Tin Việt Nam ngày 27/7: Hơn 7,900 ca mắc trong ngày; TP. HCM dừng hoạt động thi công xây dựng; Kiên Giang, Bình Dương giới nghiêm từ ngày mai; 5 tỉnh miền Tây áp dụng khung giờ không ra đường
Nội dung sáng 27/7:
|
-
Thêm 2,764 ca mắc mới, có 538 ca trong cộng đồng
6h ngày 27/7, Việt Nam thêm 2,764 ca mắc mới gồm 2 ca nhập cảnh và 2,762 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (1,849), Đồng Tháp (149), Tây Ninh (144), Đồng Nai (119), Bình Dương (87), Vĩnh Long (73), Tiền Giang (63), Bến Tre (60), Bà Rịa – Vũng Tàu (52), An Giang (43), Phú Yên (37), Khánh Hòa (26), Cần Thơ (17), Đắk Lắk (11), Kiên Giang (11), Hậu Giang (7), Hà Nội (4), Bình Định (4), Trà Vinh (3), Huế (2), Cà Mau (1). Trong đó có 538 ca trong cộng đồng.
Như vậy, tính từ 27/4 đến sáng 27/7, Việt Nam có tổng số ca mắc là 105,338 ca, trong đó, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 126 ca; 15 ca nguy kịch đang điều trị ECMO. Hiện có 8 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
-
Hà Nội thông tin về 19 ca nhiễm mới tại 7 chùm ca bệnh
Chiều tối 26/7, Hà Nội ghi nhận thêm 19 trường hợp dương tính, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 phát hiện trong ngày lên 64 ca. Các ca nhiễm liên quan đến 7 chùm ca bệnh gồm:
- 1 bệnh nhân thuộc chùm 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa;
- 2 bệnh nhân thuộc chùm ca về từ TP.Hồ Chí Minh;
- 4 bệnh nhân thuộc chùm Tân Mai, Hoàng Mai;
- 3 bệnh nhân thuộc chùm B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng;
- 6 bệnh nhân thuộc về các trường hợp ho sốt trong cộng đồng;
- 1 bệnh nhân thuộc chùm nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ;
- 2 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho sốt cộng đồng.
Như vậy tính từ ngày 29/4, thời điểm dịch bùng lần thứ 4 cho đến tối ngày 26/7, Hà Nội đã ghi nhận 794 ca COVID-19. Cụm dịch mới phát hiện liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội tính đến tối 26/7 đã ghi nhận 27 trường hợp dương tính là người bệnh, người nhà của bệnh nhân và nhân viên y tế.
Từ 18h ngày 25/7, Bệnh viện này đã tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh thông thường, chuyển các ca nhiễm COVID-19 lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Các bệnh nhân khác được phân luồng ra 3 bệnh viện khác của Hà Nội gồm Xanh Pôn, Thanh Nhàn và Đức Giang.
-
Hệ thống cấp ‘luồng xanh’ QR Code quá tải, xuất hiện tình trạng bị tấn công mạng
Chiều 26/7, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, 3 ngày qua từ khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, số lượng phương tiện gửi đến Sở cấp mã QR Code để lưu thông theo “luồng xanh” quá lớn, dẫn đến quá tải trong việc kiểm tra, giải quyết.
Còn theo bà Phan Thị Thu Hiền, Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong vài ngày qua đã liên tục ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống cấp mã QR Code.
Sau 3 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Sở GTVT Hà Nội nhận được hơn 20,000 đề nghị cấp QR code và đã cấp được hơn 7,000 giấy thông hành. Còn tại TP. HCM, tính đến trưa 26/7, Sở GTVT TP. HCM đã cấp QR Code cho 42,837 xe, toàn quốc đã cấp được 77,397 xe.
-
TP. HCM: Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận/huyện
Tối 26/7, TP. HCM ban hành công văn khẩn về quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ, phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo đó, từ ngày 26/7, chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu.
Về địa bàn hoạt động, các đơn vị có dịch vụ shipper chỉ hoạt động theo khu vực thuận tiện quản lý. Mỗi người chỉ làm việc trên địa bàn một quận, huyện hoặc TP Thủ Đức. Đồng thời cần phải giảm 10% số lượng nhân viên giao hàng so với thời điểm trước khi áp dụng Chỉ thị 12 của TP.
Về đặc điểm nhận diện, ngoài giải pháp nhận diện hiện nay như đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành doanh nghiệp cấp cho shipper, đơn hàng giao – nhận, từng shipper phải mang bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty. Đồng thời phải có ứng dụng công nghệ nhận diện thông qua mã QR Code. Mã này hiển thị rõ thông tin người giao hàng, nơi cư trú, lộ trình vận chuyển, loại hàng hóa thiết yếu.
Toàn bộ nhân viên giao hàng đeo găng tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ “Shipper” màu trắng.
-
Cần Thơ ghi nhận thêm 2 ca tử vong, dự kiến đón 1,000 công dân về từ vùng dịch
Chiều 26/7, Cần Thơ ghi nhận thêm 2 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại tỉnh lên 4 ca.
Từ ngày 25 đến sáng 26/7, qua truy vết lấy mẫu xét nghiệm toàn bệnh viện, giới chức không phát hiện thêm ca nhiễm nào, ngoài 8 trường hợp dương tính trước đó của êkip trực cấp cứu.
Trong ngày 26/7, một cụm dịch mới phát hiện nằm trong Bệnh viện Đa Khoa Cần Thơ. Bệnh viện này đã phong tỏa một số khoa phòng có nguy cơ cao liên quan, đồng thời vẫn tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.
Liên quan đến việc đón người từ vùng dịch về, ngày 26/7, TP. Cần Thơ cho biết, có thể bố trí đáp ứng cho khoảng 400 công dân trở về từ TP. HCM. Khi về TP. Cần Thơ, những công dân này sẽ được cách ly tập trung. Ngoài ra, TP. Cần Thơ cũng lên phương án để đón khoảng 600 công dân trở về từ Bình Dương.
Hiện Cần Thơ có 832 ca nhiễm COVID-19; 5 bệnh viện dã chiến đã được kích hoạt ở quận: Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, Huyện.Thới Lai và Bệnh viện dã chiến Quân Dân y. Tổng số giường là 850.
-
Tiền Giang bắt đầu thực hiện giới nghiêm, cấm người dân ra đường từ 18h
Truyền thông đưa tin, lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực và được thực hiện kể từ 18h ngày hôm nay (27/7).
Chủ tịch Tỉnh, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trong thời gian thực hiện lệnh giới nghiêm sẽ đồng thời dừng tất cả các hoạt động trên toàn tỉnh, ngoại trừ cấp cứu và các công việc theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch.
Tính đến ngày 26/7, Tiền Giang có 120 cụm dịch với 1,988 bệnh nhân, trong đó, 168 ca đã hồi phục, và 33 trường hợp tử vong.
-
Vàng thế giới tiếp tục giảm dưới mức cản, vàng trong nước nằm im chờ thời
Trong phiên giao dịch sáng nay (27/7), giá vàng thế giới giao ngay giảm 0.02% xuống 1,797.1 USD/ounce vào lúc 6h45 (giờ Việt Nam). Giá vàng giao tháng 8 cũng giảm 0.16% xuống 1,796.35 USD.
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (26/7) khi giới đầu tư trở nên thận trọng hơn trước cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed), khiến sự hỗ trợ từ đồng USD suy yếu trở nên vô nghĩa. Vào hôm nay (27/7), Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày.
Tại Việt Nam, sau khi có lệnh giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, thị trường vàng gần như “tê liệt” khi các công ty vàng đồng loạt ngừng giao dịch.
Trong phiên giao dịch sáng 27/7, tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức 56.80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.55 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức 56.80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.47 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại một số công ty, dù thông báo người dân có thể mua vàng trực tuyến, nhưng sau khi hết giãn cách, các doanh nghiệp mới giao hàng được.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm