TNS Risch chỉ trích việc TT Biden cân nhắc chính sách hạt nhân mới
Hôm 07/12, Thượng nghị sĩ James Risch (Cộng Hòa-Idaho) đã lên án việc chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang cân nhắc thực hiện chính sách “mục đích duy nhất” (“sole purpose”) đối với vũ khí hạt nhân, đồng thời nói rằng hành động này sẽ khiến các đồng minh và đối tác của quốc gia này dễ bị Trung Quốc gây hấn.
Ông Risch cho biết: “Tôi tin rằng chính phủ đang mắc phải một sai lầm rất, rất nghiêm trọng ngay cả trong việc cân nhắc vấn đề này, vì ngay cả việc cân nhắc thôi cũng có thể gây ra hậu quả trong lĩnh vực này.”
Ông Risch nói rằng: “Nếu chính phủ TT Biden áp dụng chính sách tuyên bố vũ khí hạt nhân với mục đích duy nhất, thì chính sách này sẽ khiến bạn bè của chúng ta sợ hãi, đồng thời khuyến khích kẻ thù của chúng ta và làm tổn hại đến chính các mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân mà chính phủ tuyên bố ủng hộ.”
Các bình luận trên được đưa ra tại một cuộc thảo luận do Quỹ Di sản có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tổ chức, nhằm tìm hiểu những hậu quả tiềm ẩn kéo theo từ một sự đổi hướng chính sách như vậy.
Chính phủ TT Biden hiện đang tiến hành đánh giá quan điểm hạt nhân của họ, và dự kiến sẽ đưa ra kết quả vào năm 2022. Một điểm then chốt của cuộc đánh giá này là khả năng chính phủ sẽ chấm dứt chính sách “mơ hồ chiến lược” và áp dụng chính sách “mục đích duy nhất” hoặc “không là bên đầu tiên sử dụng”.
Chính sách mục đích duy nhất có nghĩa là Hoa Thịnh Đốn sẽ chính thức tuyên bố rằng kho vũ khí hạt nhân của họ tồn tại chỉ là để ngăn chặn đối phương sử dụng [vũ khí] hạt nhân chống lại chính họ hoặc các đồng minh của họ.
Chính sách không là bên đầu tiên sử dụng có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ cam kết không bao giờ là bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột và sẽ chỉ sử dụng chúng để phòng thủ trước sự tấn công hạt nhân.
Chính sách mơ hồ chiến lược hiện tại của Hoa Kỳ có nghĩa là nước này cố tình mơ hồ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai, không loại trừ việc họ là bên sử dụng trước.
Những người chỉ trích các chính sách kể trên, bao gồm cả TNS Risch, tin rằng việc duy trì sự mơ hồ về thời điểm Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất để ngăn chặn kẻ thù xâm lược bằng cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường.
Theo ông Risch, sự mơ hồ là rất quan trọng đối với các đồng minh của Hoa Kỳ, vốn đang phụ thuộc vào sự bảo vệ từ chiếc ô hạt nhân của quốc gia này. Nhật Bản và tất cả các thành viên của NATO đều được hưởng sự bảo vệ từ kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.
Ông Risch cho rằng việc áp dụng chính sách mục đích duy nhất sẽ có hiệu quả tác động lên các đồng minh và các đối tác tương tự như chính sách không là bên đầu tiên sử dụng. Ông cũng nói rằng một sự đổi hướng chính sách như vậy sẽ khuyến khích chế độ Trung Quốc và gia tăng phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bắc Kinh hiện đang trong quá trình mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Dự kiến họ sẽ có 1,000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030. Trước đây, các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ nói rằng các cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí siêu thanh vào tháng Bảy dường như là nhằm mục đích phát triển khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên.
Ông Risch đã cùng với các đại diện từ Nhật Bản và Anh Quốc bày tỏ sự lo ngại về sự đổi hướng chính sách như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ.
Ông George Robertson, người trước đây từng là Bộ trưởng Quốc phòng Anh và tổng thư ký NATO, cho biết: “Tôi nghĩ rằng Vương quốc Anh và, thực ra là, tất cả các đồng minh NATO khác sẽ mất tinh thần, và rất thất vọng nếu Hoa Kỳ cân nhắc đến chính sách không là bên đầu tiên sử dụng hoặc mục đích duy nhất.”
Ông Robertson cho rằng: “Toàn bộ cơ sở của sự răn đe hạt nhân, và răn đe hạt nhân của NATO, đều dựa trên sự mơ hồ cần thiết trong lĩnh vực cụ thể này.”
Ông Robertson nói rằng mong muốn làm gương mẫu đi đầu và giảm căng thẳng hạt nhân thông qua sự thay đổi chính sách như vậy là lý tưởng, nhưng nó sẽ không giúp cải thiện tình hình chiến lược toàn cầu. Ông lưu ý rằng dưới sự lãnh đạo của ông với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, Anh đã từng giảm kho vũ khí hạt nhân vào năm 1998, nhưng hành động đó lại không mang lại ảnh hưởng gì đến cục diện chiến lược.
“Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi có thể tạo ra một tấm gương và điều đó sẽ dẫn đến sự nhân nhượng qua lại lẫn nhau,” ông Robertson cho biết. “Việc đó đã không dẫn đến bất kỳ sự nhân nhượng, [hay] bất kỳ điều gì cả.”
Tương tự như vậy, ông Taro Kono, một chính trị gia Nhật Bản và là cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngoại giao, nói rằng Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển quân đội khắp Đông Á và sẽ được khuyến khích tiếp tục việc đó thông qua sự đổi hướng chính sách như vậy.
Ông nói, Hoa Kỳ có thể đã từng dựa vào những con số vượt trội của mình trong khu vực này, thế nhưng những ngày đó đang ngày càng xa dần.
“Trước kia, các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ đã từng thống trị khu vực này,” ông Kono nói. “Nhưng giờ họ không còn áp đảo được nữa và Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp rồi.”
Ông Kono cũng chỉ ra sự phụ thuộc đặc biệt của Nhật Bản vào chiếc ô [vũ khí] hạt nhân của Hoa Kỳ. Hiến pháp Nhật Bản đã cấm áp dụng các khả năng tấn công kể từ thời Thế chiến II và giới hạn quân đội của nước này trong một phạm vi lực lượng tự vệ.
Do đó, khả năng của Hoa Kỳ là trọng tâm trong nỗ lực của Nhật Bản để tự bảo vệ mình trong trường hợp có thể xảy ra xung đột, chẳng hạn như chiến tranh ở Đài Loan. Ông Kono cho biết, nếu Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại các cuộc tấn công khác, thì đó sẽ là một tổn thất lớn đối với Nhật Bản.
Ông Kono nói rằng, “Chúng tôi rất lo ngại về tình hình, và đặc biệt là các vấn đề về eo biển Đài Loan.”
“[Chính sách] không là bên đầu tiên sử dụng đang vạch ra một lằn ranh đỏ và bên dưới lằn ranh đỏ này có thể là bất cứ thứ gì.”
“Đó là thông điệp sai lầm.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: