Tin Việt Nam ngày 9/10: Hơn 4,500 ca mắc mới, 105 ca tử vong, quân đội chuẩn bị 380,000 người ứng phó tổ hợp thiên tai 10 ngày tới
Nội dung tối 9/10
Hơn 4,500 ca mắc mới, 105 ca tử vong
Tối 9/10, Bộ Y tế thông báo về 4,513 ca mắc mới gồm 1 ca nhập cảng và 4,512 ca tại 40 tỉnh/thành, trong đó có 2,173 ca cộng đồng.
Các ca mắc mới trong ngày ghi nhận chủ yếu tại Tp HCM (1,662), Bình Dương (820), Đồng Nai (575), An Giang (308), Sóc Trăng (192), Bình Thuận (122), Kiên Giang (113), Đắk Lắk (85), Đồng Tháp (81), Gia Lai (65), Long An (61), Tây Ninh (57), Cà Mau (54)…
So với ngày 8/10, số mắc tại Việt Nam ngày 9/10 giảm 261 ca, trong đó, Tp HCM giảm 553 ca, Đồng Nai giảm 37 ca, Tây Ninh giảm 35 ca, Sóc Trăng tăng 192 ca, An Giang tăng 126 ca, Đắk Lắk tăng 85 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 836,134 ca COVID-19, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 831,523 ca. Có 760,801 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 9/10, Việt Nam ghi nhận 105 ca tử vong tại 7 tỉnh/thành chủ yếu ở Tp HCM (74), Bình Dương (18)… nâng tổng số bệnh nhân tử vong liên quan COVID-19 lên 20,442 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày có 1,319 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5,014 ca, trong đó có 4,179 ca thở oxy, 835 ca thở máy và ECMO.
Sài Gòn kiến nghị hỗ trợ hàng tháng cho trẻ mồ côi do COVID-19
Trưa 9/10, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp HCM cho biết, thành phố đang vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giúp đỡ cho tất cả trẻ, bao gồm cả trẻ mồ côi một bề được nhận trợ cấp hàng tháng.
Ông Tấn cho hay, thành phố sẽ xây dựng chính sách theo hướng hỗ trợ trẻ ở cùng người thân.
Theo quy định hiện hành tại Tp HCM, chỉ có trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được nhận trợ cấp hàng tháng theo mức trẻ dưới 4 tuổi là 900,000 đồng, ngoài độ tuổi này là 540,000 đồng.
Tính đến nay, toàn thành phố ghi nhận gần 1,400 trẻ dưới 18 tuổi mồ côi liên quan COVID-19. Trong đó, 66 cháu trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 19 trẻ sơ sinh mất mẹ khi vừa chào đời.
Trà Vinh cho phép khách sạn, quán ăn được hoạt động trở lại từ ngày mai
Ngày 9/10, tỉnh Trà Vinh ra chỉ thị mới, áp dụng từ 0h ngày mai (10/10), trong đó mở cửa trở lại với các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ, kể cả dịch vụ ăn uống, giải khát; khách sạn, nhà nghỉ; cắt tóc, uốn tóc vận tải hành khách nội tỉnh.
Các hoạt động dịch vụ ăn uống có phục vụ rượu bia, dịch vụ karaoke và trò chơi điện tử, chưa được phép hoạt động trở lại.
Theo đó, chủ cơ sở, nhân viên phục vụ phải xét nghiệm ít nhất 1 lần/2 tuần; khai thác tối đa 50% suất phục vụ trong một phòng đối với cơ sở ăn uống.
Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đến ngày 9/10, Trà Vinh ghi nhận 1,631 ca nhiễm, trong đó 1,431 người đã được điều trị khỏi bệnh.
Các tỉnh miền Trung cấm biển, đưa tàu vào bờ, di tản dân
Bão số 7 đang di chuyển về phía Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gây mưa lớn ở nhiều địa phương, dự báo các ngày tiếp theo tiếp tục mưa. Để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của mưa, bão, các tỉnh miền Trung đã lên phương án ứng phó thiên tai. Cụ thể:
Tại Nghệ An, từ 0h ngày 10/10 cho đến khi kết thúc bão, các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu trước 10h ngày 10/10.
Tỉnh Thanh Hóa cấm biển từ 17h ngày 9/10 cho đến khi bão tan, chủ động tổ chức di tản người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra bảo đảm phòng dịch.
Ngày 9/10, Tp Hải Phòng đã đình chỉ hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, cáp treo Cát Hải – Phù Long, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông…
Còn tại Hà Tĩnh, đến 9/10, tỉnh có 3,695 tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn tại các bến bãi trên địa bàn và neo đậu tại các địa phương khác.
Đến chiều 9/10, Quảng Bình có hơn 4,000 tàu cá với hơn 17,000 ngư dân đã vào bờ tránh bão an toàn, 42 tàu cá với 315 ngư dân đang hoạt động trên biển đã được thông báo tìm chỗ tránh trú bão, không đi vào khu vực nguy hiểm.
Quảng Trị yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh không cho tàu thuyền ra khơi. Hiện huyện Hướng Hóa đã chủ động di tản 52 gia đình với 156 người tại các khóm Cao Việt, Duy Tân (thị trấn Lao Bảo) và xã Thuận ra khỏi vùng nguy cơ ngập lụt. Huyện Đakrông cũng đã di dời tài sản của 172 gia đình tại xã Ba Lòng, xã A Vao.
Quân đội chuẩn bị 380,000 người ứng phó tổ hợp thiên tai 10 ngày tới
Tại cuộc họp chiều 9/10, đại tá Phạm Hải Châu, Ủy ban quốc gia về Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện quân đội đang chuẩn bị 380,000 người và hơn 3,000 phương tiện.
Đại tá Phạm Xuân Diệu, Bộ đội Biên phòng cho hay, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An còn 464 tàu với 1,882 ngư dân đang di chuyển vào bờ.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu các tỉnh phía Bắc di tản dân bảo đảm an toàn phòng dịch.
Còn theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngoài bão số 7, dự báo, khoảng ngày 11-12/10, biển Đông lại xuất hiện bão số 8. Đến ngày 16-17/10, Biển Đông khả năng lại xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới.
Theo đó, Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với tổ hợp thiên tai trong 10 ngày, đó là: bão số 7, bão số 8, dự báo còn có bão số 9 và không khí lạnh tràn về, đã và đang ảnh hưởng tới các tỉnh miền Bắc.
Xem thêm