Tổ chức Olympic Tokyo 2020 không khán giả, kinh tế Nhật Bản sẽ thiệt hại như thế nào?
Một quyết định chưa từng có trong lịch sử Thế vận hội, Olympic Tokyo 2020 không khán giả, được chốt cách ngày khai mạc chỉ 2 tuần, và chỉ sau vài giờ Thủ tướng Yoshihide Suga công bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo.
Cụ thể, sau cuộc họp ngày 8/7 ở Tokyo, giữa chính phủ Nhật Bản, ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020, chính quyền Tokyo và Ủy ban Olympic, Paralympic quốc tế, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 quyết định, sẽ không có khán giả trong các sự kiện diễn ra tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Chiba, Saitama và Kanagawa.
Tuy nhiên tại một số địa phương khác gồm Miyagi, Ibaraki (bóng đá), Fukushima (bóng chày) và Shizuoka (đua xe đạp) được phép tổ chức có khán giả nhưng với số lượng hạn chế.
Theo Asahi, ngay sau khi quyết định không khán giả được đưa ra, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 mất ngay 90 tỷ yên (tương đương khoảng 820 triệu USD, 19 nghìn tỷ đồng) tiền bán vé. Nhật Bản phải chịu toàn bộ tổn thất vì tổ chức Olympic không có khán giả.
Nghiên cứu của Giáo sư Katsuhiro Miyamoto, chuyên ngành kinh tế học của Đại học Kansai tính toán, việc không có khán giả sẽ khiến nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại khoảng 22 tỷ USD (tương đương 500 nghìn tỷ đồng). Khoảng 3.7 tỷ USD được xem là chi phí bỏ ra vô ích, hoặc đổi lấy hiệu quả thấp hơn nhiều so với dự tính.
Về lợi nhuận kinh tế từ các sự kiện thể thao và văn hóa quảng cáo, sau Thế vận hội con số này sẽ giảm một nửa, tổn thất lên tới 8.2 tỷ USD. Ngoài ra, ngành du lịch Nhật Bản phải chịu một cú sốc lớn và bị triệt tiêu những cơ hội hiếm có.
Một ngày sau khi quyết định được đưa ra, các đối tác tài trợ của Olympic Tokyo bắt đầu gỡ bỏ hoặc cắt giảm số lượng quầy quảng bá ở các địa điểm thi đấu.
Hãng trang phục thể thao Asics hủy bỏ kế hoạch ra mắt tượng đài cao 4 mét của ngôi sao quần vợt Kasumi Ishikawa bên ngoài địa điểm thi đấu ở Shibuya, Tokyo. Chương trình mua hàng tặng vé của Ajinomoto coi như hỏng.
Có khoảng 60 doanh nghiệp Nhật Bản đã trả 3 tỷ USD tài trợ, một con số cao kỷ lục, cho Olympic Tokyo và thêm 200 triệu USD nữa để kéo dài hợp đồng khi sự kiện này bị hoãn.
Trước đó, hồi tháng 3/2021, tờ Nikkei dẫn thông tin từ các nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết, Nhật Bản sẽ bị thiệt hại kinh tế khoảng 150 tỉ yen (1.4 tỉ USD) về quyết định đăng cai Olympic và Paralympic Tokyo không có khán giả nước ngoài.
Những ước tính tương tự cũng được ông Takahide Kiuchi từ Viện Nghiên cứu Nomura lên tiếng trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NHK.
Quyết định đáng thất vọng nhưng ‘không thể tránh khỏi’
Các nhà tổ chức cho biết, quyết định nói trên là đáng thất vọng nhưng “không thể tránh khỏi”. Người phụ trách Olympic Tokyo 2020, bà Seiko Hashimoto thừa nhận, quyết định này không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, bà nói thêm: “Chúng tôi phải đảm bảo một môi trường an ninh và an toàn cho tất cả những người tham gia. Đó là một quyết định không thể tránh khỏi”.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Ủy ban Paralympic Quốc tế bày tỏ sự thất vọng về lệnh cấm, nhưng cho biết, họ “hoàn toàn tôn trọng và chấp nhận” quyết định này.
Tỉnh trưởng Chiba Kumagai Toshihito cho biết, ông hiểu sự cần thiết của quyết định này. Tỉnh Chiba là nơi diễn ra các trận thi đấu của môn taekwondo, đấu vật, đấu kiếm và lướt sóng.
Olympic Tokyo 2020 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23/7-8/8 tới. Các nội dung thi đấu đầu tiên sẽ được tiến hành rải rác từ ngày 21/7. Theo đó, khoảng 11,000 vận động viên tham dự Olympic và 4,400 vận động viên tham dự Paralympic sẽ đến Nhật Bản, cùng với hàng chục nghìn quan chức, thành viên ban giám khảo, quản trị viên, nhà tài trợ và giới truyền thông.
Nam Hải tổng hợp
Xem thêm