Tin Việt Nam ngày 18/7: Tăng vọt gần 6,000 ca, Bộ Y tế công bố 29 ca tử vong, Hà Nội yêu cầu người dân ở nhà từ ngày mai, Cục Hàng không dừng tất cả đường bay chở khách đi/đến phía Nam
Nội dung trưa 18/7:
|
-
Thêm 12 ca nhiễm, Hà Nội ghi nhận 30 ca trong 6 giờ
Trưa nay (18/7), Hà Nội ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới tại Hai Bà Trưng (9 ca) , Hoàn Kiếm (1 ca), Đống Đa (1 ca) và Long Biên (1 ca), trong đó, 2 ca mắc mới phát hiện cùng 1 gia đình tại B6 Trại Găng, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng và 10 trường hợp là F1 liên quan đến chùm ca bệnh tại Chung cư Sunshine, Hoàng Mai, trong đó
Tính cả 18 ca ghi nhận vào sáng cùng ngày, trong 6 giờ Hà Nội thêm 30 ca dương tính COVID-19.
-
TP. HCM mở bán lại 13 chợ truyền thống với thí điểm thực phẩm tươi sống
Sở Công thương TP. HCM cho biết, dự kiến vào tuần tới, trên địa bàn thành phố sẽ có 13 chợ truyền thống tại nhiều quận/huyện được mở bán thí điểm các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được duyệt.
12 chợ truyền thống dự kiến được mở bán gồm: chợ Kiến Thành ở quận Bình Tân; chợ Xã Tây ở quận 5; chợ Phú Định và chợ Minh Phụng ở quận 6; chợ Phú Lợi 1, chợ Phú Định ở quận 8; chợ Nhật Tảo ở quận 10; chợ Bà Lát và chợ Vĩnh Lộc A ở huyện Bình Chánh; chợ Hóc Môn ở huyện Hóc Môn; chợ Cầu Kinh và chợ Ấp 3 ở huyện Nhà Bè.
Trước đó, từ ngày 16/7, chợ Phú Thọ ở quận 11 đã mở bán thí điểm với 6 tiểu thương kinh doanh, chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.
Theo Sở Công thương, tính đến ngày 1/7, trên địa bàn TP. HCM có 191 chợ ngưng hoạt động trong tổng số 237 (trong đó 3 chợ đầu mối, và 188 chợ truyền thống)
-
Quảng Ninh không chấp nhận kết quả test nhanh
Từ 0h hôm nay (18/7), người dân về Quảng Ninh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR, test nhanh không được chấp nhận.
Cụ thể, người ở các nơi về Quảng Ninh, người Quảng Ninh khi quay về tỉnh phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR âm tính không quá 72h kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm. Người đã chích đủ 2 liều vaccine COVID-19 vẫn phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Người từ vùng dịch về sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm RT-PCR định kỳ theo quy định; khai báo, giám sát sức khỏe, tiếp tục cách ly tại gia đình 7 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Đối với người trong và ngoài tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương có xe đưa đón hàng ngày của doanh nghiệp, đã đăng ký với các địa phương cấp huyện, hoặc Sở GTVT thì không cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải xét nghiệm sàng lọc tối thiểu 20% hàng tuần đối với người lao động.
Tài xế xe tải, xe container chở hàng hóa liên tỉnh, đặc biệt từ các tỉnh miền Nam, miền Trung phải khai báo y tế bắt buộc, có xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR âm tính không quá 72h…
-
Bình Dương thêm 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Ngày 18/7, tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Trường hợp tử vong đầu tiên, là nữ, sinh năm 1970, địa chỉ tại xã An Điền, thị xã Bến Cát, cách ly điều trị tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát hôm 11/7.
Đến 16/7, bệnh nhân diễn biến nặng và được chuyển điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương nhưng không qua khỏi. Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán: nhồi máu cơ tim, viêm phổi do COVID-19.
Trường hợp tử vong thứ 2, là nam, sinh năm 1996, địa chỉ tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một.
Trước đó, người này được điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên. Đến 7/7, nam bệnh nhân được chuyển điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng do bệnh tình chuyển biến nặng nên đã tử vong với chẩn đoán: viêm phổi mức độ nguy kịch biến chứng ARDS nặng do COVID-19.
Tính từ 27/4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 2,580 người mắc COVID-19, 6 trường hợp tử vong. Hiện tỉnh có 9 khu điều trị bệnh nhân COVID-19, với 2,947 bệnh nhân đang điều trị, trong đó, 48 người diễn biến nặng.
-
Lại đến Ninh Thuận phát phiếu đi chợ cho người dân
Ngày 18/7, thành phố Phan Rang, Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã áp dụng việc đi chợ truyền thống trên địa bàn bằng phiếu trong thời gian 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo đó, trong 15 ngày thực hiện giãn cách, mỗi hộ dân sẽ nhận 4 phiếu để vào chợ. Như vậy, người dân có thể đi chợ 2 lần/tuần luân phiên theo các ngày chẵn hoặc lẻ.
Tại cổng chợ, giới chức sẽ đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay sát khuẩn; kiểm soát, thu lại thẻ khi người dân vào chợ và lưu giữ thẻ theo ngày để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết.
Khi vào chợ, người mua hàng và tiểu thương được yêu cầu giữ đúng khoảng cách quy định, đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ.
-
Hàng không tăng chuyến, đưa người từ TP. HCM về quê
Trưa 18/7, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không làm việc với các địa phương, các đơn vị được ủy quyền, lập kế hoạch thực hiện các chuyến bay từ TP. HCM và các cảng hàng không khu vực phía Nam về các tỉnh/thành trên cở sở trọn gói.
Theo đó, phương án tổ chức chuyến bay phải được sự đồng ý của các địa phương tiếp nhận gồm: số lượng, hành trình di chuyển từ cảng hàng không đến nơi tiếp nhận, phương án giám sát theo hành trình di chuyển…
Toàn bộ hành khách bảo đảm có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 3 ngày hoặc xét nghiệm nhanh âm tính. Chi phí chuyến bay được xác định theo sự thống nhất giữa địa phương với hãng hàng không hoặc trực tiếp giữa hãng hàng không và người dân có nhu cầu trên cơ sở khung giá vận chuyển nội địa.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn tổ chức các điểm xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không, sân bay khu vực phía Nam.
-
Phát hiện lô hàng sừng tê giác, xương động vật nhập từ Nam Phi về Đà Nẵng
Sáng 18/7, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng khám lô hàng từ Nam Phi nhập về Cảng Tiên Sa, phát hiện số lượng lớn hàng hóa nghi là sừng tê giác, xương động vật hoang dã.
Trước đó, từ tháng 6/2021, lô hàng này được vận chuyển từ Nam Phi. Khi cập Cảng Tiên Sa vào ngày 17/7, lực lượng chức năng khám xét 1 container thì phát hiện hơn 138 kg sừng động vật nghi là sừng tê giác, hơn 3.1 tấn xương động vật nghi thuộc Danh mục các loài động vật hoang dã quy định trong Công ước quốc tế (CITES).
Tất cả số hàng được đóng gói bằng các thùng carton, quấn chặt bằng dây nylon với kích thước, chủng loại, trọng lượng khác nhau và được xếp rời trong container, được khai báo với mã hàng hóa là gỗ. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Xem thêm: