Tòa án Miến Điện kết án ký giả Hoa Kỳ 11 năm tù giam
BANGKOK – Hôm thứ Sáu (05/11), một tòa án ở quốc gia do quân đội cai trị Miến Điện (hay còn gọi là Myanmar) đã kết án ký giả Hoa Kỳ Danny Fenster 11 năm tù khổ sai, hình phạt cao nhất với ba tội danh, bất chấp những lời kêu gọi từ phía Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền đòi trả tự do cho ông.
Đây là án phạt hà khắc nhất trong số các bản án dành cho bảy ký giả đã bị kết án kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của ông Aung San Suu, người đã đạt Giải Nobel Hòa Bình hồi tháng Hai.
Ông Fenster, tổng biên tập của tạp chí trực tuyến Frontier Myanmar, vẫn phải đối mặt với các cáo buộc về tội khủng bố và phản quốc, theo đó ông có thể lãnh án tù tới mức cao nhất là chung thân.
Hôm thứ sáu (05/11), luật sư Than Zaw Aung cho biết, tòa án đã kết tội ông vì đã phát tán thông tin sai lệch hoặc thông tin mang tính kích động, liên lạc với các tổ chức bất hợp pháp, và vi phạm các quy định về thị thực.
Luật sư cho biết ông Fenster đã bật khóc sau khi nghe tuyên án và vẫn chưa quyết định có kháng cáo hay không.
Hình phạt hà khắc này là phán quyết mới nhất từ nhà cầm quyền quân sự trước những lời kêu gọi hòa bình từ khắp nơi trên thế giới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện. Nhà cầm quyền này đang từ chối hợp tác với một đặc phái viên do các chính phủ Đông Nam Á chỉ định để làm trung gian đưa ra giải pháp, và đã không chùn bước trước các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây áp đặt.
Giám đốc nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet cho biết, lời kết tội và bản án hà khắc dành cho ông Fenster “là biểu trưng cho toàn cảnh rộng lớn hơn về các ký giả tại Myanmar, những người đã phải đối mặt với sự đàn áp liên tục kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 01/02.”
Theo bà Bachelet, có ít nhất 126 ký giả, quan chức truyền thông, hoặc nhà xuất bản đã bị quân đội nước này giam giữ kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền và 47 người hiện vẫn đang bị giam giữ, và 20 người trong số đó đã bị buộc tội.
Bà cho biết, có đến chín hãng thông tấn đã bị thu hồi giấy phép, 20 hãng khác bị buộc đình chỉ hoạt động, và hàng chục ký giả vẫn phải ẩn náu do các lệnh bắt giữ vẫn còn hiệu lực.
“Các ký giả đã bị tấn công kể từ ngày 01/02, cùng với việc giới lãnh đạo quân đội rõ ràng đã cố gắng trấn áp nỗ lực của các ký giả trong việc đưa tin về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra trên khắp Myanmar cũng như mức độ phản đối [của người dân] đối với chế độ này,” bà Bachelet cho hay. “Myanmar đã nhanh chóng chuyển sang một môi trường kiểm soát, kiểm duyệt thông tin, và tuyên truyền như từng được chứng kiến dưới thời cai trị của các chế độ quân sự trong quá khứ.”
“Tôi kêu gọi các nhà chức trách quân sự hãy trả tự do ngay lập tức cho tất cả các ký giả đang bị giam giữ vì công việc của họ,” bà nói, nhấn mạnh rằng người dân đang bị tước đoạt [quyền tiếp cận] “tin tức mang tính sống còn.”
Theo phó phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Farhan Haq, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ủng hộ quan điểm của bà Bachelet và nhắc lại rằng các ký giả ở khắp mọi nơi, kể cả những người đang ở Myanmar, phải được phép tác nghiệp mà không bị quấy rối và việc đưa tin về các dữ kiện có thật “không phải và không được phép bị xem là phạm tội.”
“Rõ ràng là ông Danny đang bị đưa ra làm gương, và vụ việc này cho thấy chính quyền quân sự không quan tâm đến cảm nghĩ của cộng đồng quốc tế,” nhà nghiên cứu người Miến Điện Manny Maung thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York cho biết. “Họ sẽ làm như cách họ muốn, và đây là một điển hình về việc họ về cơ bản đang cho cho cộng đồng quốc tế thấy mình không thể bị buộc phải chịu trách nhiệm như thế nào.”
Cuộc đảo chính của quân đội đã bị [người dân Miến Điện] phản đối bằng các cuộc biểu tình rộng khắp mà đã bị dập tắt bằng vũ lực dẫn đến thương vong. Lực lượng an ninh đã sát hại hơn 1,200 dân thường và bắt giữ khoảng 10,000 người khác, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị. Các cuộc kháng cự có vũ trang đã lan rộng và các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng như các nhà quan sát khác đang lo ngại tình trạng nổi dậy ban đầu này sẽ tiến triển thành một cuộc nội chiến.
Ông Fenster đã bị bắt tại Phi trường Quốc tế Yangon vào ngày 24/05 khi ông chuẩn bị lên chuyến bay đến Detroit, Hoa Kỳ để đoàn tụ cùng gia đình.
Chính quyền do quân đội thành lập đã thẳng tay đàn áp tự do báo chí, đóng cửa hầu như tất cả các hãng thông tấn quan trọng. Trong số bảy ký giả bị kết án, có sáu người mang quốc tịch Miến Điện và bốn người đã được trả tự do trong một cuộc ân xá hàng loạt vào ngày 21/10.
Một số hãng thông tấn đã bị đóng cửa vẫn tiếp tục hoạt động mà không có giấy phép, vẫn xuất bản trực tuyến trong khi các nhân viên của họ tránh né bắt giữ.
Có ít nhất ba ký giả ngoại quốc khác, đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Ba Lan, đã bị bắt giữ. Ký giả Nathan Maung của Hoa Kỳ cho biết, ông đã bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
Các phiên tòa xét xử về ba cáo buộc ban đầu chống lại ông Fenster được diễn ra tại một tòa án ở Nhà tù Insein khét tiếng ở Yangon, nơi ông bị giam giữ. Các phiên tòa này, cũng như sự tường thuật về quá trình tố tụng từ luật sư của ông Fenster đã không được công khai với giới truyền thông và công chúng.
Bất chấp lời khai từ hơn mười nhân chứng bên nguyên, người ta đã không thể biết được chính xác ông Fenster đã bị cáo buộc vì đã làm những gì, và có vẻ như ông đã bị tòa án nhận định là có tội chỉ vì liên đới (guilty by association).
Dường như phần lớn bản án của cơ quan công tố xoay quanh việc ông là nhân viên của Myanmar Now, một trang tin tức trực tuyến khác bị yêu cầu đóng cửa trong năm nay. Nhưng ông Fenster đã nghỉ việc tại Myanmar Now từ hồi tháng Bảy năm ngoái, và gia nhập Frontier Myanmar vào tháng Tám cùng năm.
Các nhân chứng bên nguyên làm chứng rằng, họ đã nhận được một bức thư thông báo từ Bộ Thông tin, rằng hồ sơ của cơ quan này cho thấy ông Fenster tiếp tục được Myanmar Now tuyển dụng trong năm nay.
Cả Myanmar Now và Frontier Myanmar đều đưa ra tuyên bố công khai rằng ông Fenster đã rời tòa soạn Myanmar Now năm ngoái, và luật sư của ông cũng đã đưa ra những lời chứng bào chữa, cũng như biên lai thuế thu nhập cho thấy ông làm việc cho tờ Frontier Myanmar.
Ông Than Zaw Aung nói rằng ông đã không thể đưa một quan chức chính phủ ra làm chứng, còn thẩm phán thì chỉ xét bức thư của Bộ Thông tin.
“Do đó, theo bức thư này, ông Danny phải chịu trách nhiệm về Myanmar Now và thẩm phán nói rằng đó là lý do ông Danny bị kết án,” vị luật sư này cho biết.
Ông cho biết, ông Fenster đã nói với ông rằng tổng biên tập của tạp chí Myanmar Now được cho là đã quên thông báo cho Bộ Thông tin về việc ông đã từ chức vào năm ngoái.
Chính phủ Hoa Kỳ, các nhóm nhân quyền, các hiệp hội tự do báo chí, và gia đình ký giả Fenster đã gây áp lực mạnh mẽ để giành lại tự do cho ký giả 37 tuổi này.
Ông Shawn Crispin, một đại diện Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả có trụ sở tại New York nói rằng: “Myanmar phải chấm dứt việc bỏ tù các ký giả chỉ vì thực hiện công việc đưa tin của họ.”
“Tôi cảm thấy choáng váng vì tin tức về việc một cử tri của tôi, ký giả Danny Fenster, bị kết án,” dân biểu Andy Levin của tiểu bang Michigan, một thành viên của Đảng Dân Chủ đến từ ngoại ô thành phố Detroit cho biết.
“Bất chấp việc luật sư của ông Danny đưa ra bằng chứng bác bỏ các cáo buộc hay bất kỳ hành vi sai trái nào chống lại ông ấy, phán quyết này được đưa ra trong một vụ truy tố không hề có chút cơ sở pháp lý nào,” ông cho biết trong một tuyên bố.
Do Grant Peck thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: