Tình trạng thiếu lương thực xuất hiện khi nông dân Trung Quốc gặp khó khăn giữa đại dịch
Tỉnh Cát Lâm ở Trung Quốc đã thông báo rằng sẽ tiếp tục các nỗ lực để bảo đảm rằng việc cày cấy vụ xuân vẫn tiếp tục bất chấp một đợt phong tỏa COVID-19 trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, các video trực tuyến cho thấy cảnh sát đã ngăn chặn những người nông dân đang làm việc trên các cánh đồng trên khắp Trung Quốc.
Lo ngại việc cày ải vụ xuân bị chậm trễ có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh không chỉ giới hạn trong những cánh đồng bỏ hoang, hạt giống chất lượng tốt và phân bón mới là cuộc khủng hoảng thực sự mà nông dân Trung Quốc đang phải đối mặt.
Phong tỏa đe dọa nguồn cung cấp lương thực
Cát Lâm, nằm trong vành đai ngô của Trung Quốc, là vùng sản xuất và chế biến ngũ cốc quan trọng của nước này.
Các nhà chức trách đã phong tỏa toàn bộ tỉnh Cát Lâm vào hôm 14/03.
Việc phong tỏa đã ảnh hưởng đến 24 triệu người và đe dọa nguồn cung cấp lương thực quốc gia.
Hôm 06/04, các nhà chức trách Cát Lâm tuyên bố rằng để bảo vệ việc cày cấy vụ xuân, hơn 80% kho chứa hạt giống cho diện tích 19,768 mẫu đất đã sẵn sàng, và hơn 90% hạt giống ngô và đậu tương đã được chuyển đến.
Tuy nhiên, các video trực tuyến của Trung Quốc cho thấy nông dân từ nhiều vùng khác nhau của nước này đã bị cảnh sát địa phương đuổi ra khỏi ruộng khi họ đang cày vì vi phạm phong tỏa và phải bị giam giữ hoặc cách ly trong 14 ngày.
Ấn bản tiếng Hoa của The Epoch Times chỉ có thể liên hệ với một công ty hạt giống địa phương để xác nhận chính thức về sự sẵn sàng của hạt giống. Một nhân viên cho biết công ty đã đóng cửa kể từ khi phong tỏa hồi đầu tháng Ba. Bà nói, “Trong đại dịch, mọi người đều ở nhà để làm xét nghiệm PCR,” và nói thêm rằng bà không biết khi nào công việc kinh doanh sẽ hoạt động trở lại.
Cuộc khủng hoảng hạt giống có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực
Ông Lưu là một ký giả Trung Quốc yêu cầu được ẩn danh. Ông tin rằng việc thiếu hạt giống chất lượng tốt còn nghiêm trọng hơn những hạn chế trong quá trình phong tỏa.
Ông cho biết: “Giống và phân bón là hai thứ chính để cày cấy vụ xuân. Nhưng hạt giống ngũ cốc chất lượng tốt của Trung Quốc có giá cao.”
Theo ông Lưu, nhiều nông dân Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của hoạt động thu mua không rõ ràng ở Trung Quốc. Một số thậm chí có thu hoạch gần như bằng không vì hạt giống kém.
Ông giải thích rằng hạt giống được kiểm soát bởi các đơn vị ngoại quốc và chúng rất đắt. Ông nói: “Người nông dân không còn giữ những hạt giống tốt từ vụ thu hoạch trước như ngày xưa nữa.”
Ông Lưu cho biết: “Các công ty ngoại kiểm soát công nghệ của hạt giống chuyển đến Trung Quốc. Một số công ty hạt giống trong nước hoàn toàn không tiếp cận được với công nghệ hạt giống hiện đại, thậm chí còn bán những hạt giống kém chất lượng mà họ tự nhận là hạt giống tự nhân giống. Kết quả là những người nông dân đã có một vụ thu hoạch kém.”
Ông Lưu đổ lỗi cho nhiều nhà sản xuất hạt giống cây trồng Trung Quốc về các vấn đề hạt giống.
Trong những năm qua, nông dân Trung Quốc đã bị thiệt hại về kinh tế do hạt giống kém chất lượng.
Trong một báo cáo của truyền thông Trung Quốc năm 2019, một vụ hạt giống kém chất lượng đã khiến 205 nông dân ở tỉnh Giang Tây thiệt hại khoảng 726,000 USD (tương đương khoảng 16.59 tỷ VND), trên tổng diện tích 800 mẫu ruộng.
Hồi năm 2020, hạt giống giả dẫn đến không thể thu hoạch trên cánh đồng rộng 279 mẫu Anh với 40 nông dân ở Nội Mông.
Ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian) là tổng biên tập của tạp chí nhân quyền Trung Quốc Mùa xuân Bắc Kinh.
Ông cho biết việc phong tỏa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả và sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu. Ông nói: “Không có thuốc trừ sâu và phân bón thì không có năng suất trên đất Trung Quốc.”
“Tôi tin rằng cuộc khủng hoảng lương thực này ở Trung Quốc sẽ trở nên nổi cộm hơn trong hai hoặc ba năm nữa,” ông nói thêm, đề cập đến sự mất mát lớn về đất canh tác trong nhiều năm do chính quyền chỉ thị việc thu hồi đất nông thôn.
Gần đây, Bắc Kinh buộc các khu vực nông thôn khôi phục lại các cánh đồng nông nghiệp ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc. Một số quan chức địa phương đã phản ứng với chính sách mới nhất bằng cách biến các sân bóng rổ và đường xá thành ruộng canh tác bằng cách đắp các lớp đất lên xi măng để trồng trọt.
Ông Trần nói rằng việc này cho thấy tình trạng thiếu lương thực đã đến mức đáng xấu hổ đối với Bắc Kinh.
Cô Lạc Á (Luo Ya) là một cộng tác viên tự do cho The Epoch Times
Bản tin có sự đóng góp của Mary Hong
Zhao Fenghua và Luo Ya thực hiện
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: