Tin Việt Nam ngày 3/8: Hơn 8,400 ca nhiễm mới, 376 ca tử vong, TP. HCM thu hồi công văn ghi tên 2 loại thuốc điều trị COVID-19, Hà Nội thu giữ gần 1,000 kit test nhanh, Đà Nẵng thiết lập thêm vùng cách ly, Bình Dương sử dụng 2 bệnh viện dã chiến
Nội dung tối 3/8:
|
-
Hơn 4,800 ca mắc mới, có 883 ca cộng đồng
19h ngày 3/8, Việt Nam ghi nhận 4,851 ca mắc mới COVID-19 gồm 37 ca nhập cảng và 4,814 ca ghi nhận tại 38 tỉnh/thành, trong đó, có 883 ca cộng đồng.
4,814 ca phân bổ như sau: Tp HCM (2,173), Bình Dương (1,087), Long An (320), Đồng Nai (217), Khánh Hòa (189), Tây Ninh (122), Đồng Tháp (110), Hà Nội (97), Cần Thơ (89), Bà Rịa – Vũng Tàu (81), Phú Yên (40), Gia Lai (39), Bến Tre (36), Trà Vinh (33), Ninh Thuận (29), Quảng Ngãi (23), Đắk Lắk (18), Hậu Giang (16), Kiên Giang (13), Quảng Nam (12), Thừa Thiên – Huế (9), Lào Cai (8 ), Đắk Nông (8 ), Ninh Bình (7), Nghệ An (7), Bình Phước (5), Kon Tum (4), Hà Tĩnh (3), Quảng Bình (3), Quảng Trị (3), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (2), Vĩnh Phúc (2), Bắc Giang (2), Hưng Yên (1), Hải Dương (1), Điện Biên (1), Cà Mau (1)
Trong ngày 3/8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 8,429 ca nhiễm mới, trong đó có 8,377 ca tại 46 tỉnh/thành. Nhiều nhất vẫn là Tp HCM với 4,171 ca, tiếp đến là Bình Dương 1,606 ca, Long An 566 ca, Đồng Nai 364 ca, Tây Ninh 298 ca, Khánh Hòa 189 ca, Đồng Tháp 141 ca, Cần Thơ 120 ca… Hôm nay Hà Nội có 98 ca bệnh được công bố.
Tính đến chiều ngày 3/8, Việt Nam có 170,190 ca nhiễm trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 166,296 ca
Hiện có 4 tỉnh/thành qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới là Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Bình. Có 9 tỉnh/thành không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Bộ Y tế thông báo bổ sung 190 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Chiều 3/8, Bộ Y tế thông báo bổ sung về 190 bệnh nhân COVID-19 tử vong ghi nhận từ ngày 25/7 đến 3/8 tại 10 tỉnh/thành. Trong đó, Tp HCM nhiều nhất với 166 ca (trong ngày 2/8), tiếp đến là Long An 7 ca, Đồng Tháp 5 ca, Bến Tre 4 ca, Đồng Nai và Vĩnh Long đều ghi nhận 2 ca; 4 tỉnh đều ghi nhận 1 ca là Hà Nội, Tp Đà Nẵng, Tp Cần Thơ và An Giang.
Tính riêng trong ngày 3/8, Bộ Y tế công bố tổng cộng 376 ca tử vong, hiện Việt Nam có tổng cộng 2,071 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Trong ngày 3/8, Việt Nam có 3,866 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 463 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
-
Hà Nội thêm 14 ca dương tính, tìm người tại phường Phúc Xá và chợ Long Biên
Tối 3/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 14 ca dương tính COVID-19 mới, trong đó có 9 ca tại cộng đồng, 5 ca tại khu cách ly.
14 ca dương tính này phân bố tại 3 chùm ca bệnh gồm: Ho, sốt thứ phát (12), Sàng lọc ho, sốt (1), Liên quan Bắc Giang tại Công ty SEI (1).
Đáng chú ý, trong 12 ca dương tính trong chùm ho sốt thứ phát, có 3 ca liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga. Ngày 2/8, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Như vậy trong ngày 3/8, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 66 trường hợp dương tính mới.
Và cũng trong ngày, quận Ba Đình đã ra thông báo, yêu cầu tất cả những người đến ngõ 187 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá và chợ Long Biên từ ngày 18/7 đến ngày 3/8 cần tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế quận Ba Đình để được tư vấn hỗ trợ.
Cùng ngày, phường Phúc Xá quyết định phong toả, cách ly y tế chợ Long Biên từ 13h ngày 3/8 cho đến khi có thông báo mới sau khi phát hiện 1 ca F0 làm nghề kinh doanh đá cây, cung cấp cho các hộ kinh doanh thuỷ hải sản trong chợ.
Trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) Hà Nội ghi nhận 1,410 ca, trong đó, 852 F0 ghi nhận trong cộng đồng và 557 F0 là đối tượng đã được cách ly.
-
Hà Nội thu giữ gần 1,000 kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc
Ngày 3/8, Cảnh sát quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phát hiện Phan Anh Tuấn (sinh năm 1992; trú tại Giang Sàng, Tp Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, hiện ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) đang giao các bộ kit test nhanh COVID-19 cho khách ở khu đô thị Ciputra.
Kiểm tra, cảnh sát phát hiện số hàng trên gần 1,000 bộ đựng trong 200 hộp có nhãn hiệu Test Mr.Sanicom. Toàn bộ số hàng này, không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Tại cơ quan điều tra, Anh Tuấn khai, lô test nhanh này có nguồn gốc từ Đức, được đưa về theo đường tiểu ngạch, không có hóa đơn chứng từ và chưa được cấp phép. Tuấn quảng cáo các bộ kit qua mạng xã hội rồi giao hàng khi có người đặt mua với giá bán lẻ từ 1.2-1.4 triệu đồng/hộp.
-
Siêu thị ở Hà Nội bán hàng lưu động tại 4 điểm
Từ ngày 2/8, các xe bán hàng lưu động với mức giá bình ổn đã được hệ thống Aeon triển khai tại 4 điểm ở quận Long Biên gồm:
- Số 5 đường Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng.
- Sân bóng đảo Sen, 125 Nguyễn Sơn.
- Sân chơi tổ 33 cũ, 34 phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy).
- Số 11 Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh).
Dự kiến, 4 điểm lưu động của siêu thị này sẽ được duy trì trong suốt thời gian Hà Nội giãn cách xã hội.
Ông Đàm Mạnh Tuấn – Giám đốc Siêu thị Aeon Long Biên cho biết, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng được liên tục. Giá bán hàng lưu động sẽ tương đương với giá trong siêu thị.
Hiện Hà Nội đang đóng cửa 40 siêu thị, cửa hàng tiện lợi của VinMart và VinMart+ do liên quan ca F0 của Công ty thực phẩm Thanh Nga và một số chợ truyền thống.
Trước Hà Nội, Aeon Việt Nam cũng đã tổ chức các điểm bán lưu động ở Tp HCM và hiện vẫn duy trì 20 điểm bán.
-
TP. HCM thu hồi công văn ghi tên 2 loại thuốc điều trị COVID-19
Chiều 3/8, Sở Y tế Tp HCM có công văn khẩn gửi đến các bệnh viện, cơ sở y tế về việc mua 2 loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, ngay sau đó, Sở đã thu hồi công văn này.
2 loại thuốc mà Sở Y tế đề cập trong công văn để điều trị F0 là loại thuốc dạng uống có tên:
- Thuốc kháng viêm có tên Medrol (hoạt chất Methylprednisolone) 16 mg của Công ty Pfizer: uống 1 viên vào buổi sáng.
- Thuốc kháng đông có tên Xarelto (hoạt chất Rivaroxaban) 20 mg của Công ty Bayer: sáng uống 1 viên, chống chỉ định cho bệnh nhân có rối loạn đông máu và viêm loét dạ dày nặng.
Trước đó sáng cùng ngày, trong công văn khẩn ở trên, Sở Y tế đề nghị các đơn vị mua gấp các loại thuốc trên để kịp thời điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Nơi cung ứng là Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 (Công ty Phytopharma).
Đến chiều 3/8, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh văn phòng Sở Y tế Tp HCM xác nhận “văn bản trên viết sai” và Sở đã thu hồi văn bản trên.
Ngay sau đó, Sở Y tế đã ra văn bản thay thế, trong đó yêu cầu các đơn vị sử dụng các loại thuốc có hai hoạt chất nêu trên căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và phác đồ của Bộ Y tế. Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện nghiên cứu xem xét phê duyệt, xây dựng phác đồ điều trị có sử dụng các thuốc nói trên tại đơn vị.
Được biết 2 loại thuốc nêu trên đều là biệt dược gốc, trong đó Medrol 16mg có giá 3,672 đồng/viên và Xarelto 20mg có giá 58,000 đồng/viên.
Trong khi cùng hoạt chất, cùng hàm lượng với thuốc Medrol của Pfizer (hoạt chất Methyl prednisolone), nhiều công ty khác sản xuất với giá 600-2,400 đồng/viên. Tương tự, thuốc Xarelto của Bayer (hoạt chất Rivaroxaban) giá bán vào khoảng 36,000 đồng/viên.
-
Thêm 93 ca mắc mới trong ngày, Đà Nẵng thiết lập thêm vùng cách ly
Ngày 3/8, Đà Nẵng ghi nhận thêm 93 ca mắc mới, trong đó có 58 ca đã được cách ly, 6 ca trong khu vực phong tỏa và 29 ca chưa được cách ly khi lấy mẫu.
Trong 29 ca chưa được cách ly trên, có 15 ca phát hiện qua lấy mẫu đại diện hộ gia đình ở các phường An Hải Bắc, Mân Thái, Thọ Quang và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà); 12 ca liên quan đến Cảng cá Thọ Quang, chợ Phước Mỹ, chợ Chiều, chợ Bà Kỷ (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), 2 ca là vợ chồng có triệu chứng đi khám tại Bệnh viện C.
Đáng chú ý, chuỗi lây nhiễm từ Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) tiếp tục ghi nhận thêm 77 ca mắc mới, nâng tổng số mắc lên 391 ca.
Ngày ⅜ là ngày Đà Nẵng ghi nhận số ca mắc cao nhất trong vòng 25 ngày qua. Cộng dồn từ 10/7 đến nay Tp Đà Nẵng đã ghi nhận 923 ca mắc COVID-19.
Cũng trong ngày 3/8, chính quyền quận Sơn Trà tiếp tục thiết lập thêm vùng cách ly y tế gồm:
- Chốt dọc theo đường Nguyễn Công Trứ từ hướng bờ sông Hàn đến ngã ba đường Nguyễn Công Trứ – Hồ Minh;
- Từ ngã ba Hồ Nghinh với đường Hà Chương ra biển về phía Bắc quận Sơn Trà (bao gồm Khu công nghiệp An Đồn và Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang).
-
Bình Dương đưa vào sử dụng 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 8,300 giường
Ngày 3/8, tỉnh Bình Dương đã đưa vào hoạt động 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 8,300 giường để điều trị bệnh nhân COVID-19, gồm:
- Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa, thuộc Bệnh viện dã chiến số 1 – Bình Dương, đặt tại khu nhà xưởng của Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BWID) với quy mô 5,300 giường, nhiều hơn dự kiến 300 giường.
- Bệnh viện dã chiến số 3 đặt tại khuôn viên Trường Đại học Việt Đức, phường Thới Hoà, TX.Bến Cát, với quy mô 3,000 giường bệnh, được phân tầng điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ đến trung bình.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đã huy động, thành lập 4 bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có 2 bệnh viện điều trị bệnh nhân người nước ngoài.
Trong ngày 3/8, tỉnh Bình Dương ghi nhận tổng cộng 1,606 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 35 ca tử vong.
Các ca mắc trong ngày được ghi nhận tại huyện Bàu Bàng (646 ca), TX.Tân Uyên (542 ca), Tp Thủ Dầu Một (151 ca), huyện Bắc Tân Uyên (94 ca), Tp Thuận An (89 ca), Tp Dĩ An (38 ca), TX.Bến Cát (34 ca), huyện Dầu Tiếng (7 ca) và các tỉnh/thành khác 5 ca.