Tin Việt Nam ngày 17/9: Hơn 11,500 ca mắc mới, 212 ca tử vong, chuyên gia đề nghị Tp HCM dừng xét nghiệm diện rộng, chuyên gia phân tích nguy cơ COVID-19 bám trên bao bì đựng nông sản, Bộ Tài chính làm rõ thông tin ngân sách dự phòng ‘hết tiền’
Vượt 656,000 ca nhiễm, số ca thở máy và ECMO tăng
Tính đến sáng 17/9, Việt Nam có 656,129 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 651,726 ca. Có 423,551 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (320,823), Bình Dương (169,073), Đồng Nai (37,736), Long An (29,570), Tiền Giang (12,642).
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 16,425 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày hôm qua (16/9), Việt Nam ghi nhận 10,489 ca mắc mới, trong đó có 6,537 ca cộng đồng; giảm 101 ca so với ngày 15/9. Trong đó, Tp HCM tăng 434 ca, Bình Dương giảm 230 ca, Đồng Nai giảm 241 ca, Long An giảm 143 ca, Kiên Giang tăng 15 ca.
Ngày 16/9 Việt Nam có 234 ca tử vong tại 12 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu tại Tp HCM 160 ca, Bình Dương 46 ca, Long An 10 ca, Tiền Giang 6 ca… Ngoài ra có 5 ca tử vong ghi nhận tại Tiền Giang (3) và Kiên Giang (2) được bổ sung.
Trong số 5,750 bệnh nhân nặng đang điều trị, có 4,698 ca thở oxy, 1,052 ca thở máy và ECMO tăng so với ngày 15/9 (với 1,040 ca).
Đề nghị đưa kit xét nghiệm COVID-19 vào diện bình ổn giá
Chiều tối 16/9, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi thư kiến nghị lên Chính phủ về việc đưa kit xét nghiệm COVID-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá, đồng thời, cho các tổ chức y tế được bán theo giá cạnh tranh.
Ngoài ra, cộng đồng các doanh nghiệp này mong được khấu trừ chi phí xét nghiệm và ứng phó dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả; Các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.
Theo các hiệp hội, các kiến nghị này là những biện pháp quan trọng nhằm giảm giá xét nghiệm, hạ chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
14 hiệp hội doanh nghiệp gồm: Lương thực thực phẩm Tp HCM, Thực phẩm minh bạch, Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam; Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Da giày – Túi xách Việt Nam; Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp HCM; Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Giấy và bột giấy Việt Nam; Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Viện Kiểm định nói gì về hàm lượng kháng nguyên vaccine Vero Cell nhập cảng?
Về việc giám định lại vaccine Vero Cell (hay còn gọi là Sinopharm) mà Tổng Cục Hải Quan yêu cầu Cục Hải quan Tp HCM thực hiện, mới đây, đại diện Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) cho biết, kết quả hàm lượng kháng nguyên của các lô vaccine Vero Cell trên phiếu kiểm nghiệm ghi 7.2; 7.4; 7.8 hoặc 6.9U/liều đều nằm trong khoảng cho phép nên đều đạt yêu cầu.
Theo đại diện Viện Kiểm định, tiêu chuẩn đã được Bộ Y tế phê duyệt là hàm lượng kháng nguyên của sản phẩm cho phép trong khoảng từ 50% đến 200% hàm lượng đăng ký. Các lô đã nhập khẩu có hàm lượng kháng nguyên nằm trong khoảng 3.9-10.4U/liều (60-100%).
Đại diện Viện Kiểm định cho hay, trên nhãn mỗi lọ vaccine Vero Cell chích 2 liều, mỗi liều chích 0.5 ml tương đương 6.5U/liều, đây chính là hàm lượng kháng nguyên đăng ký.
Trước đó, ngày 15/9, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan Tp HCM lấy mẫu trưng cầu giám định để xác định thực tế hoạt chất, hàm lượng/nồng độ của vaccine Sinopharm nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, hồ sơ một số lô hàng vaccine Sinopharm do Công ty Một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu cho thấy: hoạt chất, hàm lượng/nồng độ trên Giấy phép là 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt, nhưng trên Phiếu kiểm nghiệm có kết quả là 7.2U; 7.4U; 7.8U hoặc 6.9U…
Trường hợp kết quả giám định xác định khác so với giấy phép nhập khẩu, thì Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để xử lý.
Trà Việt Nam chiếm hơn 50% tổng lượng nhập cảng tại thị trường Đài Loan
Theo thống kê của Cơ quan quản lý ngoại thương Đài Loan (BOFT), 8 tháng đầu năm 2021, Đài Loan đã nhập trên 22,170 tấn trà (chè) từ 32 đối tác trên toàn thế giới, trong đó, 53,29% là trà Việt Nam.
Về giá trị xuất cảng, trà Việt sang Đài Loan đạt 18.55 triệu USD, chiếm 30.59% tổng kim ngạch trà quốc gia này nhập khẩu.
Như vậy, so với cùng thời kỳ năm 2020, trà Việt xuất sang Đài Loan tăng 9.73% về lượng và 9% về giá trị. Với tỷ trọng xuất cảng lớn, Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu trong top 37 quốc gia xuất cảng mặt hàng này sang Đài Loan. Xếp hạng sau Việt Nam lần lượt là Srilanka, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản.
Hiệp hội chế biến trà Đài Loan cho biết, 56% trà nhập từ Việt Nam là các loại hồng trà; 33% là trà ô long và trà bao chủng, còn lại là trà xanh. Đa phần trà Việt Nam xuất cảng vào Đài Loan dùng cho thực phẩm (trà sữa, bánh) hoặc cần gia công thêm trước khi đóng gói.
Giá vàng giảm mạnh, mất 42 USD/ounce
Đầu ngày 17/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1,753 USD/ounce, ghi nhận một phiên giảm 42 USD/ounce tương đương 1.1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm mạnh trong bối cảnh doanh số bán lẻ tháng 8 của Hoa Kỳ tăng 0.7% sau khi đã giảm 1.8% vào tháng trước, dòng tiền thị trường dồn vào đồng USD.
Theo đánh giá của nhà phân tích Edward Moya của Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Hoa Kỳ), giá vàng thế giới đã rơi xuống vùng nguy hiểm và trở nên vô cùng rủi ro đối với người nắm giữ vàng. Giá vàng có thể dễ dàng lao xuống mức 1,700 USD/ounce bất cứ lúc nào.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/9, giá vàng SJC giữ nguyên ở mức 56.50 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 57.2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng thị trường nội địa cao hơn gần 9 triệu đồng/lượng.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm