Tin Việt Nam ngày 13/8: Gần 9,200 ca mắc mới, 275 ca tử vong, trên 3,700 bệnh nhân nặng/nguy kịch, tiếp nhận 200 máy thở từ Đức, 151 cơ sở giáo dục mầm non ở Tp HCM giải thể, 330 doanh nghiệp ở Hà Nội dừng hoạt động
Nội dung trưa 13/8:
|
-
Tp HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau ngày 15/8
Trưa 13/8, tại buổi họp báo, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy Tp HCM cho biết, thành phố sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau ngày 15/8.
Cũng theo ông Mãi, từ hôm nay đến 30/8, để áp dụng giãn cách phù hợp với từng vùng, thành phố sẽ sàng lọc, đánh giá và xét nghiệm, thiết lập vùng xanh, phong toả vùng đỏ. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, thì có thể kéo dài đến ngày 15/9, hoặc lâu hơn nũa.
Như vậy, nếu tính cả đợt này, hiện Tp HCM đã trải qua 8 đợt thực hiện giãn cách xã hội.
Trước đó, từ 0h ngày 31/5, Tp HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo Chỉ thị 16. Đến 14/6, thành phố quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15/6 đến 0h ngày 29/6.
Ngày 19/6, Tp HCM ban hành chỉ thị số 10, trong đó tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng… cho đến nay. Đến 0h ngày 9/7, Tp HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố trong 15 ngày.
Ngày 22/7, thành phố áp dụng chỉ thị 12 tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16. Đến ngày 23/7, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường theo Chỉ thị 16.
Gần đây nhất, Tp HCM ra văn bản tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày, kể từ 0h ngày 2/8.
-
Tp HCM có 900 nhân viên y tế, gần 2,200 trẻ dưới 16 tuổi đang điều trị COVID-19
Phát biểu tại họp báo ngày 13/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện thành phố ghi nhận 900 nhân viên y tế mắc COVID-19 trong khi điều trị bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, tham gia ứng phó dịch bệnh.
HCDC cho biết, tính đến 6h ngày 13/8, thành phố có 139,615 trường hợp mắc COVID-19 đã công bố, trong đó, có 139,220 trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng, 395 trường hợp nhập cảng.
Toàn thành phố hiện đang điều trị 32,917 bệnh nhân, trong đó, có 2,182 trẻ em dưới 16 tuổi, 1,612 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Từ hôm nay (13/8), thành phố này bắt đầu sử dụng 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm để chích cho cộng đồng.
-
Hà Nội thêm 43 ca dương tính, kêu gọi hàng trăm xe taxi hỗ trợ ứng phó dịch bệnh
12h ngày 13/8, Hà Nội thông báo về 24 ca dương tính, trong đó có 11 ca phát hiện ngoài cộng đồng, 13 ca tại khu cách ly.
24 ca mắc mới phân bố tại 7 quận/huyện gồm: Đông Anh (6), Đống Đa (6), Thạch Thất (4), Thanh Trì (3), Ba Đình (2), Nam Từ Liêm (2), Ba Vì (1); và phân bố tại 2 chùm ca bệnh gồm: sàng lọc ho, sốt (2), ho, sốt thứ phát (22).
Trước đó, sáng cùng ngày, CDC Hà Nội thông tin về 19 ca dương tính, trong đó có 8 ca phát hiện ngoài cộng đồng, 11 ca trong khu cách ly tập trung.
Các ca dương tính mới ghi nhận ở 9 quận/huyện gồm: Ba Đình (5), Hai Bà trưng (3), Hà Đông (3), Đông Anh (2), Gia Lâm (2), Thanh Trì (1), Quốc Oai (1), Hoàng Mai (1), Đống Đa (1); và được phân bố theo 2 chùm ca bệnh Ho sốt thứ phát (15), sàng lọc ho sốt (4).
Như vậy từ sáng đến trưa, Hà Nội ghi nhận 43 ca dương tính, nâng tổng số mắc trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) của thành phố lên 2,068 ca. Có 1,158 F0 phát hiện ngoài cộng đồng và 910 F0 đã được cách ly.
Cũng trong sáng 13/8, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi đăng ký dự phòng phương tiện, lái xe taxi trên địa bàn thành phố tham gia hỗ trợ ứng phó dịch COVID-19.
Cụ thể: Taxi Mai Linh, G7 Taxi và Taxi Group mỗi đơn vị dự phòng từ 100-150 xe (trong đó có 50 xe từ trên 5 chỗ đến dưới 9 chỗ).
Theo đó, xe 5 chỗ sẽ được sử dụng để vận chuyển các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể đi lại được. Xe từ 5-9 chỗ chuẩn bị phương án tháo dỡ ghế để vận chuyển các F0 không tự đi được.
-
Đồng Nai hỗ trợ đưa người dân 8 tỉnh về quê
Ngày 13/8, tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi nhận công văn từ địa phương, tỉnh sẽ hỗ trợ đưa công dân thuộc 8 tỉnh hiện đang sống, làm việc tại Đồng Nai về quê. 8 tỉnh gồm: Đăk Lăk, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Cà Mau và Bạc Liêu.
Ngoài ra, thực hiện các biện pháp giãn dân, tỉnh Đồng Nai đưa người ở 3 huyện, thành phố “vùng đỏ” gồm Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch về quê ở các huyện “vùng xanh”, “vùng vàng” như: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ… Bên cạnh đó, tỉnh có kế hoạch trưng dụng các khu nhà xưởng của các công ty đang ngưng sản xuất để giãn cách công nhân trong nhà trọ.
Theo CDC tỉnh Đồng Nai, đến sáng 13/8, tỉnh ghi nhận 12,131 ca nhiễm, trong đó có 90 ca tử vong. Ngành y tế Đồng Nai dự đoán thời gian tới, số ca lây nhiễm tiếp tục tăng, có thể 1,000-2,000 ca dương tính mỗi ngày.
-
Tiền Giang lập bệnh viện dã chiến số 7 lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long
Trong tuần này, tỉnh Tiền Giang sẽ đưa bệnh viện dã chiến số 7 với quy mô 3,000 giường vào hoạt động.
Bệnh viện được đặt tại trường Đại học Tiền Giang ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang, trực thuộc Sở Y tế Tiền Giang; để điều trị các bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tính cả bệnh viện trên, hiện tỉnh Tiền Giang có 7 bệnh viện dã chiến và 1 Trung tâm hồi sức, điều trị cho hơn 3,500 bệnh nhân COVID-19.
-
13 tấn thiết bị y tế do Thụy Sĩ tặng đã cập cảng sân bay Tân Sơn Nhất
Sáng 13/8, lô hàng viện trợ y tế của Chính phủ Thụy Sĩ đã về đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trước đó, Cơ quan Viện trợ Nhân đạo thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ cho biết, ngày 12/8, lô hàng 13 tấn thiết bị y tế (trị giá 125 tỉ đồng, tương đương 5 triệu CHF) của Chính phủ nước này viện trợ đã được vận chuyển từ sân bay Zurich đến Việt Nam.
13 tấn thiết bị y tế do Thụy Sĩ viện trợ gồm: 30 máy thở oxy, 500,000 bộ xét nghiệm kháng nguyên, 300,000 khẩu trang kháng khuẩn
Trước đó, tại chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 5/8, Phó Tổng thống Ignazio Cassis thông báo, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam 500,000 bộ kit xét nghiệm, 300,000 khẩu trang, 30 máy thở và một số trang thiết bị, vật tư y tế khác.
-
Giá rau, thịt, cá tại Đà Nẵng tăng gần gấp đôi
Sáng 13/8, tại nhiều khu chợ của Tp Đà Nẵng, giá các mặt hàng rau củ, thịt cá đã gia tăng đột biến sau khi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông báo quyết định của thành phố, sẽ thực hiện nghiêm phương án “ai ở đâu ở yên đó” trong 7 ngày.
Ghi nhận tại chợ Nguyễn Tri Phương, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, giá rau từ 6-7 ngàn đồng/bó lên 15 ngàn đồng/bó, tăng gấp đôi so với ngày thường.
Ở một số chợ khác, cá nục ngày thường chỉ bán ở mức 70-80 ngàn đồng/kg thì hôm nay lên đến 150 ngàn đồng/kg. Giá thịt lợn thì tuỳ khu vực, có nơi tăng 20-40 ngàn đồng/kg.
Các mặt hàng trứng cũng tăng giá không kém, cụ thể trứng gà công nghiệp tăng 10 ngàn đồng/12 quả, trứng vịt tăng từ 10 -17 ngàn đồng/chục.
Một người dân cho biết, các loại hàng đều tăng phi mã nhưng người dân vẫn hết hàng. Người dân chen nhau mua để tích trữ cho 7 ngày sắp tới.
Xem thêm