Tin Việt Nam ngày 7/10: Thêm 4,150 ca mắc mới, 125 ca tử vong, Sài Gòn dự kiến mở cửa trường học từ tháng 1/2022
Nội dung chiều 7/10
Đà Nẵng sẽ miễn phí vé máy bay cho 4 nhóm người về thành phố
Ngày 7/10, Đà Nẵng đã chấp thuận cho 4 nhóm người thường trú tại thành phố nhưng hiện đang ở Tp HCM và khu vực phía Nam được đăng ký về trên chuyến bay khởi hành sáng thứ 3 ngày 12/10 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
4 nhóm người sẽ về đợt này gồm: Phụ nữ mang thai và chồng, con đi cùng; người thân của những bệnh nhân Covid-19 đã mất; người đi trị bệnh có giấy xuất viện trong 6 tháng trở lại đây; người từ 70 tuổi trở lên.
Về chi phí, Đà Nẵng hỗ trợ miễn phí vé máy bay, người về sẽ trả phí xét nghiệm, phí cách ly và ăn uống (nếu có).
Theo đó, người dân muốn về phải có đơn đăng ký và xác nhận của Hội đồng hương cấp quận, huyện, nộp kèm giấy khám thai (phụ nữ mang thai từ tuần thứ 32 trở lên phải có giấy đồng ý cho đi máy bay của bác sĩ); bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hộ khẩu thường trú hoặc chứng nhận thường trú tại Đà Nẵng.
Ngoài ra, người dân cần chuẩn bị giấy chứng nhận chích vaccine COVID-19 hoặc giấy xác nhận đã điều trị Covid-19 âm tính và giấy xuất viện.
Đồng Nai mở lại nhiều dịch vụ, người làm việc không cần giấy đi đường
Ngày 7/10, trong buổi làm việc với các địa phương, tỉnh Đồng Nai cho biết, dự kiến từ 0h ngày 9/10, sẽ cho hoạt động lại một số lĩnh vực thiết yếu với công suất thấp hơn bình thường và có lộ trình dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Một số lĩnh vực được hoạt động lại gồm:
- Hoạt động tập thể dục công cộng (không quá 10 người tại một địa điểm) với công dân đã chích đủ liều vaccine hoặc 1 liều sau 14 ngày hoặc người đã khỏi COVID-19 dưới 6 tháng. Những công dân này cũng được di chuyển bình thường.
- Các hoạt động sửa chữa xe máy, buôn bán tạp hoá, hoạt động văn phòng, cắt tóc, gội đầu, sửa nhà cửa, các lĩnh vực thiết yếu khác,… nhưng không quá 5 người và không quá 50% công suất.
Đáng chú ý, từ hôm nay (7/10), tỉnh Đồng Nai bỏ cấp giấy đi đường với người làm việc di chuyển hàng ngày từ nơi cư trú đến nơi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Khi di chuyển, người làm việc đeo thẻ nhân viên, hoặc đồng phục (nếu có), đồng thời, cài đặt ứng dụng PC-COVID để sử dụng mã QR và thể hiện lịch sử chích ngừa.
Trường hợp không có điện thoại thông minh, người đi đường xuất trình giấy xác nhận đã chích vaccine hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng khi được yêu cầu.
Người chưa chích vaccine vẫn được khuyến cáo ở yên, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.
4 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cho người dân về cách ly tại nhà
Để giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung và nguy cơ lây nhiễm chéo, hiện nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho người dân về từ Tp HCM và các tỉnh đã chích vaccine được cách ly tại nhà. Cụ thể:
Tại Đồng Tháp, tỉnh không cho cách ly tại nhà ngay mà áp dụng cách ly 3 ngày tập trung đối với người chích 2 liều vaccine và F0 đã khỏi bệnh. Với người chích 1 liều, tỉnh áp dụng cách ly tập trung 7 ngày và với người chưa chích thì cách ly 14 ngày.
Sau thời gian cách ly tập trung, nếu F0 khỏi bệnh và người chích 2 liều có kết quả âm tính sẽ về cách ly tại nhà. Tính đến 7/10, tỉnh đã có trên 26,500 người dân về quê.
Còn tại An Giang, tỉnh đã có chủ trương cho cách ly tại nhà với người về có kết quả xét nghiệm âm tính không phân biệt chích 1 liều, 2 liều hay F0, còn dương tính sẽ đưa đi cách ly. Đến trưa 7/10, An Giang có trên 41,700 người về quê, cách ly tại nhà trên 14,100 người.
Với Sóc Trăng, từ ngày 3/10, tỉnh đã khám sàng lọc, phân loại để cách ly tại nhà với người đã chích 2 liều vaccine COVID-19 hoặc chích 1 liều đã qua 14 ngày. Đến nay đã có khoảng 40,000 người dân từ các tỉnh/thành phố về Sóc Trăng.
Kiên Giang, người dân về được xét nghiệm COVID-19, ai âm tính sẽ thực hiện cách ly tại nhà. Hiện, số công dân Kiên Giang đang ở Tp HCM có nguyện vọng trở về là hơn 42,000 người.
Sập hầm thủy điện ở Lai Châu, 2 công nhân tử vong
Trưa 7/10, ông Kiều Hải Nam, Phó chủ tịch huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết, rạng sáng 6/10, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sập hầm thủy điện tại công trường xây dựng thủy điện Nậm Củm 3, xã Pa Ủ, khiến 2 công nhân tử vong.
Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, các công nhân đang khoan hầm thủy điện. 2 công nhân bị thương được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sau khi khám nghiệm tử thi, thi thể 2 công nhân đã được đưa về quê an táng. Hiện, giới chức đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Dự án thủy điện Nậm Củm 3 có quy mô 45 MW, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần phát triển điện Mường Tè với tổng mức đầu tư 1,800 tỉ đồng. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic), thuộc Tập đoàn AMACCAO.
Tỷ phú ở Ấn Độ muốn đầu tư ‘lớn và dài hạn’ vào Việt Nam
Ngày 7/10, tại cuộc gặp với Đại sứ Phạm Sanh Châu, tỷ phú Gautam Adani, người giàu thứ 2 châu Á, bày tỏ mong muốn đầu tư khoản “cực kỳ lớn” và dài hạn vào Việt Nam.
Cụ thể, ông Adani muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, hải cảng và cảng hàng không, bắt đầu bằng việc mua một nhà máy nhiệt điện, một cảng biển hoặc một cảng hàng không ở Việt Nam.
Ông Phạm Sanh Châu cho biết, tỷ phú đã chú ý tới một số cảng tiềm năng và đã đưa ra con số đầu tư lớn, nhưng ông Châu không tiết lộ con số cụ thể.
Hiện, Tập đoàn Adani sở hữu một mỏ than ở Úc và một ở Indonesia, đang xuất cảng than vào một số nước, và đang tìm cách xuất cảng vào Việt Nam.
Đại sứ Châu nhận định, kế hoạch đầu tư của tập đoàn Adani có thể giúp tăng cả chục lần mức đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam.
Xem thêm