Tin Việt Nam ngày 19/7: Gần 4,200 ca COVID-19 mới trong ngày, thêm 80 ca tử vong, Bộ Y tế cam kết không thiếu máy thở, khí oxy, TP. HCM thay đổi cách xét nghiệm, cho F0 xuất viện sớm
Nội dung trưa 19/7:
|
-
Campuchia tặng 100 máy tạo oxy, khẩu trang cho TP. HCM
Ngày 19/7, Chính phủ Hoàng gia Campuchia tặng trang thiết bị và vật tư y tế phòng dịch COVID-19, gồm 100 máy tạo oxy, 100,000 khẩu trang N95, 1 triệu khẩu trang y tế và 200,000 USD cho TP. HCM
Tại buổi trao tặng, bà Youk Sambath, Quốc Vụ khanh Bộ Y tế Vương quốc Campuchia đại diện Chính phủ Hoàng gia và người dân Campuchia đã gửi lời chia sẻ, động viên đến TP HCM. Bà hy vọng rằng, những hỗ trợ kịp thời này có thể góp phần giúp thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh, ổn định đời sống người dân, khôi phục phát triển sản xuất.
Thay mặt chính quyền và người dân TP. HCM, Phó Chủ tịch TP. HCM Dương Anh Đức bày tỏ sự trân trọng trước tình cảm, sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của Thủ tướng Hun Sen, Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Vương quốc Campuchia.
-
Hà Nội thêm 16 ca dương tính, 3 chuỗi lây mới
Sáng 19/7, Sở Y tế Hà Nội vừa ghi nhận 16 trường hợp dương tính trên địa bàn thành phố gồm:
- 6 trường hợp là công nhân Công ty S., Khu công nghiệp Thăng Long đã được cách ly từ ngày 5/7 và đã có ít nhất 2-3 lần xét nghiệm âm tính. Ngày 17/7, các trường hợp trên được lấy mẫu xét nghiệm do có triệu chứng, kết quả dương tính với COVID-19.
- 4 trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh tại B8 Tân Mai, đều cùng trong một gia đình ngay cạnh gia đình có 6 người dương tính đã được công bố ngày 18/7. Ngày 18/7, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
- 4 trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh tại 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa (chùm ca bệnh tại Chung cư Sunshine Palace tại Hoàng Mai sau khi điều tra dịch tễ xác định liên quan đến 90 Nguyễn Khuyến nên tên gọi chùm ca bệnh được thay đổi).
- 2 trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh Bùi Thị Xuân, đều là F1, có tham dự bữa ăn ngày 15/7 trong đó có 3 F0 đã được xác định cùng tham dự. Ngày 18/7, cả 2 người này được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Tính từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 F0, trong đó, số F0 trong cộng đồng là 261 trường hợp, số F0 phát hiện trong khu cách ly là 181 trường hợp.
Từ ngày 5/7 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 183 F0. Đáng chú ý, 3 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 16/7 có số F0 khá cao là: 90 Nguyễn Khuyến (34 F0), B8 Tân Mai (16 F0) và 132 Bùi Thị Xuân (14 F0).
-
Hà Nội xét nghiệm tất cả những người về từ 19 tỉnh phía Nam
Ngày 19/7, Sở Y tế Hà Nội quyết định rà soát, xác minh người về từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và 19 tỉnh đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Thành phố cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp này, cách ly đủ 14 ngày tại nhà kể từ ngày về Hà Nội.
Từ 19/7 đến 25/7, thành phố rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện COVID-19 để đánh giá nguy cơ với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc COVID-19, không cần yếu tố dịch tễ, thời gian bắt đầu triệu chứng từ ngày 10/7.
Hà Nội cũng thực hiện lấy mẫu giám sát với người làm nghề lái xe, phụ xe bus, bán vé xe bus trên địa bàn. Các cơ sở xét nghiệm sử dụng phương pháp RT-PCR lấy mẫu gộp thực địa hoặc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 trường hợp mắc, trong đó, 261 ca cộng đồng, 181 ca trong khu cách ly. Từ ngày 5/7 đến nay, thành phố ghi nhận 183 ca bệnh.
-
Đà Nẵng đón hơn 600 người về từ TP. HCM trên 3 chuyến bay miễn phí
Sáng nay (19/7), ông Trần Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP. HCM cho biết, thành phố Đà Nẵng đã bố trí 3 chuyến bay đón hơn 600 người dân về quê.
Trước đó, Hội đồng hương lên kế hoạch chuẩn bị 16 xe giường nằm để đưa người dân về từ TP. HCM, tuy nhiên, quãng đường dài và hiện các tỉnh đang có dịch, thành phố đã thay đổi, quyết định đưa người dân về bằng máy bay.
Theo ông Phong, 3 chuyến bay sẽ xuất phát lần lượt vào lúc 10h, 14h và 18h ngày 21/7. Toàn bộ vé máy bay được miễn phí. Trước khi lên máy bay, người dân phải nộp giấy xét nghiệm âm tính, có thể tự chủ động thực hiện hoặc liên hệ Hội đồng hương để được hỗ trợ.
Thành phố Đà Nẵng đã trưng dụng 5 khách sạn ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Hải Châu làm cơ sở cách ly tập trung người về từ TP. HCM. Địa phương cũng miễn phí tiền lưu trú, người về chỉ phải đóng tiền ăn theo quy định cách ly tập trung (80,000 đồng tiền ăn mỗi ngày/người; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt 40,000 đồng/ người/ngày.
-
Hải Phòng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 22h
Sáng 19/7, thành phố Hải Phòng ban hành văn bản hỏa tốc về phòng dịch trong đó yêu cầu như sau:
- Người dân không ra khỏi nhà sau 22h, trừ trường hợp đặc biệt hoặc thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
- Nhân viên các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp có địa chỉ thường trú tại Hà Nội đang làm việc tại Hải Phòng được yêu cầu ở lại Hải Phòng không về Hà Nội.
- Lãnh đạo các đơn vị không cử nhân viên đi công tác tại Hà Nội và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trừ trường hợp đặc biệt.
- Với lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp khi đi công tác phải có ý kiến của thủ trưởng các đơn vị quản lý trực tiếp và địa phương quản lý; người đi công tác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch và phải chịu trách nhiệm nếu để nhân viên vi phạm làm lây lan dịch bệnh ra thành phố.
- Người từ Hà Nội đến Hải Phòng phải có phiếu kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với virus viêm phổi Vũ Hán trong 48h kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.
- Dừng vận tải hành khách tuyến cố định Hải Phòng – Hà Nội; dừng hoạt động của các vườn hoa, công viên tại thành phố; không tụ tập quá 10 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện; dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh ăn, uống đường phố; dừng các chuyến tàu khách đến các ga tại Hải Phòng.
- Điều chỉnh phân luồng đối với các xe vận tải hàng hóa từ Hà Nội về Hải phòng và ngược lại từ nhóm nguy cơ sang nhóm nguy cơ cao, dán logo màu đỏ cho các phương tiện này để kiểm soát việc khai báo y tế và phiếu kết quả xét nghiệm.
- Lái xe, phụ xe phải xét nghiệm theo yêu cầu của thành phố; giảm 50% số lượng khách đối với các phương tiện xe xe du lịch, xe taxi, xe hợp đồng (trừ xe hợp đồng chuyên chở công nhân).
Từ 17/7 tới nay, Hải Phòng ghi nhận 7 bệnh nhân dương tính COVID-19, trong đó, 2 thuyền viên nhập cảnh từ Indonesia.
-
Đồng Nai xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần cho nhân viên y tế
Ngày 19/7, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, đã gửi văn bản khẩn đến các đơn vị trực thuộc, các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh về việc phòng ngừa lây nhiễm chéo trong điều trị cho các nhân viên y tế.
Cụ thể, tỉnh Đồng Nai sẽ xét nghiệm test nhanh COVID-19 định kỳ 3 ngày/lần và xét nghiệm RT-PCR cho tất cả nhân viên y tế nếu có nghi ngờ; phun khử khuẩn 2 ngày/lần và phun khử khuẩn ngay khi cần thiết tại nơi tiếp nhận ca mắc mới, sau khi di chuyển người bệnh đi nơi khác. Nơi ở của nhân viên y tế cũng phải được phun khử khuẩn 2 ngày/lần.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn cần thực hiện nghiêm hướng dẫn; rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khâu tiếp nhận, thu dung, điều trị, đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế phục vụ chăm sóc, khám và điều trị cho bệnh nhân.
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến ngày 19/7, tỉnh Đồng Nai đã có gần 20 nhân viên y tế mắc COVID-19 tại 3 bệnh viện, 1 trung tâm y tế và 1 khu cách ly tập trung khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
-
2 tàu cao tốc chở 40 tấn rau, củ cung cấp cho TP. HCM
Sáng 19/7, hai tàu cao tốc chở miễn phí khoảng 40 tấn rau, củ của bà con Tiền Giang từ mạn bến phà tạm Rạch Miễu, tỉnh Tiền Giang cung cấp cho người dân TP. HCM.
Số hàng này dự kiến sẽ được chở về cập bến cảng Bạch Đằng (TP. HCM), sau đó phân phối qua các kênh bán lẻ. Theo đó, nhân viên, thủy thủ của tàu cao tốc được yêu cầu không rời khỏi tàu, nhân viên bốc xếp chuyên nghiệp của địa phương sẽ hỗ trợ người dân vận chuyển hàng hóa xuống tàu. Khi tàu về TP.HCM sẽ có nhân viên bốc xếp đưa hàng lên bờ.
Ông Trần Song Hải, tổng giám đốc Greenlines DP, đơn vị được sử dụng tàu cao tốc chuyên chở khách để chở hàng hóa trong dịp này cho hay, hiện đơn vị đã chuẩn bị 5 tàu cao tốc cho việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh miền Tây đi TP. HCM và ngược lại.
Lộ trình di chuyển của tàu cao tốc: Cảng Bạch Đằng -> bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền → kênh Chợ Gạo → sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn → sông Cần Giuộc) → sông Soài Rạp → sông Nhà Bè → sông Sài Gòn → Bến Bạch Đằng và ngược lại.
-
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 3, giật cấp 10 trên biển Đông
Sáng nay (19/7), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bã số 3, có tên quốc tế là CEMPAKA.
Cơ quan khí tượng cho biết, hồi 13h, vị trí tâm bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 190 km về phía Tây Nam với sức gió mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10 vùng gần tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc. Đến 13h ngày 20/7, vị trí tâm bão trên vùng ven biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11 vùng gần tâm bão .
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Đến 13h ngày 21/7, vị trí tâm bão trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10, vùng gần tâm bão.
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13h ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9 vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 2.5-5.0 m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2.0-3.0m; biển động.