Tin Việt Nam ngày 30/7: Hơn 8,600 ca mắc mới, Bộ Y tế thông báo gần 300 ca tử vong, Hà Nội xây Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng, Bộ GD&ĐT điều chỉnh lịch tuyển sinh đại học
Nội dung sáng 30/7:
|
-
Gần 5,000 ca mắc mới, có gần 1,000 ca phát hiện trong cộng đồng
6h ngày 30/7, Việt Nam ghi nhận 4,992 ca mắc mới COVID-19, gồm 5 ca nhập cảng và 4,987 ca phát hiện tại 20 tỉnh/thành.
Cụ thể: Tp HCM (2,740), Bình Dương (1,284), Tiền Giang (242), Đồng Nai (203), Đồng Tháp (90), Tây Ninh (88), Bến Tre (79), Khánh Hòa (78), Hà Nội (63), Cần Thơ (23), Long An (21), Phú Yên (17), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Vĩnh Long (15), Thái Nguyên (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (1); trong đó có 987 ca trong cộng đồng.
Đến sáng ngày 30/7, Việt Nam có 133,405 ca bệnh tính từ đầu mùa dịch và của đợt dịch từ 27/4 là 129,622 ca. Hiện số tỉnh/thành qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới có 4 tỉnh, có 10 tỉnh/thành không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Bộ Y tế thông báo về 159 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Sáng nay (30/7), Bộ Y tế thông báo về 159 bệnh nhân COVID-19 tử vong (số 864-1022) ghi nhận trong 3 ngày, từ ngày 27-29/7 tại 8 tỉnh/thành sau:
- Tp HCM có 132 ca, ghi nhận trong 3 ngày (từ 27-29/7);
- Long An có 9 ca, ghi nhận trong 3 ngày (từ 27-29/7);
- Đồng Tháp có 6 ca, ghi nhận trong 2 ngày (từ 27-28/7);
- Tp Đà Nẵng có 3 ca, ghi nhận trong 2 ngày (từ 27-28/7);
- Tp Hà Nội có 1 ca, ghi nhận trong ngày 28/7;
- Khánh Hòa có 3 ca, ghi nhận trong ngày 27/7;
- Đồng Nai có 4 ca, ghi nhận trong 3 ngày (từ 27-29/7);
- Vĩnh Long có 1 ca, ghi nhận trong ngày 27/7.
Như vậy, đến nay Việt Nam có 1,022 bệnh nhân COVID-19 tử vong, riêng trong đợt dịch thứ 4 tính đến nay có 987 trường hợp tử vong. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 346 ca, có 19 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
-
Tp HCM gỡ phong tỏa 5 phường với 250,000 dân, hướng dẫn 2 trường hợp F0
Từ 18h hôm nay (30/7), 5 phường thuộc Tp Thủ Đức gồm Bình Chiểu (gần 74,000 dân, bị phong tỏa 18 ngày), Hiệp Bình Phước (hơn 64,000 dân, bị phong tỏa 14 ngày), Linh Xuân (gần 58,000 dân, bị phong tỏa 14 ngày), Tam Bình (hơn 27,000 dân, bị phong tỏa 12 ngày), Tam Phú (hơn 30,000 dân, bị phong tỏa 10 ngày) đã được gỡ phong tỏa.
Như vậy, hiện Tp Thủ Đức không còn phường nào bị phong tỏa. Đến nay, địa phương ghi nhận hơn 4,958 ca nhiễm, xếp thứ 5 Tp HCM về số ca nhiễm.
Hiện Tp HCM còn 2 quận bị phong tỏa diện rộng gồm:
- Quận 7 với toàn bộ phường Tân Thuận Đông, một phần phường Tân Thuận Tây và Bình Thuận bị phong toả từ 18h ngày 8/7;
- Quận Bình Thạnh đang phong tỏa toàn bộ phường 19 (từ ngày 22/7) và 21 (từ ngày 24/7).
Mới đây, Tp HCM áp dụng “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc COVID-19 tại nhà”. Theo đó, có 2 trường hợp F0 được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà.
Thứ nhất, F0 không triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp tục.
Thứ hai, F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ốn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.
-
Hà Nội thêm 17 ca dương tính, áp dụng mẫu giấy đi lại với trường hợp đủ điều kiện
Sáng 30/7, Hà Nội ghi nhận thêm 17 trường hợp dương tính mới (gồm 4 trường hợp tại cộng đồng và 13 trường hợp đã được cách ly) tại 5 chùm ca bệnh sau:
- 11 bệnh nhân thuộc chùm ho, sốt thứ phát tại cộng đồng;
- 2 bệnh nhân thuộc chùm B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng;
- 2 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt;
- 1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến từ TP. HCM;
- 1 bệnh nhân thuộc chùm Bệnh viện Phổi Hà Nội.
Trước đó, ngày 29/7, Tp Hà Nội áp dụng mẫu giấy sử dụng cho trường hợp đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội, trong đó yêu cầu điền các thông tin cá nhân gồm: tên, tuổi, số CCCD/CMT, số điện thoại, nơi ở, nơi làm việc, mục đích tham gia giao thông… Giấy này có hiệu lực từ ngày ký và chỉ có giá trị trong thời gian giãn cách xã hội.
Những trường hợp được cấp giấy đi đường gồm: Người làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất (gồm cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu/cụm công nghiệp), cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu.
Người ở tỉnh/thành khác vào Hà Nội làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động, cũng cần có giấy xác nhận theo mẫu. Người lao động thường trú tại Hà Nội nhưng làm việc ở tỉnh ngoài, cần có giấy xác nhận của cơ quan và chính quyền nơi cư trú.
Đối với đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, chỉ những trường hợp như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu thì được tham gia giao thông.
-
Hội An giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày mai
Từ 6h ngày mai (31/7), Tp Hội An với 100,000 dân sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trong 14 ngày.
Quyết định trên được đưa ra vào tối 29/7, sau khi thành phố này ghi nhận 26 ca lây nhiễm trong cộng đồng từ ngày 25-29/7 và có nhiều F1, F2 liên quan.
Trước đó, Hội An đã thực hiện Chỉ thị 16 đối với phường Thanh Hà, Tân An và thôn Trảng Suối, phường Cẩm Hà; giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên địa bàn thành phố Hội An.
Từ 18/7 đến nay, Quảng Nam ghi nhận 87 ca mắc COVID-19, trong đó 2 ca cộng đồng, 45 ca lây nhiễm thứ phát đã cách ly tập trung trước khi phát hiện, 22 ca từ các tỉnh và 18 ca nhập cảnh.
-
Bà Rịa – Vũng Tàu thêm 140 ca bệnh, Đồng Nai tiếp tục tăng với 367 ca
Sáng 30/7, CDC Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, địa phương ghi nhận thêm 140 ca mắc mới, chủ yếu trong khu cách ly, phong toả, cụ thể:
- Huyện Xuyên Mộc có 36 ca, Tp Vũng Tàu 23 ca, huyện Đất Đỏ 6 ca, tất cả đều ghi nhận trong khu cách ly tập trung.
- Huyện Long Điền có 67 ca, gồm 45 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung, 21 ca trong khu vực phong toả thị trấn Long Hải, 1 ca tại ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng.
- Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 8 ca, gồm 6 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung KTX Cao đẳng Vabis, 2 ca ngoài cộng đồng, phát hiện tại Phòng khám đa khoa Mỹ Xuân.
Tính đến sáng 30/7, Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận tổng cộng 1,168 người mắc COVID-19 trong cộng đồng và trong khu cách ly tập trung, 140 ca sau khi nhập cảng. Toàn tỉnh đang cách ly tập trung 2,920 người.
Cũng trong sáng 30/7, tại Đồng Nai, CDC cho biết, tỉnh vừa ghi nhận 367 ca mắc COVID-19 mới tại Tp Biên Hoà (171 ca), huyện Nhơn Trạch (71 ca), huyện Vĩnh Cửu (56 ca), huyện Trảng Bom (28 ca), Tp Long Khánh (13 ca), huyện Long Thành (11 ca).
CDC Đồng Nai thống kê, đến nay tỉnh ghi nhận 3,953 người mắc COVID-19, trong đó, Tp Biên Hoà ghi nhận 1,960 ca, huyện Nhơn Trạch 574 ca, huyện Vĩnh Cửu 551 ca, huyện Thống Nhất 193 ca. Toàn tỉnh hiện đã ghi nhận 17 ca tử vong.
-
Tp Hải Dương, Đà Nẵng bổ sung các biện pháp phòng dịch
Tp Hải Dương vừa áp dụng bổ sung các biện pháp phòng dịch COVID-19 trên địa bàn từ 21h hôm nay ngày 30/7. Riêng 3 phường An Thượng, Ái Quốc, Nam Đồng, áp dụng ngay từ 12h trưa nay ngày 30/7 đến khi có thông báo mới.
Theo đó, thành phố yêu cầu tạm dừng hoạt động các nhà hàng, quán ăn, uống, kể cả bán mang về. Người dân không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng và ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Mỗi xã, phường chỉ duy trì hoạt động các chợ tối đa 3 ngày/tuần.
3 phường An Thượng, Ái Quốc, Nam Đồng tiếp tục thực hiện việc không ra khỏi nhà từ 18h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau (trừ trường hợp thật sự cấp thiết, đi làm ca).
Còn tại Đà Nẵng, từ 12h trưa nay (30/7), thành phố này thực hiện giãn cách các sạp hàng, quầy hàng trong chợ bằng cách bố trí bán luân phiên trong ngày không quá 50% số lượng hộ tiểu thương được phép buôn bán các mặt hàng thiết yếu tại chợ (trừ các tiểu thương phân phối hàng sỉ tại chợ đầu mối Hòa Cường).
Đồng thời, Tp Đà Nẵng yêu cầu các quận/huyện phát thẻ vào chợ có mã QRCode cho các gia đình trên địa bàn, không sử dụng thẻ vào chợ mà không có mã QRCode.
Đà Nẵng cũng nghiêm cấm và xử lý nghiêm tình trạng chợ tự phát, người bán hàng rong, thực phẩm tại các điểm riêng lẻ tại các tuyến đường, ngõ, hẻm tập trung đông người.
-
Giá vàng tăng tới 20 USD/ounce sau cuộc họp của Fed rồi lại giảm nhẹ
Khoảng 7h25 ngày 30/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1,827 USD/ounce, theo Kitco, đánh dấu 1 một phiên tăng tới 20 USD/ounce sau khi Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản 0%-0.25%, không thu hẹp chương trình tung ra thị trường 120 tỉ USD thu mua các loại tài sản có giá.
Trước đó, theo ghi nhận lúc 6h10 cùng ngày, giá vàng thế giới giao ngay tăng 1.4 % lên 1,832.22 USD/ounce, đạt mức cao nhất kể từ ngày 15/7 đến nay.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/7, giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
- Tại Hà Nội, Doji niêm yết ở mức 56.50-57.95 triệu đồng/lượng; SJC niêm yết ở mức 56.65-57.37 triệu đồng/lượng
- Tại TP.HCM, Doji niêm yết ở mức 56.50-57.90 triệu đồng/lượng; SJC niêm yết ở mức 56.65-57.38 triệu đồng/lượng
Dự báo: Hiện Hoa Kỳ đang trải qua tình trạng lạm phát vượt quá mục tiêu 2%. Tình trạng này đã diễn ra trong vài tháng và theo Fed nó sẽ kéo dài trong những tháng tới trước khi giảm xuống mức mục tiêu của ngân hàng này.
Với những diễn biến mới nhất, nhiều khả năng lạm phát vẫn gia tăng và Fed cũng chưa sớm rút dần các chương trình nới lỏng định lượng. Đây là một yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho vàng.
Nam Hải tổng hợp
Xem thêm