Tin Việt Nam ngày 4/8: Hơn 7,600 ca mắc mới, bổ sung 256 ca tử vong; cảng Cát Lái quá tải nghiêm trọng, Bộ Công thương kiến nghị gỡ khó; Phú Yên tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; bão số 4 giật cấp 10 đi vào Trung Quốc
Nội dung sáng 4/8:
|
-
Gần 4,300 ca mắc mới, có 1,044 ca cộng đồng
6h ngày 4/8, Việt Nam ghi nhận 4,271 ca nhiễm mới COVID-19, gồm 4 ca nhập cảng và 4,267 ca lây nhiễm tại các tỉnh/thành. Trong đó, Tp HCM (2,365), Bình Dương (1,032), Tây Ninh (194), Đồng Nai (164), Long An (146), Đà Nẵng (93), Bình Thuận (77), Vĩnh Long (60), Cần Thơ (37), Phú Yên (28), An Giang (24), Bình Định (23), Đồng Tháp (14), Bạc Liêu (4), Đắk Nông (4), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1). Có 1,044 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng 4/8, Việt Nam có 174,461 ca nhiễm, riêng đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 27/4 đến nay là 170,563 ca, trong đó có 48,057 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4/62 tỉnh/thành qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới và 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 463 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca, có tổng cộng 2,071 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
-
Tp HCM áp dụng cách ly tại nhà cho tất cả các F1
Ngày 3/8, Sở Y tế Tp HCM đề nghị Tp Thủ Đức và các quận huyện đồng loạt triển khai cách ly y tế tại nhà cho tất cả các F1.
Trước đó, từ ngày 17/-31/7, Tp HCM đã thí điểm cách ly y tế tại nhà cho F1. Sau hơn nửa tháng thí điểm cả F0 và F1 được rút ngắn thời gian cách ly tập trung, cách ly tại nhà, đến nay, thành phố mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả F1.
Tính đến 3/8, Tp HCM đang cách ly y tế 42,674 người, gồm 5,928 người cách ly tập trung, 36,746 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Riêng số F1 được cách ly tại nhà là 6,313 người.
-
Tp HCM gia hạn thời gian tuyển sinh trẻ mầm non thêm 19 ngày
Tp HCM ngày 3/8 quyết định điều chỉnh thời gian và phương án tuyển sinh trẻ mầm non kết thúc trước ngày 19/8, thay vì phải công bố kết quả từ ngày 15 đến 31/7 theo kế hoạch trước đó.
Cụ thể, việc tuyển sinh bậc mầm non (gồm: trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi) sẽ thực hiện từ ngày 1/7, dự kết công bố kết quả ngày 20/7.
Trước đó, với lớp 1, tất cả trẻ 6 tuổi vào trường tiểu học theo tuyến quy định, không nhận học sinh sớm tuổi và không nhận trái tuyến. Thời gian tuyển sinh: bắt đầu từ ngày 1/7, công bố kết quả ngày 31/7.
Với lớp 6, học sinh trong độ tuổi quy định đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học trên địa bàn nào thì học lớp 6 ở các loại hình trường tại nơi đó. Sĩ số mỗi lớp không quá 45 em. Thời gian tuyển sinh: bắt đầu từ ngày 15/6, công bố kết quả ngày 15/7.
-
Hà Nội thêm 19 ca dương tính, giá thực phẩm chợ dân sinh tăng nhẹ
Sáng 4/8, Hà Nội công bố thêm 19 ca COVID-19 mới thuộc 4 chùm ca bệnh, trong đó có 2 người liên quan Công ty thực phẩm Thanh Nga.
CDC Hà Nội cho biết, 19 ca mắc mới thuộc 4 chùm ca bệnh gồm: Sàng lọc ho sốt (2); ho sốt thứ phát (14); liên qua nhà thuốc 95 Láng Hạ – Đống Đa (2); liên quan Bắc Giang tại công ty SEI (1).
Như vậy từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1,429 ca COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 864 trường hợp. Số ca liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga là 37 ca.
Trước đó, ngày 3/8, các chợ truyền thống ở Hà Nội đã siết chặt hơn quy định phòng dịch, như: duy trì chốt kiểm soát, khai báo y tế, đo thân nhiệt với khách hàng, tạm ngưng hoạt động với các mặt hàng, ngành hàng không thiết yếu…
Nhiều phường, xã đã phát phiếu đi chợ cho người dân. Mỗi gia đình được phát từ 3-5 phiếu và chỉ có giá trị cho 1 người và 1 lần vào chợ. Phiếu sẽ bị thu lại sau mỗi lần người dân đi chợ.
Do lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các siêu thị, người dân Hà Nội đã chuyển hướng sang đi chợ dân sinh mua lương thực, thực phẩm, một số loại rau củ, hải sản, trứng gà tiếp tục tăng nhẹ (từ 5,000-10,000 đồng).
Theo phản ánh của các tiểu thương, việc người dân chuyển từ đi siêu thị sang đi chợ dân sinh không ảnh hưởng đến sức mua, nhưng do nhiều người sợ hết thực phẩm nên đổ dồn vào mua đầu giờ sáng.
-
Đà Nẵng chi gần 94 tỉ đồng xây dựng 4 công viên biển
Ngày 3/8, Tp Đà Nẵng cho biết, đã chấp thuận quy hoạch 4 công viên biển dọc đường Nguyễn Tất Thành, trong đó, 2 vị trí cuối đường Hà Khê (mức đầu tư 18.3 tỉ đồng) và cuối đường Nguyễn Sinh Sắc (16.3 tỉ đồng) đã hoàn thành thủ tục đầu tư, hiện đang lựa chọn nhà thầu; 2 vị trí còn lại cuối đường Nguyễn An Ninh (dự kiến khoảng 28.3 tỉ đồng) và cuối đường Nguyễn Tất Thành (dự kiến hơn 31 tỉ đồng) đang trình hồ sơ dự án.
Bên cạnh đó, Tp Đà Nẵng cũng đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch 1/500 Khu du lịch sinh thái Nam Ô theo hướng điều chỉnh vệt mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành thành công viên cây xanh, bãi xe công cộng. Nội dung điều chỉnh tại dự án này gồm:
- Quy hoạch 5 lối xuống biển công cộng;
- Tách ghềnh Nam Ô và bãi cát ra khỏi dự án phục vụ cộng đồng.
Ngoài ra, Tp Đà Nẵng cũng vừa có tờ trình về chủ trương đầu tư Trung tâm văn hóa kết hợp Nhà văn hóa thiếu nhi phía tây thành phố giai đoạn 1 tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) với tổng diện tích đất hơn 9,000 m2, tổng mức đầu tư hơn 86 tỉ đồng.
-
Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng gay gắt, kéo dài trong nhiều ngày tới
Ngày hôm nay (4/8), ở khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Hà Nội: Ngày 4/8, có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Cảnh báo: Nắng nóng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 7/8; từ ngày 08/8 nắng nóng có xu hướng dịu dần. Ở khu vực Trung Bộ nắng nóng còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Tin bão trên biển Đông: Sáng 4/8, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh thành bão, cơn bão số 4 năm 2021 và có tên quốc tế là LUPIT.
Hồi 7h ngày 4/8, vị trí tâm bão cách Hồng Kông khoảng 180 km về phía Đông Nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 5/8, vị trí tâm bão cách Hồng Kông khoảng 280 km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 6/8, vị trí tâm bão ở ngay trên đất liền phía Nam tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.
Cảnh báo mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên biển: Ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa dông, vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3.5-5.0 m, biển động rất mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, từ nay (4/8) đến ngày 7/8 ở vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2.0-4.0 m, biển động mạnh.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm