Tin Việt Nam ngày 21/8: Hơn 13,400 ca mắc mới, Hà Nội ra công điện tiếp tục cách ly thành phố, Sài Gòn ngừng hoạt động shipper tại Tp Thủ Đức và 7 quận/huyện, ‘Đà Nẵng chưa kiểm soát được dịch’, VFF chi 350 triệu đồng thuê sân Mỹ Đình không khán giả
Nội dung sáng 21/8:
|
-
Số mắc vượt 323,000 ca, ghi nhận kỉ lục số ca khỏi bệnh với 12,756 bệnh nhân
Tính đến sáng 21/8, Việt Nam có tổng cộng 323,268 ca nhiễm. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận 319,209 ca, trong đó có 130,041 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 20/8, Việt Nam ghi nhận 10,650 ca mắc mới tại 43 tỉnh/thành, trong đó có 6,132 ca cộng đồng. Các ca mắc mới ghi nhận nhiều nhất tại Bình Dương (4,223), Tp HCM (3,375), Đồng Nai (686), Long An (495), Tiền Giang (367), Đà Nẵng (167), Đồng Tháp (156),…
So với ngày 19/8, số mắc tại Việt Nam ngày 20/8 tăng 11 ca, trong đó, Bình Dương tăng 968 ca, Tp HCM giảm 1,050 ca, Đồng Nai tăng 29 ca, Long An giảm 50 ca, Tiền Giang giảm 111 ca.
Về tình hình điều trị, trong ngày 20/8, Việt Nam ghi nhận kỉ lục số ca khỏi bệnh với 12,756 bệnh nhân, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 132,815 ca.
Tính đến ngày 20/8, tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam là 7,540 ca, chiếm tỷ lệ 2.3% so với tổng số ca mắc. Số ca bệnh nặng đang điều trị ICU là 666 ca, số ca bệnh nguy kịch đang điều trị ECMO là 24 ca.
-
Người dân 11 phường ở Bình Dương ‘không ra khỏi nhà’ 15 ngày
Theo quyết định mới của tỉnh Bình Dương, từ 0h ngày 22/8, 4 phường thuộc Tp Thuận An (gồm Bình Chuẩn, Thuận Giao, Bình Hòa, An Phú) và 7 phường thuộc Tx Tân Uyên (gồm Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp) sẽ nâng mức giãn cách xã hội, người dân được yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố…
11 phường này được xác định “vùng đỏ, đậm đặc F0” và người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà trong 15 ngày (trừ những người làm nhiệm vụ ứng phó dịch bệnh) để cơ quan chức năng xét nghiệm sàng lọc F0.
Hôm qua (20/8) Bình Dương vượt Tp HCM về số nhiễm trong ngày với 4,223 ca, tăng 968 ca so với ngày 19/8, nâng tổng số ca trong đợt dịch lần thứ 4 đến nay lên 59,824 ca, trong đó 22,196 ca đã khỏi bệnh, 508 trường hợp tử vong. Tỉnh hiện có 1,204 khu vực phong tỏa với hơn 121,000 người.
Trong hơn một tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bình Dương xét nghiệm diện rộng 1.8 triệu người (chiếm hơn 70% dân số toàn tỉnh) để tách F0.
-
4 tỉnh dừng tựu trường, dừng khai giảng, thay đổi lịch đi học lại
Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành có lịch tựu trường năm học 2021-2022, tuy nhiên, 4 tỉnh là Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Sơn La, Đắk Lắk có thông báo mới, dừng việc tựu trường, khai giảng, thay đổi lịch đi học lại 2021 của học sinh. Cụ thể:
Tại Sơn La, từ 16/8, học sinh của tỉnh đã tựu trường, tuy nhiên sau 1 ngày, xuất hiện 2 ca dương tính tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên chưa rõ nguồn lây. Nên từ ngày 18/8, học sinh được nghỉ học. Các trường Phổ thông dân tộc Nội trú tạm thời cho học sinh ở tại trường.
Tại Nghệ An, ngày 16/8, Sở GD&ĐT quyết định dừng hoạt động các trung tâm và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập từ ngày 17/8.
Hà Tĩnh ngày 10/8, đã phê duyệt khung thời gian năm học 2021-2022, theo đó ngày tựu trường là 1/9; riêng đối với lớp 1, tựu trường ngày 23/8. Tuy nhiên, chiều 16/8, tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng dạy học tập trung từ 7h ngày 17/8. Đến ngày 19/8, tỉnh ra văn bản khác, cho lùi thời gian tựu trường năm học 2021-2022 đến khi có thông báo mới.
Còn tại Đắk Lắk mới đây, Sở GD&ĐT đã ra văn bản trong đó sẽ lùi thời gian tựu trường của học sinh lớp 1 trễ hơn 1 tuần so với khung thời gian Bộ GD&ĐT đưa ra. Trước đó, ngày 12/8, tỉnh ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 quy định thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9 (riêng học sinh lớp 1 tựu trường ngày 23/8); khai giảng vào ngày 5/9.
-
Shipper Đà Nẵng được hoạt động trở lại từ hôm nay
Tối 20/8, Tp Đà Nẵng đã chấp thuận để người giao hàng áp dụng công nghệ (shipper) hoạt động lại từ hôm nay (21/8).
Để được lưu thông trở lại, các shipper phải test nhanh có kết quả âm tính với COVID-19 mỗi ngày, đã được chích ngừa vaccine… Chỉ mua hàng tại các siêu thị và địa chỉ thương mại được thành phố cho phép.
Trong 20/8, Đà Nẵng ghi nhận thêm 167 ca dương tính mới tập trung tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Hòa Vang, trong đó có 43 ca cộng đồng, có 23 ca chưa rõ nguồn lây.
Đáng chú ý, chuỗi lây từ chợ đầu mối Hòa Cường vẫn ghi nhận số mắc cao với 98 ca, nâng tổng số lên 592 ca. Các chuỗi lây nhiễm từ các khu vực phong tỏa tại quận Sơn Trà giảm xuống còn 6 ca.
Cộng dồn từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2,464 ca mắc COVID-19. Ngày 20/8 là ngày thứ 5 Đà Nẵng thực hiện dừng tất cả hoạt động, “ai ở đâu ở yên đó” trong 7 ngày.
-
Cà Mau nới lỏng một số hoạt động, hàng quán được bán trở lại
Từ hôm nay (21/8), tỉnh Cà Mau sẽ nới lỏng các hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Cụ thể:
Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, gia đình được kinh doanh ăn uống tại chỗ nhưng mỗi bàn không quá 4 người, khoảng cách tối thiểu 2 mét. Riêng 2 địa phương là Tp Cà Mau và huyện Đầm Dơi chỉ được bán mang về.
Người dân trên địa bàn được tập trung nhưng không quá 10 người tại 1 địa điểm ở nơi công cộng; nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động.
Trong ngày 20/8, tỉnh này cũng áp dụng giờ giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 4h sáng hôm sau, tất cả người dân không được ra đường; trừ những trường hợp cần thiết.
-
Đồng bằng sông Cửu Long còn 690,000 hecta lúa hè thu chưa thu hoạch
Tại buổi làm việc với các Bộ, ngành và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 20/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Thanh Nam cho biết, các tỉnh ĐBSCL hiện còn 690,000 hecta lúa hè thu, thu hoạch từ nay đến giữa tháng 9.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc thu hoạch lúa, nhất là đối với lúa hè thu không thể để chậm trễ vì đang mùa mưa, hạt lúa sẽ nảy mầm trên bông, hư hỏng, vấn đề vận chuyển và đưa nhân công, máy móc thu hoạch là rất quan trọng.
Ông Nam yêu cầu Sở GTVT, Sở NN&PTNT, Sở Y tế các địa phương phối hợp thực hiện để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất thu hoạch, thu mua, vận chuyển sản phẩm nhanh chóng.
Hiện một số địa phương yêu cầu tài xế khi qua chốt bắt buộc phải có kết quả PCR âm tính, không chấp nhận giấy test nhanh, có nơi chỉ công nhận thời gian giấy xét nghiệm COVID-19 trong 24 giờ hay 48 giờ, gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Hơn nữa các yêu cầu trên đều vượt quá hoặc không đúng quy định (72 giờ).
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm