Tin Việt Nam ngày 26/7: Gần 7,900 ca mắc mới trong ngày, TP. HCM quy định 5 trường hợp được ra đường sau 18h, Nghệ An mở lại trường mầm non, trung tâm ngoại ngữ
Nội dung trưa 26/7:
|
-
24/29 ca khẳng định dương tính, Bệnh viện Phổi Hà Nội thành ổ dịch
Đến sáng 26/7, Bệnh viện Phổi Hà Nội (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) đã sàng lọc được 29 ca dương tính COVID-19 gồm 21 bệnh nhân, 2 người nhà người bệnh và 6 nhân viên y tế. Hiện 24/29 trường hợp đã có kết quả khẳng định dương tính COVID-19.
Trong sáng cùng ngày, quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định về việc thiết lập khu vực cách ly y tế để phòng dịch đối với Bệnh viện Phổi Hà Nội trong vòng 14 ngày.
Theo quyết định này, đối tượng cách ly là toàn bộ người hiện đang có mặt tại Bệnh viện Phổi Hà Nội có liên quan đến bệnh nhân dương tính COVID-19.
-
Siêu thị ở TP. HCM sẽ đóng cửa trước 17h, một số cơ sở bán lẻ đóng trước 16h
Thực hiện Chỉ thị 16 nâng cao, một số siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm ở TP. HCM đã thông báo, sẽ mở cửa hoạt động đến 17h, thay cho 22h như trước đây.
Như vậy, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sẽ điều chỉnh giờ mở cửa sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ và đồng loạt đóng cửa trước 17h. Với thời gian hoạt động mới, một số siêu thị sẽ hoạt động từ 6h30 và đóng cửa trước 17h; một số cơ sở bán lẻ sẽ đóng cửa trước 16h.
Trong sáng 26/7, TP. HCM siết chặt tình trạng giãn cách, kể cả hoạt động của shipper giao nhận hàng hóa thiết yếu. Một số nhà bán lẻ đã phản ánh tình trạng nhân viên của họ không đến được nơi làm việc do khác quận, khu vực.
Đại diệu siêu thị Aeon Việt Nam cho biết, ngay từ sáng, nhiều nhân viên không thể đến được siêu thị để làm việc dù đã có giấy xác nhận của công ty vì các chốt chặn kiểm tra rất gắt gao.
Đặc biệt, việc giao thực phẩm với các đơn hàng trực tuyến của siêu thị đang gặp nhiều khó khăn do không thể gọi được shipper từ dịch vụ Ahamove. Ngay cả nhân viên giao nhận của siêu thị cũng không thể đi ra khỏi Q.Tân Phú được khiến hàng trăm đơn hàng online đã được soạn xong mà không thể giao cho khách hàng.
-
Bộ Y tế thu hồi danh mục 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19
Sáng 26/7, Bộ Y tế ký văn bản thu hồi công văn số 5944 ra ngày 24/7 về việc tăng cường phòng dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Lý do cho việc thu hồi là bởi “có một số nội dung chưa phù hợp”.
Trước đó, trong công văn 5944, Bộ Y tế công bố 12 sản phẩm từ dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Viên nang Kovi; Bạch địa căn; Siro Viêm họng; Siro Dưỡng âm bổ phế; Siro Ngân kiều; Hạnh tô; Vệ khí khang; Hoạt huyết Nhất Nhất; Viên nang Imboot ; Xuyên tâm liên; và Viên nang Nasagast – KG.
Trong danh mục này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám, chữa bệnh để hỗ trợ cho các người bệnh nhiễm COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Ngoài ra, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược, Bộ Y tế cũng đưa ra một số danh mục sản phẩm khác như: Sản phẩm sát khuẩn; thuốc xịt họng; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe, trong đó có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng… của các sản phẩm này.
-
Quảng Ngãi đón 200 người về từ TP. HCM
Sáng 26/7, 200 người từ TP. HCM trên 10 chiếc ô tô đã về đến Quảng Ngãi và được cách ly tập trung tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn. Những người này đều đã kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm.
Trong số 200 người về lần này, có 16 trẻ em, 120 phụ nữ, trong đó có nhiều thai phụ, 2 trường hợp bị bệnh nặng và nhiều người lớn tuổi, tất cả sẽ được cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
Việc quản lý khu cách ly tập trung sẽ được điều hành qua camera và hệ thống loa phát thanh. Mỗi phòng cách ly rộng trên 20 m2, dành cho 4 người ở. Hằng ngày, thực phẩm sẽ được đưa vào khu cách ly.
-
Đồng Nai ghi nhận ca tử vong thứ 8 liên quan COVID-19, Ninh Bình có 1 ca đầu tiên
Sáng 26/7, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, địa phương này đã ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong liên quan đến COVID-19. Bệnh nhân được xác định tử vong vào hồi 5h20 ngày 25/7. Đây là bệnh nhân tái dương tính COVID-19 có tiền sử ung thư phổi, được cách ly và điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quỳnh Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Ngày 25/7, trước khi tử vong, bệnh nhân ho ra máu đỏ tươi, da xanh tái, mạch nhanh khó bắt, huyết áp không đo được. Bệnh nhân được hồi sức hô hấp, tim mạch nhưng không hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, hiện địa phương đang điều trị cho 14 trường hợp mắc COVID-19.
Tại Đồng Nai, cũng trong sáng 26/7, Sở Y tế cho biết, trong ngày 25/7, tỉnh này ghi nhận bệnh nhân thứ 8 tử vong do COVID-19. Ngoài 8 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tử vong, hiện tỉnh còn một số ca bệnh diễn biến nặng, nguy cơ rất cao.
Theo nhận định của Sở Y tế Đồng Nai, số ca dương tính với COVID-19 mới phát hiện thông qua test nhanh sàng lọc cao, nguồn lây nhiễm trong cộng đồng khá phức tạp, lan rộng và khó kiểm soát.
-
Hà Nội có số thí sinh bị điểm liệt cao nhất cả nước
0h ngày 26/7, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo kết quả tra cứu, phổ điểm năm nay nhỉnh hơn các năm trước, số điểm 10 xuất hiện nhiều hơn. Cả nước có 23,550 bài thi được điểm 10, trong đó, môn Ngữ văn (môn tự luận duy nhất trong kỳ thi) có 3 thí sinh được điểm tuyệt đối trong 991,253 thí sinh dự thi môn này. Tính từ 3 năm trở lại đây, Ngữ văn luôn là môn rất hiếm điểm 10.
Ngoài ra, môn Ngữ văn năm nay có 14,968 em đạt từ 9 điểm trở lên, trong đó có 69 thí sinh đạt điểm 9.75 (năm 2020 là 41 thí sinh).
Dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT cho thấy, Bình Dương là tỉnh dẫn đầu cả nước với mức điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT 2021 là 7.056 điểm. Nam Định là địa phương xếp thứ 2 với 6.996 điểm. Xếp thứ 3 cả nước là Ninh Bình với 6.903; thứ 4 là An Giang với 6.869.
Các địa phương còn lại trong top 10 có điểm trung bình tốt nghiệp cao nhất là Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bạc Liêu, Vĩnh Long, TP. HCM và Phú Thọ.
TP. HCM năm nay xếp thứ 9 (tụt một bậc so với năm 2020), trong khi đó, Hà Nội xếp thứ 25, (tụt 2 bậc so với năm 2020). 3 địa phương xếp cuối cùng cả nước về mức điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là Hà Giang, Hoà Bình, Cao Bằng với số điểm lần lượt là 5.647; 5.920; 5.956. Đây cũng là 3 địa phương có điểm trung bình tốt nghiệp dưới 6.0.
Về điểm thi môn Toán, Nam Định dẫn đầu cả nước về điểm trung bình, kế đến là TP. HCM, Bình Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội và Bà Rịa- Vũng Tàu.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh thủ khoa duy nhất toàn quốc dành 3 điểm 10 là nữ sinh Hà Tĩnh Võ Thị Kim Anh (học sinh lớp 12 Toán 1 của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh).
Cụ thể, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Kim Anh đạt tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển khối B (Toán, Hóa học, Sinh học) là 30 với 3 điểm 10 tuyệt đối. Với kết quả này, Kim Anh cũng là thủ khoa duy nhất đạt được tổng điểm 30 nếu xét theo các tổ hợp xét tuyển.
Về điểm liệt, theo thống kê từ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong số 1,280 bài thi, Hà Nội có đến 195 bài bị điểm từ 1 trở xuống, cao nhất cả nước; kế đến là Thanh Hoá với 78 bài điểm liệt, Nghệ An là 75 bài.
Trong tổng số 1,280 bài thi bị điểm liệt ở trên, môn Lịch sử có số bài điểm liệt cao nhất là 540, tiếp đến là Ngữ văn 172, tiếng Anh 144, Toán 119, Địa lý 118, Sinh học 75, Hoá học 58, Giáo dục công dân 29 và Vật lý 25.