Tin Việt Nam ngày 18/8: Tròn 8,800 ca mắc mới, gần 300 ca tử vong, Tp HCM đề nghị không tựu trường, không khai giảng, Đà Nẵng thêm 134 F0, Bình Dương áp dụng các biện pháp mạnh
Nội dung sáng 18/8:
|
-
Số mắc vượt 293,000 ca, Việt Nam có 620 bệnh nhân nặng/nguy kịch
Tính đến sáng nay (18/8), Việt Nam ghi nhận tổng cộng 293,301 ca mắc COVID-19 tính từ đầu mùa dịch, trong đó có 620 bệnh nhân nặng và nguy kịch đang điều trị.
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số ca nhiễm mới là 289,276 ca, trong đó có 108,534 bệnh nhân khỏi bệnh. Có 6/62 tỉnh/thành qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới là: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
Có 5 tỉnh/thành có số mắc cao là Tp HCM (156,386), Bình Dương (49,833), Long An (15,579), Đồng Nai (14,502), Bắc Giang (5,795).
Về tình hình điều trị, trong 620 bệnh nhân nặng và nguy kịch, hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 600 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
Tổng số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6,472 ca, chiếm tỷ lệ 2.2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
-
Sài Gòn kiến nghị Chính phủ cấp gần 28 nghìn tỷ, hơn 142,000 tấn gạo
Tối 17/8, Tp HCM gửi văn bản tới Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính kiến nghị cấp số tiền là 27,967,947 triệu đồng và 142,200 tấn gạo để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ, lương thực cho người dân nghèo trong thời gian thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Cụ thể:
- Về số lượng người: dự kiến 1,580,110 gia đình với 4,740,330 người.
- Về mức hỗ trợ: tiền ăn 50,000 đồng/gia đình/ngày; tiền thuê phòng trọ 1,500,000 đồng/gia đình/tháng; gạo 15 kg/người.
Thời gian qua, Tp HCM đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có giãn cách xã hội trên toàn địa bàn với các cấp độ thắt chặt tăng dần. Ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với các đợt giãn cách đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội của thành phố.
-
Hà Nội thêm 5 ca dương tính, dịch bệnh diễn biến nóng tại Đà Nẵng, Bắc Ninh, Nghệ An
Sáng nay (18/8), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 5 ca dương tính mới đều tại khu cách ly thuộc chùm ho, sốt thứ phát và phân bố ở 3 quận/huyện là Hoàng Mai (3), Đống Đa (1), Đông Anh (1).
Tại Đà Nẵng, trong ngày 17/8 thành phố ghi nhận 120 F0, trong đó có 84 ca liên quan chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Hòa Cường gồm 35 ca là tiểu thương của chợ này, 3 ca là người đi chợ và 46 ca đã cách ly/trong khu phong tỏa. Chuỗi lây nhiễm này vẫn ở nguy cơ rất cao với tổng số mắc là 280 trường hợp.
Đáng chú ý, trong ngày, Tp Đà Nẵng ghi nhận 9 ca dương tính phát hiện ngoài cộng đồng gồm 4 trường hợp là nhân viên phòng dịch, 5 trường hợp là tiểu thương, người dân đi chợ đầu mối Hòa Cường được phát hiện khi đi khám tại cơ sở y tế. Ngoài ra, có 8 trường hợp chưa rõ nguồn lây.
Tại Bắc Ninh ngày 17/8, ghi nhận 19 F0 có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng và liên quan đến ổ dịch Chi nhánh Viettel Post (huyện Lương Tài). Đặc biệt phát hiện có F1 là học sinh tiểu học khiến nhiều học sinh trở thành F1 phải cách ly tập trung.
Hiện tỉnh này đang tổ chức xét nghiệm COVID-19 diện rộng, áp dụng các biện pháp ứng phó dịch bệnh.
Tại Nghệ An, trong ngày 17/8 công bố 59 trường hợp dương tính mới, đều liên quan đến 5 chợ gồm: chợ đầu mối nông sản Vinh, chợ Quang Trung (Tp Vinh), chợ Rồng (Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc), chợ Cầu và chợ Kim Liên (huyện Nam Đàn); lập kỷ lục về số mắc mới trong ngày từ khi xuất hiện dịch bệnh.
Chiều cùng ngày, Nghệ An thông báo tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt và các phương tiện vận chuyển khách bằng đường thủy nội địa trong địa bàn Tp Vinh và từ Tp Vinh đi đến các địa phương khác.
Liên quan đến Tp Vinh, hiện đã 6 chợ bị phong toả gồm: chợ đầu mối Vinh, chợ Bến Thủy, chợ Quyết, chợ Nghi n, chợ Quang Trung, chợ Mai Dâu. Tính từ ngày 13/6 đến nay, địa phương này có 594 ca nhiễm.
-
Thanh Hóa lần đầu ghi nhận ca nhiễm tại huyện Hậu Lộc
CDC Thanh Hoá cho biết, tối 17/8, tỉnh ghi nhận 3 ca dương tính mới, trong đó, huyện Hậu Lộc ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên kể từ khi tỉnh này có dịch.
Ca bệnh là nam giới, sinh năm 2000, trú tại xã Hòa Lộc về từ quận Gò Vấp, Tp HCM từ ngày 31/7 và được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly của huyện. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm và có kết quả 2 lần âm tính vào các ngày 3/8 và 9/8. Tại kết quả xét nghiệm lần thứ 3 vào tối 17/8, bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Hiện cả 3 bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện Phổi Thanh Hóa điều trị theo quy định. Từ ngày 27/4 đến 19h ngày 17/8, Thanh Hóa ghi nhận tổng cộng 187 ca bệnh.
-
Ninh Thuận xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở hàng nghìn con trâu, bò
Ngày 17/8, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, từ tháng 6 đến nay, có hơn 2,300 con bò tại 5 địa phương của tỉnh xuất hiện bệnh viêm da nổi cục, có 30 con đã chết.
Hiện ngành thú y đã chích vaccine cho 11,500 con trâu, bò. Dự kiến trong đợt tới, tỉnh sẽ chích ngừa cho hơn 73,500 con, tuy nhiên hiện Ninh Thuận đang giãn cách xã hội do COVID-19, nên việc chích ngừa bệnh viêm da nổi cục cho trâu bò chưa thể thực hiện trên diện rộng.
Bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò do virus thuộc họ Poxviridae gây ra, lây truyền chủ yếu qua các đường lây như: bị côn trùng (muỗi, ruồi, ve) đốt; qua máng uống nước và khu vực cho ăn; trâu bò mang mầm bệnh vận chuyển từ vùng này qua vùng khác…
Một số biểu hiện cho thấy trâu bò đã bị mắc là: Sốt cao, viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt, bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu.
Tại Việt Nam, dịch viêm da nổi cục xuất hiện đầu tiên ở Cao Bằng và Lạng Sơn, sau đó lây ra nhiều tỉnh, thành với hơn 137,000 con trâu, bò mắc bệnh và hơn 18,000 con đã chết.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm