Tòa phúc thẩm phán quyết cựu TT Trump không có quyền miễn trừ trong vụ kiện ngày 06/01
Các thẩm phán phán quyết rằng quyền miễn trừ bảo vệ một tổng thống không còn áp dụng cho “công dân Trump.” Một phát ngôn viên cho biết cựu TT Trump dự định kháng cáo phán quyết này.
Hôm 06/02, Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực Hoa Thịnh Đốn đã ra phán quyết rằng cựu Tổng thống (TT) Donald Trump không được miễn trừ truy tố về hành vi mà Bộ Tư pháp (DOJ) đã đưa vào bản cáo trạng liên quan đến các sự kiện ngày 06/01/2021.
Phán quyết này viết, “Chúng tôi đã cân bằng lợi ích được khẳng định của Tổng thống Trump trong quyền miễn trừ hành pháp với các lợi ích công cộng quan trọng ủng hộ việc cho phép tiến hành cuộc truy tố này.”
“Chúng tôi kết luận rằng ‘những lo ngại về chính sách công, đặc biệt là khi được lịch sử và cấu trúc chính phủ của chúng ta soi sáng’ buộc chúng tôi phải bác bỏ yêu cầu quyền miễn trừ của ông ấy trong vụ kiện này,” các thẩm phán nói thêm, trích dẫn các tiền lệ.
Kháng cáo này đã được các Thẩm phán Karen Henderson, Michelle Childs, và Florence Pan xét xử. Phán quyết này đã được đồng thuận.
“Vì mục đích của vụ án hình sự này, cựu Tổng thống Trump đã trở thành công dân Trump, với tất cả quyền biện hộ của bất kỳ bị cáo hình sự nào khác,” các thẩm phán viết. “Tuy nhiên, bất kỳ quyền miễn trừ hành pháp nào có thể đã bảo vệ ông ấy khi ông ấy còn là Tổng thống đều không còn bảo vệ ông ấy trước cuộc truy tố này nữa.”
Tối cao Pháp viện đã nhiều lần duy trì quyền miễn trừ rộng rãi đối với các vụ kiện dân sự, nhưng chưa thiết lập quyền miễn trừ truy tố hình sự.
Tòa án tuyên bố, tại đây Tổng thống Trump phải chứng minh được cơ sở pháp lý để được miễn trừ. Ông đã đưa ra các lập luận dựa trên quyền tài phán, các cân nhắc chính sách chức năng liên quan đến sự phân quyền, và điều khoản đàn hặc, và các thẩm phán đã bác bỏ cả ba.
Phán quyết này có thể sẽ bị các luật sư của cựu TT Trump kháng cáo. Các luật sư này đã chỉ trích vụ truy tố của chính phủ TT Biden là khuyến khích các chu kỳ tố cáo lẫn nhau đối với các tổng thống tương lai. Trước đây, Tối cao Pháp viện đã từ chối yêu cầu của Biện lý Đặc biệt Jack Smith về việc đẩy nhanh vụ án, nhưng dù thế nào đi nữa thì mọi chuyện vẫn có thể kết thúc ở đó.
Đoán trước được đơn kiến nghị như vậy, tòa phúc thẩm đã chỉ thị lục sự tòa án “tạm dừng việc ban hành án lệnh này cho đến ngày 12/02/2024,” giữ lại vụ án thay vì giao lại cho tòa án địa hạt.
Nếu cựu TT Trump đệ đơn đề nghị sự xem xét trước Tối cao Pháp viện trước thời hạn rất gần ngày 12/02, thì tòa phúc thẩm sẽ đình chỉ lệnh của mình cho đến khi Pháp viện có cơ hội xem xét.
Các thẩm phán nói thêm rằng một kiến nghị yêu cầu xét xử lại trước tòa phúc thẩm sẽ không đưa đến việc rút lại án lệnh, nhưng việc xét xử lại sau khi án lệnh đã được ban hành thì có thể đưa đến việc thu hồi án lệnh.
Kháng cáo đặc biệt này đã làm đình trệ phiên tòa xét xử cựu TT Trump ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, vốn dự kiến bắt đầu vào ngày 04/03 nhưng đã bị loại khỏi lịch trình xét xử hôm 02/02.
Cựu TT Trump đã nhiều lần cảnh báo rằng phán quyết bất lợi cho ông sẽ có tác động nghiêm trọng đến chức vụ tổng thống.
“Nếu một tổng thống không được quyền miễn trừ, thì mọi tổng thống mãn nhiệm sẽ bị đảng đối lập truy tố ngay lập tức,” ông viết bằng chữ in hoa trong một trong nhiều bài đăng trên TruthSocial của mình về chủ đề này. “Nếu không có quyền miễn trừ hoàn toàn, thì một tổng thống Hoa Kỳ sẽ không thể làm việc một cách thích đáng!”
Chiến dịch tranh cử của cựu TT Trump đã đưa ra một tuyên bố ngay sau phán quyết định.
“Nếu một tổng thống không được quyền miễn trừ, thì mọi tổng thống mãn nhiệm sẽ bị đảng đối lập truy tố ngay lập tức. Nếu không có quyền miễn trừ hoàn toàn, một tổng thống Hoa Kỳ sẽ không thể làm việc một cách thích đáng,” phát ngôn viên Steven Cheung tuyên bố.
“Việc truy tố một Tổng thống vì những hành động theo thẩm quyền là vi phạm Hiến pháp và đe dọa nền tảng của nền Cộng hòa của chúng ta. Tổng thống Trump trân trọng không đồng ý với quyết định của Tòa án Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và sẽ kháng cáo phán quyết đó để bảo vệ Tổng thống và Hiến Pháp.”
Trong cuộc tranh luận trực tiếp hôm 09/01, biện lý James Pearce của DOJ đã dự đoán rằng việc ủng hộ cách giải thích của cựu TT Trump về quyền miễn trừ của tổng thống sẽ tạo ra những triển vọng “đáng sợ.” Ông trích dẫn giả thuyết của Thẩm phán Florence Pan về việc một tổng thống tránh bị truy tố vì sử dụng Đội SEAL 6 để ám sát một trong những đối thủ chính trị của ông.
Kháng cáo nhấn mạnh tính chất chưa từng có của cuộc truy tố của DOJ và các quy định tương đối mơ hồ về quyền miễn trừ của tổng thống, vốn được nêu trong các vụ án của Tối cao Pháp viện liên quan đến cố TT Richard Nixon.
Luật sư John Sauer của cựu TT Trump kêu gọi các thẩm phán tập trung vào các điều khoản Hiến Pháp cơ bản liên quan đến quyền miễn trừ của tổng thống. Ông Sauer lập luận, cùng với những điều khác, rằng điều khoản phán quyết đàn hặc trong Hiến Pháp Hoa Kỳ nêu ra rằng Quốc hội chịu trách nhiệm xét xử một tổng thống. Ông nói, việc truy tố hình sự chỉ có thể xảy ra sau khi Quốc hội đàn hặc và kết án một tổng thống.
Đáng chú ý, Hạ viện đã đàn hặc cựu TT Trump về việc kích động một “cuộc nổi dậy” vào ngày 06/01, nhưng Thượng viện Hoa Kỳ cuối cùng đã không đạt được 60 phiếu cần thiết để kết tội ông.
Các thẩm phán nhận thấy đây là lập luận “thuyết phục nhất” của cựu TT Trump nhưng đã nêu lên “một cảnh báo” rằng lập luận này dựa vào một hàm ý tiêu cực trong việc diễn giải điều khoản đàn hặc trong Hiến Pháp.
“Những người soạn thảo Hiến Pháp đã biết cách trao quyền miễn trừ hình sự một cách rõ ràng trong Hiến Pháp, giống như họ đã làm với các nhà lập pháp trong Điều khoản Phát ngôn hoặc Tranh luận,” phán quyết viết. “Tuy nhiên, họ đã chọn không bao gồm một điều khoản tương tự trao quyền miễn trừ cho Tổng thống.”
Các thẩm phán giải thích thêm rằng các cuộc đàn hặc không thể tương đương với các cuộc truy tố hình sự, đồng thời bác bỏ một lập luận của cựu TT Trump về việc kết tội kép.
Phán quyết viết: “Do tính chất chính trị của thủ tục đàn hặc, sự trắng án trong cuộc đàn hặc thường không liên quan đến sự vô tội trên thực tế.”
Cựu TT Trump có thể kháng cáo trực tiếp lên Tối cao Pháp viện hoặc yêu cầu toàn bộ tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án trong cái được gọi là một phiên điều trần gồm toàn bộ các thẩm phán (en banc hearing). Các luật sư của ông đã yêu cầu kiểu phiên điều trần đó để đưa ra phán quyết về lệnh bịt miệng mà Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan đã ban hành hồi tháng 10/2023, nhưng đã bị từ chối.
Các thẩm phán cũng giải quyết những lo ngại về thẩm quyền của họ trong việc ra phán quyết về vấn đề này. Một bản tóm tắt ý kiến từ thân hữu của tòa án (amicus brief) từ American Oversight đã lập luận rằng cơ quan này không nên xem xét vụ kháng cáo.
“Các vụ án chính mà American Oversight dựa vào rất dễ phân biệt bởi vì trong mỗi vụ án đó, quyền được yêu cầu không bị xét xử không chỉ dựa trên Hiến Pháp hoặc đạo luật,” phán quyết viết. “Theo đó, chúng tôi kết luận rằng chúng tôi có thẩm quyền phán quyết kháng cáo của cựu Tổng thống Trump.”
Nếu Tối cao Pháp viện tiếp nhận vụ án này, thì đây sẽ là vụ án mới nhất liên quan đến sự kiện ngày 06/01. Pháp viện đã đồng ý xem xét lại phán quyết của tòa án Colorado rằng cựu TT Trump đã tham gia vào một cuộc nổi dậy và do đó, bị loại khỏi cuộc bỏ phiếu sơ bộ của tiểu bang này. Tối cao Pháp viện cũng đã thụ lý một vụ án liên quan đến hai bị cáo ngày 06/01 mà chính phủ liên bang đã buộc tội theo cùng một đạo luật liên bang được sử dụng để buộc tội cựu TT Trump trong vụ án của ông tại Khu vực Hoa Thịnh Đốn.
Các phán quyết của Tối cao Pháp viện có thể tương đối hẹp, nhưng có thể đến một lúc nào đó họ sẽ đưa ra phán quyết có ảnh hưởng đến tính hợp pháp trong hành vi của cựu TT Trump vào ngày 06/01.
Kết hợp lại, các vụ kiện cựu TT Trump đã làm phức tạp thêm những gì được dự đoán sẽ là một mùa tranh cử căng thẳng. Cựu TT Trump sẽ chạy đua với các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa để hoàn toàn có một cuộc tái đấu với TT Joe Biden mà chính phủ của ông đang truy tố ông Trump, một phần là do phản ứng trước cuộc tranh cử trước đó của họ.
Sau phiên điều trần hôm 09/01, cựu TT Trump cho rằng TT Joe Biden đang cố gắng lợi dụng vụ truy tố này để nâng cao triển vọng của mình cho cuộc bầu cử năm 2024. Về phần mình, TT Biden đã đăng trên X rằng người ta “không thể là vừa là người ủng hộ chủ nghĩa nổi dậy vừa là người ủng hộ nước Mỹ.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times