Tòa án phán quyết chống lại các công ty mạng xã hội trong cuộc chiến kiểm duyệt tự do ngôn luận
‘Chúng tôi bác bỏ ý kiến cho rằng các công ty có quyền Tu chính án thứ Nhất không hạn chế để tự do kiểm duyệt những gì người dân nói’
Một tòa phúc thẩm liên bang ở New Orleans đã ra phán quyết ủng hộ một dự luật Texas tìm cách kiềm chế năng lực của các công ty truyền thông xã hội như Facebook và Twitter trong việc kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận.
Được đưa ra hôm thứ Sáu (16/09), phán quyết của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 5 ở New Orleans (pdf) duy trì tính hợp hiến của luật Texas do Thống đốc Greg Abbott ký vào năm ngoái, đồng thời mang lại một chiến thắng cho Đảng Cộng Hòa trong cuộc chiến chống lại kiểm duyệt của các đại công ty công nghệ (Big Tech) đối với các quan điểm thuộc phái bảo tồn truyền thống.
“Hôm nay chúng tôi bác bỏ ý kiến cho rằng các công ty có quyền Tu chính án thứ Nhất không hạn chế để tự do kiểm duyệt những gì người dân nói,” Thẩm phán Andrew Oldham của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ viết trong bản ý kiến.
“Bởi vì tòa án địa hạt ra phán quyết khác, nên chúng tôi đảo ngược lệnh hoãn của tòa này và giải khai vụ kiện cho các thủ tục tiếp theo,” ông Oldham cho biết thêm, khi tạo tiền đề cho một cuộc tranh tụng tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Các nhóm khởi kiện
Sau khi dự luật này, gọi là Dự luật Hạ viện 20, được thông qua vào năm ngoái (2021), NetChoice và Hiệp hội Công nghiệp Máy điện toán và Truyền thông (CCIA) đã khởi kiện.
Các nhóm này đã lập luận trong vụ kiện của họ rằng các công ty tư nhân như Facebook và Twitter có quyền Tu chính án thứ Nhất để kiểm duyệt nội dung được đăng trên nền tảng của họ và quyết định hình thức phát ngôn nào sẽ được cho phép hoặc cấm.
NetChoice cho biết trong một tuyên bố: “Đạo luật này đã chà đạp lên Tu chính án thứ Nhất bằng cách cho phép chính phủ buộc các doanh nghiệp tư nhân chấp nhận ngôn luận mà họ không muốn.” Các nhóm này cũng lập luận rằng dự luật của Texas không những không ngăn cản việc kiểm duyệt mà còn cho phép Texas “theo dõi và kiểm soát ngôn luận trực tuyến, thay đổi các quyền Tu chính án thứ Nhất của các doanh nghiệp trực tuyến.”
Một tòa án cấp dưới đã đứng về phía vụ kiện và quyết định chặn dự luật này, và phán quyết hôm thứ Sáu (16/09) của Tòa Phúc thẩm Khu vực 5 đã lật ngược phán quyết đó.
Ông Oldham viết trong bản ý kiến, “Các nền tảng này lập luận rằng nằm đâu đó trong quyền tự do ngôn luận có hạn của một người là thứ quyền vô hạn của một công ty để cản trở ngôn luận.”
Ông cho biết hàm ý trong lập luận của các nền tảng Big Tech là “đáng kinh ngạc” vì chúng sẽ cho phép các tổ chức như các công ty truyền thông xã hội, ngân hàng, và công ty điện thoại di động hủy tài khoản của những người bày tỏ quan điểm hoặc chi tiền ủng hộ các đảng phái hoặc quan điểm chính trị mà các tập đoàn này phản đối.
Ông Oldham cũng nói rằng các biện pháp bảo vệ mà các nền tảng tìm kiếm trong việc thách thức dự luật của Texas sẽ cho phép họ giành được vị trí thống lĩnh thị trường, bằng cách thu hút người dùng với những tuyên bố gây hiểu lầm rằng họ là những nhà bảo trợ cho quyền tự do ngôn luận nhưng sau đó lại trấn áp diễn ngôn.
‘Chiến thắng lớn’ cho tự do ngôn luận
Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton, người luôn ủng hộ dự luật này, đã ca ngợi phán quyết của tòa án trong một tuyên bố trên mạng xã hội.
“Tôi vừa giành được một chiến thắng LỚN cho Hiến Pháp và Tự do Ngôn luận tại tòa án liên bang và BigTech KHÔNG THỂ kiểm duyệt tiếng nói chính trị của BẤT KỲ người dân Texas nào!” ông viết trên Twitter.
Ông Carl Szabo, phó chủ tịch kiêm cố vấn pháp lý của NetChoice, đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự thất vọng về phán quyết của tòa phúc thẩm.
Ông Szabo cho biết: “Chúng tôi vẫn tin chắc rằng khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xét xử một trong các vụ kiện của chúng tôi, thì họ sẽ duy trì các quyền Tu chính án thứ Nhất của các trang web, nền tảng, và ứng dụng.”
CCIA đã đưa ra một tuyên bố nói rằng phán quyết của Tòa Phúc thẩm Khu vực 5 vi phạm các quyền Tu chính án thứ Nhất của các công ty tư nhân.
Ông Matt Schruers, chủ tịch CCIA, cho biết: “‘Chúa Phù Hộ Hoa Kỳ’ (‘God Bless America’) và ‘Hoa Kỳ Phải Chết’ (‘Death to America’) đều là các quan điểm, và việc Tiểu bang Texas buộc một doanh nghiệp tư nhân phải đối xử với những điều đó như nhau là không khôn ngoan và vi hiến.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times