Tòa Bạch Ốc: ‘Không ngạc nhiên’ trước liên minh Nga-Trung ngày càng được tăng cường
Tòa Bạch Ốc cho rằng mục tiêu chung của Nga và Trung Quốc cộng sản là thách thức trật tự quốc tế vốn dựa trên luật lệ.
Tòa Bạch Ốc cho biết “không có gì ngạc nhiên” khi Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược sau khi nhà lãnh đạo của hai nước ôm nhau hai lần trước ống kính truyền hình hôm 17/05.
“Điểm chung của họ là một sự khao khát muốn thách thức các quy tắc quốc tế vốn dựa trên luật lệ hoặc thách thức mạng lưới các liên minh và đối tác mà Hoa Kỳ có được” và “cố gắng tìm cách củng cố lợi ích an ninh quốc gia của nhau,” ông John Kirby, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 17/05.
Ông nói: “Chúng tôi không thấy bất cứ điều gì từ cuộc họp này mà chúng tôi nhất thiết phải ngạc nhiên cả.”
Bình luận của ông Kirby được đưa ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Trung Quốc lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm.
Trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo chế độ cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin tái khẳng định mối quan hệ đối tác “không giới hạn” mà năm 2022 ông đã tuyên bố trong vài tuần trước khi gửi quân tới Ukraine.
Hôm 16/05, họ cũng đưa ra một tuyên bố chung dài 7,000 từ để thể hiện sự thân cận trong bối cảnh áp lực do Hoa Kỳ dẫn đầu lên cuộc chiến tranh của Nga với Ukraine và việc Trung Quốc viện trợ cho Moscow.
Các video do đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát hành cho thấy, sau một ngày hội đàm ở Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, một người vốn không được biết đến qua việc bày tỏ sự thân thiện với các nhà lãnh đạo khác, sau khi bắt tay ông Putin thì đã mỉm cười chủ động ôm ông ấy.
Người đứng đầu điện Kremlin có vẻ do dự một chút, sau đó giơ tay ôm lấy ông Tập, vỗ vai nhau. Hai nhà lãnh đạo lại bắt tay nhau trước khi ông Putin rời đi trên chiếc xe của chính phủ.
Khi được hỏi về thước phim này, ông Kirby đã bỏ qua sự thể hiện thân thiết của hai nhà lãnh đạo này.
“Tốt cho họ thôi,” ông Kirby nói. Vì hai nước này “rõ ràng đang hành động theo nhiều cách khác nhau trên khắp thế giới gây hại cho các lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta,” nên “không ngạc nhiên khi hai nhà lãnh đạo này tiếp tục cố gắng phát triển mối quan hệ đang nảy nở này.”
“Nhưng họ cũng là hai nhà lãnh đạo vốn không có quá trình làm việc lâu dài với nhau. Và các quan chức ở cả hai chính quyền không nhất thiết đều tin tưởng lẫn nhau,” ông nói thêm.
Trong những tháng gần đây, những lo ngại gia tăng về việc ĐCSTQ trợ giúp các nỗ lực chiến tranh của Nga. Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh ngừng gửi các công cụ máy móc, vi mạch, và các vật liệu khác có mục đích sử dụng cả dân sự và quân sự để giúp xây dựng lại lĩnh vực quốc phòng của Moscow.
Một thông điệp tương tự đã được Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đưa ra trong một cuộc thảo luận với lãnh đạo ĐCSTQ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tháng này. Gọi cuộc chiến tranh ở Ukraine là một mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu, bà von der Leyen kêu gọi Bắc Kinh ngừng cung cấp các mặt hàng có công dụng kép để rồi cuối cùng sẽ có mặt trên chiến trường.
Tại cuộc họp báo thường lệ hôm 16/05, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo ĐCSTQ phải quyết định giữa việc tiếp tục trợ giúp cho Nga hay là duy trì mối quan hệ với phương Tây.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel nói với các phóng viên rằng Trung Quốc “không thể có cả hai,” đồng thời nói thêm rằng ĐCSTQ đang tăng cường “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Âu Châu trong một thời gian dài.”
Ông Putin đã dành ngày cuối cùng ở Trung Quốc tại thành phố phía bắc Cáp Nhĩ Tân, tại đó ông đã đến thăm Hội chợ triển lãm Trung-Nga. Ông cũng gặp gỡ các sinh viên tại Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, viện khoa học vũ khí hàng đầu của Trung Quốc, vốn bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ trừng phạt.
Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông Putin kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới kéo dài 6 năm hồi đầu tháng này. Nhiệm kỳ này đã kéo dài 24 năm cầm quyền của ông Putin và đưa ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nga.
Các nhà phân tích nói rằng việc chọn Bắc Kinh là điểm đến ngoại quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 5 của ông Putin, nhà lãnh đạo Nga này đã gửi đi một thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của ĐCSTQ đối với Moscow.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times