Tình bạn thâm giao của hai vị cựu Tổng thống Hoa Kỳ John Adams và Thomas Jefferson
John Adams và Thomas Jefferson là hai cựu tổng thống ưu tú trong thế hệ những tổ phụ lập quốc Hoa Kỳ. Đáng chú ý, mối quan hệ bạn bè tâm giao nhưng cũng lắm thăng trầm của họ khá ly kỳ với khởi đầu và kết thúc đều vào ngày 04/07.
Hoa Kỳ đã may mắn khi sở hữu nhiều thế hệ các chính khách kiệt xuất. Đặc biệt, thế hệ những tổ phụ lập quốc luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của nhiều công dân Hoa Kỳ. Trong đó, hai nhà lập quốc được đề cập trên tiêu đề của bài viết này không những nổi bật vì hàng loạt thành quả và dấu ấn mang tính lâu dài đối với Hoa Kỳ, mà còn bởi vì tình bạn đặc biệt của họ. Tình bạn này thậm chí đã giúp thai nghén và cho ra đời nền dân chủ trong giai đoạn sơ khai của Hoa Kỳ.
Tổng thống Jefferson là một người đàn ông uyên bác. Ngài có dáng người cao mảnh khảnh và có tính tình khá rụt rè. Ngài đến từ vùng đồi núi trập trùng ở nông thôn tại tiểu bang Virginia. Còn John Adams là một người đàn ông thô kệch, thấp người, rắn rỏi và thẳng thắn trong cách dùng ngôn từ. Ngài đến từ thị trấn nhộn nhịp Quincy thuộc tiểu bang Massachusetts. Cả hai vị đều được thụ hưởng một nền giáo dục xuất sắc, và đều kinh qua khổ luyện trong việc tự học. Quá trình khổ luyện này chính là nền tảng để họ trở thành những nhà trí thức ưu tú.
Tổng thống Jefferson được biết đến vì trí tuệ và khả năng viết lách. Vì thế, ông thường được tiểu bang Virginia nhờ soạn thảo các tài liệu pháp lý quan trọng, đặc biệt là những văn bản xoay quanh vấn đề nhân quyền. Còn danh tiếng của Ngài Adams đến từ công việc trong tòa án. Ông nổi tiếng khi đảm nhận trọng trách bào chữa cho những người lính Anh bị cáo buộc giết người sau sự kiện thảm sát tại thành phố Boston.
Trong khi Jefferson sắc bén trong những suy luận thấu đáo, thì Adams lại kiên định theo đuổi các nguyên tắc của riêng mình. Trong khi Jefferson là một người theo chủ nghĩa tôn sùng – Deism, một lòng tin theo thuyết Thượng đế toàn năng, thì Adams là một Tín hữu Cơ đốc nhiệt thành với xu hướng thuần túy.
Hai ngài tuy đối lập về nhiều mặt, nhưng sở hữu một điểm chung là lòng yêu nước bất diệt và lòng tận hiến đối với quốc gia non trẻ mà họ cùng xây dựng.
Hai Ngài từ lâu đã nghe danh của nhau
Jefferson và Adams đã nghe danh nhau từ rất lâu trước khi họ gặp mặt.
Vào năm 29 tuổi, Adams đã là nhân vật của công chúng. Lúc này, ngài đã xuất bản cuốn Luận văn về giáo luật và luật pháp phong kiến – A Dissertation on the Canon and Feudal Law. Tác phẩm này mang tầm ảnh hưởng đối lập với Đạo luật Stamp (Stamp Act 1765). Sau đó, ngài Adams trở nên nổi danh với tư cách một nhà yêu nước.
Ở tuổi 34, ngài đảm nhận công việc bào chữa trước những cáo buộc hình sự đối với đại úy Thomas Preston và 8 binh sĩ người Anh dưới quyền chỉ huy của Thomas. Họ bị buộc tội giết chết 5 người dân thuộc địa ở Boston vào ngày 06/03/1770.
Phiên xử này còn được gọi là phiên tòa xét xử sự kiện thảm sát Boston – The Boston Massacre Murder Trial. Việc lập kế hoạch tỉ mỉ và chú ý đến từng chi tiết cùng với sự vận động bền bỉ của Adams đã được đền đáp. Preston và sáu trong số tám binh sĩ được tuyên trắng án, trong khi hai binh sĩ còn lại bị kết tội ngộ sát.
Adams đã chứng minh cho chính quyền Anh quốc thấy rằng bộ máy pháp quyền ở thuộc địa có khả năng giám sát và thực thi công lý – điều sau này được chính Adam dùng để tranh biện nhằm giành độc lập cho Hoa Kỳ khỏi Vương quốc Anh. Năm 1776, Ngài đã từ một nhà yêu nước nổi tiếng trở thành một nhà lãnh đạo quốc gia được người dân kính trọng.
Trong khi đó, Jefferson (trẻ hơn ngài Adams 8 tuổi) đã vang danh toàn quốc khi Ngài soạn thảo Quan điểm tóm lược về các quyền của Lãnh thổ Anh tại Bắc Mỹ – Summary View of the Rights of British America vào năm 1774. Ngài được nhắc vì thực hiện một cách rất xuất sắc việc nâng cao vị thế của vùng thuộc địa, nền tảng cho sự độc lập của Hoa Kỳ sau này. Tiếng nói của Ngài cũng trở nên quan trọng và được đặt ngang hàng với công cuộc biện hộ để các vùng thuộc địa có thể tách khỏi mẫu quốc của nhà khai quốc Patrick Henry.
Jefferson và Adams được cho là đã gặp nhau lần đầu tiên vào mùa hè năm 1776 tại Philadelphia, khi Quốc hội lục địa thứ hai bổ nhiệm họ vào một ủy ban gồm 5 người để viết Tuyên ngôn Độc lập. Các thành viên khác của ủy ban là Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert R. Livingston. Đặc biệt, chính John Adams đã đề cử Jefferson soạn bản tuyên ngôn vì ngài đánh giá cao phong cách viết lách của Jefferson. Vào ngày 04/07/1776, Jefferson và Adams đã cùng trình bày với thế giới một trong những bản tuyên ngôn và lâu đời nhất về nhân quyền và quyền tự do. Cả hai người đều coi đó là nền tảng quan trọng để tạo ra một nhà nước cộng hòa tại Hoa Kỳ, một nhà nước thực sự đại diện cho người dân và đại diện cho sự bình đẳng.
Đến năm 1784, ba trong số năm người trong ủy ban soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập bao gồm Jefferson, Adams và Franklin lại gặp nhau tại Paris. Lúc này, Jefferson vừa mất vợ, bà Martha, chỉ hai năm trước đó. Và rồi chính ngài Adams và vợ – bà Abigail đã trở thành bạn tâm giao của Jefferson. Hai vợ chồng ngài Adams cùng an ủi Jefferson. Họ xem Jefferson như người nhà. Sau Hội nghị lập hiến năm 1787 và qua quá trình phê duyệt, cả hai người đều trở về Hoa Kỳ, nơi John Adams làm phó tổng thống trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống George Washington, trong khi ngài Thomas Jefferson được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ.
Sự đối đầu chính trị
Tình bạn thân thiết của hai Ngài cũng không giúp cả hai thoát khỏi những mâu thuẫn về chính trị. Adams tin rằng Hoa Kỳ cần một chính phủ trung ương với quyền lực tập trung nhiều hơn nữa để cạnh tranh với các cường quốc Âu châu thời đó. Ngược lại, Jefferson lo sợ rằng quyền lực tập trung như vậy sẽ dẫn đến một nhà nước chuyên chế. Adams trở thành một nhà lãnh đạo với vai trò chủ chốt của Đảng liên bang, trong khi Jefferson trở thành một nhà lãnh đạo của Đảng dân chủ cộng hòa mới được thành lập.
Khi họ vận động tranh cử nhằm kế nhiệm George Washington để làm tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, căng thẳng giữa hai vị đã lên đến đỉnh điểm. Cuộc vận động đã đẩy hai người bạn về hai phe đối lập để phân định ra con đường tương lai dành cho đất nước Hoa Kỳ.
Liệu tương lai Hoa Kỳ sẽ do các nghiệp đoàn thương mại và hệ thống ngân hàng của Liên bang thao túng? Hay chính Jefferson và nền dân chủ nông nghiệp tự do của những người cộng hòa sẽ lãnh đạo Hoa Kỳ? Cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình, tầm ảnh hưởng mang tính áp đảo của George Washington là lực lượng tiên quyết giữ cho đất nước thống nhất.
Tất nhiên, khoảng trống chính trị do sự vắng mặt của ngài cựu tổng thống – George Washington đã lấp ló sau cuộc bầu cử. Tình hình tương lai của đất nước lúc bấy giờ khá bấp bênh. Và cuộc vận động tranh cử quan trọng đó nhanh chóng đẩy hai ngài vào các cuộc tấn công cá nhân, với rất nhiều cuộc công kích theo lối ngụy biện. Vào thời gian căng thẳng này, mối quan hệ của Adams và Jefferson trở nên ảm đạm nhất.
Cuối cùng ngài Adams đắc cử. Và thế là hai ngài không hầu như không còn liên hệ trong suốt nhiệm kỳ của Adams. Sự kình địch của họ đã tái diễn trong vận động tranh cử cử tổng thống vào năm 1800. Đây là cuộc vận động tranh cử được các sử gia xem như là một trong những trận chiến chính trị gay cấn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Jefferson đã thắng với cách biệt sít sao. Trước thời gian rời nhiệm sở, cựu tổng thống Adams đã “nghênh đón” tân tổng thống Jefferson bằng một loạt các động thái bổ nhiệm vào phút chót, trong đó quan trọng nhất là việc đưa kẻ thù chính trị lâu năm của Jefferson là John Marshall vào Tòa án tối cao. Tình bạn lâu dài của họ đã kết thúc một cách cay đắng. Trong mười hai năm sau đó, họ hầu như đã không nói với nhau lời nào.
Giảng hòa và những lời sau cùng dành cho nhau
Benjamin Rush, một người bạn chung của hai Ngài và đồng thời cũng là người ký tên trên Tuyên ngôn Độc lập, đã giúp đưa hai người đàn ông này trở lại với nhau. Vào năm 1812, Adams đã viết một bức thư cho Jefferson, theo yêu cầu của Rush. Và, theo một hướng tích cực, Jefferson đã phản hồi bức thư này. Trong 14 năm sau đó, cả hai đã trao đổi 158 bức thư từ. Và nhờ điều này, tình bạn và sự tôn trọng dành cho nhau giữa hai nhà lập quốc được tiếp tục.
Và số phận như đã được sắp đặt từ trước một cách kỳ lạ, cả hai nhà sáng lập đã qua đời vào ngày 04/07/1826, chính xác là tròn 50 năm kể từ khi họ trình với bày thế giới bản tuyên bố độc lập.
Bài viết này được xuất bản trong tạp chí American Essence.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times