hiện nay.
“Và cách chơi nhạc cũng khác hẳn,” cô Lý nói. “Họ chơi nhạc tự nhiên và ấm áp hơn. Sân khấu của buổi hòa nhạc cũng nhỏ hơn. Còn hiện nay bạn cần âm lượng và nhiều thứ khác nữa, như là việc hiệu chỉnh âm thanh — tần số 415 hertz không còn đủ nữa. Hiện nay chúng ta cần âm thanh mạnh mẽ hơn, lớn hơn, sáng hơn, và điêu luyện hơn.”
Phòng hòa nhạc đã trở nên lớn hơn, nhạc cụ được tạo ra có độ bền cao và độ vang tốt hơn, và từ thời kỳ cổ điển về sau, các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc ngày càng vượt trội hơn thế hệ đi trước về kỹ thuật và sự điêu luyện để làm thỏa lòng khán giả.
“Người ta khó lòng làm một điều gì đó đơn lẻ và chậm chạp. Với tư duy như vậy, chúng ta đã đánh mất một số chi tiết tinh mỹ hơn. Đi cùng với đó là độ nhạy cảm dần mất đi. Chúng ta cần tăng âm lượng, sức mạnh và tốc độ để kích thích khán giả,” cô Lý nói. “Tôi nghĩ điều này rất thú vị.”
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Sau một thập niên hoạt động nghệ thuật với vai trò nghệ sĩ violon trong dàn nhạc giao hưởng, ballet và opera nổi tiếng ở Trung Quốc, thu âm cho nhiều dự án đĩa CD, phát thanh, truyền hình, và phim ảnh, cô Lý đặt mục tiêu đi sang Đức. Mong muốn nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc, cô đã đến ngoại quốc. Trong vòng xoáy của định mệnh, cô Lý đã được làm quen với âm nhạc thời kỳ đầu và đón nhận thể loại nhạc này bằng cả tấm lòng.
“Cuộc gặp gỡ định mệnh ban đầu đã trở thành một sứ mệnh,” cô Lý nói
Đã ở tuổi 30, cô Lý đã khiến ban quản trị phải bối rối khi cô nộp đơn vào nhạc viện của Đức. Họ nói với cô rằng hầu hết các sinh viên nhập học của trường chỉ khoảng 17 tuổi và các em sẽ băn khoăn cô làm gì ở nơi này.
Cô Lý đã được nhận vào trường học, nhưng được thông báo là không có đủ giáo viên, vì vậy cô phải đợi một học kỳ trước khi bắt đầu các lớp đầu tiên. Cảm thấy nhớ nhà và mệt mỏi vì phải chờ đợi, cô quyết định tìm xem có lớp học nào khác mà cô có thể tham gia hay không.
“Điều đầu tiên họ hỏi chính là tuổi của tôi,” cô Lý nói. Cô đùa rằng có lẽ họ nghĩ cô đã già bởi vì họ khuyên cô nên học nhạc cổ. Cô đã được đưa đến khoa âm nhạc cổ, nơi mà cuối cùng cô cũng được thông báo rằng hãy quay lại vào tuần sau cùng với nhạc cụ của mình.
Khi cô Lý quay trở lại lớp học, cô đã được đưa đến một thế giới âm thanh hoàn toàn mới lạ.
Nghiên cứu về thời cổ xưa
“Nhạc cụ này đến với tôi, và tôi đón nhận nó, nghiên cứu về nó, thấu hiểu nó, tìm tòi lịch sử và hàm nghĩa của nó, và tôi trân quý vẻ đẹp của nó,” cô Lý chia sẻ. Cô không chỉ đi sâu vào nghiên cứu nhạc cổ, mà còn tìm hiểu về văn hóa và nghệ thuật thời trung cổ.
“Chúng rất gần gũi với Thượng Đế — tất cả các loại hình nghệ thuật đều là để ca ngợi Thượng Đế,” cô nói.
Trong quá trình học tại Đức, cô đã tham gia một số lớp thạc sĩ với những tên tuổi như Ton Koopman, nhạc trưởng và nhà âm nhạc học nổi tiếng; John Holloway, chuyên gia về đàn vĩ cầm baroque; Anton Steck, nghệ sĩ vĩ cầm và nhạc trưởng; Pedro Memmelsdorf, giám đốc âm nhạc kiêm chuyên gia về âm nhạc thời trung cổ.
Cô là một thành viên của dàn nhạc Paradiso ở Frankfurt và cộng tác với dàn nhạc La Stagione Frankfurt, Nhà Hát Free Dance ở Frankfurt, Nghệ sĩ Maurice van Lieshout, nhạc trưởng Michael Schneider, dàn nhạc hoàng gia Mannheim, và Dàn Nhạc Main Baroque.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại Học Âm Nhạc và Nghệ Thuật Biểu Diễn Frankfurt tại Đức, cô Lý đã tiếp tục trở thành nghiên cứu sinh về ngành diễn giải lịch sử với giáo sư Petra Müllejans, nghệ sĩ vĩ cầm, nhạc trưởng, và nhà sư phạm người Đức nổi tiếng với những đóng góp của bà trong lĩnh vực thực hành biểu diễn lịch sử, và cô Lý sau này đã trở thành phụ tá giảng dạy cho những lớp học thạc sĩ của vị giáo sư này.
Cô cũng đồng thời nghiên cứu về âm nhạc Phục Hưng và âm nhạc Trung Cổ tại trường Schola Cantorum Brabantiae với ông Maurice van Lieshout và bà Rebecca Steward.
Trong khoảng thời gian ở Âu Châu, cô Lý đã biểu diễn trong những dàn nhạc lớn nhỏ khác nhau, chơi cả nhạc cổ điển và nhạc mới ra mắt. Cô đã thu âm rất nhiều đĩa nhạc CD, trong đó có một tuyển tập các tác phẩm của nhà soạn nhạc Vivaldi cùng với dàn nhạc Capella Academia, và các bản nhạc hòa tấu của tác giả Telemann với Dàn Nhạc Giao hưởng La Stagione. Cô cũng xuất hiện trong các buổi biểu diễn được ghi hình trực tiếp, ví dụ như DVD năm 2009 của công ty Schauspiel Frankfurt Roter Ritter (Percival, Hiệp Sĩ Đỏ). Cô đã trở thành một thành viên sáng lập của nhóm nhạc Aquilla, La Pace, và Allegris Quartett, lưu diễn vòng quanh Âu Châu và Á Châu. Cô Lý đã được dàn nhạc giao hưởng New Frankfurt Philharmonic lựa chọn để biểu diễn cùng với những nghệ sĩ được công chúng ái mộ như Andrea Bocelli và ngôi sao David Garrett.
“Và rồi, quay lại với chiếc violin hiện đại — mọi thứ dường như diễn ra rất nhanh,” cô Lý nói
Phục hưng truyền thống
Thời gian gần đây, cô Lý đã đảm nhận một vị trí trong Đoàn Biểu Diễn Nghệ Thuật Shen Yun nổi tiếng toàn cầu. Cô yêu thích âm nhạc và sứ mệnh của công ty này. Là một người có đức tin, cô trân trọng thực tế rằng Shen Yun – công ty nghệ thuật có trụ sở tại New York này không hề né tránh đức tin và truyền thống.
“Đây là một dàn nhạc rất độc đáo,” cô Lý nói. Mặc dù các loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng của Shen Yun đều là hiện đại, và âm nhạc đều được sáng tác mới cho mỗi mùa lưu diễn, nhưng âm nhạc lại đậm tính truyền thống với âm hưởng của cả phương Đông và phương Tây – âm nhạc Trung Hoa cổ xưa được soạn cho dàn nhạc giao hưởng phương Tây.
“Chúng tôi nói về việc phục hưng truyền thống — đó không phải là một việc dễ dàng, và cũng không phải là điều mà bạn có thể nói một cách tùy tiện. Nhưng chúng tôi phải làm. Và chúng tôi đang làm — một cách toàn diện, hài hòa,” cô chia sẻ. “Đây là âm nhạc Trung Hoa, và âm nhạc này không chỉ dễ nghe, mà còn chứa đầy ý nghĩa sâu sắc. Âm nhạc đó đem đến cho bạn rất nhiều điều để suy ngẫm. Chuyện kể rằng. … Có những ý nghĩa ẩn sâu hơn và những điều thần thánh.”
Trong không gian này, cô Lý cảm tưởng rằng tất cả những trải nghiệm cô tích lũy được trong cuộc đời nay đã đơm hoa kết trái — những năm tháng chơi nhạc mà cô cảm thấy được gần gũi nhất với Thượng Đế, văn hóa truyền thống Trung Hoa đã bảo bọc cô trong quá trình trưởng thành. Khi đến với Shen Yun, cô cảm thấy đây chính là sứ mệnh của mình.
“‘Phục hưng văn hóa truyền thống,’ đây là điều tôi luôn nghĩ đến hiện nay, luôn ở trong tâm hồn tôi. Suốt nhiều năm trong sự nghiệp, tôi đã được sống với âm nhạc cổ, và quá trình trưởng thành của tôi thấm đượm văn hóa truyền thống,” cô Lý chia sẻ. “Tôi cảm thấy rằng mình có thể thật sự toàn tâm toàn ý tập trung vào sứ mệnh này”.
Vào thời điểm này trong sự nghiệp của cô Lý, âm nhạc thời kỳ đầu phù hợp tựa như đo ni đóng giày cho cô vậy — vừa vặn và thoải mái. Cô không cần phải quay lại với vĩ cầm hiện đại nữa, những cây đàn có dây kim loại và cây vĩ hiện đại là một thế giới âm thanh nằm ngoài vùng thoải mái của cô Lý. Nhưng sứ mệnh của Shen Yun đã làm cô Lý cảm động đến mức cô đã quay lại tập luyện vĩ cầm lần nữa để có thể đạt đến trình độ xuất sắc ở đẳng cấp thế giới theo yêu cầu đối với các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật này.
Trong những tháng đầu tiên đó, cô Lý cảm thấy giống như mình đang sinh tồn trong một chiếc nồi áp suất vậy. Tuy nhiên đó cũng chính là khoảng thời gian đem đến cho cô nhận thức hoàn toàn mới về đức tin, tâm linh, và cả nghệ thuật của mình.
“Tôi nghĩ rằng mình đã có đức tin trước đó — nhưng đến bây giờ điều đó mới thực sự mạnh mẽ,” cô Lý chia sẻ.
Kim cương được tạo ra từ áp lực
Nhờ gặp được Shen Yun, cô Lý cũng đã gặt hái được những điều hoàn toàn mới mẻ về đức tin.
Rất nhiều nghệ sĩ của Shen Yun đều thực hành Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, vì các nghệ sĩ sáng lập đã tạo dựng công ty dựa trên nền tảng văn hóa chân, thiện, và nhẫn – ba nguyên lý chính của môn này. Đó là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân và bao gồm năm bài tập thiền định, trong đó có một bài tọa thiền.
Vì thế khi cô Lý gặp các thành viên của Shen Yun lần đầu tiên, ý tưởng rằng cô sẽ theo học môn tu luyện tinh thần này đã được gieo mầm. Thực tế, chồng của cô Lý cũng là học viên Pháp Luân Công, tuy nhiên trong hơn một thập niên hôn nhân, cô Lý không hề cảm thấy có hứng thú với môn này. Đức tin của chồng là vấn đề cá nhân của anh ấy.
“Trong một hoặc hai năm đầu tiên, tôi đã không làm bất kỳ điều gì ngoại trừ luyện tập. Tuy nhiên, tôi nhớ vào một ngày nọ, tôi đã đến sớm, và trước khi bắt đầu luyện tập, tôi đã quyết định việc đầu tiên là thiền định,” cô Lý nói
“Cuối cùng, tôi đã có được một chút bình yên. Và vì lý do nào đó, nước mắt của tôi tuôn rơi,” cô Lý nói. Đó là một bước ngoặc đối với quyết tâm của cô Lý — về sứ mệnh, và đức tin của cô. Và khi cô quyết định sống cuộc đời của mình theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, cô đã đạt được những kiến giải sâu sắc hơn về nghệ thuật cũng như âm nhạc.
“Shen Yun khơi dậy thiện niệm nơi nhân loại. Shen Yun nhắc nhở chúng ta về những điều cao cả hơn, thế nào là thiện thực sự và nhẫn thực sự,” cô Lý nói. “Vẻ đẹp đích thực và thiện lương đích thực lay động cả trái tim và tâm trí.”
Sau một buổi trình diễn ở Tây Ban Nha, cô Lý nhớ đến những bình luận từ một nữ khán giả lớn tuổi, người đã đến thưởng lãm buổi diễn cùng với con gái của bà. Chồng của người phụ nữ này cũng là một nhạc sĩ, bà đã cảm động sâu sắc bởi âm nhạc của buổi biểu diễn và đã hứng khởi nói với cô Lý về trải nghiệm tinh thần của họ.
“Điều này giống như chúng tôi trao cho nhân loại một phương hướng” — các khán giả sẽ nói một vài điều tương tự như vậy. Họ cảm thấy như họ đã đắc được một điều gì đó còn vĩ đại hơn là sự tận hưởng về mặt giác quan, một điều gì đó rất tích cực đối với tinh thần của họ, rằng thông qua việc tu dưỡng tâm tính của mình, người ta sẽ có được tương lai tốt đẹp hơn,” cô Lý chia sẻ. “Tất nhiên, tôi đã từng thấy nhiều khán giả cảm động trước đây — nhưng không giống như lần này.”
Cô Lý tin rằng nghệ thuật Shen Yun mang đến cho khán giả những điều tốt đẹp nhất, không chỉ vì các kỹ năng mà mỗi thành viên sở hữu, mà còn vì tinh thần mà họ truyền tải cho từng khán giả. Văn hóa truyền thống là văn hóa được thần truyền cho con người, và “những gì chúng tôi đem đến cho mọi người là từ thiên thượng, và đấy là lý do vì sao là tốt đẹp nhất,” cô nói.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times