Tin Việt Nam ngày 8/9: Thêm 12,680 ca mắc mới, 434 ca tử vong, Bộ Y tế cho phép chích trộn vaccine, quán ăn ở Sài Gòn được mở cửa từ 6h đến 18h, Hà Nội chia 3 vùng xét nghiệm, chích ngừa, đêm nay bão Conson giật cấp 11 vào Biển Đông
Nội dung tối 8/9:
|
-
Thêm 12,680 ca mắc mới, riêng Tp HCM có 7,308 ca
Ngày 8/9, Bộ Y tế thông báo về 12,680 ca mắc mới gồm 17 ca nhập cảng và 12,663 ca ghi nhận tại 39 tỉnh/thành, trong đó có 7,851 ca cộng đồng.
Cụ thể, 12,663 ca phân bố chủ yếu tại Tp HCM (7,308 ca), Bình Dương (3,172), Đồng Nai (814), Long An (372), Tiền Giang (171), Cần Thơ (83), Đồng Tháp (62), Bình Phước (61), Quảng Bình (53), Tây Ninh (52)…
So với ngày 7/9, số mắc tại Việt Nam trong ngày 8/9 giảm 1,530 ca, trong đó Tp HCM giảm 2 ca, Bình Dương giảm 794 ca, Đồng Nai giảm 131 ca, Long An giảm 118 ca, Tiền Giang giảm 12 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 563,676 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 559,346 ca. Có 322,873 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (273,154), Bình Dương (141,765), Đồng Nai (31,179), Long An (26,804), Tiền Giang (11,159).
-
Thêm 335 ca tử vong trong ngày, Tây Ninh bổ sung 99 ca trong tháng 8
Hôm nay (8/9), Việt Nam ghi nhận 434 ca tử vong gồm 335 ca ghi nhận trong ngày tại 10 tỉnh/thành và 99 ca do tỉnh Tây Ninh bổ sung của tháng 8.
Trong 335 ca tử vong của ngày 8/9, Tp HCM ghi nhận nhiều nhất với 268 ca, tiếp đến là Bình Dương 34 ca, Đồng Nai 11 ca, Long An 8; Tiền Giang 7 ca…
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 14,135 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Về tình hình điều trị, trong ngày có 13,937 người được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 325,647. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,479, trong đó, 5,263 ca thở oxy, 1,216 ca thở máy và ECMO.
-
Bộ Y tế cho phép chích trộn vaccine Moderna và Pfizer
Tối nay (8/9), Bộ Y tế chấp thuận người chích liều 1 bằng vaccine Moderna có thể chích liều 2 bằng vaccine Pfizer và ngược lại.
Cụ thể, trong trường hợp nguồn cung vaccine COVID-19 liều 1 đã chích không đủ để chích liều 2, thì có thể sử dụng vaccine khác để chích liều 2 như sau:
- Nếu chích liều 1 là vaccine AstraZeneca thì có thể chích liều 2 bằng vaccine Pfizer hoặc vaccine Moderna.
- Nếu chích liều 1 bằng vaccine Moderna thì có thể chích liều 2 bằng vaccine Pfizer và ngược lại.
Tại Tp HCM những ngày qua, người đã chích liều 1 là vaccine Moderna được thông báo có thể chích liều 2 bằng vaccine Pfizer. Đây được cho là giải pháp mới của Tp HCM để giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine Modena.
-
Quán ăn ở Tp HCM được mở cửa từ 6h đến 18h, chỉ bán mang về
Trong văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 áp dụng hôm 7/9. Chính quyền Tp HCM chấp thuận việc loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động 6-18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi.
Cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) cũng được hoạt động từ 6 đến 18h hàng ngày.
Ngoài ra, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, shipper được phép hoạt động trong phạm vi một quận, huyện; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, thiết bị y tế, vật tư được hoạt động từ 6-21h hàng ngày.
Cũng theo văn bản khẩn này, thành phố tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp đến hết 15/9.
Trước đó, từ ngày 9/7, chính quyền thành phố yêu cầu các cửa hàng kinh doanh đồ ăn dừng bán mang đi sau thời gian dừng hoạt động phục vụ tại chỗ để tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
-
Hà Nội chia 3 vùng xét nghiệm, chích ngừa
Chiều nay (8/9), Hà Nội áp dụng kế hoạch về việc xét nghiệm diện rộng, chích ngừa vaccine ứng phó dịch bệnh. Theo đó, Hà Nội chia 3 vùng xét nghiệm, chích ngừa theo đánh giá nguy cơ, trong đó, vùng 1 (vùng đỏ) do ngành y tế thành phố đảm nhiệm; vùng 2 (vùng cam) và vùng 3 (vùng xanh) do 11 tỉnh/thành hỗ trợ.
Hà Nội cho hay, đến ngày 15/9, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (2-3 ngày/lần).
Khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, hoàn thành xét nghiệm ít nhất một lần/người (5-7 ngày/lần). Với nhân viên, người làm việc tại các cơ sở y tế và người có nguy cơ cao mắc bệnh, thành phố xét nghiệm 3 ngày/lần.
Cũng đến ngày 15/9, thành phố chích vaccine liều 1 cho người từ 18 tuổi trở lên.
-
Tin về cơn bão Conson: Đêm nay bão Conson giật cấp 11 vào Biển Đông
Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia cho biết, hồi 19h ngày 8/9, tâm bão ở ngay trên khu vực phía Nam đảo Lu-dông (Philippin) với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, như vậy trong đêm nay (8/9) bão đi vào Biển Đông. Đến 19h ngày 9/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620 km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão tăng tốc theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm. Đến 19h ngày 10/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và mạnh thêm. Đến 19h ngày 11/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km về phía Tây Tây Bắc với sức gió mạnh cấp 11 (100-120 km/giờ), giật cấp 13.
Cảnh báo mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên biển: Từ đêm nay (8/9), ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa dông, gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 3.0-5.0m; biển động rất mạnh.
Nội dung chiều 8/9:
|
-
Hà Nội thêm 39 ca dương tính, phong tỏa chợ Đại Từ
Trưa nay (8/9), Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 35 ca dương tính mới, cùng 4 ca ghi nhận vào sáng cùng ngày, nâng tổng số mắc từ sáng đến trưa lên 39 ca, trong đó có 7 ca cộng đồng.
Trong đợt dịch thứ 4 (từ 29/4) đến nay, Hà Nội ghi nhận 3.658 ca dương tính, trong đó có 1.578 ca cộng đồng.
Chùm lây phường Thanh Xuân Trung tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới, tính từ 23/8 đến nay là 516 ca. CDC Hà Nội cho biết, các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.
Cùng ngày, trả lời báo chí, lãnh đạo phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết, vừa ra thông báo về việc phong tỏa chợ Đại Từ từ 21h30 ngày 7/9 đến khi có thông báo mới do phát hiện ca nghi nhiễm tại đây.
Trước đó, phường đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả các tiểu thương ở chợ với mẫu test gộp 10 người thì phát hiện 1 ca dương tính vào ngày 7/9.
-
Gần 700,000 học sinh tiểu học Sài Gòn tựu trường trực tuyến
Sáng nay (8/9), tại Tp HCM, gần 700,000 học sinh bậc tiểu học tựu trường trực tuyến, hầu hết các trường tiểu học thành phố đều tổ chức để cô trò làm quen, chuẩn bị cho buổi học chính thức bắt đầu từ ngày 20/9.
Trước đó, giáo viên đã tạo ID và mật khẩu trên ứng dụng zoom để các bé làm quen. Cô điểm danh, hướng dẫn các em cách bật/tắt mic và giữ im lặng khi tham gia lớp học.
Bên cạnh học trực tuyến, hiện Sở GD&ĐT thành phố đang phối hợp với đài truyền hình để ghi hình bài giảng các lớp 1, 2. Dự kiến sẽ phát sóng vào giữa tháng 9 để các con theo dõi.
Liên quan đến vấn đề dạy học trực tuyến, trước đó, ngày 7/9, Bộ GD&ĐT đã đề nghị doanh nghiệp viễn thông miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, giáo viên, đặc biệt 3G, 4G.
Trong tháng 9, ước tính tại Việt Nam có khoảng 23 triệu học sinh bắt đầu năm học mới và nhiều nơi phải học trực tuyến. Việc học ở Hà Nội và Tp HCM diễn ra đồng loạt, nhiều trường học, phụ huynh ghi nhận tình trạng nghẽn mạng và lỗi phần mềm.
-
Thanh Hóa kéo dài Chỉ thị 16 toàn thành phố thêm 7 ngày
Sáng 8/9, tỉnh Thanh Hóa quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Chính phủ do có nhiều F0 liên quan đến chùm lây tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực. Thời gian áp dụng là 7 ngày, kể từ 0h ngày mai (9/9).
Hiện có khoảng hơn 2,000 nɡười đang trong khu ρhonɡ tỏa Bệnh ʋiện Đa khoa Hợρ Lực, trong đó có khoảng hơn 400 nɡười ɡồm bệnh nhân đã được điều trị khỏi và người nhà ɓệnh nhân đủ điều kiện ra khỏi bệnh viện.
Theo dự kiến, bệnh viện cùng lực lượng chức năng sẽ di chuyển số người này ra các khách sạn ngoại viện để cách ly theo quy định.
Ngoài ra, cùng ngày, tỉnh này tiếp tục áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 tại huyện Nông Cống trong vòng 7 ngày, kể từ 12h ngày 8/9, trừ các khu vực đang áp dụng ở mức cao hơn gồm:
- Tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 tại Thị trấn Nông Cống:
- Tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16+ tại 7 thôn, tiểu khu thuộc 4 khu vực gồm: Thị trấn Nông Cống (có Tiểu khu Bắc Giang, Nam Tiến, Đông Hòa); xã Vạn Hòa(có thôn Thanh Ban, thôn Đồng Thọ); xã Vạn Thiện (có thôn Liên Minh); xã Tế Nông (có thôn Đạt Tiến 2).
-
Nghệ An cách ly tập trung 65 học sinh tiểu học, lập Bệnh viện dã chiến số 6
Ngày 8/9, ông Vi Văn Cường, Chủ tịch xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cho biết, đang tập trung đưa 65 học sinh lớp 2 và lớp 5 của trường tiểu học Tri Lễ 1 đi cách ly tập trung sau khi xuất hiện chùm lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Ngoài 65 F1 là học sinh ở trên, huyện Quế Phong đã xác định được 35 F1 nguy cơ cao, 9 F1 ở xã Nhôn Mai và Hữu Khuông (huyện Tương Dương), nâng tổng số F1 liên quan lên 155 ca.
Cùng ngày, tỉnh này cũng quyết định trưng dụng toàn bộ cơ sở vật chất của khách sạn Công Đoàn, thị xã Cửa Lò để lập bệnh viện Dã chiến số 6 điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.
Bên cạnh đó, tỉnh đang khảo sát, lên phương án lập bệnh viện Dã chiến số 7; khu cách ly tập trung cho lực lượng vũ trang, lực lượng tuyến đầu tại 2 cơ sở dự kiến tại phường Thu Thủy, Thị xã Cửa Lò và phường Lê Mao, Tp Vinh.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, tỉnh Nghệ An ghi nhận 1,752 ca COVID-19 tại 21 địa phương.
-
Nha Trang: Người khỏi COVID-19 được đi làm trở lại
Ngày 8/9, Tp Nha Trang có thông báo về việc áp dụng ứng phó dịch trong tình hình mới. Đáng chú ý trong thông báo, thành phố cho phép nhân viên phòng dịch, y tế, vũ trang, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật – điện, nước, viễn thông, nhân viên vận chuyển gas được đi làm theo tính chất, yêu cầu công việc.
Để được đi làm, những người trên cần bảo đảm 1 trong các điều kiện sau:
- Phải có giấy xác nhận do lãnh đạo đơn vị cấp kèm theo giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ;
- Hoặc đã chích vaccine liều 2 sau 14 ngày;
- Hoặc đã điều trị khỏi COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
Tính từ đầu dịch đến nay, Khánh Hòa có 7,185 ca nhiễm, đứng thứ 6/63 tỉnh/thành trên toàn quốc, trong đó 3 khu vực có số mắc cao nhất là Nha Trang (4,019 ca), Ninh Hòa (1,865 ca), Vạn Ninh (554 ca).
-
Dự báo bão Conson phức tạp và nguy hiểm, lên phương án di tản 258,000 dân
Sáng 8/9, tại cuộc họp trực tuyến về việc ứng phó bão Conson, sau khi rà soát, các địa phương lên phương án dự kiến di tản 258,000 dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng.
Cụ thể, dự kiến di tản 73,996 dân khu vực ven biển; 114,091 dân khu vực ven sông và ngoài đê; 70,770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Theo thông tin cập nhật ban đầu, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có tổng 65,302 tàu, thuyền; 55 khu neo đậu với tổng sức chứa 34,761 tàu. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 66,648 hecta diện tích và 22,990 lồng, bè nuôi trồng thủy sản.
Ông Phạm Hải Châu, phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng hơn 500,000 bộ đội cùng hơn 2,000 thiết bị để ứng phó với bão Conson.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, nhiều nơi của tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16, nếu bão đổ bộ sẽ rất khó khăn. Theo Giám đốc Sở, tỉnh đã lên kịch bản di tản dân nhưng cần có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thực hiện di tản khi đang giãn cách.
Cùng thắc mắc trên, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đặt câu hỏi: Nếu bão đổ bộ khu vực ‘vùng đỏ’, ‘ai ở đâu ở đó’ thì lúc đó có hủy bỏ lệnh ‘ai ở đâu ở đó’ để di tản dân hay không? và nếu di tản thì cần bảo đảm những điều kiện gì?.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho hay, trong tình huống bão lũ và thiên tai, những khu vực nào không bảo đảm an toàn thì vẫn phải thực hiện di tản dân đến nơi an toàn đồng thời phải bảo đảm những điều kiện phòng dịch.
-
Cập nhật thông tin về bão Conson: Có thể mạnh lên cấp 11, giật cấp 13
Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia cho biết, hồi 13h ngày 8/9, tâm bão ở ngay trên khu vực phía Nam đảo Lu-dông (Philippin) với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào Biển Đông. Đến 13h ngày 9/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão tăng tốc, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 10/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12 và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 13h ngày 11/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía Tây Bắc với sức gió mạnh cấp 11 (100-120 km/giờ), giật cấp 13.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm mai (9/9), ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động rất mạnh.
Nội dung sáng 8/9:
|
-
Chạm mốc 551,000 ca nhiễm, hơn 13,700 ca tử vong
Tính đến sáng 8/9, Việt Nam có 550,996 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 546,683 ca. Có 308,936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 13,701 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày hôm qua (7/9), Việt Nam ghi nhận 14,193 ca mắc mới tại 40 tỉnh/thành, trong đó có tới 8,161 ca cộng đồng; tăng 1,716 ca so với ngày 6/9, riêng Tp HCM tăng 188 ca, Bình Dương tăng 1,772 ca, Đồng Nai tăng 74 ca, Long An giảm 367 ca, Kiên Giang tăng 41 ca. Ngày 7/9 Việt Nam có 316 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại 9 tỉnh/thành.
Trong số 6,369 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị, có 5,289 ca thở oxy; 1,080 ca thở máy và ECMO.
-
Sài Gòn tính chuyện cấp ‘thẻ xanh vaccine’ khi tái mở cửa
Chiều 7/9, tại buổi làm việc với Chính phủ, Chủ tịch Tp HCM Phan Văn Mãi cho biết, đang xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau 15/9.
Ông Mãi cho hay, thành phố có kiến nghị thẻ xanh COVID-19, sẽ đề ra những tiêu chí cụ thể; hiện các nhóm chuyên gia y tế, chuyên gia kinh tế đã được giao thiết kế.
Người đứng đầu thành phố cho rằng, sau ngày 15/9, công sở, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, vận tải… muốn mở lại phải đáp ứng các điều kiện an toàn. Các hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại sẽ mở dần theo mức độ an toàn, mở tới đâu quản tới đó.
-
‘Vùng đỏ’ đầu tiên ở Bình Dương về trạng thái bình thường mới sau 10/9
Tại cuộc họp ngày 7/9, tỉnh Bình Dương đồng thuận việc Tp Thủ Dầu Một trở về trạng thái “bình thường mới” sau ngày 10/9 sau 61 ngày áp dụng Chỉ thị 16.
Trong tuần đầu sau ngày 10/9, người dân phường nào ở phường đó. Đến tuần tiếp theo, người dân các phường được phép qua lại. Các chợ truyền thống, siêu thị được mở cửa trở lại nhưng tiểu thương bắt buộc phải được chích vaccine và thực hiện 5K.
Những ngày qua, số nhiễm COVID-19 trên địa bàn Tp Thủ Dầu Một giảm mạnh, đầu tháng 8, có ngày thành phố có hơn 400 ca, những ngày gần đây còn hơn 100 ca, ngày 4/9 chỉ 27 ca. Hiện, Thủ Dầu Một xác nhận 7,004 ca, chiếm 5% ca nhiễm toàn tỉnh.
Theo kế hoạch, sau ngày 15/9, toàn bộ Bình Dương sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, do đó, tỉnh này đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội.
Trước đó, Bình Dương công bố các huyện “vùng xanh” gồm: Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, TX Bến Cát. “Vùng đỏ” gồm: Tp Thủ Dầu Một, Tp Dĩ An, Tp Thuận An và Tx Tân Uyên.
Như vậy, sau 10/9, Bình Dương còn 3 “vùng đỏ”, hiện tỉnh ghi nhận 138,593 ca nhiễm, trong đó có 1,176 ca tử vong.
-
Ngân hàng gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng
Ngày 7/9, Ngân hàng quốc gia áp dụng Thông tư sửa đổi, trong đó quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đáng chú ý, Thông tư sửa đổi cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022, thêm nửa năm so với trước đó. Tuy nhiên, các khoản nợ muốn được cơ cấu phải phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 và đáp ứng một vài tiêu chí cụ thể khác như mốc thời gian quá hạn trả nợ.
Ngoài ra, Thông tư sửa đổi cũng cho phép tổ chức tín dụng miễn, giảm phí cho khách hàng đến 30/6/2022. Tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.
Theo các tổ chức tín dụng, việc bổ sung quy định này là rất cần thiết, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ có thêm khoảng 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
-
Giá vàng lao dốc, rớt mốc quan trọng, ‘đồng bạc xanh’ tăng giá rất nhanh
6h sáng 8/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1,794 USD/ounce, giảm 35 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Giá vàng giảm mạnh đánh dấu ngày tồi tệ nhất trong gần một tháng kể từ 9/8, do đồng USD và lợi suất trái phiếu đồng loạt tăng cao làm suy yếu sức hấp dẫn của kim loại quý. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index tăng 0.55% lên 92.543.
Trên Marketwatch, Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu của BullionVault cho rằng, vàng thu hút sự quan tâm của thị trường nhưng đang bị kẹt giữa triển vọng kinh tế không rõ ràng và sự tăng trưởng liên tục lên đỉnh cao mới của thị trường cổ phiếu.
Theo nhận định của nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank, thị trường đang bắt đầu lo ngại vì vàng một lần nữa thất bại trong việc bứt phá vùng kháng cự quan trọng xung quanh mức 1,800 USD.
Các nhà đầu tư đang dõi theo cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày mai thứ Năm (9/9), nơi có khả năng sẽ xảy ra các cuộc tranh luận về việc thu hồi những biện pháp kích thích khi nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung euro phục hồi trở lại.
Tại Việt Nam, kết thúc giao dịch ngày 7/9 giá vàng SJC không biến động, Hà Nội niêm yết mức 56.75 triệu đồng/lượng mua vào và 57.47 triệu đồng/lượng bán ra. Còn SJC Tp HCM niêm yết ở mức 56.75 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 57.48 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
-
Bão chồng bão gần Philippines, Conson liên tục tăng cấp khi vào Biển Đông
Bão chồng bão gần Philippines
Tại Philippines, tờ PhilStar dẫn bản tin dự báo thời tiết của Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển (PASAGA) cho biết, lúc 4h sáng ngày 8/9, bão Conson nằm trên vùng biển ven biển Boac, Marinduque với sức gió 100km/h, giật lên tới 150km/h, và đang di chuyển về phía tây tây bắc với tốc độ 15km/h.
Còn cơn bão Chanthu (tên địa phương là Kiko) đang mạnh lên nhanh chóng trên biển Philippines. Lúc 4h sáng cùng ngày, bão Chanthu nằm cách đảo Luzon 1,175 km về phía đông với sức gió tối đa 150km/h, giật lên tới 185km/h.
PAGASA cho biết, có khả năng trung bình đến cao là bão Chanthu sẽ gây mưa lớn và gió mạnh tại một số tỉnh ở Bắc Luzon, có thể mạnh hơn ở Cực Bắc Luzon.
Conson liên tục tăng cấp khi vào Biển Đông
Trong bản tin phát lúc 8h ngày 8/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia cho biết, hồi 7h, tâm bão trên khu vực miền trung Philippines với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo: trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, đi vào Biển Đông. Đến 7h ngày 9/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 790 km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão tăng tốc, di chuyển theo hướng Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 10/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370 km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão giữ nguyên tốc độ, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và mạnh thêm. Đến 7h ngày 11/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía Bắc Tây Bắc với sức gió mạnh cấp 11 (100-120 km/giờ), giật cấp 13.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm mai (9/9), vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 3.0-5.0m; biển động rất mạnh.
Trên đất liền, dự báo ngày 8/9, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 70-120 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt.
Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt. Các nơi khác ở Bắc Bộ và từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50 mm/24h, có nơi trên 70 mm/24h.
Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 40-70 mm/24h, có nơi trên 100 mm/24h, tập trung vào chiều và tối.
Mưa dông kèm khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm